Sự Cải Cách Tin Lành (1517-1650)

1. Martin Luther (1480-1546). Một sử gia đã viết: "Cuộc Cải Cách xảy ra không vì Âu Châu quá trần tục mà là vì quá đạo đức." Martin Luther, một người cục mịch thuộc thành phần nông dân Ðức, đã phát sinh chủ thuyết tôn giáo lý tưởng của người dân Âu Châu. Ông cũng là một tu sĩ dòng Augustine rất nghiêm nhặt và đã chăm chỉ học hành để trở thành một giáo sư Kinh Thánh của Ðại Học Wittenberg nước Ðức. Khi là tu sĩ, ông không có bình an khi cố gắng xóa bỏ mặc cảm tội lỗi qua sự sám hối và từ bỏ chính mình, nhưng ông cảm thấy thoải mái khi nhận thức rằng con người được công chính hóa chỉ bởi lòng tin, như Thánh Phaolô đã giải thích trong thư gửi tín hữu Rôma. Ðây là yếu tố then chốt đã khiến Luther niêm yết Chín Mươi Lăm Luận Ðề về Ân Xá lên cửa nguyện đường ở Wittenberg năm 1517. Ông phản đối người Công Giáo khi lệ thuộc vào công việc lành, dù bất cứ việc gì, kể cả ân xá, để được cứu độ và được tha tội.

Ðiều cay đắng của Cải Cách Tin Lành là hầu hết những gì Luther tin tưởng và chủ trương lại là các học thuyết chính trực của Công Giáo nhưng đã bị biến dạng bởi sự lạm dụng và thực hành sai lầm trong Giáo Hội, tỉ như bán ân xá và vụ lợi. Không may, sự chỉ trích của Luther về những hủ tục có thực này đã không được để ý đến. Ðức Giáo Hoàng Lêô X chỉ ra lệnh cho vị bề trên của Luther phải sửa sai ông, coi đó như một tu sĩ phản loạn dám đặt lại vấn đề thẩm quyền ban ân xá của Giáo Hội.

Lúc đầu, Luther không có ý định từ bỏ Giáo Hội Công Giáo, nhưng ông cũng từ chối không rút lại các tuyên bố cho đến khi được điều trần trước một hội đồng. Năm 1519, ông đến Leipzig để gặp thần học gia Johannes Eck. Và Eck đã đưa đường chỉ lối cho Luther từ chối thẩm quyền của các giáo hoàng cũng như các công đồng, và coi Phúc Âm như nguồn thẩm quyền duy nhất. (Một trong những thành quả đáng kể sau này của Luther là việc chuyển dịch Phúc Âm sang tiếng Ðức, nhờ đó, sau khi phát minh ra máy in, mỗi một người Tin Lành Luther đều có một quyển Phúc Âm bằng tiếng mẹ đẻ của mình). Ðến lúc này, Luther không còn coi mình là một người Công Giáo nữa; do đó ông viết ba luận đề khước từ quyền bính của Giáo Hội Công Giáo và các giáo hoàng, tẩy chay các bí tích của Giáo Hội (ngoại trừ bí tích Rửa Tội, Thánh Thể, và giải tội), và ông kêu gọi các thái tử Kitô Giáo ở Ðức hãy đứng lên thành lập giáo hội tự trị. Tất cả đã xảy ra đúng như vậy. Hầu hết các thái tử Ðức đều muốn thoát khỏi thẩm quyền và chế độ thuế khóa của Rôma, do đó họ ủng hộ Luther và bổ nhiệm các giám mục cho Giáo Hội Luther của họ. Tại Nghị Viện ở Worms năm 1521, Luther bị Giáo Hội Công Giáo chính thức phạt vạ tuyệt thông với sắc chỉ Exsurge Domine, và ông đã đốt sắc chỉ này cũng như một số sách Công Giáo. Ðối với người Công Giáo, sự khước từ quyền bính Giáo Hội của Luther là một thảm kịch lớn lao, không chỉ vì nó khởi đầu một ngăn cách trong nhiệm thể của Ðức Kitô, nhưng còn vì sự canh tân tích cực và cần thiết mà lẽ ra Luther đã có thể hoàn tất trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Vì cuốn sách này chủ yếu chỉ đề cập đến lịch sử Giáo Hội Công Giáo, do đó chúng tôi không đi xa hơn trong việc bành trướng của Giáo Hội Luther. Tuy nhiên, thật đầy đủ để nói rằng giáo phái Luther là hình thức Tin Lành gần với Công Giáo nhất, vì Luther còn giữ lại nhiều khía cạnh của đức tin và truyền thống Công Giáo, ngoại trừ những gì ông cho là đối nghịch với Phúc Âm. Các giòng Cải Cách khác ngày càng tách biệt với đạo Công Giáo.

2. Jean Calvin (1509-64). Jean Calvin là người Pháp, và sau khi học thần học và luật ở Balê khi còn trẻ, bỗng dưng ông chuyển hướng sang các quy tắc của phong trào Cải Cách được Luther khởi xướng. Sau đó, Calvin định cư ở Geneva, Thụy Sĩ, là nơi ông chủ trương sự tổng hợp thẩm quyền giữa nhà nước và Giáo Hội, mà địa vị hàng đầu được trao cho Giáo Hội. Trong thuyết chính trị thần quyền này, Calvin gò ép ra một lối sống Kitô Hữu nghiêm nhặt và khắc khổ tương tự như các đan viện thời trung cổ. John Knox (1513-72) ở Tô Cách Lan, sau khi đến Geneva, gọi đời sống đó là "trường phái học hỏi về Ðức Kitô tuyệt hảo nhất trên mặt đất kể từ thời các tông đồ," và ông đã đưa chủ thuyết Calvin về Tô Cách Lan để trở thành Giáo Hội Presbyterian.

Văn bút vĩ đại của Calvin là cuốn Các Tổ Chức Kitô Giáo, nền tảng thần học của truyền thống Cải Cách. Calvin tẩy chay mọi tín điều không rõ ràng ghi trong Phúc Âm và chỉ tập trung đức tin vào Lời Chúa mà thôi. Giáo đường của ông màu trắng và thật trống trải. Không có bàn thờ, tượng ảnh, đàn organ, hay kính mầu. Mọi vết tích Công Giáo đều bị xoá sạch, ngoại trừ Phúc Âm. Lý thuyết của Calvin được tranh luận sôi nổi nhất là Thuyết Tiền Ðịnh, ông cho rằng ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã tiền định cho những ai được cứu rỗi và những ai bị luận phạt, do đó, công trạng con người không có giá trị gì. Vì được tiền định, những người được chọn chắc chắn sẽ sinh kết quả tốt đẹp qua sự chính trực và đời sống tốt lành của họ.

Giấc mơ hoán cải toàn thể nước Pháp của Calvin phần nào được thể hiện với sự bành trướng của phái Huguenot trong thế kỷ mười bảy.

3. Cuộc "Cải Cách Triệt Ðể". Jean Calvin tách rời khỏi đức tin Công Giáo một cách triệt để hơn Martin Luther. Tuy nhiên, lại có những nhóm Tin Lành Cải Cách tách biệt xa hơn với đức tin Công Giáo. Huldreich Zwingli (1484-1531) khởi sự một nhà thờ trong thành phố Zurich, Thụy Sĩ, và chủ trương rằng Bữa Tiệc Ly chỉ là một bữa tiệc có tính cách tưởng nhớ, do đó không có sự hiện diện thực sự của Ðức Kitô. Một cách cay đắng, Luther bất đồng với Zwingli về điểm này trong cuộc Hội Ðàm ở Marburg năm 1529.

Trước khi từ trần trong cuộc chiến năm 1531, Zwingli ra lệnh dìm chết một số người ở Zurich, là những người nhất định phải tái rửa tội người lớn và chủ trương chỉ có sự rửa tội người lớn mới có giá trị. Những người này được gọi là Anabaptist (tái tẩy) và họ đã đi quá xa. Họ từ bỏ Zurich để thiết lập các cộng đoàn nhỏ bé, sống khắng khít trong các vùng hẻo lánh ở Moravia về phía đông. Trong thời gian này, tên Anabaptist được dùng để chỉ nhiều tổ chức khác nhau, nhưng chung quy, họ đều cho rằng tín điều của người Công Giáo và Tin Lành thì quá cực đoan. Một người Anabaptist là Thomas Munzer, đã xách động cuộc cách mạng nông dân, và "Vua Munster" là John ở Leiden, đã tấn chiếm một thành phố và cho phép tình dục bừa bãi ở đây. Một vài người Anabaptist vô trách nhiệm này đã khiến một số Kitô Hữu đích thực bị bách hại vô cùng dã man, tỉ như những người Hutterite ở Moravia, mà họ cùng chia sẻ tài sản và sống một cách êm đềm và siêng năng, và những người Mennonite ở Hòa Lan, là những người theo chủ nghĩa hòa bình và sống rất khắc khổ. Có lẽ trong thời kỳ này, những người Anabaptist chết vì đức tin nhiều hơn bất cứ người Kitô Giáo nào khác. Họ bị bách hại bởi người Công Giáo và cả người Tin Lành, và họ từ chối việc sử dụng vũ lực để tự vệ.

4. Cuộc Cải Cách ở Anh Quốc. Chúng ta có thể nhận thấy ba giòng Cải Cách Tin Lành trước đây -- Luther, Calvin và Anabaptist -- ngày càng ít giống với Giáo Hội Công Giáo mà họ đã tách biệt. Trước đây, nguyên tắc của Công Giáo là sự hợp nhất của đức tin, bây giờ được thay thế bằng nguyên tắc của Tin Lành là sự tinh tuyền của đức tin, càng ngày càng có nhiều tổ chức phân lập, mỗi một tổ chức đều cho rằng mình tinh tuyền hơn và trung tín hơn với phúc âm của Ðức Giêsu Kitô. Dựa trên nguyên tắc này, sự Cải Cách đã không thể tránh được việc phân chia Giáo Hội thành nhiều thực thể khác nhau. Tuy nhiên, nhận định này không làm xao xuyến nhiều người Tin Lành mà họ cho rằng Ðức Giêsu đã thành lập một thực thể vô hình, thiêng liêng bao gồm tất cả những ai tin vào Ðức Kitô theo như họ nghĩ, chứ không phải một thực thể hữu hình, có quá trình lịch sử đang hiện diện trong hình thức hợp nhất trên thế giới như người Công Giáo hiểu biết về giáo hội. Ðây là một trong những khác biệt quan trọng trong sự hiểu biết giữa người Công Giáo và hầu hết người Tin Lành.

Tuy nhiên, giáo hội Cải Cách có quan điểm rất gần với Công Giáo, ít ra là lúc ban đầu, đó là Giáo Hội Anh Quốc, Anh Giáo. Vì lý do luân lý hoặc chính trị, Giáo Hội này được thành lập bởi Vua Henry VIII của nước Anh. Trước đó, Henry được một giáo hoàng đặt làm Người Bảo Vệ Ðức Tin. Sau đó, ông quyết định li dị người vợ của mình là bà Catherine ở Aragon, chỉ vì bà không sinh được con trai để thừa tự. Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VII từ chối không cho phép Henry li dị. Sau khi Ðức Hồng Y Wolsey, là Tổng Giám Mục của Canterbury, không thuyết phục được đức giáo hoàng để ban cho nhà vua điều này, Henry đã cách chức Wolsey năm 1529, và bổ nhiệm một người bạn tín cẩn là Sir Thomas More, một luật sư Công Giáo lên làm quan chưởng ấn của Anh. Thomas More, một người Công Giáo trung thành với đức giáo hoàng, khẳng định rằng ông chỉ chấp nhận chức vụ này nếu không dính líu đến vấn đề li dị của nhà vua. Vào năm 1534, khi Henry tự xưng là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh và cắt đứt liên hệ với Rôma, Thomas More đã từ chối không chịu tuyên thệ trung thành với nhà vua dưới danh hiệu này, và ông cũng từ chối không cho biết lý do. Trên phương diện luật pháp, lẽ ra cuộc đời của Thomas More đã được bình an vô sự, vì luật lệ của Anh cho rằng im lặng là đồng ý. Tuy nhiên, Henry không để sự "sơ hở" của luật pháp dung túng kẻ chống đối mình, nhất là một người nổi tiếng trong nước như Thomas More, do đó Thomas More đã bị chém đầu vào năm 1535, như một vị tử đạo vì đức tin Công Giáo. John Fisher, đức giám mục của Rochester cũng bị chém đầu, sau này cả hai vị đều được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng là thánh.

Mặc dù khởi đầu của Anh Giáo là sự bất đồng với Công Giáo chỉ ở một điểm -- thẩm quyền lãnh đạo của đức giáo hoàng -- dưới thời các nhà lãnh đạo sau này, Anh Giáo ngày càng bị ảnh hưởng của Calvin và càng giống Tin Lành về phương diện đức tin. Người Công Giáo trong thế kỷ mười sáu và mười bảy bị bách hại một cách cay đắng ở Anh. Những người theo đức giáo hoàng được coi là phần tử phá hoại làm suy yếu nhà nước, nhất là sau khi Guy Fawkes, một người Công Giáo, mưu toan phá vỡ Nghị Viện Anh nhưng bất thành. Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ, một phần lớn Anh Giáo đã trở về với đặc tính của Công Giáo, và do đó ngày nay, nhiều người Anh Giáo tự coi họ là người Công Giáo hơn là người Tin Lành.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên