Bài 3

I. Các bí tích

Các bí tích chia làm ba nhóm: nhóm khai tâm, nhóm chữa lành và nhóm xây dựng cộng đoàn (CG 1212, 1421, 1534).

1. Nhóm các bí tích khai tâm

Nhóm này bao gồm ba bí tích: Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể.

· Nhờ bí tích Thánh Tẩy con người được tái sinh trong đời sống mới, được tham dự vào đời sống thần linh, và được hiệp thông với Giáo Hội (GL 1263-1271).

· Mặc dù bí tích Thánh tẩy là điều kiện tiên quyết phải lãnh trước khi đón nhận các bí tích khác (GL 849), nhưng bí tích Thánh Thể lại trở nên trung tâm đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Tất cả các bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và quy hướng về đó (GL 1324). Khi cử hành Thánh Thể, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (GL 1067). Mầu nhiệm này là nền tảng và nguồn mạch của tất cả phụng vụ kitô giáo (CG 1067).

· Nhờ bí tích Thêm sức chúng ta đi sâu vào tình nghĩa tử của Thiên Chúa khi gọi Người là Cha “Abba” (Rm 8,15), được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô hơn, được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô hơn, được gia tăng các ơn Thánh Thần, được liên kết trọn vẹn hơn với Giáo Hội và nhận được sức mạnh của Thánh Thần để làm chứng cho Tin Mừng (GL 1303).

2. Nhóm các bí tích chữa lành

Nhóm này gồm hai bí tích hoà giải và xức dầu bệnh nhân.

· Nhờ bí tích hoà giải Chúa Giêsu tha tội và ban ơn thánh cho người tội lỗi, Ngài hoà giải con người với Thiên Chúa và với vạn vật. Qua bí tích hoà giải, Thiên Chúa biểu lộ tình thương của người với nhân loại tội lỗi và đồng thời diễn tả ơn cứu độ phổ quát của Chúa Kitô (CG 1468-1469).

· Nhờ bí tích xức dầu Chúa Giêsu nâng đỡ người đau yếu bằng cách ban Thánh Thần để họ vượt thắng các khó khăn của bệnh tật và tuổi già, để họ kết hiệp mật thiết hơn với Đức Kitô khổ giá, để họ biểu lộ sự hiệp thông với Giáo Hội và để chuẩn bị cho cuộc ra đi lần cuối (CG 1520-1523).

3. Nhóm các bí tích xây dựng cộng đoàn

Nhóm này gồm hai bí tích Truyền chức và Hôn phối.

· Nhờ bí tích Truyền chức người kitô hữu được thánh hiến để nhân danh Đức Kitô dẫn dắt đoàn chiên Chúa bằng Lời và ân sủng của Ngài (CG 1535).

· Nhờ bí tích Hôn Phối, vợ chồng kitô hữu được thánh hiến để đón nhận các bổn phận và phẩm giá của đời sống hôn nhân (GL 1534-1535).



II. Các cử hành phụng vụ khác

1. Các á bí tích

Các á bí tích là những dấu chỉ thánh, được Giáo Hội thiết lập phỏng theo các bí tích, để nhờ đó biểu trưng những hiệu qủa, nhất là những hiệu quả thiêng liêng, và thông ban các hiệu quả đó nhờ lời bầu cử của Hội Thánh. Các á bí tích giúp con người chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của bí tích và thánh hoá những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống (PV 60; GL 1166-1167; CG 1667).

Các á bí tích bao gồm các phép lành và việc trừ tà (CG 1671-1673). Các phép lành gồm ba loại: loại chúc lành trên người (ví dụ chúc phong viện phụ, khấn dòng, thánh hiến trinh nữ), loại chúc lành nơi chốn (ví dụ cung hiến nhà thờ mới, làm phép nhà, công sở, trường học …) và loại chúc lành trên sự vật (ví dụ làm phép ảnh tượng, tràng hạt, các dụng cụ làm việc ..). Đàng khác, việc trừ tà chỉ dành cho linh mục đạo đức và khôn ngoan đã được Bản quyền cho phép cách đặc biệt và rõ ràng (GL 1172).

2. Giờ kinh phụng vụ

Mục đích của giờ kinh là thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh hoạt của con người (GK 11). Giáo Hội cử hành giờ kinh để thi hành chức năng tư tế mà Chúa Kitô ủy thác, Giáo Hội cũng cầu nguyện liên lỉ để chúc tụng Thiên Chúa và thánh hoá đời sống nhân loại, như lời Chúa Kitô dạy “Phải cầu nguyện không ngừng” (Lc 18,1).

Các giờ kinh phụng vụ được phân chia theo mùa phụng vụ và các ngày lễ giống như khi cử hành thánh lễ. Tuy nhiên, vì giờ kinh có mục đích thánh hóa ngày sống nên cấu trúc giờ kinh được chia đều trong một ngày. Có 5 giờ kinh khác nhau trong một ngày: Kinh Sách, Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và Kinh Tối. Khi đọc các giờ kinh cần cố gắng sao cho phù hợp với giờ thật trong ngày, không nên ban sáng đã đọc Kinh Tối hoặc đến tối lại đọc Kinh Sáng (GK 29).

3. An táng

Giáo Hội cử hành nghi thức an táng cho người quá cố để diễn tả niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Kitô, chính niềm tin này soi sáng cho ý nghĩa của cái chết. Đối với người tín hữu, chết là kết thúc đời sống bí tích nhưng lại khởi đầu sự viên mãn của cuộc tái sinh mới đã bắt đầu qua ơn bí tích Thánh tẩy.

Người ta cần phân biệt thánh lễ an táng và nghi lễ an táng là hai cử hành khác nhau. Thánh lễ an táng là cử hành thánh lễ với các bản văn phụng vụ về lễ cầu hồn; nghi lễ an táng là cử hành các nghi thức công giáo trước khi đem chôn thi hài người quá cố. Thông thường nghi lễ an táng được cử hành trong thánh lễ an táng. Tuy nhiên vì hoàn cảnh tang gia và việc bảo trì thi hài người quá cố, nhiều khi bắt buộc phải an táng thi hài người quá cố vào những ngày luật phụng vụ không cho phép cử hành thánh lễ an táng, lúc đó người ta có nghi lễ an táng nhưng không có thánh lễ an táng. Thánh lễ cầu hồn chỉ cho người chết sẽ được cử hành vào một ngày khác thuận tiện hơn (AT 6) [1].

4. Chầu Thánh Thể và phép lành Mình Thánh Chúa

Chầu Thánh Thể là hành vi phụng vụ nhằm biểu lộ đức tin công khai vào sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Khi chầu Thánh Thể con người khám phá tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu trao ban cho con người, từ đó họ múc lấy sinh lực dồi dào cho việc dấn thân và tự hiến cho anh em. Việc chầu Thánh Thể thường được chia làm hai loại: loại lâu giờ có thể kéo dài cả ngày lẫn đêm (được tổ chức tại các trung tâm tôn thờ Thánh Thể, hay các phiên chầu lượt), và loại ngắn giờ, tức trong khoảng thời gian ngắn (ví dụ 30 phút, 1 giờ, 2 giờ). Khi chầu Thánh Thể, đối tượng thờ lạy là Chúa Giêsu Thánh Thể, vì thế không nên pha tạp việc tôn kính các thánh hay những việc đạo đức bình dân (TT 95).



BÀI HỌC GHI NHỚ



1. Phụng vụ bao gồm hai loại cử hành chính sau đây: loại các bí tích do Chúa Kitô thiết lập và loại các cử hành khác do Giáo Hội thiết lập. Các bí tích do Chúa Kitô thiết lập có giá trị trổi vượt trên mọi cử hành khác do Giáo Hội thiết lập.

2. Trung tâm của tất cả phụng vụ Kitô giáo là bí tích Thánh Thể, mọi cử hành khác phải quy hướng về đó.

3. Trong các á bí tích, thì các phép lành trên người chiếm vị trí quan trọng hơn, đặc biệt hai nghi thức chúc phong viện phụ và khấn dòng đứng đầu trên mọi á bí tích (GM 720).

4. Được phép cử hành nghi thức an táng vào lúc thuận tiện, nhưng chỉ được phép cử hành thánh lễ an táng (tức bản văn phụng vụ của lễ cầu hồn) vào những ngày quy luật phụng vụ cho phép mà thôi (RM 380).

5. Trước Thánh Thể để công khai cho chúng ta tôn thờ người ta chỉ quy hướng về Chúa Kitô, vì thế nên đọc Lời Chúa, suy niệm, hát Thánh vịnh, dâng lời nguyện, thinh lặng … (TT 95-96).






--------------------------------------------------------------------------------

[1] Bạn có thể tham khảo các quy luật cử hành thánh lễ an táng trong “Lm Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ các bí tích”, Đại chủng viện thánh Giuse, 2000, trang 164-166

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên