Giai đoạn bảy trăm năm này của lịch sử Kitô Giáo được ghi dấu bằng sự hoán cải của các dân tộc và các bộ lạc. Ðó cũng là thời kỳ xáo trộn chính trị, và các xung đột xảy ra là để xác định mối tương giao đúng đắn giữa Giáo Hội và nhà nước. Ở Tây Phương, điều này đưa đến sự xuất hiện "thế giới Kitô Giáo," sự liên minh giữa Giáo Hội và nhà nước. Thế giới Kitô Giáo đem lại nhiều kết quả nhưng cũng tạo nên sự căng thẳng liên tục giữa các giáo hoàng và hoàng đế, giữa các vị lãnh đạo Giáo Hội và nhà nước. Ngoài ra còn có sự căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã của Tây Phương và Giáo Hội Chính Thống Giáo Thánh Thiện của Ðông Phương. Các lạc giáo và sự xuyên tạc đức tin Kitô Giáo chân chính bắt đầu xuất hiện.

Cũng có những tiến bộ đáng kể trong Kitô Giáo thời Trung Cổ. Một số các học giả cũng như thánh nhân Kitô Giáo xuất hiện, và văn hóa Kitô Giáo đạt đến tầm mức mới trong lãnh vực nghệ thuật, văn chương, kiến trúc, và thần học. Các dòng tu mới cũng phát triển, đem lại đời sống mới cho Giáo Hội, và các đan viện cũ được canh tân. Trong thời kỳ này, có lúc tưởng như Kitô Giáo đang trên bờ vực thẳm, nhưng ơn Chúa mạnh mẽ hơn bất cứ tình thế nào đã giúp Giáo Hội vượt qua giai đoạn đầy hiểm họa và chúc lành cho Giáo Hội với sự chiến thắng và sự phát triển. Các thế lực chính trị đã ngăn chặn công cuộc truyền giáo phát triển ra ngoài ranh giới của Âu Châu và Byzantine (khu vực phía đông của Ðịa Trung Hải), nhưng đó là thời gian để biến Âu Châu thành một lục địa Kitô Giáo và để duy trì đức tin ở Ðông Phương trước sự tràn lan của Hồi Giáo.

Thế Kỷ Thứ Bảy

Sự sụp đổ của Ðế Quốc Rôma cũ đã không làm nản lòng Thánh Grêgôriô Cả, vị giáo hoàng từ 590 đến 604, là người đặt nền tảng cho Giáo Hội ở Tây Âu trong thời Trung Cổ. Khi các nhà cầm quyền thế tục thất bại, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô đã nắm quyền kiểm soát miền trung nước Ý và đã cứu Rôma thoát khỏi nhiều cuộc xâm lấn của giặc Lombard. Ngài gửi các đại diện đến các giáo hội Tây Phương để khuyến khích và kiên cường họ trung thành với đức giáo hoàng. Các văn bản về thần học và linh đạo của ngài đã hướng dẫn tư duy thời Trung Cổ. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô I đã đích thân sai một đan sĩ Biển Ðức, Thánh Augustine, đến hoán cải người Angle và người Saxon ở Anh Quốc. Không bao lâu, vua Aethelbert của xứ Kent đã rửa tội, và Thánh Augustine được đặt làm giám mục của Canterbury. Các đan sĩ Ái Nhĩ Lan hoặc Celtic (Xen-tơ), do các thánh Adian và Cuthbert hướng dẫn, đã giúp hoán cải toàn thể nước Anh. Không bao lâu, Anh Quốc đã gửi các nhà truyền giáo đi khắp Âu Châu, tỉ như một đan sĩ Dòng Biển Ðức là Willebrord, nổi tiếng là vị Tông Ðồ cho người Hòa Lan đã được đặt làm giám mục cho phần đất này vào năm 695.

Trong Kitô Giáo Ðông Phương, công đồng thứ sáu được triệu tập ở Constantinople từ 680 đến 681 (Công Ðồng Constantinople III). Các giám mục lên án điều tin tưởng sai lạc là Ðức Giêsu chỉ có một ý chí, là ý chí Thiên Chúa, do lạc giáo Monotheletism chủ xướng. Nếu Ðức Giêsu có hai bản tính, thiên tính và nhân tính, thì Người cũng phải có hai ý chí -- thiên ý và nhân ý.

Về phương diện chính trị, Hồi Giáo là đám mây đen ở chân trời. Mohammed từ trần năm 632, và các tín đồ của ông ngày càng gia tăng thế lực về quân sự và đe dọa xâm lăng Âu Châu. Chỉ sau khi họ bại trận trong các cuộc chiến chống với lực lượng Kitô Giáo Ðông Phương ở Constantinople từ 674 đến 678, và từ 717 đến 718, và ở mặt trận Tours năm 732, lúc ấy Âu Châu mới thoát khỏi sự chinh phục của các lực lượng Hồi Giáo.

Thế Kỷ Thứ Tám

Việc hoán cải các bộ lạc ở Âu Châu tiếp tục trong thế kỷ thứ tám dưới sự lãnh đạo của đan sĩ người Anh Dòng Bênêđíctô, là Thánh Boniface, vị Tông Ðồ của Ðức; ngài truyền giáo từ 723 đến 739. Thánh Boniface là một trong hàng trăm đan sĩ Bênêđíctô đã sống chết trong việc thiết lập đức tin Công Giáo ở Âu Châu, dưới sự dẫn dắt của đức giáo hoàng.

Với sự tiếp tay của Thánh Boniface, đức giáo hoàng liên minh với các vua của người Frank ở xứ Gaul (bây giờ là nước Pháp), khởi đầu từ Vua Pepin (hoặc Pippin). Năm 754, Ðức Giáo Hoàng Stêphanô II xức dầu tấn phong Pepin và ban tặng cho ông danh hiệu Quý Tộc Rôma, là một danh hiệu nguyên thủy chỉ ban tặng cho các hoàng đế La Mã. Ðiều này tạo nên sự trung kiên giữa đức giáo hoàng và các vua người Frank, mà tột đỉnh của mối giao hảo là lễ đăng quang của Charlemagne, con của Pepin, ở Rôma năm 800. Sự tương giao giữa các giáo hoàng và Charlemagne được triển nở trong nhiều năm. Hậu quả không may của liên minh này là sự xa cách của Giáo Hội Ðông Phương, vì giáo hội này vẫn trung thành với hoàng đế Byzantine ở Constantinople, là người mà họ coi là hoàng đế đích thực của Rôma. Mối tương giao giữa các giáo hội Ðông Phương và Tây Phương lại càng thêm rạn nứt khi Charlemagne, vì bất đồng với một quyết định của Công Ðồng Nicaea II của Giáo Hội Ðông Phương (787), mà ông đã đem quân giành lại phần đất mà hoàng đế Byzantine cho là của họ, và ông còn ép buộc Giáo Hội Ðông Phương phải thêm chữ filioque vào Kinh Tin Kính Nicaea. Nguyên thủy, kinh Tin Kính tuyên bố rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha (Gioan 15:26); bản kinh của Tây Phương mà Charlemagne tán thành (và người Công Giáo Rôma ngày nay sử dụng) tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (filioque). Ðiều này cho thấy khuyết điểm của sự liên minh chặt chẽ giữa Giáo Hội và nhà nước. Charlemagne là người cực lực bảo vệ Giáo Hội và giúp phát triển đức tin cũng như Giáo Hội Công Giáo; tuy nhiên, ông cũng muốn kiểm soát Giáo Hội và có những quyết định về thần học. Có lần, ông viết thư cho đức giáo hoàng nói rằng công việc của đức giáo hoàng là cầu nguyện cho Giáo Hội, còn công việc của ông, một hoàng đế, là cai quản Giáo Hội. Trên nguyên tắc, có sự phân biệt giữa thế quyền và thần quyền, nhưng trong thực tế, có những hoàng đế hoặc vua quan muốn nắm cả thần quyền, và cũng có các giáo hoàng muốn kiểm soát cả vấn đề chính trị và thế gian. Nhiều khi vua quan và các nhà cai trị thế tục muốn có quyền tuyển chọn và tấn phong linh mục và giám mục mà không cần hội ý của đức giáo hoàng hay các giám mục khác. Thói quen này, được gọi là giáo dân tấn phong giáo sĩ (lay investiture), là một trong những bất hòa lớn giữa các giáo hoàng và nhà cầm quyền thời Trung Cổ. Muốn được an toàn vì có hoàng đế hay vua là người theo Kitô Giáo thì phải chịu sự can thiệp của họ vào nội bộ Giáo Hội.

Phương cách mở rộng Kitô Giáo của Charlemagne là đem quân đi chinh phục lãnh thổ, rồi sau đó ông bắt người dân bị trị phải lựa chọn việc rửa tội "bằng nước hay bằng máu." Ðây là thời kỳ khắc nghiệt khi biết bao người không được học hỏi về đạo mà theo đạo chỉ vì sợ nhà cầm quyền. Ðạo Công Giáo trở nên đạo xu thời, trong đó người dân được rửa tội hàng loạt với hy vọng sau này họ sẽ được học hỏi thêm về đức tin Kitô Giáo. Giáo Hội sợ bị rơi vào tình trạng ngoại giáo.

Ðể duy trì nền văn minh và giáo dục đức tin các tân tòng, người ta trông đợi ở các đan viện. Chính Charlemagne cũng cố gắng làm sống lại tinh thần học hỏi bằng cách tụ họp các học giả ngay trong dinh của ông -- đứng đầu bởi một đan sĩ người Anh có học thức, tên Alcuin -- và ông ra lệnh mỗi giám mục phải mở một trường học trong khuôn viên thánh đường của mình. Ðiều đó có ảnh hưởng đôi chút, nhưng sau khi Charlemagne từ trần và Ðế Quốc Carolingian bị chia cắt, tinh thần học hỏi tàn dần. Ngoại trừ các đan viện, Âu Châu chìm vào thời kỳ tăm tối của kiến thức và tâm linh.

Khi Kitô Hữu Ðông Phương chống với các lực lượng Hồi Giáo, họ cũng phải trải qua sự khủng hoảng thần học trong thế kỷ thứ tám. Vào năm 730, hoàng đế Byzantine là Lêô III, ban hành một sắc lệnh cấm Kitô Hữu không được sùng kính ảnh tượng, dù là ảnh Ðức Kitô hay các thánh. Mặc dù đây là phần quan trọng trong đời sống tâm linh của Kitô Hữu Ðông Phương, vua Leo III thấy việc "thờ ảnh tượng" đã bị cấm chỉ trong Phúc Âm, do đó ông ra lệnh phá hủy tất cả các ảnh tượng. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô III và nhiều Kitô Hữu Ðông Phương phản đối điều này, nhưng phải đợi đến khi Hoàng Hậu Irene triệu tập Công Ðồng Nicaea II (là công đồng thứ bảy) năm 787 thì việc sùng kính ảnh tượng mới được cho phép. Công đồng này phân biệt giữa sự sùng kính ảnh tượng thánh và sự thờ phượng, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Giáo Hội Công Giáo Rôma luôn luôn đồng ý với điều này, và thường dùng các hình ảnh, tranh vẽ, kính mầu, tượng điêu khắc để dạy bảo và nhắc nhở giáo dân về các chân lý đức tin. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô từng viết, "Hình ảnh là sách của giáo dân," vì đa số dân chúng thời ấy không có học.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên