Đọc sách Khởi Nguyên trong bộ Thánh Kinh Cựu Ước, ít ra người ta thấy hai trường hợp anh em sinh đôi được diễn tả thật rõ ràng: Ngay từ thai nhi, hai anh em đã "lục ục" tranh giành với nhau.

Trường hợp hai đứa con sinh đôi của bà Thamar: cậu anh vừa đưa tay ra ngoài và được bà đỡ cột sợi chỉ điều vào tay để đánh dấu đứa nào ra trước, liền bị thằng em " sinh sự" giằng co trong dạ mẹ; cậu anh đành phải rút tay vào, "đi chỗ khác chơi" có trật tự, "nhường lối" cho em ra ngắm ánh mặt trời trước! Tình cảnh đó có lẽ không khỏi gây đau lòng cho bà Thamar. Thật là " gươm con" thâu "lòng mẹ"!

Trường hợp Esau và Giacóp mới "lủng củng" hơn nữa! Hai anh em thường xuyên "chí chóe" với nhau trong bụng mẹ, đến nỗi mặc dầu hiếm con, bà Rêbecca cũng phải than rên đau khổ và xin Đấng Gia-vê can thiệp! Tới khi Esau vừa lọt lòng mẹ thì bị cậu em Giacóp nắm chặt gót chân. Cũng may mà Esau đã được nhìn ánh mặt trời trước! Nhưng chưa hết, về sau, Esau phải bán quyền trưởng nam cho Giacóp chỉ vì một bát cháo đậu; rồi bị Giacóp cướp mất chúc lành của cha. Sự kiện đã khiến Esau nổi cơn lôi đình, quyết tìm dịp giết em. Trong khi đó, Giacóp phải cao bay xa chạy để trốn mặt anh. Trước tình cảnh đó, bà Rebecca phải đau lòng xiết bao! Hai anh em sinh đôi Esau-Giacóp đã trở nên " gươm hai lưỡi" đâm thâu lòng bà Rêbecca!

Thế nhưng, lịch sử cho thấy có những trường hợp trái ngược: Hai anh em thương nhau "ra rít" như bóng với hình, thậm chí còn có cùng một ý hướng, một mong ước, cùng dìu dắt nhau tiến tới trên đường thánh đức. Hai anh em thánh Beneđictô và Scôlastica là một thí dụ điển hình.

Bênêđictô là anh, còn Scôlastica là em gái. Hai anh em sinh đôi năm 480 trong một gia đình đạo hạnh và giầu sang tại thành Nursia, nước Ý. Ngay từ nhỏ cô cậu đã được hưởng một nền giáo dục đạo đời thật chu đáo. Tình huynh đệ giữa hai anh em ngày càng phát triển sâu xa. Họ thương nhau tha thiết, đồng thời biết thúc giục và giúp đỡ nhau tập tành các nhân đức Công Giáo. Tuổi hoa niên của Bênêđictô và Scôlastica nơi gia đình trôi êm như một giấc mộng đẹp.

Về sau, Bênêđictô được gửi học tại Rôma. Trí thức cũng như nhân đức của chàng tiến không ngừng. Trong khi đó Scôlastica nhan sắc và đức hạnh lưu lại gia đình, đành tạm rời xa anh một thời gian. Nàng chuyên chăm các việc trong nhà, thích thú cầu nguyện, và ưa đời trầm lặng, mặc dầu nàng sẵn có tâm hồn tươi vui và hoạt bát.

Danh tiếng nhân đức và nhan sắc của Scôlastica được loan truyền mau lẹ tới các miền lân cận. Nhiều chàng công tử giầu sang đã ngấp nghé muốn hỏi nàng làm vợ. Nhưng Scôlastica đã quyết dâng hiến đời mình cho Chúa. Trong khi đó, Bênêđictô chuyên chăm việc học tại Rôma. chàng nghe thấy tiếng Chúa âm thầm gọi chàng cách mầu nhiệm... Cuối cùng chàng đã đáp lại tiếng Ngài, bằng cách trốn vào hoang địa Subiacô cách Rôma khoảng 40 dặm để sống đời tịch liêu thân mật với Thiên Chúa.

Sau nhiều năm sống khổ hạnh nơi hang Subiacô, tiếng thơm nhân đức của Bênêđictô truyền tụng khắp nơi. Nhiều người tuốn đến xin làm môn đệ. Bênêđictô giảng dạy, làm phép lạ và lập nhiều tu viện. Tu viện chính được xây cất tại núi Cassinô, cách Rôma 80 dặm.

Trước tấm gương xa lìa vinh hoa phú quí để theo Chúa sống đời khổ hạnh của anh. Scôlastica ước ao mãnh liệt được theo gương anh. Nàng phân chia của cải cho người nghèo, rồi cùng với một tớ nữ tiến về núi Cassinô để xin Bênêđictô hướng dẫn trên đường nhân đức. Bênêđictô rất hài lòng về dự tính của em, và xây cho nàng một tu phòng không xa tu viện Cassinô là bao, đồng thời tự tay soạn luật cho em.

Tiếng tăm nhân đức của Scôlastica ngày càng lan rộng. Nhiều trinh nữ giã từ xa hoa trần thế, tụ họp quanh nàng để xin cùng chung lý tưởng hiến dâng cuộc đời phụng sự Chúa. Để dung nạp những tâm hồn thiện chí này, Bênêđictô đã khỡi công xây dựng một đan viện cho các chị dòng Biển Đức tương lai.

Scôlastica đương nhiên được coi như vị sáng lập, và là nữ đan viện trưởng đầu tiên của chị em Biển Đức; trong khi Bênêđictô vị sáng lập và là tu viện trưởng đầu tiên của dòng anh em Biển Đức. Hai anh em sinh đôi đã có cùng một ước mơ, một chí hướng, và một lý tưởng phụng sự Chúa trong đời tu trì trầm lặng và khổ hạnh.

Kể từ đó, hai anh em mỗi năm chỉ gặp nhau có một lần tại căn nhà ngoài nội vi tu viện, trước sự chứng kiến của các thầy đồng hành với Bênêđictô. Thực ra, những lần gặp gỡ này là chỉ để đàm thoại về Chúa và những sự siêu nhiên.

Lần cuối cùng hai anh em được gặp nhau xẩy ra ba ngày trước khi Scôlastica giã từ cõi thế. Hôm đó, sau khi đã đàm thoại lâu giờ, Scôlastica nói với anh:

-Em xin anh ở lại với em đêm nay, để chúng ta cùng tiếp tục đàm đạo về hạnh phúc trên trời.

Bênêđictô lập tức chối từ, vì luật dòng không cho phép ở ngoài tu viện ban đêm. Trước sự khước từ mạnh mẽ của anh, Scôlastica lặng lẽ khoanh tay trên bàn, rồi cúi đầu cầu nguyện với Chúa. Lạ thay, bầu trời đang quang đãng bỗng nổi cơn bão tố, sấm sét ngang dọc, mưa đổ như trút! Thế là Bênêđictô và các thầy buộc lòng phải ở lại, và Scôlastica lòng tràn ngập vui sướng vì được đàm đạo với anh suốt đêm về những sự trên trời. Trước tình cảnh đó, Bênêđictô nói với em:

-Xin Chúa tha cho em! Em làm cái gì kỳ vậy?

Scôlastica trả lời:

-Anh xem, em xin anh một đặc ân mà anh nỡ từ chối! Em chạy đến xin Chúa, Ngài ban ngay cho em!

Anh em giã biệt nhau được ba ngày thì Scôlastica từ trần, hưởng thọ 60 tuổi. Lúc đó, đang cầu nguyện trong phòng, Bênêđictô trông thấy linh hồn em xinh đẹp như chim bồ câu nhẹ nhàng bay về thiên quốc. Sau khi dâng lời ca tụng Chúa, Bênêđictô liền sai các thầy rước xác Scôlastica về tu viện Cassinô và táng trong chính ngôi mộ Bênêđictô đã chuẩn bị cho mình.

Sau cái chết của em, Bênêđictô còn sống thêm 7 năm trong chay tịnh, hy sinh và hãm mình... Sáu ngày trước khi chết, Ngài ra lệnh mở sẵn cửa mồ. Ngày cuối đời, sau khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa như của ăn đàng, Bênêđictô được các thầy giúp đứng dậy, Ngài giơ cao đôi tay lên trời cầu nguyện. Và trong tư thế đó, Ngài thở hơi cuối cùng. Ngày hôm ấy hai tu sĩ Biển Đức, Một ở cùng tu viện với ngài, một đang ở xa, được thị kiến cùng một điềm lạ như nhau: họ trông thấy một đường sáng thật huy hoàng trải dài từ tu viện lên bầu trời về phía đông. Bên cạnh con đường sáng đó có một người dáng vẻ đạo mạo, y phục lộng lẫy. Người này hỏi hai thầy rằng họ đang chiêm ngắm con đường của ai đó. Sau khi họ thú thật không biết, người lạ trả lời:

-Đó là con đường mà Bênêđictô, bạn yêu quí của Chúa, đã lên trời.

Bênêđictô qua đời năm 547, hưởng thọ 67 tuổi.

Hai đứa con sinh đôi của bà Thamar đã khởi sự tranh giành nhau từ trong lòng mẹ. Hai anh em sinh đôi Esau và Giacóp không những " chí chóe" với nhau trong bụng mẹ, lại còn "kèn cựa" hiềm thù nhau nhiều năm trời! Nhưng trái lại, hai anh em sinh đôi Bênêđictô và Scôlastica thương nhau từ tuổi ấu thơ, cùng dìu nhau về thiên quốc. Chẳng những mang cùng một tâm tư, thân xác họ còn được chôn trong cùng một tấm mồ. Tình huynh đệ thắm thiết từ khi lọt lòng mẹ, trải qua suốt cuộc sống, kéo dài tới lúc chết, và còn tồn tại mãi mãi trên trời.

Hằng năm Giáo Hội mừng kính thánh Scôlastica vào ngày mồng 10 tháng 2, và thánh Bênêđictô vào ngày 11 tháng 7.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên