1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29

Bùi Ngọc Tấn
Tập II
Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày hắn được ra tù.
Người kể chuyện này lấy làm khó xử trong cách gọi hắn, trong cách đặt nhân xưng ngôi thứ ba cho hắn. Chả lẽ gọi hắn là ông, là ông ấy. Gọi một thằng tù như vậy sợ hơi khó nghe. Hơn nữa chắc bạn đọc đã quen với từ “hắn” trong suốt phần một.
Còn một lý do nữa: Cũng rất khó xác định tuổi tác của hắn. Người đoán hắn năm mươi. Người bảo sáu mươi. Người nhìn mái tóc bạc và nét mặt nhăn nheo của hắn, cả quyết: Hắn không thể dưới sáu mươi nhăm tuổi.
Vậy là hắn không có tuổi, như ông Lan không có tuổi.
Cứ gọi hắn là hắn, chẳng sao. Hắn không tự ái đâu. Nhưng đừng bảo hắn sáu mươi nhăm tuổi, hắn buồn. Hắn buồn vì nghĩ rằng hắn sắp đến cõi rồi.
Hắn đã đưa bố mẹ hắn, nhiều bạn bè hắn ra nghĩa địa, ngắm nhìn những dòng chữ ghi trên mộ chí những ngôi mộ không quen. Người chết đủ mọi lứa tuổi. Già. Trẻ. Trung niên. Có cả các cháu bé. Những nấm mồ hoàn toàn yên lặng mà sao nói nhiều đến thế.
Hắn cũng để ra nhiều đêm nhìn sao. Không. Không phải nhìn sao như ở trại Q. N. Như cái đêm về nhà bố mẹ sau khi ra tù. Hắn không nhìn sao để tìm lại những người bạn ấu thơ, tìm lại những gì đã mất. Hắn nhìn sao, nhìn vào đêm sao thăm thẳm mà ngẫm ngợi về cuộc sống con người. Hắn phát hiện ra:
Nhìn lâu vào trời sao cũng có cùng một cảm giác như nhìn vào mộ chí. Thấy rõ cái vô cùng của trời đất và cái hữu hạn của một kiếp người. Thật vô nghĩa cho những cái bong bóng xà-phòng, những con côn trùng bé tí. Thế nhưng những cái bong bóng xà-phòng ấy, những con côn trùng bé tí ấy chà đạp nhau, hành hạ nhau, tiêu diệt nhau, mưu toan, dục vọng, lừa đảo, chém giết, đầy đọa... nhau, thích thú vì đã ngoi lên, đã làm khổ được đồng loại. Những người ấy hẳn chưa bao giờ nhìn kỹ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng.
Hắn nghĩ chắc chắn ông Lan, ông Trần và những ông khác có dính đến vụ án của hắn chưa bao giờ nhìn sao, nhìn các nấm mồ như hắn đã nhìn. Bởi vì bất kỳ ai đã trò chuyện với các nấm mồ, đối thoại với các vì sao đều sẽ tốt hơn, nâng cao được nhân bản, giảm đi sự tàn ác, bất công với đồng loại. Họ đều sẽ hiểu cái phù du, cái vô nghĩa lý của một kiếp người.
Hắn đâm thương các ông ấy. Bởi vì chính các ông ấy - cũng như hắn - sắp tới cõi rồi. Tuổi già đến. Ai cũng sẽ hiểu được cái hữu hạn của cuộc đời. Cái cô đơn sẽ đến. Vợi cho ai được những gì đè nặng lương tâm? Trò chuyện với con cháu cũng như trò chuyện với lương tâm. Không thể nào dối trá. Vậy thì nói gì? ông Trần, ông Lan, ông Quảng (trưởng phòng của ông Trần mà sau này hắn biết là một trong những người gây đau khổ cho hắn) tự nói gì với lương tâm mình để sống được thanh thản. Rồi hắn lại lẩm bẩm: “Nhưng không biết các ông ấy có lương tâm không nhỉ?”
Đấy hắn cứ nghĩ ngợi kiểu như vậy.
Nhiều lúc hắn tự biết hắn đã hỏng, và chấp nhận điều đó. Bởi vì hắn đã cố chống lại nó nhưng không được. Hắn buồn rầu: “Mình đã bị tiêu diệt. Tiêu diệt hoàn toàn”. Bây giờ hắn chia cuộc đời hắn thành những thập niên. Thập niên thần tiên. Đó là thập niên đầu tiên khi hắn biết có hắn trên cuộc đời này. Thập niên này dài lắm. Mong từng ngày đến Tết. Mong từng ngày đến mùng ba tháng ba, ăn bánh trôi. Mong đến mùng năm tháng năm, giết sâu bọ. Mong đến xá tội vong nhân, đến Trung thu. Mong bằng tuổi anh Văn mà không sao bằng được.
Thập niên thứ hai: Thập niên tin tưởng. Dù đi đâu, ở đâu. Bến Tắm, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế. Thái Nguyên... Dù gian khổ đến mấy cũng không lay chuyển được niềm tin của hắn. Niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, niềm tin vào cuộc kháng chiến, vào tương lai của chế độ xã hội chủ nghĩa, vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Thập niên thứ ba: Làm việc. Hạnh phúc. Mộng du (Làm báo. Lấy Ngọc. Viết sách). Thập niên thứ tư: Dưới đáy. Cố ngoi lên để khỏi bị nhận chìm dưới đáy. Đấu tranh đòi hưởng sự công bằng, đòi hưởng luật pháp.
Thập niên thứ năm: Chiêm nghiệm. Xác nhận thực tại mình bị tiêu diệt. Hiểu. Thập niên thứ sáu..... trò chuyện với vô cùng.
Mấy thập niên thôi là hết cuộc đời.
Tất nhiên nội dung các thập niên không tách bạch bằng một tiếng kẻng. Như trong sách chính trị đã hướng dẫn: có manh nha và có tiền đề. Thập niên sau manh nha ở thập niên trước. Thập niên trước tạo tiền đề cho thập niên sau. Cuộc sống con người cũng như các giai đoạn của kháng chiến, của sự phát triển sức sản xuất, quan hệ sản xuất.
Đến đây đầu óc hắn lại mụ mị đi. Cái chất phóng xạ ấy của hắn mạnh lắm. Nên ít người nói chuyện với hắn.
Phải nhận rằng hắn rất tỉnh táo, nhận biết đtíợc điều nguy hại đang đến với hắn: Sự hỏng từ từ. Và hắn quyết chống lại. Dai dẳng. Kiên quyết. Dù thất bại.
Như cái hồi mới ra tù: Nhìn ai cũng thấy quen quen, ngờ ngợ như đã gặp ở trại nào, nhìn ai cũng thấy như người mới ở tù ra, hắn tự cảnh tỉnh ngay. Nhưng cảm giác ấy cứ bám vào hắn, xua đi không được. Giống người đi biển lâu ngày, khi lên bờ, vẫn thấy mình đu đưa, bập bềnh theo nhịp sóng mà ta gọi là say đất, hắn mắc chứng say tù.
Và cũng như người say đất, hắn phải có một thời gian mới rứt ra được khỏi lực hút ám ảnh hắn. Lực hút của nhà tù, của gần hai ngàn ngày đêm đóng dấu vào não hắn, vào từng tế bào hắn, bốc khói, cháy khét và ngấm đượm. Không ai hiểu được điều hắn đang trải qua khủng khiếp đến thế nào. Hắn cảm thấy một cái gì không an toàn. Một cái gì sắp nổ tung. Hắn thấy bọn tù mới được tha ấy đông lắm. Nhan nhản. chen chúc lẫn lộn với những người bình thường và cũng làm ra vẻ mình là người bình thường. Mọi người đều tưởng họ là người lương thiện.
Họ hệt những người hoạt động tình báo. Chỉ có điều đội quân Z7, A15, B61 này đông quá. Hắn có cảm tưởng như sắp bị lật đổ đến nơi. Rất đáng báo động. Nguy hiểm mà không ai biết được sự nguy hiểm. Vì không ai nhận ra họ. Họ giống hệt mọi người. Họ giấu biệt quá khứ đen ngòm của mình, chuỗi ngày tháng sống trong địa ngục của mình, sự đau khổ nung nấu tim gan mình, nhưng hắn vẫn nhìn thấy, vẫn nhận ra. Vì họ đều đã bị đóng dấu nung đỏ.
Cảm giác ấy càng tăng lên khi một buổi chiều, con Thương đi học về bảo hắn:
- Bố. Có ai hỏi bố ở dưới nhà ấy?
- Ai con?
- Con không biết, trông lạ...
Hắn xuống thang. Hai người quần nâu, áo nâu đứng dựa lưng vào tưởng chỗ bể nước. Quen quen. Đúng rồi. Min: toán chăn nuôi, người đã giũa răng cho hắn. Còn một anh nữa mặt loang, tay loang. Thấy hắn, cả hai cười rất tươi. Người mặt loang bảo:
- Anh không nhận ra em à?
Trời ơi. Thì ra là Dự. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp. Dự cũng đã được ra rồi. Dự bảo:
- Em bị cháy, bỏng.
Hắn mời hai người lên nhà, nhưng Dự lắc đầu:
- Thôi, chúng em đứng ở đây thôi. Hắn liếc nhanh vào cửa sổ của gia đình gần bể nước. Những cặp mắt tò mò, khinh bỉ đang nhìn bọn hắn. Bọn hắn thì chẳng lẫn vào đâu được. Bây giờ bè bạn hắn rặt một loại như vậy.
- Lên nhà! Lên nhà chuyện nào. Đừng đứng đây!
Hình như ba tiếng cuối “dừng đứng dây”có tác dụng. Họ rón rén lên thang gác. Có lẽ cả đời hai người khách chưa được bước lên thang gác lần nào.
Dự bảo:
- Em hỏi cô đồng hồ ngoài cửa. Cô ấy bảo anh ở trên gác.
Hắn pha nước và hỏi Dự:
- Còn thuốc hút không?
- Em còn.
Hắn lấy ra bọc thuốc của hắn, rứt cho Dự một nắm to. Vừa uống hết chén nước thì Ngọc đi làm về.
Thấy Ngọc, cả hai sợ hãi:
- Thôi, chúng em đi đây.
Hắn rất muốn giữ hai người lại, ăn với hắn một bữa cơm và trò chuyện đôi chút, nhưng hắn nể Ngọc. Đúng hơn là sợ. Hắn đưa mắt nhìn Ngọc và nhìn hai người bạn tù. Ngọc thấy thương hắn và thương hai người bạn tù của hắn. Chỉ trông vẻ mặt, dáng người cũng biết họ đang lâm vào hoàn cảnh như thế nào. Nàng đau xót hiểu rằng thế giới của hắn - và cũng là thế giới của nàng - từ nay đã hoàn toàn đổi khác, bạn bè đến nhà toàn những người cặn bã, mạt hạng. Nhưng hắn hiểu và thương xót những con người ấy, nên nàng cũng hiểu và thương xót những con người ấy. Nàng niềm nở như niềm nở với những nhà văn, nhà báo, nhà điện ảnh trước đây vẫn đến chơi nhà:
- Mời hai anh ở lại ăn cơm với chúng tôi. Cơm rau mắm thôi, có gì mà ngại.
Hình như hai người tù chỉ đợi có vậỳ. Hắn nhìn Ngọc, cái nhìn biết ơn. Đúng là gặp Dự ngoài đường hắn không nhận ra.
Vì vết loang hồng hồng, trắng trắng chạy từ má chéo xuống cổ. Cả ở tay nữa. Dự bảo:
- Suýt chết đấy, anh ạ.
Và Dự kể lại chuyện cháy chiếc xe ô-tô của trại. Dự xông vào cứu. Bỏng cả mặt, cả người. Nằm trạm xá hàng tháng. Dự bao giờ cũng vậy. Coi vỉệc trại như việc nhà. Làm hăng vì cái tính nó thế. Dự được giám thị kết nước da nghĩa là có việc gì đột xuất lại gọi Dự đi. Chủ nhật. Ngày nghỉ. Làm đường. Chữa lại đập Sửa lại cái bậc cấp ở khu cơ quan. Dự đều được gọi. Lúc về Dự chuyện như pháo rang. Những là ông Quân nói gì, ông Vui, ông Thanh Vân đi bắn chim ra làm sao. Rổi bà Mùi nhà - bếp - cán - bộ tốt lắm. Đắp lại bếp lò cho bà ấy, bà ấy cho một đa thịt, bắt ăn hết, không được mang vào trại.
Đi làm mệt nhọc, nhưng Dự thuật lại ầm ĩ, sôi nổi, phấn khởi, dù nhiều khi mất mồ hôi mà chẳng được gì, một nửa cân sữa bổi dưỡng cũng không. Chỉ được xuống suối tắm. Tắm bồi dưỡng. Dự làm hắn liên tưởng đến một anh cố nông, bỗng lạc vào nhà các quan, trở về huyên thuyên trò chuyện.
Hắn vẫn nghĩ Dự có một cái gì đó ngớ ngẩn. Không ngớ ngẩn mà lại xông vào dập ô-tô cháy. Ai khiến? Ngộ nhỡ bỏng chết thì sao? Hay co quắp chân tay, tàn phế thì sao? Hình như Dự hài lòng với cuộc sống trong tù. Chưa bao giờ thấy Dự kêu ca phàn nàn. Chẳng ngớ ngẩn mà lại đưa đầu cho hắn cắt tóc. Tù mà được cắt tóc thật như người bình thường được đi tắm Đồ Sơn. Trại vẫn có một anh chuyên làm việc cắt tóc. Đừng tưởng việc làm của anh ta nhàn nhã hơn mọi người. Tông-đơ cùn, bóp đến phát hạch ở nách. Đứng đến tụ máu ở chân. Khi anh ta mãn án được về, ông Lâm có sáng kiến trao bộ đồ cắt tóc cho Thất quản lý. Các toán mượn về cắt cho nhau ngày chủ nhật. Thế là ai cũng thành thợ cắt tóc. Hắn cũng cắt. Mọi người nghi ngờ khả năng của hắn. Dự ngồi ngay xuống cái ghế ở nhà àn thản nhiên:
- Anh cắt cho em.
Hắn cầm tông-đơ dũi tóc cho Dự. Tông-đơ cùn, đầu Dự bẩn, tóc lại dài, cợp. Hắn bóp. Tóc đứt, tóc chưa đứt giắt vào tông-đơ, nhổ lên lịch phịch nhưng Dự không kêu mà chỉ nhăn thôi. Dự ngồi cúi cúi. ngoan ngoãn. Hắn dũi và thỉnh thoảng lại phải chờ, vì một anh mượn tông-đơ sửa lại cái mai. Nói chung các đồ dùng cắt tóc được luân phiên sử dụng để ba bốn “ông thợ” phục vụ ba bốn “ông khách” cùng một lúc.
Cuối cùng mái tóc đầu tiên trong đời hắn đã được hắn sửa sang xong. Đó là một tác phẩm điển hình của những người mới tập cắt tóc: cóc gặm, làn sóng, răng cưa, bên dướí trắng, bên trên xoè ra một vành như đống rơm bị rút nham nhở. Dự đưa tay xoa lên gáy, phấn khởi:
- Nhẹ cả người. Anh cạo cho em.
Hắn lại phải chờ. Vì dao cạo còn bận. Cuối cùng hắn cầm dao, liếc liếc vào bàn tay và cạo. Bấm mai cái đã. Hắn hoảng: Lưỡi dao khoét ngay một lớp da trắng hếu và ở chỗ đó những giọt máu tươi rịn ra...
Hắn xuýt xoa:
- Chết rồi.
- Không sao, anh cứ cạo đi.
Đến lúc đó hắn mới biết cạo mặt còn khó hơn dũi tông-đơ. Lưỡi dao cùn cứ nhảy nhảy băm băm trên trán Dự thành những vệt ri rỉ... Hắn bảo Dự: “Thôi, xong”. Dự đứng lên lấy lược chải đầu, lấy tay cào tóc ở vai, ở cổ. Lấy áo đập khắp người (nước đâu mà tắm) Lúc bấy giờ hắn mới thấy mệt, đầu nhức lên vì qụá căng thẳng.
Dự được về sau hắn hai tháng. Đợt ấy về khá đông. Hắn nghĩ có lẽ những câu đăng báo, nói trên đài đã bắt đầu được thực hiện chăng: “Xóa bỏ hận thù, khôi phục tình thương”. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hơn mười anh số lẻ về một lúc, xôn xao cả trại. Tuy toàn những người trên ba lệnh. Phố đã về. Dân Cầu Giát vẫn chưa được về. Cả Cán nữa. Cán thì về với ai? Cương nữa, gia đình Cương đi Nam hết từ năm 1954. Một mình Cương ở lại. Đủ để người ta nghi vấn, đặt vấn đề và không thể tha Cương. Có ai tin được rằng Cương ở lại miền Bắc chỉ vì một cô gái. Vũ Lượng, Cân, già Đô cũng còn ở trên ấy. “Bọn lính mới ấy mà”.
Dự đã về quê, nhưng thấy không thể sống được ở quê. Bố mẹ Dự đã mất. Không anh chị nào chịu cho Dự ở. Với lại làm công điểm cũng đói lắm. Nông thôn rất đói. Đấy là chưa kể đi tù về, ở nông thôn chẳng ai coi mình ra gì.
Dự chỉ đảo qua nhà một hôm. Rồi ra Hà Nội. Gặp Mỉn. Min rủ xuống P “tìm anh Tuấn xem sao, anh ấy về được mấy tháng rồi”. Tất nhiên là nhảy tàu. Tiền đâu lấy vé. Trên tàu họ kiểm tra vé thì chìa cái lệnh tha ra.
- Thế anh chưa làm gì à?
- Chưa.
- Gay go quá. Chúng em không biết xoay cách gì đây.
Cả ba cùng thở dài.
Hai người bạn tù nhìn căn buồng. Nhìn Ngọc và lũ trẻ bận bịu đi ra đi vào, đong gạo, nhặt rau, giặt giũ, phơi phóng quần áo, mắt họ ánh lên vẻ thèm thuồng. Dù bị bỏng, dù bị một vết loang đỏ và trắng chéo ngang mặt xuống tới cổ, nét mặt Dự vẫn quê mùa, chất phác, Dự ngửa mặt nhìn lên trần, nhìn cái quạt cóc quay xoe xoe, rồi nhìn ra cửa sổ lẩm bẩm:
- Nhà anh như động ấy nhỉ.
Hắn cố giữ để khỏi bật ra một nụ cười chua chát.
Hắn càng không hiểu vì sao Dự bị bắt. Lại là tù chính trị. Số lẻ đàng hoàng. Hắn không tin Dự là tù chính trị. Cái số lẻ của Dự là một sự nhầm lẫn. Cũng như hắn tù chính trị lại có số CR880. Số chẵn. Thì hàng vạn, hàng chục vạn người tù, cũng phải nhầm lẫn chứ.
Nhà hắn mà được Dự khen như động. Một cái buồng hơn hai mươi mét vuông. ưu điểm là cửa sổ nhiều và rộng. Trần cao, chỉ có một cái giường ba xà, bộ bàn ghế...
Dù đang lâm vào hoàn cảnh bi đát nhất, hắn cũng hiểu Dự và Min còn khốn nạn hơn hắn rất nhiều. Họ chỉ ao ước được như hắn.
Hình như Dự muốn hỏi cái gì đó mà không dám.
Hắn khe khẽ:
- Có cần gì không, hở Dự?
Dự lấy hết can đảm:
- Anh còn bộ quần áo cũ nào không?
Hắn đứng lên ngay. Quần áo hắn có. Nhiều người cho hắn. Quần áo cũ của chính hắn cũng còn. Hắn tặng hai người hai bộ. Một bộ cũ nhưng còn lành. Một bộ đã pích-kê ở đầu gối và ở mông. Hắn giục:
- Thay luôn đi, thử xem có vừa không?
Hình như cả hai đều không muốn mang trên người bộ quần áô nâu. Họ ra nhà giải. Thay ngay. Dự mặc bộ lành, Min mặc bộ vá. Đúng là dễ trông hơn. Bình thường hơn. Trà trộn với đời thường được rồi. Thế là hắn lại nhớ đến những người quen quen, ngờ ngợ hắn gạp trên đường. Nhan nhản. Hệt như những người thường. Chẳng ai biết rằng số người này đã trải qua những năm tháng nung luyện đặc biệt. Nhiệt độ trong người họ khác hẳn mọi người. Hắn thấy lo. Hắn hoảng. Sao mà đông thế. Hắn lại hơi mụ mị đi. Ngọc phải giục hắn:
- Anh nói các anh ngồi dẹp lại để con nó dọn cơm.
Cơm độn mì. Một bát canh rau đay. Một bát mắm tôm chưng. Chủ khách quây quần. Cơm nước xong, hai người khách đứng dậy xin phép đi ngay.
Hắn biết Dự và Min chẳng có chỗ nào mà đi ở cái thành phố này. Nhưng hắn không thể lưu hai người lại. Nhà hắn quá chật. Hắn cũng có quá nhiều điều phải lo. Chính hắn cũng không biết phải làm gì để sống.
Tối hôm sau cô chữa đồng hồ ngoài cửa bảo hắn:
- Hai anh hôm qua lại đến.
Thấy hắn ngớ ra. Cô nói rõ hơn:
- Cái anh bị bỏng ở mặt với một anh nữa ấy...
Hắn ngạc nhiên. Cô đồng hồ nói tiếp:
- Hai người đứng suốt buổi chiều ở bên kia đường, nhìn sang ngõ bên này.
Hắn thấy nhói lòng. Nhói lòng ở chỗ Min và Dự không dám vào nhà hắn. Họ đói. Họ cần chỗ nghỉ ngơi, chỗ ngồi than thở.
Họ thèm nhìn vào một gia đình... Họ cứ đứng dựa bờ tường ngôi nhà bên kia đường mà nhìn sang. Đứng suốt một buổi chiều ở vỉa hè bên kia đường nhìn sang rồi đi. Đi đâu?
Cô chữa đồng hồ nói là đúng. Cô rất thông cảm với hắn. Cô rất thương Ngọc và mấy đứa nhỏ. Ngày hắn đi xa, cô thấy con Thương ngồi khóc một mình ở giữa cầu thang. Khóc từ bao giờ, sưng cả mắt. Thằng Dương đứng bên cũng khóc. Cô hỏi nó vì sao. Thì ra nó đi xếp hàng mậu dịch mua thịt. Mẹ Ngọc đưa cho nó một đồng. Nó cho vào túi, suốt trong lúc xếp hàng nó lúc nào cũng nắm chặt cái túi. Nó oà lên: “Thế mà mất rồi, cô ơi”. Cô đồng hồ dỗ dành nó. Cô cho nó một đồng.
Nếu không phải cô đồng hồ, mà là một ai khác trong số nhà này nhìn thấy hai người ấy và biết họ là bạn tù của hắn, hẳn sẽ bàn tán, khinh bỉ hắn, khinh bỉ họ, đó là chưa kể người ta còn dặn con, dặn vợ: “Cửa rả cẩn thận. Quần áo kéo vào đi... “
Hắn cứ nghĩ Min và Dự còn đến nhà hắn một lần nữa. Nhưng hai người biến mất. Lặn mất. Thỉnh thoảng hắn vẫn nhớ đến họ. Nhớ đến lúc hắn xuống nhà, nhìn thấy Dự, Min dựa vào tường, sợ sệt nhìn hắn. Rồi hắn tưởng tượng ra cái lúc hai người đứng bên kia đường nhìn sang bên này suốt một buổi chiều...
Không biết họ làm gì, họ sống ra sao.
Đó là thời gian rất khó khăn.
Một mình Ngọc di làm nuôi cả nhà: một người chồng thất nghiệp, và ba đứa con (con Nguyệt đã có ông bà nuôi) với đồng lương ít ỏi: phụ kho 45 đồng. Có ngày nàng đạp xe đi làm mà chưa nghĩ kiếm đâu ra năm xu để mua mớ rau đay đem về nấu muối cả nhà chan húp. Cũng may mà có sự giúp đỡ của anh Thân - một người quen nửa thành phố - sau ba tháng nghiên cứu, xem xét, phòng lương thực đã cấp sổ gạo cho hắn. Hắn xuýt xoa vì ba mươi chín cân gạo bị mất ấy, nhưng Ngọc thì mừng. Nàng sợ hắn không được cấp sổ gạo, hoặc còn phải chờ đợi nữa. Với nàng điều gì cũng có thể xảy ra. Nàng hoảng sợ với tất cả. Đó là một nét mới hắn thấy ở nàng. Hắn càng thương nàng hơn.
Hắn không muốn quàng thêm cái ách nữa lên vai nàng. Hắn muốn san sẻ với nàng gành nặng nàng mang quá lâu rồi..
Nhưng làm gì?
Làm gì để sống?
Bình dạy hắn lau xe đạp. Lau cái xe đạp của Ngọc, Bình bảo:
- Nghề này sống được đấy, mày ạ.
Trước khi đi tù, Bình đã dạy hắn lau dầu xe đạp. Lúc ấy Bình gọi việc lau dầu xe đạp là tập thể dục trí óc.
Nhưng hắn vốn là kẻ vụng về. Công việc mang tính chất kỹ thuật nhất với hắn là đóng guốc cho Ngọc mà đinh không khoằm, không đóng vào tay.
Trong trại, những hôm đi rừng, hắn phải nhờ người mài dao hộ: Khi Kỷ Mình, khi Sơn, khi Hỉn Sán, già Gọi. Hắn mà mài, con dao cứ sáng loáng lên, chứ không sắc. Hắn lau xe đạp thì lau thôi, chứ hắn biết hắn chẳng làm được nghề này. Chỉ móc lốp vào vành cũng thấy gay go rồi.
Hắn ra trước cửa thành đoàn, la cà ngồi chơi ở vườn hoa với một anh tù V. Q. Anh này tên là Phúc mù, vì hai mi mắt trên có hai nốt ruồi đen sì mọc ra thây lẩy như hai cái đầu vú. Phúc có kiểu nói tục không chịu được. ở trong tù thì: Sáng ra chưa kịp, đ.mẹ... Đánh răng rửa mặt đã gọi đi làm rồi..
Và:
- Các chàng mà đèo các nàng đi chơi, đ.mẹ... Châm kim là chết với em, đ.mẹ... Ba hào chứ năm hào cũng trả ngay. Hí hí...
- Bây giờ về, đ.mẹ... không biết con gái đã có cơm chưa đây.
Phúc có kiểu nói như vậy. Cứ đến chữ đ.mẹ là Phúc chấm câu. Hắn tập sự thêm, nhưng Phúc gắt:
- Bố đ.mẹ. Làm hỏng hết rồi. Tôi bảo bố đ.mẹ nới ra cho tôi, bố lại đ.mẹ đi vặn vào. Cháy hết sám của tôi rồi.
Hắn cãi:
- Không. Tôi vặn ngược chiều kim đồng hồ mà.
- Khổ lắm. Cái bàn ép của tôi làm ngược răng. Vặn ra tức là đ.mẹ vặn vào. Vặn vào đ.mẹ tức là vặn ra, bố ạ!
Hắn về nhà nghĩ cách kiếm sống. Lại những ý kiến bàn tán:
- Hay là mua xe bò kéo. Sống lắm.
- Xe bò những ngày mưa còn phải lo cho bò ăn.
Có loại bò nghỉ làm là nghỉ ăn. Đấy là xích-lô máy. Cứ làm cái xích-lô máy chạy bến Tắm - bến Rầng chẳng inấy chốc mà khá.
Nhưng lại có ý kiến gàn. Công an không cấp đăng ký cho hắn đâu. Hắn cũng thấy là không được. Hắn lấy đâu ra tiền mà mua bò kéo, mua xe, mua xích-lô máy? Không biết bao nhiêu ý kiến. Có hai người quen biết bình thường, nhưng tỏ ra rất nhiệt tình trong việc tìm kiếm việc làm cho hắn. Một anh bàn đi chụp ảnh ở nhà quê. Kiếm được. Một anh khác bảo: Có một việc bên Thanh Nguyên. Trông máy bơm. Cách bến Tắm mấy cây số thôi. Nhà cửa có rồi. Tha hồ cất vó tép. Một anh còn cho hắn cả một gói chè loại hai. Anh kia thì cứ đến nhà luôn, bàn tính với hắn mọi khía cạnh trong nghề chụp ảnh.
Sao ngày xưa chỉ quen biết bình thường mà nay nhiệt tình như vậy. Điều ấy làm hắn suy nghĩ. Hắn tin rằng họ đúng là người của xịa. Cho đến bây giờ, cùng với thời gian, hắn càng tin rằng họ là đặc tình, được công an cử đến gặp hắn. Xịa cũng muốn hắn có một việc làm do xịa xếp đặt, để xịa quản lý, để hắn nằm trong sự quản lý của xịa. Hai người này cũng chẳng ác cảm gì với hắn, họ có việc đến công an (một anh có ông anh ở Nhật sắp về, một người có đứa con ngoài giá thú) thế là được công an bảo: “Anh Tuấn mới về, chúng mình phải giúp anh ấy có việc gì làm ăn. Hiện nay có việc này... anh là bạn anh ấy, anh thử dến thăm anh ấy... “
Hai người kia hiểu đây là nhiệm vụ được giao.
Họ vốn thông minh, hơn nữa việc này là việc thiện, không sợ lương tâm cắn rứt...
Dứt khoát là như vậy. Hắn đang tù chính trị, người ta sợ hắn như hủi, tránh hắn chẳng được, lại còn lo việc làm cho hắn. Có mà điên. Giữa lúc ấy Thế Hùng đến.
Thế Hùng là một họa sĩ. Anh đã làm cho nhiều cơ quan xí nghiệp, nhưng rồi anh phát hiện ra rằng: Đó là nơi chôn vùi tự do của anh. Lương thấp, lại gò bó. Hùng vẽ nhiều đi nhiều. Và chuyến đi dài nhất là chuyến đi tìm mình. Anh tìm anh. Tìm cả đời. Anh làm việc khỏe, không lúc nào không ghi chép. Anh vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài, phấn màu. Lúc mang một chút Rêpin. Lúc bốc lên, xoáy lên một khoảng trời Van- Gogh. Lúc lại ngây thơ như Rousseau, người nhà đoan Pháp vẽ tranh.
Hắn quý Hùng vì sự tìm tòi ấy. Dù hắn sợ sự tìm tòi ấy quá dài mà Hùng vẫn chưa định hình. Hắn hay giễu Hùng:
- Thế nào, ông Gauguin còn dánh nhau với ông Van Gogh không, mày?
- Hai ông ấy hoà với nhau rồi. Để về một phe xúm lại đánh tao. Tao chấp tuốt.
Hùng đã rủ hắn và Bình làm triển lãm cho sở nông nghiệp: chuyên đề về phân bón. Hắn đặt lời. Hùng vẽ tranh. Mấy chục chiếc. Tất nhiên Hùng phải cáng đáng mọi việc quan trọng nhất. Hắn vụng chân vụng tay, hắn đi mua sơn. Căng vải quét nền trắng. Chấm xanh làm bèo hoa dâu. Bình làm mảng. Hùng tô nềt ngoài. Chính trong đợt làm ấy, Hùng vẽ tranh con Thương. Dạo ấy đang chiến tranh bắn phá, chỉ có hai bố con ở phố. Hắn mang cả con Thương đi làm tranh. Chú Hùng bắt cháu ngồi một ngày và kết quả là một bức tranh đẹp đến mức không ngờ.
Hùng mới đi vẽ ở miền núi về, nên đến thăm hắn hơi muộn. Khi hắn đi tù, Hùng lấy một cô vợ hai. Hùng kéo hắn sang nhà cô vợ mới này. Một cô y tá nhà máy xi-măng xinh đẹp, đã ly dị và có một con với người chồng trước.
Hùng đến ở với cô vợ hai và thỉnh thoảng mới quay lại phố Cầu Gỗ, nơi người vợ cả và sáu đứa con lúc nào cũng đón tiếp anh trong bầu không khí trước lúc bão đến.
- Sao mày làm ăn lằng nhàng thế?
Hắn hỏi cho có chuyện. Vì hắn biết anh em Hùng đều đã khuyên can Hùng. Vợ Hùng đã bao lần định “xé xác con đĩ”. Cơ quan không nói gì Hùng vì Hùng không có cơ quan, nhưng nhà máy xi-măng hành hạ cô Hà (cô vợ trẻ của Hùng), kiểm điểm lên xuống.
- Rất may. Cô ấy đã ly dị.
Hùng bảo hắn:
- Đi với tôi. Tôi sẽ có cách cho ông kiếm sống. Bao nhiêu năm tôi có làm biên chế đâu mà vẫn sống.
- Mày còn có nghề vẽ. Chỉ riêng làm tranh cổ động thôi cũng đã tươm rồi.
Hùng cười khì khì:
- Tươm chó gì. Không đủ tiền mua thuốc vẽ, mua vải. Không có bà Cầu Gỗ thì chết nhăn răng.
- Thế sao lại đi với bà này. Bà ấy nuôi mày...
Hùng ngắt lời:
- Bi kịch. Bi kịch. Đừng hỏi nữa.
Bà “Cầu Gỗ” có một cửa hàng bán chăn bông, gối bông. Các loại áo gối thêu chim bồ câu, hoa păng-xê, hạnh phúc, tuổi trẻ, ngủ ngon...
Hùng đưa hắn đến nhà Hà, một căn nhà bé xíu, nền vẫn còn cỏ đâm lên. Chung quanh toàn là cỏ. Nhưng cũng có cầu rửa làm bằng một tấm sắt có những lỗ thủng tròn rất đều bắc lên mấy viên gạch, có rãnh thoát nước. Và một cái bếp xinh xinh. Hà cao dong dỏng, xinh và trẻ. Chỉ khoảng hai mươi nhăm tuổi. Hùng cười chỉ vào vợ đang bế con, chỉ vào nhà:
- Một túp lều tranh, hai trái tim vàng.
Và bảo vợ:
- Anh Tuấn.
Hà cười với hắn như một người quen cũ.
- Em đi mua gì làm cơm.
Hà ẵm con nhỏ đi chợ. Hùng đòi bế con, nhưng Hà không nghe. “Nó quấy, để hai anh nói chuyện”.
Hùng còn dặn theo:
- Cá rô nhé. Một món thôi. Cho nhanh.
Nhìn Hà, hắn hiểu Hà dám đánh đổi tất cả để có Hùng. Và hắn lo ngại: Không biết Hùng có đáp ứng được tình yêu của Hà không?
Hà mang về một mớ cá rô và một bó rau muống. Hắn cảm thấy dễ chịu vì Hà đối với hắn không có chút mặc cảm nào. Kính trọng. Tin cậy. Cởi mở. Hẳn là Hùng đã nói nhiều về hắn với Hà. Hùng bế con cho Hà làm cơm:
- Thằng này vừa đầy năm đây. Hà có một đứa con với thằng chồng trước. Nó ở đây. Nhưng hôm nay nó về nội. Cả nhà cô ấy phản đối việc cô ấy lấy tao. Nhưng bạn mày không phải tay vừa. Cũng nhiều sức hấp dẫn lắm.
- ồ! Bạn tao, tao còn lạ gì. Nó là chú ruột Đông-Gioăng.
Bữa ăn ngon. Cá rô rán giòn tan. Có cả rượu. Hà bảo:
- Ngày anh còn đi vắng, em đã sang nhà với anh Hùng thăm chị.
Câu ấy làm hắn cảm động. Hắn cảm thấy Hà là người tuyệt vời. Khi Hà bưng mâm bát xuống rửa, Hùng xốc xốc thằng bé lên lòng:
- Mình nghĩ cũng kinh. Ba thứ con. Đất nước có ba thứ quân thì mình có ba thứ con. Con riêng của mình. Con riêng của vợ. Con chung. Hùng lại cười khinh khích. Anh mở tủ, cái tủ sắt con, lấy ra một tập giấy sơn các màu, đã xén thành hình chữ nhật.
Làm cái này được. Tí nữa đi với mình. Đến gặp mấy cô hiệu trưởng quen.
Đó là giấy thủ công cho học sinh cấp một. Hắn và Hùng đạp xe đi mấy trường nội thành. Các cô hiệu trưởng quen chào Hùng rất nhiệt tình. Hắn xấu hổ vì cái trò đi gạ gẫm thế này. Nó có cái gì tư hữu, vụ lợi, đáng lên án, nếu không nói đây là một hình thức đi ăn mày. Nhưng Hùng cứ nhe hàm răng chín chín ba không ám khói vàng khè dẻo quẹo:
- Đây, ông bạn tôi, chuyên gia về mặt hàng này. Các chị có thể ưu tiên cho chúng tôi.
Các cô pha trà mời bọn hắn và hứa sẽ trả lời sau. Bọn hắn lại đi trường khác. Hùng luôn động viên hắn:
- Yên tâm. Chỉ cần được một trường thôi là tạm ổn.
Đi chào hàng như vậy hắn đã gặp những cô giáo quen, những cộng tác viên của báo. Nhưng hình như cả đôi bên đều cố tình không nhận ra nhau. Cũng như khi gặp Hạnh, vợ Sơn ở một trường cấp hai, hắn và Hạnh đều lúng túng. Cả hai cùng muốn hỏi nhau một câu gì đó ngoài cái chào xã giao. Nhưng biết nói gì, “Anh ra tù bao giờ?” “Sơn được ra chưa, hả chị?” Chẳng lẽ lại hỏi nhau như vậy ở chốn đông đúc này. Chung quanh họ, các em nhỏ ríu rít, bọn chúng đều trạc tuổi thằng Hiệp, con Thương. Và các thầy, cô, những nhà sư phạm đạo mạo, nghiêm trang đứng nói chuyện ở sân hay đi vào các lớp. Hắn chỉ lí nhí: “Chị dạy ở trường này ạ. “
Cô giáo Hạnh nhìn hắn với vẻ ái ngại. Đó là cái nhìn của Ngọc nhìn bọn Min, Dự. Thế Hùng vẫn cười nhe hàm răng ám khói thuốc, liến thoàng:
- Chúng tôi chuyên sản xuất giấy thủ công, bảng - không - phấn phục vụ ngành giáo dục. Các chị cần loại dày hơn cũng được, loại mỏng hơn cũng được.
Thôi Hùng ơi Đừng nói nữa. Không bịp nổi ai đâu! Người ta thừa biết mình vừa ở đâu về. Người ta thừa biết mình chẳng làm được trò gì, thừa biết chúng mình là những tên bịp bợm. Hắn nở nụ cười gượng gạo với bà hiệu trưởng. Hạnh cúi đầu chào tất cả và đi vào lớp. Thế là hắn lại nghĩ đến Sơn. Sơn có lẽ đã hết ba năm. Được về rồi. Hắn muốn biết Sơn đã làm ăn gì chưa mà hắn chưa hỏi được.
Vừa lúc ấy có một người cầm cái chổi to dài hiện ra ở đầu sân trường, lối đi ra khu nhà xí. Người ấy quét. Quét lia lịa. Chỉ nhìn người ấy đưa một nhát chổi, hắn đã biết ngay là Sơn. Sơn đã được về. Sơn đã xin được việc làm ở ngay chỗ vợ Sơn dạy học. Khi hắn chia tay bà hiệu trưởng và nhận ở bà một lởi hứa hẹn, Sơn đã quét ra giừa sân. Sơn nhận ra hắn. Sơn gọi to:
- Anh Tuấn!
Sơn cầm chổi chạy tới. Tiếng gọi làm bà hiệu trưởng đang đi về vàn phòng, quay lại. Như cảm nhận báng gáy cái nhìn ấy của bà, Sơn đứng khựng. Hạ chổi. Quét. Nhìn trước nhìn sau. Quét. Dù sân trường sạch bong. Sơn vừa quét vừa tiến lại hắn. Hắn rỉ tai Hùng:
- Một người bạn ở trong ấy.
Hai người nắm chặt tay nhau. Sơn kéo hắn về nhà. Vợ chồng Sơn ở trong một căn buồng nằm trong khu tập thể của trường, phía sau ngôi nhà hai tầng dùng làm lớp học, có tường vây quanh, cách biệt.
Cả khu tập thể, cả chung quanh trường, khu nhà vệ sinh đều có những nhát chổi của Sơn. Sạch như ly. Không một mẩu giấy, một đầu mẩu thuốc lá, một cục phấn vỡ, một mẩu ngói non chơi lò cò.
Sơn pha nước mời hắn và Hùng. Sơn cũng về được vài tháng nay. Đúng rồi. Sơn tù sau hắn gần hai năm. Một năm giam cứu. Hai năm ở Q. N. Cũng ăn đủ ở đủ Thế là Sơn được ra vào dịp tháng Năm. Khi hắn chuyển lên V. Q, Sơn đang làm quét trại ở Q. N. Vậy là Sơn tham gia hội tù quý tộc khoảng mười sáu tháng. Thật đại phúc. Cái nghề quét dọn ấy lại được tiếp tực khi Sơn đã tự do. Kể ra cũng hơi khốn nạn, vì vợ Sơn là cô giáo dạy ngay ở trường. Nhưng dù sao cũng còn hơn thất nghiệp. Dù sao cũng còn hơn ăn bám.
Hắn thực sự ngạc nhiên và hoảng khi biết Sơn vẫn thất nghiệp. Trường có thuê Sơn đân! Không ai khiến Sơn quét. Vợ Sơn đã cấm Sơn không được quét. Nhưng Sơn cứ quét. Vợ Sơn rầy la khóc lóc, đốt chổi, chặt chổi, giấu chổi. Sơn lại có chổi mới. Bó buộc chặt chẽ vào một cái cán dài. Lại xênh xang di ở sân, lia những nhát chổi khoáng đạt. Lại lúi húi ở sau khu nhà xí quét dọn, cọ rửa... Đều đặn. Tỉ mẩn. Chăm chỉ. Các em học sinh đi làm vệ sinh trường lớp ngơ ngác hỏi cô giáo:
- Thưa cô, sạch thế này có phải quét nữa không ạ?
Cô giáo Hạnh chỉ còn muốn độn thổ. Nhục nhã, thương chồng, Hạnh phải cố gắng lắm mới có thể tiếp tục ở lại trường. Bạn bè khuyên. Bà hiệu trưởng khuyên giải Hạnh. Hạnh đã nói với Sơn mọi lời. Nhưng cô không biết khuôn mặt chồng đang ngây thộn kia nghĩ gì. Cô đã khóc biết bao đêm...
Những chuyện đó về sau hắn mới biết. Nhưng lần gặp Sơn ở trường ấy, hắn đã nhìn thấy trước kết cục dù Sơn đã trở lại dáng hình ngày trước: khuôn mạt đầy đạn, da nâu mịn, răng trắng đều. Sao mà giống Phượng Đang ngồi trong nhà nói chuyện với hắn, thấy cái lá bạch đàn mới rụng ngoài cửa, Sơn vội ra, nhặt cho vào sọt rác. Và khi nghe tiếng ồn ào của học sinh hết tiết học, biết các cô giáo đã ra khỏi lớp, Sơn cứ lăm le đứng lên vớ lấy cái chổi, định ra quét...
Hắn phải quát:
- Sơn! Ngồi đã nào!
Sơn miễn cưỡng ngồi lại, dáng vẻ bồn chồn đau khổ, lấm lét nhìn sang phía trường học. Hắn kéo Thế Hùng ra về. Sơn không giấu được vẻ vui mừng, cầm chổi đi theo hắn. Vừa tới sân trường, Sơn đã hạ chổi. Hắn nghe thấy “tiếng chổi tre xao xác hàng me” của Sơn phía sau. Hắn cảm thấy những cái nhìn của bà hiệu trưởng, của các cô giáo, của các em nhỏ bàn vào gáy hắn rát rạt. Hắn đỏ nhừ mặt: Mọi người thừa biết hắn ở chốn nào về. Tiếng chổi của Sơn tố giác hắn!
- Vợ Sơn tốt thật đấy.
Hùng bảo hắn khi hai người ra khỏi trường. Hắn cũng công nhận thế. Nhưng hắn nhìn thấy trước rằng Hạnh không thể chịu đựng được Sơn lâu hơn nữa.
Đúng như hắn đoán. Hạnh gặp Phượng, gặp mẹ Sơn khóc lóc, xin ly dị. Hoặc ít nhất cũng phải ly thân. Phải để Sơn ở nơi khác. Không thể để Sơn trong trường được.
Lúc đó Phượng đã về ở với chị. Hai chị em bán nhà ở Hải Liên, mua một mảnh vườn ven phố. Đó là thời gian hắn làm miến thất bại, làm hợp tác xã cơ khí thất bại và đang chầu chực ở công ty phế phẩm xin khâu bao tải.
Hắn đang đạp xe đi, lòng nặng trĩu thì Phượng gọi hắn. Đã dừng lại, nhưng nhìn thấy Phượng, hắn uể oải đạp tiếp. Phượng chạy theo:
- Anh Tuấn Dừng lại! Em bảo! Em không nghĩ gì khác về anh đâu.
Hắn không quan tâm đến mọi người nghĩ về hắn như thế nào. Hắn chỉ muốn chôn chặt quá khứ.
Không muốn nghĩ đến nó nữa. Nó đã chết rồi, còn khơi dậy làm gì. Hắn đang tự nghiền hắn thành bột, nhào nặn lại mình, mà Phượng thì nhắc đến cái hình hài của hắn ngày trước. Phượng gợi hắn nghĩ đến cái quá khứ hắn phải chôn đi. Phượng nắm chặt ghi- đông xe hắn:
- Vào em đi.
Cái nhìn của Phượng van vỉ, cầu khẩn như chính Phượng là người có lỗi với hắn. Hắn ngần ngừ.
Phượng nói tiếp:
- Em còn giữ một bản thảo của anh.
Câu nói ấy hơn mọi lời mời. Hắn ngoan ngoãn đi theo Phượng. Một cái ngõ to, dài, sâu. Ao. Vườn. Một mảnh sân xinh xinh. Một căn nhà lợp ngói.
- Phượng ở đây à? Thích quá nhỉ.
Hắn chưa vào nhà ngay. Hắn đứng ở sân ngắm quanh. Vườn khá rộng. Đánh thành từng luống. Ươm những cây gì đó, chưa mọc. Nhưng kìa! Một luống đã mọc rồi. Lá to xoè ra. Hình tim. Bóng. Một loại cây quen thuộc với hắn. Hắn đã tìm, đã thấy ở Q. N. Nhưng hắn vẫn còn ngờ ngợ:
- Trồng dọc mùng à, Phượng?
Phượng rầu rầu:
- Thằng Sơn đấy. Nó trồng ráy.
Như có tiếng sét đánh vào gáy. Hắn cố không thở dài. Đến lúc ấy hắn mới biết Sơn đã về đây, không ở với Hạnh nữa. Hắn bước ra vườn, cúi xuống những khóm ráy mơn mởn và hắn nghe tiếng Sơn gọi hắn. Hắn quay lại. ở dẻo đất hẹp sau nhà, Sơn đang cởi trần, chặt những cây cam cuối cùng.
Làm sao thế Sơn?
- Chặt đi. Thứ này vô tích sự.
Hắn đứng như trời trồng trước cảnh tượng lạ lùng này: Những cành cam đang mang quả bị chặt ngổn ngang. Sơn cầm con dao rựa giơ thẳng cánh bổ vào những cành cam khác. Bên cạnh đó là mai, cuốc... Đến lúc ấy hắn mới để ý thấy cái rãnh nhỏ bao chung quanh vườn đã mọc toàn ráy xanh um. Phượng kéo tay hắn:
- Thôi. Kệ nó. Anh vào nhà đi. Nó phá hết cả cái vườn này đấy. Bao nhiêu là cam. Bây giờ toàn ráy.
Khi đã vào trong nhà, hắn lo lắng bảo Phượng:
- Cẩn thận, không nó hỏng mất.
Phượng bình thản như từ lâu đã chấp nhận một thực tế phũ phàng:
- Nó hỏng rồi. Cho nó làm theo ý nó. Cho nó giồng ráy khắp nơi còn đỡ. Cấm nó là nó bỏ nhà đi. Lang thang. Vườn cam khi mới dọn đến đẹp lắm, anh ơi. Nó chặt hết. Chả lẽ lại gửi nó xuống Đặng Thất . à mà còn ghi chép nữa chứ.
Và Phượng tìm đưa hắn quyển sổ của Sơn. Trang đầu Sơn viết nắn nót:
PHụC Vụ CôNG CUộC KHáNG CHIếN
CHốNG Mỹ CứU NướC - CẩM NANG HàNH QUâN
Sơn viết cẩn thận, không xóa một chữ. Chắc là đã nháp rồi mới chép vào sổ:
- Vừa hành quân vừa nấu ăn. Bảo đảm yếu tố cơ động của trận đánh và chiến dịch. Ông cha ta từ thời Lê Lợi, Quảng Trung đã rất chú trọng để tạo nên yếu tố bất ngờ.
Thức nấu: Tốt nhất là sắn. Khoai lang lâu chín hơn. Cách làm: Sắn bóc vỏ, xắt thành khúc vừa bằng chiều dài của gô. Khi hành quân, người đi trước xách gô Người đi, sau dùng nứa đốt lửa, đưa vào đít gô. Từ chỗ làm về trại đã sôi, chín. Chú ý: Cho ít nước để chóng sôi. Sắn chín bằng hơi.
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên