(bị bắt 25-10-1861, xử trảm 1-11-1861 tại Hải Dương)

Đức Cha Alcazar tóm tắt cuộc sống thánh thiện và anh hùng của Cha Phêrô Almato như sau: "Tôi theo dõi suốt cuộc đời của ngài và có thể làm chứng rằng ngài không bao giờ phạm một tội trọng nào, lại hết lòng gìn giữ đức trong sạch trinh khiết. Mặc dù sức khỏe yếu kém, người ta chỉ có thể nói rằng Thiên Chúa định cho ngài sang truyền giáo ở Việt Nam là để thưởng công triều thiên tử đạo cho ngài. Quả thật Đức Cha Hermosilla đã ra lệnh cho Cha Almato và Cha Munoz di tản sang Trung Hoa để tránh cơn lùng bắt dữ tợn, nhưng Chúa để cho Cha Almato nhỡ tầu, còn Cha Munoz đi được. Cha Munoz viết thư cho ngài: ‘Này anh Almato, lẽ ra anh phải sang Macao chứ không phải là tôi. Như đức cha già khả kính Hermosilla đã định, nhưng tôi không được phúc tử đạo, còn Thiên Chúa thưởng nhân đức anh bằng phúc tử đạo".

Cha Almato sinh ngày 1-11-1830 tại Catalogna, Tây Ban Nha, được cha mẹ đạo đức đem đi rửa tội ngay và đặt tên thánh là Phêrô Giuse. Ngay từ bé cậu Almato đã tỏ ra lòng đạo đức, thích đồ chơi bằng nhà thờ hay đóng kịch làm cha đứng giữa các bạn giảng đạo. Khi lên 11 tuổi đã đi học Latinh và tháng 8-1847 vào dòng Đaminh ở Ocanha để sửa soạn đi giảng đạo ở phương Đông. Cha mẹ không muốn cho con đi xa, nhưng ngài đã can đảm viết thư cho cha mẹ như sau: "Cha mẹ đừng than khóc vì đứa con phải đi xa, nhưng hãy vui mừng vì ở trên trời cha mẹ sẽ được phần thưởng vì những hy sinh. Hạnh phúc cho chúng ta dường nào được gặp nhau ở trên đó, luôn luôn được hiệp nhất với nhau trong vinh quang và không còn phải xa cách nhau nữa. Cha mẹ hãy nghĩ rằng Chúa đã xếp đặt như thế không phải để chúng ta khổ nhưng là để chúng ta được sự tốt lành, được thanh tẩy và thánh hóa trong cuộc sống đời này và được phần thưởng trong cuộc sống mai sau".

Quả thật là những lời lẽ cao siêu của một tâm hồn đã xác tín muốn yêu Chúa đến mức độ tuyệt hảo. Sau nhiều thử thách và gắng sức tu luyện, Thầy Almato được khấn trọng thể ngày 26-9-1848. Trong dịp này thầy có viết thư cho cha mẹ: "Cha mẹ quí mến, những việc lo dưới thế là mong làm cho con đường thu ngắn lại và chắc chắn hơn, con cũng vậy, con phải làm cho việc cứu rỗi linh hồn con chắc chắn. Con không những chắc chắn về cuộc sống hiện tại mà con mong cho các anh em con sớm bỏ biển khổ đầy lo lắng quen gọi là thế gian". Về đời sống trong viện tu, Thầy Almato viết: "Ở đây con được bề trên lo lắng săn sóc mọi sự cần, mặc dù chúng con đông nhưng tình thương bao bọc đồng đều mọi người dường như là một vậy. Con chẳng phải nghĩ gì khác". Viết cho người em gái đi tu, thầy khuyên: "Không có gì xảy ra tình cờ, không có biến cố nào mà không có báo trước. Những điều bất hạnh xem ra là sự dữ nhưng nếu chúng ta biết suy nghĩ cho kỹ, chúng ta sẽ thấy sự dữ là một điều lành, trong cái rủi ro là một may lành. Nếu anh cứ tiếp tục than trách, anh sẽ chẳng bao giờ hết vì trong lòng chứa đầy sự cay đắng".

Tháng 9-1852, Thầy Almato được chỉ định sang Manila và chịu chức bên đó trước khi được lệnh sang Bắc Việt. Cha viết về mong ước sang Bắc Việt với người bạn: "Đã từ lâu tôi ước ao được sang truyền giáo ở Bắc Việt. Tôi đã nhiều lần kêu xin với Chúa và Đức Mẹ và đã thưa với các bề trên. Chúa đã nghe lời tôi. Tôi cảm tạ Chúa đã thương chọn tôi cùng với ba cha khác đi truyền bá Phúc Âm cho dân ngoại."

Ngày 11-1-1855 cha, lúc ấy mới 24 tuổi, lên đường đi Hồng Kông. Bao nhiêu khổ cực, bao nhiêu hy vọng trên chuyến hành trình, cha ngước mắt lên trời cao như muốn cho hy vọng thêm bao la. Bẩy tháng sau, ngày 3-7-1855, cha rời Macao để đến Bắc Việt và tới nơi ngày 11-7 tại Nam Chân. Cha được đưa đến trình diện cha đại diện tỉnh dòng Salvatore Masso và sau đó được tới Bùi Chu vào dịp lễ phong chức giám mục cho Cha Sampedro ngày 1-9. Cha Almato được đặt tên Việt là Bình, diễn tả tâm hồn bình an của cha. Cha học tiếng Việt tại Kẻ Mốt một năm và sau đó được sai giúp Cha Fernandez trước khi được chỉ định coi xứ Thiết Nham.

Giáo dân xứ Thiết Nham nói về vị chủ chăn của mình như sau: "Cha Bình (Almato) thường xin chúng tôi cầu nguyện cho ngài. Như thế tâm hồn sốt sắng của ngài thúc đẩy con chiên chúng tôi chạy đến với ngài". Năm 1858 lệnh vua Tự Đức bắt đạo ngặt nghèo nên Đức Cha Hermosilla truyền lệnh cho Cha Almato tạm thời sang Trung Hoa vì ngài kém sức khỏe, sợ không chọi nổi cảnh trốn chạy mà chết uổng đi. Nhưng ý Chúa để cha bị nhỡ cơ hội, cha đi về Kẻ Mốt thăm đức cha rồi trốn tránh ở Kẻ Nê, ở Thọ Ninh.

Năm 1861 với lệnh phân sáp và không còn trốn tránh được nữa, Cha Bình xuống thuyền ở với Đức Cha Ochoa Vinh hẹn đến với Đức Cha Hermosilla. Thế nhưng thuyền của Đức Cha Hermosilla và Thầy Khang đã bị bắt ngày 20-10-1861. Đức Cha Ochoa và Cha Almato được ông trùm Trọng chèo thuyền về Kim Phô nhờ một quan ở huyện là Hán Cáp giúp đỡ. Ông quan này nhận lời giúp đỡ nhưng chính ông lại đi báo quan tỉnh Hải Dương về bắt. Ngày 25-10-1861 quan huyện Thanh Hà đến bắt Đức Cha Ochoa và Cha Almato giải về Hải Dương.

Quan tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Quốc Cẩm đặt thánh giá ở cửa thành, nhưng đức cha yêu cầu có cất đi thì mới vào trong thành. Quan hỏi Cha Almato về quê quán và thời gian ở Việt Nam bao lâu, Cha Almato đáp: "Tôi là người Tây Ban Nha, sang Việt Nam được bẩy năm, tôi rao giảng đạo tại nhiều nơi".

Quan lại hỏi có biết Cha Tuấn (tên thứ ba của Đức Cha Hermosilla). Sau đó Đức Cha Ochoa, Đức Cha Hermosilla và Cha Almato, mỗi người một cũi được giam chung với nhau ở Trang Thu. Quan tổng đốc là người hiền lành muốn thong thả làm án tâu về kinh, nhưng tổng đốc Nam Định là Nguyễn Đình Hưng (Tân) sợ triều đình khiển trách nên ra lệnh làm án trảm quyết ngày 1-11-1861.

Vào ngày lễ Các Thánh, Đức Cha Hermosilla, Đức Cha Ochoa và Cha Almato được 300 người lính dẫn ra pháp trường Năm Mẫu ở ngoài thành Hải Dương để chém đầu. Cha Almato vừa đúng 31 tuổi.

Khi xử ba đấng đã có nhiều dấu lạ như được kể trong chuyện Đức Cha Hermosilla. Xác các ngài được chôn tại chỗ ba tháng rồi mới được giáo dân lén lút đem về chôn ở ba nhà khác nhau tại Thọ Ninh ngày 2-2-1862. Sau này khi bốc mộ, xác Cha Almato Bình được đưa về chôn ở nhà thờ Truyền Tin thuộc địa phận Vich là quê quán của ngài ở Tây Ban Nha.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên