Hoạch Ðịnh của Thiên Chúa: Hình Thành một Dân Tộc

Kitô Giáo là gì? Công Giáo là gì? Ðó chỉ là một triết lý sống, một mớ giáo huấn, hay các quy tắc hướng dẫn đời sống?

Không phải vậy, Kitô Giáo không phải là một lý tưởng mà là một thực thể có mặt trong lịch sử loài người. Kitô Giáo đề cập đến:

Một con người: Ðức Giêsu Kitô, vị "sáng lập" Kitô Giáo.

Một dân tộc: mà Thiên Chúa đã hình thành trên mặt đất này.

Một lối sống: mà Thiên Chúa đã ban cho dân của Người.

Những chương sau đây sẽ nhìn đến bản chất và lịch sử của một dân tộc mà Thiên Chúa đã mời gọi và hình thành trên trái đất: dân tộc của Chúa.

Làm thế nào để biết Kitô Giáo và Công Giáo chính yếu đề cập đến sự hình thành một dân tộc của Thiên Chúa để trở nên dân riêng của Người? Chúng ta hãy nhìn đến Phúc Âm, được linh ứng để ghi lại sự mặc khải và công việc của Thiên Chúa.

Cựu Ước là câu chuyện của một dân tộc mà Thiên Chúa đã mời gọi và dạy dỗ để đưa loài người trở về với tình bằng hữu của Ngài, sau sự bất tuân của Adong và Evà. Ông Abraham là "tổ phụ" của dân tộc này vì đã trung thành đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã "giao ước" với Abraham, một thỏa thuận chính thức, làm nền tảng cho sự tương giao giữa Thiên Chúa và dân của Người. Kitô Hữu gọi giao ước với ông Abraham và dân Do Thái (Hebrew) là "Cựu Ước" vì sau này nó được thay thế bằng "Tân Ước," như đã được tiên đoán bởi Giêrêmia, một ngôn sứ.

"Ðây Ðức Chúa phán: Sẽ đến ngày Ta lập một giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng khi Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã vi phạm giao ước của Ta. ... Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - Ðức Chúa nói như vậy. Ta sẽ ghi luật lệ của Ta vào lòng dạ chúng, và Ta sẽ khắc luật ấy vào tâm khảm chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, không còn kẻ này nói với người kia: 'Hãy biết Ðức Chúa,' vì tất cả chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - Ðức Chúa nói như vậy. Ta sẽ tha thứ tội ác chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa" (Giêrêmia 31:31-34)

Cựu Ước kể cho chúng ta nghe về lòng thương xót và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trong việc hình thành và dạy dỗ người dân thời Cựu Ước, được gọi là dân Do Thái. Tuy nhiên, ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta rằng Cựu Ước thì hạn hẹp và không hoàn hảo. Lối sống mà Thiên Chúa đã ban cho dân thời Cựu Ước được nói rõ trong Lề Luật, nhất là Mười Ðiều Răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân qua ông Môisen; nhưng người dân thường vi phạm Lề Luật vì nó chỉ bề ngoài, không được "viết vào tâm hồn của họ."

Cựu Ước không phải là hoạch định sau cùng của Thiên Chúa. Ngài chuẩn bị người dân thời Cựu Ước cho một điều gì đó - tốt đẹp hơn. Thiên Chúa chuẩn bị họ để đón nhận sự giáng thế của Ðấng Thiên Sai, "người được xức dầu" của Thiên Chúa sẽ thiết lập Tân Ước để bổ sung và hoàn tất công trình của Thiên Chúa. Tân Ước tiếp tục câu chuyện của Chúa trong sự hình thành một dân tộc, dân tộc của Thiên Chúa thời Tân Ước.

Thiên Chúa có nhiều điều vô cùng ngạc nhiên cho dân của Người. Ðấng Thiên Sai mà người dân Cựu Ước trông đợi thì không phải là một con người bình thường, cũng không phải là một thiên sứ như thiên thần. Ðấng Thiên Sai là Thiên Chúa Con, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngài đã mặc lấy xác phàm và sống giữa chúng ta như một con người -- là Ðức Giêsu ở Nagiarét. Ðức Giêsu là Kitô, Ðấng Thiên Sai, Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa Cha sai xuống để hoàn tất Cựu Ước và để tạo thành một dân tộc mới, dân tộc của Tân Ước. Trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Ðức Giêsu đã cầm lấy chén rượu và nói, "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, được đổ ra vì anh em" (Luca 22:20). Máu Ðức Giêsu được đổ ra trên thập giá ở Calvê, đã niêm phong và bắt đầu một Giao Ước Mới, một tương giao mới giữa Thiên Chúa và loài người. Máu Ðức Giêsu đổ ra trên thập giá đem lại sự tha thứ mọi tội lỗi của nhân loại. Như ngôn sứ Giêrêmia đã nói: "Ta [Thiên Chúa] sẽ tha thứ tội lỗi của chúng, và Ta sẽ không nhớ đến tội lỗi của chúng nữa" (Giêrêmia 31:34).

Sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu bắt đầu sự sống của một dân tộc mới, dân tộc của Tân Ước. Dân tộc này tin tưởng rằng Ðức Giêsu đích thực là Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa gửi đến; họ tin rằng Thiên Chúa đã chứng thực điều ấy bằng cách nâng Ðức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết -- qua sự phục sinh. Sau đó dân tộc này nhận được sự sống mới qua Chúa Thánh Thần mà Ðức Giêsu đã hứa với họ. Ngài nói:

"Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không chịu đựng nổi. Khi Thần Khí chân lý đến, Người sẽ giúp anh em hiểu biết tất cả những sự thật; vì Người sẽ không lấy quyền của mình mà nói, nhưng Người sẽ nói lại tất cả những gì nghe biết, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy ra" (Gioan 16:12-13).

Lời Ðức Giêsu hứa sai Thần Khí đến được thể hiện vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi một trăm hai mươi người đang cầu nguyện tại Giêrusalem và Thần Khí ngự trên mỗi người giống như "lưỡi bằng lửa" (TÐCV 2:3). Ðiều này đã hoàn tất lời tiên đoán của Giêrêmia rằng luật lệ của Thiên Chúa sẽ được đặt trong con người họ và "được viết vào tâm hồn họ." Như Thánh Phaolô Tông Ðồ viết cho giáo đoàn ở Rôma, "Luật lệ của Thần Khí sự sống của Ðức Kitô đã giải thoát tôi khỏi luật lệ của tội lỗi và sự chết" (Roma 8:2). Thần Khí ấy cũng giúp dân tộc mới của Thiên Chúa nhận biết Ngài một cách cá biệt hơn, cũng như hiểu được thánh ý và sự hướng dẫn của Ngài từ bên trong tâm hồn, hơn là những quy luật bề ngoài. Thật vậy, người dân của Thiên Chúa được Ðức Giêsu hứa ban Thần Khí sẽ không cần phải hỏi nhau, "Ai là Thiên Chúa?" vì tất cả đều biết Thiên Chúa, từ người thấp hèn nhất đến người cao trọng nhất, đúng như ngôn sứ Giêrêmia đã tiên đoán.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên