Bấy giờ là năm 325. Gia đình bé Mạc-Tin vừa rời nhà về Pivia nước Ý. Mạc-Tin đang say sưa chiêm ngắm khu vườn rộng thênh thang từ nay thuộc về gia đình mình. Đột nhiên bé nghe tiếng bọn con trai từ cuối vườn. Bé lần mò về phía có tiếng n
-Ê anh bạn! Ăn táo không? Chụp nè!
Mạc-Tin giật mình nhìn lên cành táo nặng trĩu những trái chín, một đứa từ trên cây nhô đầu ra, nó ném một trái cho Mạc-Tin. . . . Rồi lại một cái đầu khác xuất hiện.
-Trèo lên đây anh bạn! Vườn này bỏ hoang, không ai rượt chúng mình đâu mà sợ!
Mạc-Tin ngập ngừng trong giây lát. . . . Bé muốn có bạn. . . .
-Ba tôi bảo không được ăn cắp! Nhưng mấy anh cứ hái bao nhiêu cũng được, vì vườn này từ nay là của gia đình tôi.
Bọn trai từ trên cành tuột xuống đất. Chúng dương đôi mắt ngạc nhiên nhìn Mạc-Tin. Một đứa ngồm ngoàm cắn táo mọng nước, vừa hỏi Mạc-Tin:
-Ba mày là ai?
-Ba tôi là Quân Đoàn Trưởng.
-Mày có đạo phải không? Mày có thuộc Giáo Lý không?
-Tôi không biết. Tôi mới ở Sabrara về đây.
Đột nhiên bọn con trai ù té chạy, bỏ mặc Mạc-Tin chậm rãi trở vể nhà. Bé ngồi bên thềm nhà với dáng điệu suy tư. Mẹ bé chợt bắt gặp.
-Mày lại ngồi mơ mộng một mình đấy hả? Sao không đi tìm mấy đứa bạn mà chơi?
-Thưa má, con sẽ tìm. Nhưng má ạ, “có đạo “ nghĩa là gì?
-Mày quẩn trí rồi Mạc-Tin ạ! Đi tìm cái gì mà chơi! Câu hỏi khờ khệch của mày làm tao bực cả mình!
Mạc-Tin thở dài. . . . Bé yêu má, nhưng má quá bận rộn. Ba bé thì cả ngày ở đồn lính. Không có ai khả dĩ trả lời hàng ngàn câu hỏi luẩn quẩn trong đầu bé.
Một ngày nắng ấm, Mạc-Tin lững thững bước vào ngôi nhà thờø, bé cảm thấy một luồng khí bình an tràn ngập nơi hồn bé. Lát sau, một ông già đến nói với bé:
-Bây giờ chưa phải là giờ học Giáo Lý. Sáu giờ chiều cơ!
-Cám ơn ông, cháu sẽ trở lại lúc sáu giờ.
Mạc-Tin hồi hộp chờ đợi sáu giờ chiều. Bé không biết Giáo Lý là gì, nhưng bé biết nó liên quan với người có đạo.
Chẳng bao lâu Mạc-Tin đã chỗm chệ ngồi giữa lớp Giáo Lý, toàn những đứa cùng tuổi với bé. Với trí thông minh, bé mau lẹ hiểu bài Giáo Lý đầu tiên. Vị Linh Mục rất hài lòng về những câu hỏi “hóc búa” của bé. Và từ đó ngày nào Mạc-Tin cũng đi học Giáo Lý. Bé học rất tiến tới.
Mẹ Mạc-Tin hài lòng khi thấy con mình chăm chỉ học bài, nhưng bà quá bận rộn nên không biết con học những thứ gì. Bà chỉ biết rằng Mạc-Tin mau mắn vâng lời hơn, vui vẻ hơn, chịu khó giúp mẹ hơn bao giờ hết. Bà rất thích những đứa bạn của Mạc-Tin thường hay đến nhà bà.
Khi Mạc-Tin lên 12 tuổi, một hôm cậu xin phép mẹ:
-Thưa má, xin má cho phép con nhập hội Giáo Lý.
-Mấy đứa bạn của con có ở trong hội đó không?
-Thưa má có.
-Vậy thì được!
Mạc-Tin rất vui mừng trước sự ưng thuận của mẹ. Từ đây cậu có thể đi dự Thánh Lễ như những trẻ có đạo.
Năm lên 15 tuổi, Mạc-Tin đã được nhuần thấm Đức Tin Công Giáo. Cậu quyết định sẽ hiến dâng đời mình để phụng sự Chúa. Nhưng Thánh Ý Chúa định khác. Ba Mạc-Tin một hôm nói với cậu:
-Hoàng đế Julianô mới ra lệnh: Con các sĩ quan có thể đi lính để được huấn luyện thành đoàn Bạch Quân của hoàng đế. Họ sẽ chiến đấu dưới quyền chỉ huy của hoàng đế. Họ được mặc áo khoắc trắng bằng len quí giá. Vậy ngày hôm nay con nên tới phòng tuyển binh để ghi danh Mạc-Tin ạ!
-Con không đi lính đâu! Con là người có đạo, con muốn dâng mình cho Chúa.
-Có đạo!!! sao mày lẩm cẩm thế?
Tiếng ba Mạc-Tin vang động khắp gian phòng, ông vừa ngỡ ngàng lẫn bực tức về câu nói của Mạc-Tin. Nhưng Mạc-Tin im lặng.
-Được rồi, tao sẽ dậy mày biết cách phải vâng lời một vị sĩ quan như thế nào! Mày có tới phòng tuyển binh để ghi danh không?
-Không!
Không nói thêm một lời, ba Mạc-Tin lấy xích sắt xích cậu rồi lôi tới phòng tuyển binh bó bộc cậu phải ghi danh. Mạc-Tin được ghi danh như một sĩ quan tương lai khi cậu mới chỉ có 15 tuổi đời.
Sau đó ít hôm, Mạc-Tin nhận thức rằng phản ứng của cậu đối với ba không phải là phản ứng của người có đạo. Sau một phút phàn nàn cậu đến thưa với ba:
-Thưa ba, con đã ghi danh đi lính, con sẽ đi, và rồi ba sẽ hãnh diện về đứa con của ba.
Mạc-Tin có biệt tài gây tình bạn. Chàng rất vui vẻ. Tính “tếu” của chàng sẵn sàng chọc cười mọi người. Những anh lính trẻ gọi chàng là “mát”. Họ không thể hiểu tại sao Mạc-Tin lại cho tiền những người ăn xin, tại sao anh ta lại từ chối không đi nhậu trong các quán, hoặc đi chơi với bạn gái. Họ thường bắt gặp chàng ngồi đánh giầy cho anh em quân nhân, hoặc quì cầu nguyện ở một góc nhà.
Trong thời gian huấn luyện, Mạc-Tin được gửi sang Pháp. Một đêm, tại cổng thành Amiens, Mạc-Tin và các bạn gặp một người ăn xin thân mình trần trụi, run lập cập vì lạnh. Nhưng mọi người qua lại không thèm để ý tới tấm thân gầy guộc với hai cánh tay tím bầm vì lạnh đang giơ cao van nài của bố thí.. Trong nháy mắt, Mạc-Tin tự nghĩ: “Chúa Kitô đã sai người này đến với tôi, Ngài muốn tôi giúp ông ta”. Chàng xuống ngựa, cởi chiếc áo khoác ngoài bằng len, rồi dùng gươm rạch chiếc áo làm đôi. Một nửa Mạc-Tin khoác lên vai người ăn xin, còn một nửa chàng giữ lại cho mình.
Đêm đó, trong giấc mơ Mạc-Tin thấy Chúa Kitô mặc nửa chiếc áo khoác anh đã cho người ăn xin. Chàng cũng nghe thấy Chúa Phán:
-Tuy chưa có đạo, nhưng Mạc-Tin đã che thân Ta bằng nửa chiếc áo này!
“Tuy chưa có đạo!” Những lời này làm rối lòng Mạc-Tin. Chàng tự hỏi đây là những lời khen thưởng hay trách móc? Và ngày hôm đó chàng đã xin một Linh Mục rửa tội cho chàng. Mạc-Tin vừa được 22 tuổi.
Ngày sau lễ Rửa Tội, mạc-Tin quì gối thề hứa với Chúa sẽ phụng sự Ngài như một lính chiến Chúa Kitô. Chàng tìm dịp để rời bỏ hàng ngũ quân đội Rôma. Chúa đã chấp nhận lời thề hứa của chàng.
Một hôm hoàng đế Julianô truyền lệnh:
-Để chấm dứt cuộc chiến lâu dài với tụi Pháp cứng cổ này, ngày mai chúng ta sẽ dàn trận. Trẫm sẽ thưởng tiền cho các khanh. Mỗi người phải trình diện theo hàng ngũ của mình
Khi tới phiên trình diện, Mạc-Tin bước khỏi hàng rồi dõng dạc thưa:
-Tâu hoàng thượng, thần không muốn tiền thưởng. Từ trước tới giờ thần phục vụ hoàng thượng như một người lính, nhưng bây giờ thần xin hoàng thượng ban phép cho thần được rời bỏ hàng ngũ quân đội.
Hoàng đế Julianô trừng trừng nhìn Mạc-Tin.
-Tại sao?
-Tâu hoàng thượng, thần là người có đạo, thần không thích chiến tranh.
Hoàng đế Julianô đập bàn thịnh nộ:
-Đồ hèn nhát! Ngày mai ngươi phải ra chiến trường, nếu không ta sẽ dùng gươm cưỡng bách ngươi ra trận!
-Tâu hoàng thượng, điều đó không cần thiết. Thần đang chuẩn bị để đi tiên phong đạo quân không trang bị khí giới của thần. Thần sẽ ra trận nhân danh Chúa Kitô.
-Ta chấp nhận đề nghị của ngươi! Lính Nhốt hắn vào tù đêm nay, để xem ngày mai hắn sẽ làm gì!
Đêm đó Mạc-Tin không ngủ, chàng cầu nguyện suốt đêm. Sáng hôm sau chàng được dẫn đến trước mặt hoàng đế. Tươi cười và bình thản chàng thưa:
-Tâu hoàng thượng, chúng ta không cần phải xuất trận nữa!
Cùng lúc đó, có sứ giả quân đội Pháp đến cầu hòa. Mạc-Tin thưa với hoàng đế Julianô:
-Chúa của người có đạo thật quyền năng, Ngài ban cho chúng ta chiến thắng mà không cần phải chiến đấu.
Hoàng đế Julianô vui mừng phán với Mạc-Tin:
-Ngươi được phép phụng sự Chúa của người. Ngươi có thể rời bỏ hàng ngũ quân đội trong danh dự.
Lòng Mạc-Tin tràn ngập vui mưng. Chàng cốt tìm một vị hướng dẫn tinh thần, và chàng đã gặp Đức Cha Hilariô, người đón nhận chàng trong tươi vui và dậy Thần Học cho chàng. Một hôm Đức Cha Hilariô nói với Mạc-Tin:
-Lúc này con đã đủ điều kiện để chịu chức Linh Mục.
-Thưa Đức Cha, con không xứng đáng!
-Vậy con có muốn phụng sự Chúa Kitô qua việc đặt tay trên bệnh nhân và những kẻ có tội không?
Mạc-Tin phải công nhận là chàng muốn, mặc dầu chàng cảm thấy mình bất xứng. Đức Cha Hilariô đã truyền chức Linh Mục cho Mạc-Tin.
Một đêm Mạc-Tin nằm mơ thấy ba má gọi cha. Cha liền xin phép vượt qua dãy núi Alps để đem Chúa Kitô đến với các Ngài. Mạc-Tin lưu lại gia đình tới khi thân mẫu của cha được chịu phép Rửa Tội.
Sau đó, Mạc-Tin đi giảng đạo khắp các vùng quê. Cha ăn mặc như một kẻ nghèo khó nhất. Cha đã làm nhiều phép lạ. Khoảng năm 371 dân chúng thành Tours nài xin Mạc-Tin lên làm Giám Mục. Mạc-Tin một mực từ chối, nhưng dân chúng đã lập mưu đưa cha đi thăm kẻ liệt, rồi thay vì đưa ngài tới nhà bệnh nhân, họ đưa cha vào nhà thờ, tại đó cha bó buộc phải nhận làm Giám Mục của họ.
Ngay sau khi làm giám Mục, Đức Cha Mạc-Tin đã hoạch định chương trình phá hủy các chùa miếu và các tượng thần ngoại đạo trong địa phận của ngài. Nhưng trước hết, ngài rao giảng Phúc Âm và làm nhiều phép lạ trước mặt dân ngoại.
Một lần Đức Cha Mạc-Tin tính hạ đổ một cây thông cổ thụ vẫn được dân chúng quanh vùng tin rằng có thần thiêng ngự trị. Một ông sãi ngoại đạo thách thức rằng: dân chúng sẽ tự tay chặt cây thông nếu ngài bằng lòng đứng bất cứ nơi nào họ muốn. Ngài đồng ý.
Những người thợ chuyên môn hạ cây đã biết rõ chiều cây đổ. Họ bắt Đức Cha Mạc-Tin đứng ngay chỗ mà họ tin rằng thân cây sẽ đè bẹp ngài. Rất đông người ngoại đạo tụ tập để quan sát.
Những nhát rìu chặt vào gốc cây ngày càng nhanh. Ngay sau tiếng “rắc” thứ nhất, cây thông khổng lồ từ từ ngả về phía Đức Cha Mạc-Tin. Hình như không gì có thể cứu ngài được nữa. Đức Cha lặng lẽ quay nhìn cây thông rồi làm dấu thánh giá. Đột nhiên thân cây cổ thụ tự chuyển hướng như có một sức mạnh vô hình đẩy ngược lại phía sau rồi ngả rầm xuống đất. Dân chúng cùng với ông sãi ngoại đạo hết sức kinh ngạc, họ tin vào quyền năng của Thiên Chúa.
Lần khác Đức Cha Mạc-Tin ra lệnh phá đổ một ngôi đền. Một người đàn ông vô cùng căm phẫn xách gươm tấn công ngài. Mạc-Tin phanh ngực ra cho hắn đâm. Bất thình lình, hắn bị mất thăng bằng té ngửa ra đàng sau. Rất mực sợ hãi, hắn nài xin Đức Cha tha lỗi. Danh tiếng các phép lạ Đức Cha Mạc-Tin làm lan khắp nơi. Dân chúng theo ngài đông vô kể. Ngài thường phải ẩn mình một nơi kín đáo để cầu nguyện. Ngài đã trải qua những năm cuối đời tại một đan viện do chính ngài lập ở thành Tours, nước pháp. Ngài qua đời năm 397. Hàng năm Giáo Hội mừng kính ngài vào ngày 11 tháng 11.
Ý Kiến Bạn Ðọc