Lm Dũng Lạc Trần Cao Tường

Thánh Anrê Trần Văn Trông sinh trưởng trong một gia đình đạo hạnh thuc họ Thợ Đúc, Huế, con ông Tađêô Trần Văn Hoàn và bà Gia làm nghề dệt cửi. Chính nhờ nguời mẹ nhân đức này mà cậu Trông đã học được nghề dệt. Khi cha qua đời, cậu Trông đã 19 tuổi. Mẹ cậu định thu xếp việc lập gia đình cho cậu, nhưng cậu chưa muốn. Năm sau cậu tình nguyện đi lính cho nhà vua xung vào đi dệt vải.

Khi tàu Pháp tấn công Đà Nẵng thì vua Minh Mạng nghi ngờ cho người Công Giáo thông đồn. Vì thế vua ra lệnh khai sổ lính Công Giáo. Tháng 11.1834 khi cậu Trông đã đi lính được 9 tháng thì bị bắt cùng với 7 bạn lính khác. Các quan đã đem lò lửa và kìm kẹp ra để sẵn ngoài sân để áp đảo tinh thần. Nhưng sau những màn tra tấn, cậu Trông vẫn một mực:

- "Quan thương thì tôi được nhờ, bắt làm gì thì tôi cũng chịu, nhưng mà đạp ảnh bỏ đạo thì không".

Quan đã phải chửi bới:

- "Thằng con nít mà cả gan như vậy, những người lớn hơn còn theo phép vua quan, còn nó thì không. Chém đầu đi cho rồi, còn để làm gì."

Cậu Trông bị tống giam vào khám đường Thành Nội. Trong suốt một năm, ngày nào bà mẹ cũng đi thăm nuôi con, với mục đích là để khích lệ con trung kiên với Chúa. Cũng chính vì thấy được tình mẹ con thắm thiết nên quan đã dùng đòn tâm lý này để dụ dỗ cậu bỏ đạo, bảo rằng nếu cậu chết thì mẹ già không ai chăm sóc, cậu sẽ mang tội bất hiếu. Cậu đã bình tĩnh kể lại:

- "Mỗi khi nghe họ khuyên thì tôi thấy gớm ghét trong lòng. Họ cứ bảo tôi là bất trung bất hiếu và thiên đàng ở đâu nào có thấy. Tôi chỉ nói lại với họ là việc ai người nấy biết, tôi biết rất rõ thế nào là trung hiếu."

Trong suốt 6 tháng tù, cậu Trông luôn tỏ ra vui tươi và dễ thương. Cậu khích lệ các bạn tù, và giúp họ siêng năng đọc kinh lần hạt không bỏ ngày nào, chia bớt phần cơm cho ai đói. Thấy cậu quá tốt nên lính canh cũng thương cậu, ban đêm cho phép cậu ra khỏi nhà tù lo việc riêng. Hai lần cậu được về gặp các linh mục để xưng ti và rước lễ, và đồng thời về Kim Long thăm mẹ.

Trưới khi bị hành quyết có người bà con đến thăm, cậu đã trối lại:

- "Anh hãy ở với mẹ tôi học nghề dệt cho thành tài và luôn thể giúp mẹ tôi với. Xin anh nói với mẹ tôi rằng tôi đã được phúc trọng chết vì Chúa và xin người an tâm làm việc nuôi xác và giữ đạo thánh Chúa. Còn phần tôi, mọi sự đã xong, tôi không lo lắng gì nữa."

Ngày 28.11.1835 có án xử tử, cậu Trông bị dẫn ra pháp trường. Hôm ấy trời mưa và gió lớn. Cậu Trông vẫn vui vẻ hân hoan, tay cầm tràng hạt đi bên lính đao phủ. Mẹ cậu hay tin vội vàng ra chợ An Hòa gần Thành Nội để gặp con lần cuối. Bà còn hỏi cậu xem còn nợ nần ai gì không để mẹ lo trả cho họ. Hai mẹ con nói lời từ giã sau cùng. Cậu bị dẫn tới làng Bắc Đình để xử. Lính tháo gông và xiềng xích ra. Cậu đã nhờ lính trao xích cho mẹ cậu giữ, rồi quì xuống cầu nguyện. Bà mẹ đứng gần đó để chứng kiến con mình tử nạn và khuyến khích nâng đỡ con trong giây phút sau hết. Và khi hồi chiêng trống vọng lên, đầu vị thánh trẻ mới trên hai mươi tuổi đời đã bị chém đứt rơi xuống. Bà mẹ dũng cảm liền chạy ngay tới đưa mấy quan tiền chuộc đầu con. Rồi bà quì xuống, trải vạt áo dài ra bọc chiếc đầu con lại và chạy ra sông Hương xuống thuyền ngược về Thợ Đúc. Bà còn cho người đem tiền chuộc luôn xác con về đặt trong nhà. Đêm ấy, bà cho người lên núi tìm vị linh mục đang trốn ẩn về làm lễ an táng cho con. Bà xin Cha mặc áo đỏ vì "hôm nay là ngày vui mừng của gia đình", ngày chiến thắng của một vị tử đạo.

Trong sắc lệnh tôn phong Á Thánh, Đức Thánh Cha Lêo XIII đặc biệt nêu cao gương tử đạo của vị thánh trẻ như sau:

"Trong các Đấng Tử Đạo Việt Nam có Anrê Trông thời danh không những vì chính Ngài dũng cảm mà mẹ Ngài cũng anh hùng như con, vì bà đã bắt chước Đức Mẹ đồng công chịu đau khổ với con, đứng bên cạnh xem con mình chịu chết, và khi con bị chém đầu rồi thì ôm đầu con trong lòng mình."

Học Hỏi Và Thực Hành

1. Thánh Anrê Trông đã làm chứng nhân cho tin mừng gì?

"Chúa còn đang nói thì một người đàn bà ở giữa đám đông kêu lên rằng: "Phúc thay lòng đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú".

Chúa Giêsu đáp: "Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn." (Luca 11: 27 - 28)

Anrê Trông đã nên người nhờ mẹ biết dạy dỗ con bằng tình thương và con đường đạo đức. Và cậu cũng rất thương yêu mẹ. Tình mẹ con thắm thiết đã làm cho cậu càng hiểu thế nào là chữ hiếu. Chính vì có hiếu vàthương mẹ nên cậu đã kiên trung với đức tin Công Giáo là điều mẹ hằng mơ ước và khích lệ con.

Gương can đảm của bà mẹ đứng cạnh con lúc bị xử tử thật cảm động. Vì người mẹ nào chẳng thương con mình đã sinh thành dưỡng dục. Nhưng mẹ cũng sẵn sàng dâng con trên bàn thờ thập giá vì biết rằng "ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn."

2. Chuyện gì chứng tỏ vị thánh trẻ rất thương mẹ ? Tại sao Thánh Anrê Trông không bỏ đạo để về nuôi mẹ cho trọn chữ hiếu ?

3. Tôi quyết định một việc đạo đức nào cụ thể để tỏ dấu làm đẹp lòng mẹ tôi vì mẹ tôi vốn ao ước nơi tôi điều đó vì thương tôi ?

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên