Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978)

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dẫn dắt Giáo Hội Công Giáo trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất lịch sử. Những thay đổi lớn lao qua các sắc lệnh Công Ðồng Vatican II đã dẫn đưa Giáo Hội ra khỏi giai đoạn Triđentinô đến một giai đoạn mới. Tuy nhiên, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nhận thấy sự quan trọng khi phải duy trì sự liên tục với quá khứ, vì đây không phải là một Giáo Hội Công Giáo mới mà là một bước tiến trong lịch sử và truyền thống của Giáo Hội. Do đó, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI muốn thể hiện các thay đổi của Công Ðồng Vatican II một cách từ từ. Nhiều người chỉ trích ngài là quá chậm chạp, nhưng ngày nay người ta mới thấy sự khôn ngoan của ngài.

Chắc chắn là không phải tất cả hoạt động của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đều liên hệ đến Công Ðồng Vatican II. Cũng như Thánh Phaolô, đức giáo hoàng đi công du khắp thế giới. Ngài nói chuyện trước Liên Hiệp Quốc và kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Ngài đến Ðất Thánh để gặp gỡ các thượng phụ của Chính Thống Giáo Ðông Phương với "nụ hôn hòa bình" ở núi Olive. Ngài tham dự Ðại Hội Thánh Thể ở Ấn, Colombia, và Ý, và đến thăm những nơi bị thiên tai (Pakistan), cũng như những nơi sùng kính Ðức Maria (Fatima và Ephêsô). Ngài cũng tìm kiếm sự hiệp nhất với vị giám mục lãnh đạo Anh Giáo, Ðức Michael Ramsey. Quả thật Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị tông đồ hòa bình.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI còn là một bậc thầy có thế lực. Ngài nói về bản chất thực sự của Giáo Hội trong thông điệp đầu tiên, Ecclesiam Stuam (1964) và sau đó là thông điệp về xã hội, Populorum Progressio, "Về Sự Phát Triển của Người Dân," năm 1967. Trong thông điệp thứ tư năm 1966, ngài thúc giục mọi người Công Giáo lần chuỗi mai khôi cầu nguyện cho hòa bình, và ngài giải thích về đời sống độc thân của linh mục trong thông điệp năm tiếp đó. Giáo huấn của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI thật bao quát, và thật cay đắng là nhiều người chỉ nhớ đến ngài qua thông điệp Humanae Vitae (1968), trong đó ngài kêu gọi vợ chồng Công Giáo điều hòa sinh sản theo phương cách tự nhiên, tái xác nhận giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng nâng một số vị lên hồng y và làm cho bộ mặt hồng y đoàn có tính cách quốc tế hơn. Ngài cũng đưa một nữ tu đầu tiên vào làm việc trong Giáo Triều Rôma. Ngài cũng khôi phục lại chức phó tế vĩnh viễn như đã có từ thời Giáo Hội tiên khởi. Ngài nhìn nhận vai trò mới của giám mục bằng cách triệu tập nhiều thượng hội đồng giám mục để cố vấn cho ngài. Mặc dù tình trạng sức khỏe yếu kém đã giới hạn các sinh hoạt của ngài vào cuối thời giáo hoàng, Ðức Phaolô VI được nhớ đến như một khuôn mặt chính yếu đã duy trì sự quân bình giữa việc thể hiện các thay đổi trong Giáo Hội và vẫn giữ Giáo Hội trung thành với truyền thống của mình.

Nhiều người Công Giáo phi thường đã góp phần trong giai đoạn lịch sử này: Ðức Dom Helder Camara, tổng giám mục của Recife, Brazil, nổi tiếng là tận tụy cho người nghèo; bà Dorothy Day, người đồng sáng lập Phong Trào Thợ Thuyền Công Giáo, và cũng nổi tiếng khắp thế giới là Mẹ Têrêsa ở Calcutta, mà dòng Bác Ái Truyền Giáo của ngài hiện đang phục vụ trên toàn thế giới. Tất cả các vị này đã đại diện cho hàng ngàn người Công Giáo khác đang làm việc một cách anh hùng trong giai đoạn lịch sử này để mở rộng nước Thiên Chúa.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978- 2005)
Sau cái chết đột ngột của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, mới ba mươi ba ngày làm giáo hoàng, các vị hồng y lại phải gặp gỡ nhau để tuyển chọn vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý kể từ năm 1522, đó là Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, tổng giám mục của Krakow, Ba Lan. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ quốc gia dưới sự thống trị của cộng sản.

Triều đại giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II tận tụy cho việc loan truyền tin mừng của Ðức Giêsu. Thông điệp đầu tiên của ngài là Redemptoris Hominis, Ðấng Cứu Chuộc Nhân Loại, thông điệp ấy đưa ra Ðức Giêsu Kitô như giải pháp duy nhất cho các vấn nạn của thế giới. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rõ ràng là một nhà truyền giáo. Ngài đi công du nhiều hơn bất cứ giáo hoàng nào khác trong lịch sử, để loan truyền tin mừng và để kiện toàn Giáo Hội Công Giáo. Tính tình cởi mở và thân thiện của ngài đã đưa nhiều người về với Ðức Kitô hoặc canh tân đức tin của họ. Ngài còn là một nhà lãnh đạo hiệp nhất, kiên cường sự tương giao giữa Giáo Hội Công Giáo với các cộng đồng Kitô Giáo khác.

Khi còn là hồng y, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết một cuốn sách về cách thể hiện nghị quyết của Công Ðồng Vatican II. Ngài thực sự gắn bó với các nguyên tắc và giáo huấn của công đồng ấy đúng như đã được khẳng định trong các văn kiện. Ngài cương quyết tẩy trừ mọi hiểu biết cũng như áp dụng sai lầm các nghị quyết của Công Ðồng Vatican II, như khi ngài thu hồi tư cách thần học gia Công Giáo của Cha Hans Kung vì cha nhất định từ chối tính cách bất khả ngộ của đức giáo hoàng cũng như thắc mắc về thiên tính trọn vẹn của Ðức Giêsu Kitô. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người bảo vệ trung thành đức tin và truyền thống Công Giáo đích thực. Câu chuyện giáo lý hàng tuần của ngài về đủ loại đề tài, từ Sáng Thế Ký cho đến sự hiểu biết về Kitô Giáo, chứng tỏ ngài rất lưu tâm đến vai trò giảng dạy của một vị chủ chăn trong Giáo Hội. Vào năm 1986, ngài công bố một thông điệp về Chúa Thánh Thần, Dominum et Vivificantum ("Chúa và Ðấng Ban Sự Sống"), kết thúc một bộ gồm ba giáo huấn về Chúa Cha (Dives in Misericordia), Chúa Con (Redemptoris Hominis), và Chúa Thánh Thần.

Trên tất cả, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nổi tiếng là người bảo vệ các quyền lợi con người dựa trên phẩm giá của họ. Thông điệp của ngài Về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Dives in Misericordia) và Về Công Việc Loài Người (Laborem Exercens), cả hai đều cho thấy sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho nhân loại và trách nhiệm của chúng ta là tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người.

Một trong những thành quả lớn lao của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là ngài triệu tập Thượng Hội Ðồng Giám Mục Ðặc Biệt trong hai tuần của năm 1985, để xét lại kết quả việc thể hiện các nghị quyết của Công Ðồng Vatican II sau hai mươi năm. Thượng hội đồng này bao gồm các giám mục đại diện cho các quốc gia, là những người đã từng chứng kiến sức mạnh đổi mới của Chúa Thánh Thần trong Công Ðồng Vatican II. Trong thông điệp bế mạc, các giám mục đã bày tỏ sự lưu tâm đối với Giáo Hội cũng như sự hy vọng vào đường hướng tương lai của Giáo Hội dựa trên sự hiểu biết chính đáng và sự thể hiện nghị quyết Công Ðồng Vatican II. Nhiều đề nghị của các ngài nói lên các nhu cầu mà đã được đề cập ở trên, tỉ như nhu cầu nhận biết Giáo Hội là một mầu nhiệm, được hình thành do bởi ơn sủng của Thiên Chúa và không đơn giản là một tổ chức của con người.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, tỉ như cuộc thi đua vũ khí nguyên tử và sự đòi hỏi tự do của nhiều dân tộc trên thế giới. Chính ngài đã tỏ ra là một người dũng cảm, vừa lưu tâm đến quyền lợi và phẩm giá của con người vừa duy trì truyền thống và giáo huấn đích thực được Thiên Chúa giao phó cho Giáo Hội Công Giáo. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã một lần nữa dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria, và ngài thường đề cập đến thời đại hiện nay như một mùa trông đợi mới, một thời điểm mới để chuẩn bị cho sự tái giáng lâm của Ðức Giêsu Kitô.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời ngày 2 tháng 4 năm 2005.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên