Lm Dũng Lạc Trần Cao Tường

Thánh Augustinô Phạm Viết Huy sinh năm 1794 tại Hà Linh, Nam Định. Ông đúng là một Augustinô của Việt Nam. Ông là con một gia đình Công Giáo đạo hạnh, khi còn nhỏ có chí và thông minh nên được gửi vào chủng viện đi tu, nên rất hiểu biết về giáo lý trong đạo.

Nhưng rồi ông Huy đã bỏ tu và đi lính. Trong đời lính 10 năm, ông học theo nhiều thói xấu, sống khô khan và bê bối. Thậm chí đã lén lút ngoại tình theo bà vợ hai trên tỉnh.

Vào thời đó, Vua Minh Mạng ra lệnh cho tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh phải gắt gao bắt tất cả các linh mục và thanh trừng các lính công giáo. Trịnh Quang Khanh đã tỏ ra dữ tợn chưa từng có, bắt nhốt tất cả 500 lính công giáo và đe dọa đủ mọi hình khổ để bắt họ phải bước qua thánh giá bỏ đạo để được tiếp tục hành nghề.

Binh lính công giáo hầu hết đã hối lộ hoặc giả vờ bước qua thánh giá cho qua chuyện, chỉ còn lại 15 người. Nhưng sau một đợt tra tấn thì chỉ còn lại 9 người. Lạ thay, can đảm nhất lại là Augustinô Huy.

Dù đã can đảm xưng đạo hai lần, nhưng ông cảm thấy mình tội lỗi bất xứng, nên ban đêm ông đã cho tiền lính canh để về nhà xưng tội với Cha Thiều và giàn xếp chuyện gia đình, viết giấy dứt khoát bỏ vợ hai. Rồi ông trở lại nhà giam để chuẩn bị cho cuộc xưng đạo lần thứ ba.

Lần này, quan cho đập vào các ngón tay và nhiều hình khổ khác, khiến tội nhân đau cùng độ mà không chết ngay được.

Sau năm lần tra tấn thì chỉ còn ba ông Huy, Đạt, và Thể. Các ông bị cạo trọc đầu phơi nắng giữa mùa hè. Chân tay bị trói và cổ thì đeo gông, mình đầy thương tích ruồi muỗi bu kín mà không đuổi được.

Nhiều người cũng như quan dụ các ông bỏ đạo để được thăng cấp, nhưng các ông tuyên bố:

- "Quan lớn dạy chúng tôi bỏ đạo Thiên Chúa thì chúng tôi sẽ theo đạo nào? Vì trong các đạo khác chẳng có đạo nào là đạo thật."

Trong tù, các ông cầu nguyện chung, ăn chay mỗi tuần 4 ngày. Ông Huy đã rất không ngoan tranh luận với quan về Giáo Lý, Bí Tích, và 10 Điều Răn, khiến quan cũng phải nể.

Một ngày kia quan có ý xỉ vả đời tư của ông Huy để ông xấu hổ mà bỏ đạo:

- "Giả như mày vốn sống đạo đức mà muốn chết vì đạo thì còn hiểu được. Chứ như mày bê bối tội lỗi có hai vợ và sống như người ngoại giáo, mà mày còn khư khư giữ đạo thì quả điên khùng."

Ong Huy đã khiêm nhường đáp lại:

- "Tôi nhận đã làm gương mù theo yếu đuối xác thịt, không xứng đáng làm người công giáo. Nhưng Thiên Chúa nhân lành vô cùng đã thương tôi, cho tôi biết thống hối và tha tội cho tôi rồi. Thì giờ đây tôi sẵn sàng bỏ mọi sự, kể cả mạng sống tôi, để giữ đức tin."

Sau đó quan cho hành hạ liên tiếp 21 ngày, và dùng một kế hiễm độc là bắt tất cả họ hàng và dân làng của ba ông phải hết sức khuyên các ông bỏ đạo, nếu không tất cả đều phải chịu chết như ba ông.

Trong một tháng, quan hành hạ anh em bà con các ông. Cuối cùng vì động lòng thương mà ba ông đã đành bỏ đạo để cứu họ. Quan phát cho mỗi người 10 quan tiền rồi thả cho về.

Nhưng khi về nhả, ba ông đã cảm thấy hối hận. Vì suốt thời gian 8 tháng trời các ông vẫn trung kiên dù bao cực hình, thế mà nay lại ngã quị. Bị lương tâm cắn rứt, các ông đã đi xưng tội, rồi rủ nhau lên tỉnh khiếu nại về chuyện vì bị áp bức tâm lý mà bỏ đạo, và xin trả lại tiền cho quan. Nhưng quan đã không xử mà đuổi các ông về.

Thế là các ông đã bàn tính cùng nhau đi vào tận kinh đô Huế để xưng đạo với nhà vua. Ông Đạt bận công vụ không đi được, cũng bằng lòng ký giấy để hai ông Huy và Thể thay mặt.

Các ông đã đi mất 20 ngày mới vào tới Huế, nhưng các quan không thèm tiếp. Các ông phải chờ ngày vua đi ra ngoài chơi, liền quì ở vệ đường dâng đơn khiếu nại và xưng đạo.

Sau một thời gian tra tấn đủ mọi hình khổ và dụ dỗ bỏ đạo mà không được, vua tức giận ra lệnh xử tử.

Ngày 2.5.1839 ông Huy và ông Thể bị điệu ra cửa Thuận Hóa. Lý hình đã lấy rìu chặt ngang lưng, rổi chặt đầu bổ làm bốn và liệng xác xuống biển. Còng ông Đạt thì bị xử thắt cổ chết ở Nam Định.

Học Hỏi Và Thực hành

1. Thánh Phạm Viết Huy đã làm chứng nhân Tin Mừng gì?

"Khi chúng ta còn trong tình trạng vô phương cứu chữa, thì Đức Kitô đã đến đúng lúc mà chết thay cho những người tội lỗi. Hiếm có người nào dám chết thay cho người đàng hoàng. Nếu vì điều nghĩa thì có chết cũng đành. Còn Thiên Chúa thì lại chứng tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta thế này: ...là Đức Kitô đã chết thay cho chúng ta đang khi chúng ta còn là tội nhân thù nghịch với Ngài" (Rôma 5:6-8)

Thánh Phạm Viết Huy đã nhận ra tình trạng tội lỗi của mình là lý do khiến mình sống bất an tự làm khổ mình. Ngài đạ thực tâm thống hối và nhận được sự tha thứ của Chúa. Chúa đã chết và cứu chuộc Ngài, và vì thế Ngài cũng đã dám nhận cái chết để chứng tỏ Ngài đã cảm nhận được tình yêu của Chúa.

2. Cản trở nào lớn nhất trong tôi mà tôi muốn thú nhận và quyết tâm khai thông từ bỏ, để mạch của tôi được trống ra cho dòng nhựa sống bừng lên?

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên