Lm Dũng Lạc Trần Cao Tường
Trong số 117 vị Thánh tử đaọ Việt Nam, Thánh Anê Lê Thị Thành là người nữ duy nhất tiêu biểu cho bao nhiêu là người nữ đã sống chứng nhân Công Giáo, đại diện cho những người mẹ Việt Nam âm thầm kiên nhẫn xây dựng tổ ấm yêu thường gia đình, để trở thành nguồn suối tình thương tuôn tràn: "nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Thánh Anê Lê Thị thành sinh năm 1781 tại làng Gia Miếu, Bái Đền, thanh Hoá. Cha là người Công Giáo nhưng khô khan lơ là việc giáo dục con cái. Thời tho ấu Anê Thành được người mẹ va người chú là Lê Công Trường rất đạo đức chăm lo dạy dỗ. Ngay từ còn nhỏ Anê Thành đã được đưa về quê ngoại ở Phúc Nhạc Phát Diệm sinh sống. Vì thế cô bé đã có một đời sống đạo đức gương mẫu, rất siêng năng xưng tội rước lễ.
Năm 17 tuổi, cô Thành đã lập gia đình với Nguyễn Văn Nhất thuc xã Thôn Đồng xứ Phúc Nhạc, và sinh con đầu lòng đặt tên là Đê. Vì thế Bà được gọi là bà Đê theo tục lệ của xứ Phúc Nhạc lấy tên con trưởng mà gọi tên cha mẹ. Ông bà có tất cả 6 người con: 2 trai, 4 gái.
Bà Đê đúng là một tiêu biểu mẫu người phụ nữ Việt Nam, hy sinh tận tụy và kiên nhẫn tần tảo cho chồng con giống như hình ảnh trong ca dao:
"Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non".
Bà đã dạy dỗ con cái rất chu đáo. Dù con cái đã lập gia đình, bà vẫn còn theo dõi thúc dục đi lễ và lãnh Bí tích.
Đức tính nhận nhục quên mình và kiên tâm trong mọi khó khăn và âm thầm trong bổn phận thường ngày là bí quyết làm cho gia đình luôn được an vui hạnh phúc. Bà đã đi con đường sống bình dị cận nhân tình như đa số các bà mẹ Việt Nam, chứ không phải là những xa lộ thênh thang hay những khua múa xã hội mà bỏ bê trách nhiệm chính lo tạo nôi ấm yêu thương gia đình. Vì người mẹ là trái tim của thân thể gia đình. Trái tim còn đập thì còn đủ sức chuyển máu cho cơ thể lành mạnh.
Bà rất thương người nghèo, không bao giờ từ chối người đến ăn xin.
Trong thời vua Thiệu Trị cấm đạo. bà vẫn lén lút cho các linh mục trú ẩn trong nhà và tụ họp dâng lễ kính dáo. Can đảm như Bà quả là hiếm hoi. Chính vì thế mà quan quân đã vây bắt. Bà và hai chị dòng Mến Thánh Giá và một sốt người bị giải về đình làng. Nhà cửa bị lục soát, đồ đạc và thóc lúa vị tịch thu hết.
Bà đã bị tra tấn ba lần, bị lôi qua thánh giá. Nhưng bà lớn tiếng tuyên xưng đức tin. Có lần quan đã dùng trò dã man là buộc ống quần áo của bà lại rồi vất rắn độc vào trong người bà làm cho bà hoảng sợ. Nhưng bà đã cầu nguyện tha thiết và Chúa đã ban cho bà sức mạnh phi thường để chịu đựng những thử thách xem ra vượt quá sức của bà.
Suốt ba tháng trong tù, bà không hề than thở gì, mặt bà luôn vui tươi. Bà sốt sắng đọc kinh, lần hạt, ngắm đàng Thánh Giá, và được Cha lẻn vào giải tội và cho rước lễ. Cô con gái út là Nụ có lần đến thăm thấy mẹ đeo gông nặng nề và áo quần be bết máu thì òa khóc. Bà liền an ủi: - "Con chớ khóc làm gì. Mẹ đeo hoa đỏ trên người mà. Có Chúa lo liệu cho mẹ, con cứ về chăm sóc cửa nhà, lo giữ đạo và cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng".
Nửa thánh trước khi tắt thở, bà bị sốt liên miên và kiệt sức dần đi. Nhưng bà vẫn luôn tỉnh trí cầu nguyện: "Con sin phó dâng linh hồn con trong tay Chúa. Xin Chúa tha tôị cho con". Và vì kiệt sức, bà đã chết rũ tù ngày 12.71841 tại Nam Định lúc 60 tuổi. Xác Bà được chôn ngay tại pháp trường Bảy Mẫu. Sáu tháng sau đuợc đưa về chôn ở vườn sau gia đình. Năm 1881 được cải táng về chôn ở khu vực nhà xứ Phúc Nhạc cùng với 7 Đấng Thánh Tử Đạo Phúc Nhạc.
Học Hỏi Và Thực Hành
1. Thánh Lê Thị Thành đã sống chứng nhân tin mừng gì ?
"Ông bà đem trẻ Giêsu lên Giêrusalem để dâng cho Chúa." (Luca 2: 22)
"Người theo hai ông bà trở về Nazareth và Người vâng phục hai ông bà. Mẹ Người thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng." (Luca 2: 51)
Thánh Lê Thị Thành đã sống bí tích hôn nhân Công Giáo là đưa chồng con đến với Chúa, và chỉ cho chồng con thấy Chúa hiện diện trong gia đình qua chính mình và sời sống gia đình. Bà đã biến những bổn phận tầm thường hằng ngày thành phi thường theo mẫu sống cầu nguyện là chìa khóa giải quyết mọi khó khăn và chuyển dòng nhựa sống làm cho cây gia đình xanh tươi trổ sinh hoa trái.
2. Đức tính gì nói lên tình mẹ Việt Nam? Nét nào giống như vậy tôi thấy nơi người mẹ của tôi ?
3. Bà đã bị tra tấn bằng trò dã man nào? Nhờ đâu bà đã thắng vượt mọi thử thách ? Tại sao bà lại nói với con là mình đang đeo hoa đỏû trên người?
4. Tôi làm gì cụ thể để mọi người trong gia đình nhận ra Chúa hiện diện trong gia đình tôi ? (Thí dụ: tổ chức đọc kinh tối; trang hoàng bàn thờ , đọc Kinh Thánh, treo ảnh đạo trong các phòng, v.v...)
5. Xin Thánh Lê Thị Thành cầu nguyện cho chúng con được ơn kiên nhẫn quên mình hy sinh xây dựng tổ ấm gia đình qua những khó khăn lỉnh kỉnh bổn phận thường ngày. Mỗi lần gặp khó khăn, chúng con biết tìm về đền thờ bằng đời sống cầu nguyện thì chắc chắn chúng con sẽ tìm thấy nhau và tìm ra giải quyết. Xin cho chúng con được giữ nghĩa cùng nhau và cùng Chúa luôn.
Ý Kiến Bạn Ðọc