1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29

Bùi Ngọc Tấn
ngờ củ ráy ăn cũng ngon. Thứ củ hồi bé, hắn vẫn giã ra với cua đồng, để cho thối, nén xuống ao làm mồi nhử cá rô, cá trê. Ném được một lúc, tăm cá cứ ngầu lên. ăn ráy ngứa, cu cậu đớp lung tung. Thả lưỡi câu xỏ mồi tép đúng chỗ ấy, cái phao cứ chổng ngược lừ lừ. Giật cá trê sướng lắm, eng ẻng, eng ẻng, kéo mãi mới lên. Vào tù hắn mới biết củ ráy sột sệt rất hay. Củ ráy sống thì ngứa, chứ luộc chín ăn gần như khoai sọ. Không ngứa lắm đâu. Chả thế mà các cụ vần gọi củ khoai, củ ráy, Bọn Thuận Sứt, Hỉn Sán được đi gánh phân là mừng. Họ gánh những chín mươi cân, một tạ. Nghĩa là buổi sáng ba chuyến, buổi chiều đủng đỉnh một chuyến nữa thôi. Tha hồ đi xa, lang thang kiếm sắn, kiếm củ mài, những thứ cao cấp.
Hắn cố gánh sáu mươi cân, để giành lấy một hai tiếng đồng hồ cầu may ở gần gần thôi. Vì quanh đây nghe chừng ít có thứ nuôi sống được người. Ngay củ ráy cũng khó.
Hắn rủ Lê Bá Di nghỉ hút thuốc lào. Di vốn rất thích thuốc lào của hắn. Thuốc lào trồng vùng đất chua nó đượm, nó ngọt khói. Hai người không nói một câu, xuống suối rửa phân bò ở chân. Hắn cởi cái điếu vẫn treo một bên đầu đòn gánh, lấy thuốc lào mời Di. Tiện tay hắn véo cho Di một véo. Hai người ngồi im lặng nhả khói, nhìn rừng. Rồi Di nhìn hắn. Hắn cũng nhìn lại Di. Bốn con mắt tù gặp nhau. Cùng cảnh ngộ, thương nhau, nhưng không ai dám cởi mở cùng ai. Hắn chờ đợi Di nói một điều gì đó. Vừa chở vừa sợ hãi. Bởi vì nếu trong lúc hai người ngồi hút thuốc lào bên hai gánh phân giữa rừng này mà Di bộc bạch, mà Di tâm sự, mà Di than thở, thì hắn biết rằng hắn không thể nào giữ dược. Hắn cũng sê bộc bạch, tâm sự, than thở cùng Di. Như vậy thật không nên chút nào. Nguy hiểm cho hắn. Nguy hiểm cho cả Di nữa. Di như cũng chờ hắn nói một điều gì đó và cũng sợ hắn nói. Rồi bằng một động tác dứt khoát, Di móc cái điếu vào một đầu đòn gánh, đứng lên:
- Đi hè!
Hắn cũng đứng lên. Cả hai đều đã thắng được cái ý định muốn nói, muốn nghe. Mỗi người vẫn giữ được mình nguyên vẹn là một vòng tròn kép kín, không san sẻ giãi bày.
Lại huỳnh huych, huỳnh huych. Đòn gánh lẳn vào vai. Lại leo dốc. Lại qua suối. Lại xuống dốc. Ngón chân choãi ra bấm vào một đoạn đường trơn bên suối. Đã tới được cái dốc dài ven trại. Chỉ còn cố lên đỉnh dốc, rồi xuống một cái dốc thoai thoải, một bên sát hàng rào cao vút, một bên sát vực sâu suối thẳm, băng qua chiếc cầu gỗ, quành qua đầu sân trại, khi cán bộ làm việc, qua một cầu bê-tông, rồi leo một dốc không đáng kể là tới vườn ngoài. Đến đó là chỗ cân phân.
Khi tới gần đỉnh dốc sát hàng rào trại ấy, thì trờiơi, Hắn không tin ở mắt mình nữa. Một bãi phân trâu mới tinh ở giữa đường. Sao bọn Hỉn Sán đi trước không thấy. Chắc là con trâu kéo gỗ nào mới đi qua đây ỉa một bãi. Đúng rồi. Vết cây gỗ miết xuống đất còn bóng đen lên đây này. Nhưng Lê Bá Di đi trước rồi. Lê Bá Di đã đỗ lại. Lê Bá Di sẽ hót bãi phân ấy. Bãi phân mới đẹp làm sao. Tròn. To. Không khô, không ướt. Thật không chê vào đâu được. Hẳn là cứt của một con trâu khỏe. Kìa, Lê Bá Di vẫn đứng. Lê Bá Di chống đòn gánh chờ hắn. Hắn mồ hôi đầy mặt, mồ hôi dán áo vì chạy gằn. Tiếng huỳnh huỵch dội từ gan bàn chân lên óc. Tới chỗ Di, Di bảo:
- A Tuấn hót đi.
Đó là món quà tặng tuyệt vời. Hào phóng tuyệt vời lòng tốt tuyệt vời.
Hắn cúi xuống bốc bãi phân trâu. ấm cả tay. Nở cả ruột. Đống phân to, dễ đến năm cân. Năm cân chỉ phải gánh một phần tư đường đất. Hắn vét kiệt. Vét tới những hòn sỏi con. Thế này bố thắng Thuận Sứt cũng chẳng làm gì được. Nó đã làm như vô tình lấy đầu đòn gánh bẩy bẩy gánh phân của Hỉn Sán vừa cân xong, đổ sụp xuống nhà phân và bới ra một hòn đá phải đến ba cân. Nó thấy mình gánh nặng hơn bình thường là nó sẽ bới của mình ra cho mà xem. Tha hồ mày bới, chỉ có ít cát và sỏi dính vào phân thôi, con ạ.
Hắn quệt tay vào cỏ, gánh phân đi tiếp.
ở 75 không có những cảnh ấy. ở 75 lại còn gần. gia đình. Tháng tháng nhận tắc. Được gặp mặt. Những người không có gia đình cũng vẫn hơn. Chẳng nói gì cao xa. Ngay món nước mắm thôi, trại trung ương bao giờ có. ở đây, nếu ăn bánh mỳ nước mắm, mỗi người được những mấy thìa. Loại nước mắm tám hào mậu dịch nguyên chất. Dồn nước mắm thừa được hàng bát chậu giả nhà bếp. Chả bù cho ở Q.N toàn rau nấu muối. Hôm nào nhà bếp lỡ tay nấu canh mặn đắng thì lại rất vui. Chung nhau dồn dịch vào cặp lồng, chưng lên lấy muối cho vào ni-lông để dành sột sệt.
Một ưu việt dễ thấy nữa của 75 là ma túy, tức là chất khói. Thuốc lá cũng khan, nhưng không đến nỗi. Còn thuốc lào thì thoải mái. Chỗ nào cũng thuốc lào. Thật đúng thiên đường
*
* *
Về lại 75 lần ấy, hắn nhớ tới cái bê dê của hắn. Nó ở phía đằng kia cơ. Cách một cái nhà nữa, một cái bê nữa.
Hắn nhìn những người trong BA này lạ hoắc, chắc ở BD cũng vậy. Đã bao nhiều lớp tù rồi. Chẳng thể nào tìm được một khuôn mặt quen. Hắn nhớ tới Giang, tới Triều Phỉ, tới già Gọi, già Đô. Lớp ấy đã trở thành kỳ cựu ở Q.N. Hắn nhớ tới hai ông Minh trong B. Một ông Minh là máy trưởng, ông Minh máy trưởng về nông thôn chữa máy bơm thuê. Ông lấy tiền nhôm ra đúc piston. Một ông Minh khác là thợ thủ công lấy nhôm lá dập thành xu. Cả hai ông đều phạm pháp. Một ông phá hoại tiền tệ, một ông làm tiền giả. Hai ông gặp nhau ở BD. Giá hai ông gặp nhau trước thì đâu đến nỗi.
Ông Minh máy trưởng mê hắn lắm. Vì những buổi kể chuyện của hắn. Nghe chuyện Cây phong non trùm khăn đỏ ông xuýt xoa: .
- Trời ơi! Cái chỗ chị vợ đánh rơi bó củi, hay quá. Và:
- Đúng. Những rơ-moóc sau này có lắp phanh ấy.
Cứ lúc sắp đi ngủ là hắn kể chuyện cho anh em nghe. Cả B im phăng phắc. Hắn kể Lôi vũ . Hắn kể Người thầy đầu tiên . Dạo ấy hắn còn nhớ. Hắn kể cả câu đối thoại.
Những chuyện kể của hắn làm anh em thích lắm.
Không một tiếng ho. Hút thuốc lào cũng khe khẽ thôi.
Nhưng hắn chỉ kể được mấy chuyện thì bị cấm. Không biết vì sao. Có lẽ người ta không muốn hắn gây ảnh hưởng trong tù. Người ta không muốn phạm nhân quên mất việc phải suy nghĩ về tội lỗi, quên mất sự đau khổ, dù chỉ chốc lát. Chắc ông Minh máy trưởng dược ra rồi. Tội của ông chỉ bị nhiều lắm là sáu tháng.
ở BD hắn đã quen Giang.
Trong tù hoặc là tin tuyệt đối, hoặc là không tin. Và không được nhầm lẫn. Hắn tin Giang ngay, thán Giang ngay. Hắn đã không nhầm lẫn.
Giang cũng yêu hắn, quý hắn. Có thể xả thân vì hắn. Mới mười tám tuổi, Giang đã bị tù lần này là lần thứ hai. Giang là con liệt sĩ. Bố Giang, ông Giang Văn Khoát bước vào cách mạng hồn nhiên như cả lớp thanh niên hồi đó. Cách mạng đúng là một ngày hội. Là cuộc biểu dương ý chí, biểu dương lực lượng. Là những cuộc mít-tinh với hàng trăm, hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng to nhỏ cùng vẫy phất trước cửa Nhà hát Lớn. Là những nắm tay giơ lên hướng về Nam Bộ. Là những bài hát cách mạng đến phố nào, ngõ nào cũng thấy bay lên. Là khát vọng đổi đời đã được thực hiện. Là tiêu diệt bọn thực dân, phát-xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp, kinh hoàng: chấm dứt cảnh chết đói vàng bủng, khô quắt, còng queo ở các vỉa hè, các chợ, các ngã tư...
Nhưng khi bọn Pháp trở lại, cách mạng là cầm súng bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền. Cách mạng là đổ máu.
Anh thanh niên Giang Văn Khoát cầm súng bảo vệ cách mạng cũng hồn nhiên như khi anh tham gia cách mạng. Từ biệt vợ con, anh vào tự vệ và sau này về một đại đội độc lập hoạt động ở ngoại thành. Vợ anh bỏ gánh hàng rong trên vai xuống, từ thành phố dắt con trở về làng, sống với đồng ruộng “Mẹ con cố nuôi nhau. Nó có hỏi, bảo tôi ở lại phải làm ăn. Độc lập tôi về”
Nhưng không phải mãi tới độc lập anh mới về thăm vợ và con gái (khi ấy anh chỉ có một đứa con gái).
Làng anh ở vùng giáp ranh, thỉnh thoảng anh lại có dịp về nhà. Trong một trận chống càn, đơn vị anh đã tham gia bảo vệ huyện ủy. Anh là một trong những người chốt giữ lối đi độc đạo vào làng. Anh cùng một số đồng chí nổ súng, giật mìn, ném lựu đạn, chặn bước tiến của quân Pháp để các đồng chí khác cùng huyện ủy rút an toàn sang bên kia sông. Anh đã ngã xuống và không trở về nữa. Không trở về đơn vị.
Không trở về với con gái, với người vợ đang chửa đứa con thứ hai. Ltíc đó là đầu những năm năm mươi. Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
- Đẻ em thì bố em chết rồi. Em không biết mặt bố.
- Không có bố em thì các ông to chết rồi. Các ông ấy hay đến nhà em lắm. Tết nào cũng lại thắp hương ở bàn thờ bố em.
Trong BD, Giang đã thì thầm với hắn như vậy. Giang không biết mặt bố. Chị Hiên thì biết. Biết và nhớ. Chị Hiên hơn Giang mười tuổi. Ngành họ Giang Văn ở thôn Đại Hòa còn lại mỗi bố Giang. Ông nội Giang cũng chỉ sinh được hai con: Một giai, một gái. Cô Miên và bố Giang. Giống như bố mẹ Giang chỉ sinh được hai con: Chị Hiên và Giang. Có điều khác là cô Miên chỉ hơn bố Giang hai tuổi. . Giang là người nối dõi tông đường duy nhất của dòng họ Giang Văn. Bởi vậy thuở nhỏ Giang được gọi bằng cái tên xấu xí: Cứt. Lên năm vẫn gọi là Cứt. Sau mới nghĩ đến chuyện đặt tên cho Cứt. Tên gì? Cô Miên bảo: Thôi thì gọi nó là thằng Giang. Lấy tên họ Giang mà đặt cho nó. Nó là thằng họ Giang cuối cùng còn lại. Từ đấy đứa con trai dộc nhất của liệt sĩ Giang Văn Khoát có tên Giang. Giang Văn Giang.
Giang Van Giang được quý, được chiều. Mẹ chiều. Chị Hiên chiều. Cô Miên càng chiều hơn. Giang lớn lên. Giang đi học. Và Giang bỏ nhà ra đi. Vì mẹ lấy chồng. Giang không chịu được sự có mặt của người bố dượng. Mẹ Giang quấn quít với hạnh phức mới. Nhưng vẫn đi tìm Giang. Chị Hiên cũng đi tìm. Giang về nhà ít hôm rồi lại đi. Cuộc sống lang thang đường phố thích hợp với Giang. Đám bạn bè kbu phố Bờ Sông thích hợp với Giang. Những cuộc ấu đả của bọn trẻ lêu lổng như nam châm hút Giang tới. Cuộc sống lưu manh đường phố nhận thêm một đứa trẻ vào lòng. Giang không kể Giang đã đi móc túi như thế nào. Nhưng hắn biết Giang đã đi móc túi vì Giang dặn:
- Anh cứ để tiền ở túi phía đùi ấy. ở đấy rất khó đá. Để ở túi quần sau, túi ngực là mất ngay đấy.
Giang giảng cho hắn cách đánh hị . Đồng hồ đeo ở cổ tay mà mất đấy. Lấy đồng hồ đeo tay ctĩng không khó lắm. Đi một đứa lấy cũng được: nhưng tốt nhất là đi hai đứa. Còn đánh nghẽo thì phải đánh lúc người ta mới dựng xe, khi còn biết rõ chủ xe. Xe dựng lâu không biết chủ xe đâu là không dám đánh. Đừng tin ổ khóa. Khóa ăn thua gì. Bọn đánh nghẽo mở khóa xe anh còn nhanh hơn anh mở. Bọn lính mổ, lính đá cũng phân chia khu vực đấy. Xâm phạm vào khu vực của nhau là chiến tranh. Bởi thế nên mới có chuyện băng Yên Dương đánh nhau với băng Cầu Đỏ ầm ĩ cả thành phố “Tức là bọn chúng em đánh nhau với bọn Tùng Cốc đấy".
Giang oán gia dình, oán xã hội, oán hờn số phận. Giang oán cả mẹ. Giá mẹ Giang không đi bước nữa thì có lẽ Giang không đến nỗi. Cô Miên thì càng suy nghĩ như vậy. Cô Miên cũng góa. Nhưng cô ở vậy nuôi con. Giang bảo:
- Mẹ em cao số lắm. Lấy ông này mấy năm thì ông ấy bị uốn ván chết.
Khi ông bố dượng chết, Giang hay về nhà hơn.
Ngủ. Xúc gạo, mỳ đem bán. Lấy trộm tiền của chị Hiên, lúc đó đã đi buôn chuyến.
Cả nhà buồn. Mẹ khóc, chị Hiên khóc. Cô Miên khóc. Một hôm, ông huyện ủy đã được bố Giang cứu sống thời kháng chiến đến chơi nhà. Ông là cốp. Cốp nặng. Ông thắp hương trước bàn thờ bố Giang, thì thầm khấl vái, nói chuyện với cả nhà lâu lắm. Ông hứa với vong hồn bố Giang, quyết giúp đỡ mẹ Giang, cứu Giang, dể Giang khỏi trở thành một thiếu niên hư hỏng. Đó là trách nhiệm của ông với người đồng chí đã mất, lòng biết ớn của ông đối với người đã cứu sống ông. Bằng uy tín và ảnh hưởng của ông, ông đã gửi được Giang vào học tập ở trại cải tạo trẻ em. Cả nhà cảm ơn ông. Thôi, nhà không dạy được thì gửi nó vào đấy. Nhờ Nhà nước dạy. ở đó vừa dạy văn hóa. vừa dạy nghề. Mấy năm sau nó sẽ thành một thanh niên khác.
Năm ấy Giang mới mười bốn tuổi. ở đó Giang đã được học thêm văn hóa. Giang biết giồng rau, vun luống khoai. Giang được biết con người sống bằng lao động, sống phải lao dộng. Mọi của cải trên đời dều do lao động làm ra. ở đó Giang được đưa vào khuôn phép. Nhưng ở đó, Giang từ chỗ chỉ quen biết một số bạn phố Bờ Sông, nay đã quen hầu hết bọn thiếu niên hư ở thành phố. Giang còn học được nhiều điều khác. Có chuyện gì lũ trẻ choai choai hư hỏng không nói cho nhau nghe trong những lúc rảnh rỗi, nhớ nhà, buồn chán. Trong những ngày nghỉ, những đêm buông màn đi ngủ. Những ngón đá. Những thành tích. Những chiến công. Trong câu chuyện được thêu dệt thêm, huyền ảo, anh hùng, lấp lánh, kích thích. Cả những đề tài của người lớn, nhưng nhiều đứa đã trải qua, luôn luôn hấp dẫn và mê hoặc: Đàn bà. Một điều nữa Giang học được là: Phải biết trả giá. Tự mình khẳng định mình trước tụi bạn. Nhất là đối với những người nhỏ con như Giang, mà chúng tưởng nuốt được một cách ngon lành. Cần thì trả giá bằng tính mạng mình.
Giang nổi tiếng là lì, là liều. Bọn trại viên Kim Đồng lớn hơn cũng phải kiêng nể, không dám bắt nạt Giang.
Bọn chúng càng nể Giang khi thấy Giang nhất định không ra gặp mặt, không nhận tiếp tế. Nhà đến thăm, Giang không ra. ông cốp nặng đến xem cháu tiến bộ đến dâu. Giang không ra. Ông đi cả xe com-măng-ca, chở không biết bao nhiêu quà tới. Ông gửi quà lại nhờ ông giám thị chuyển cho Giang, Giang không nhận. Giang căm thù ông, căm thù tất cả.
Hai năm sau Giang ra khỏi trại. Giang càng ít về nhà hơn. Vì Giang đã có thêm nhiều bạn. Băng nào cũng thích Giang. Giang nhanh. Hào phóng. Bất cần. Giang biết cư xử. Giang đánh rất liều.
Giang bảo hắn:
- Em biết là chúng em hư. Nhưng xã hội phải chịu trách nhiệm một phần. Một phần lớn. Chúng em cũng như Tám Bính trong Bỉ vỏ.
Thì ra Giang đã đọc Bỉ vỏ. Đã đọc Những ngày thơ ấu. Giang rất yêu nhà văn Nguyên Hồng, ao ước được gặp nhà vàn. Với Giang, Ngnyên Hồng là nhà văn của Giang, của những người như Giang. Hắn chân thành nói với Giang:
- Không, em ạ. Đứng về mặt xã hội là như vậy. Nhưng ở góc độ em, em phải thấy trách nhiệm của mình là lớn, là quyết định.
Giang có cả một lý luận bào chữa cho việc mình đi ăn cắp:
- Xã hội bất công. Người giàu kề nghèo. Người sang kẻ hèn. Những người giàu do buôn bán, mua rẻ bán đắt, những người giàu có do móc ngoặc, do ăn cắp được của Nhà nước, do có một ngành nghề tốt như mậu dịch viên v. v... Lấy của những người đó chút ít chả sao. Họ vẫn cứ tiếp tực giàu. Họ vẫn sống đàng hoàng hơn mọi người. Đối với họ giá đột vòm lấy hết cũng đáng. Chẳng việc gì phải cắn rứt lương tâm. Bọn Giang chỉ làm giảm bớt sự bất công sẵn có.
Hắn nhìn thân hình còm cõi, nhỏ bè của Giang, khuôn mặt già trước tuổi, xương xẩu của Giang, cảm thấy xót xa. Một tình cảm giống như tình cảm cha con bỗng trỗi dậy trong lòng hắn. Giang cũng vậy. Giang quấn quít lấy hắn, tẩm quất cho hắn.
Hắn nói với Giang những bất công mà cuộc đời bao giở cũng có (hắn thú thật giờ đây mới hiểu sâu sắc). Hắn nói con người phải có một ý tưởng để mà theo đuổi. Hắn cho Giang biết Nguyên Hồng là người bạn vong niên của hắn. Nguyên Hồng rất thân với hắn, hay ăn ngủ ở nhà hắn. Thật là một bất ngờ với Giang. Hắn kể chuyện Nguyên Hồng mua vé xổ số, Nguyên Hồng mua miếng nầm chó về nhà hắn giội nước phích, bắt hắn ăn và đánh thức cả vợ hắn đang ngủ phải dậy ăn như thế nào. Giang cười rinh rích khi hắn bảo cả hai vợ chồng hắn không biết ăn thịt chó, nhưng nể nhà văn cứ cho vào mồm nhai trệu trạo rồi nuốt. Giang bảo:
- Khi nào ra, em đến nhà anh thế nào cũng gặp ông Nguyên Hồng đấy nhỉ.
Vẻ háo hức trong câu nói của Giang khién Giang lại đúng là một cậu bé ngay thơ. Hai anh em quý nhau, nhưng cũng phải cẩn thận lắm. Muốn dặn nhau cái gì phải đưa mắt ra hiệu cùng vào nhà mét, nói thầm trong ấy. Rồi người ra trước, người ra sau. Mặt tỉnh khô. Đừng để lộ ra thân thiết với một ai. Người ta sẽ chuyển một trong hai người đi B khác ngay.
Hồi ở BD, một hôm Giang bị gọi ra với nhiều người. Khi về tất cả đều đen nhẻm mười đầu ngón tay và mười đầu ngón chân. Hắn hỏi Giang đi đâu về. Giang bảo đi chụp ẫnh lăn tay. Triều Phỉ cao lớn múa các ngón tay đen sì nhịp nhàng như gõ vào phím đàn:
- Đánh pi-a-nô rồi!
Thế là biết rằng số anh em đó sẽ chuyển. Mấy tối sau, người ta trả tiền lưu ký. Thế nghĩa là hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất. Thế nghĩa là sáng mai sẽ đi. Đi đâu? Trại nào
Tối hôm ấy, hắn và Giang không còn giữ ý gì nữa. Đằng nào mai Giang cũng đi rồi. Giang sang hẳn chỗ hắn ngồi. Hai anh em ăn bánh quy, pha nước cam. Giang ôm lấy cổ hắn.
Sáng hôm sau, Giang đi. Không ngờ hai anh em lại gặp nhau ở Q.N. Khi xe ô-tô dưa bọn hắn đến QN. trông thấy Giang đang làm ở sân trại, hắn mừng... Lúc đó Giang còn làm linh tinh bên ngoài. Về sau Giang về toán quản chế. Toán mộc.
Còn ai ở BD nữa nhỉ? Lê. Lê với hai va-li quần áo ăn cắp. Lê với bài phát biểu thao thao bất tuyệt. Lê bóp cổ Voòng Kỷ Mình. Lê đã được ra rồi. Và già Gọi. Già Gọi vào trại trong dịp trước Tết. Bình thường nhà giam chỉ mở cửa ba lần trong một ngày. Sáng hai lần (một lần đi vệ sinh, một lần đi lấy cơm), chiều một lần đi lấy cơm và lấy quần áo phơi ngoài sân. Gần Tết, cửa mở liên tục cả ngày. Cả đêm. Gióng sắt xoang xoảng. Cửa sắt rầm rầm. Nghe mà ghê người. Những người mới vào ngơ ngác. Những người mới vào bình thản. Những người mới vào bê bết máu. máu khô trên tóc, máu khô trên áo. Đó là những lính mổ bị bắt và bị đánh. Dịp Tết, lính mổ hoạt động mạnh. Những người mới vào còn hoa mắt chưa nhận ra ai giữa cái đám đông ngồi trong buồng giam mênh mông này. Những những người trong buồng nhận ra ngay người cùng hội: Chờ cho bạn bình tĩnh, họ mới đến gặp. Thì thầm hỏi thàm tin tức gia đình, hỏi thăm tin bè bạn. Nhìn lên mái buồng giam cao vút suy nghĩ.
Trong cái đám tứ chiếng giang hồ bị bắt vào dịp Tết ấy có gíà Gọi Đầu cắt bốc, râu lởm chởm, mặt vuông, ráng hơi hô, phúc hậu và quê mùa. Vẻ quê mùa chân chất hiện trên nét mặt, hiện trong cử chỉ, trong cách nói.
Bọn tù trẻ xúm lại trêu già.
- Bố làm sao vào đây? Cứ nói mà, không sợ gì cả. Rồi con bảo giám thị tha cho bố.
- Con gái bố đẹp không? Con làm con rể bố nhé.
- Bố có biết Triều Phỉ là ai không? Chính hắn đang đứng trước mặt bố đấy.
- Triều Phỉ ăn thịt người đấy, bố ạ.
- Mắc tội gì, bố thành khẩn khai đi. Không giấu được đâu. Tội gì người ta cũng tìm ra được. Khai thì được khoan hồng. .
Cả bọn đang nhâu nhâu như vậy, bỗng già hỏi:
- Thế tôi hỏi các chú: Khoan hồng là gì, các chú có biết không đã?
Tất cả ớ ra.
- Chịu chưa?
- Chịu. Khoan hồng là gì, bốnói chúng con nghe nào"
Già nghiêm trang:
- Khoan là thong thả. Hồng là máu. Khoan hồng là thong thả rồi hãy giết.
Tất cả cười ồ. Phục già là bậc “Cao thủ võ lâm ".
Già Gọi giải chiến mắc màn dưới gầm sàn, ngay trên nền xi-màng lúc nào cũng chảy nước vì trời nồm.
Nhiều người phải nằm như già. Đông quá. Cũng may, con già đã kịp gửi vào cho già mảnh nilông. Với lại chỉ đến khi kẻng cấm, mắc màn đi ngủ mới phải chịu xuống gầm sàn, còn vẫn được ngồi ké vào một chỗ bên trên. Già rất ít nói. Chỉ bó gối ngồi trầm ngâm và cười hồn hậu trước những lời trêu chọc của cánh trẻ thành phố.
Nhưng khi lên đến trại Q.N, hắn mới hiểu già. Chỉ một mình già dám đứng lên giữa hội trường, đối thoại với ông Lâm, chính giám thị. Già nói oang oang:
- Thưa ông giám thị. Tôi mắc tội gì? Tôi không mắc tội gì mà phải vào đây. Đề nghị ông giám thị cho xem xét lại. Nếu tôi có tội, tôi xin ông đem tôi lên rừng cho hổ báo ăn thịt. Hay vứt tôi xuống nước để tôi trầm hà dáy biển.
Già nói rành rọt, lễ độ và già ngồi xuống. Tất cả đều kính nể già, vì ông Lâm là người ghê gớm. Da sát xương. Răng trắng nhỏ, khi nói cứ rin rít. Tù chỉ mong có ngày mưa để nghỉ. Lúc sắp đi làm, thấy nổi cơn cớ, ai cũng mong mưa ập xuống. Nhưng đến khi đi làm rồi mới mưa. Toán mộc, toán may... làm trong nhà vẫn phải làm việc.
Bọn hắn được về trại vì làm ngoài trời. Về đến nơi, tưởng được nghỉ, nhưng có lệnh ra hội trường học tập. ông Lâm đã cho đặt cái đài Orionton chạy pin và mắc loa xuống phía dưới. Ông tận dụng thời gian, không cho tù được nghỉ.
Ông đứng giảng bài rất có duyên. ông "cù" phạm cười rinh rích. Vừa chửi vừa "cù". Hơi rẻ tiền nhưng hợp với trình độ chung.
- Các anh phải suy nghĩ nhiều hơn nữa về tội lỗi của bản thân mình. Phải nghiêm khắc với bản thân mình. ăn cắp thì nói ăn cắp. Lại đi nói: Thưa ông tôi, tôi, tôi mắc bệnh tham ô ạ. Hiếp dâm thì nói là tôi mắc bệnh tò mò!
Phạm nhân thoải mái cười. Bỗng ông nghiêm mặt.
- Chúng tôi không đánh các anh như bọn dế quốc. Có anh nào vào đây bị đánh không? Giơ tay lên xem nào. Có thì cứ phát biểu. - ông nhìn bao quát rồi tiếp - Không ai bị đánh, phải không? Chúng tôi không đánh như bọn Pháp. Nó đánh chỉ đau một lúc thôi. Chúng tôi có cách của chúng tôi. Nó êm êm mà đau. Nó ngấm lâu. Ngấm đến cả đời. Ông nói mà không cười. Ông có khuôn mặt lạnh lùng, khinh khỉnh. ông tận tụy với công việc. Ông tin ở công việc ông làm. Thế mà trong lúc ông đang giảng say sưa hào hứng như vậy, già Gọi đứng lên xin được "trầm hà đáy biển nếu như có tội ". Già vững tin ở già như ông giám thị tin ở ông giám thị.
*
* *
Buổi chiều định mệnh đã đến khi hắn được gọi ra gặp mặt. Giá như không có buổi chiều hôm ấy, không có buổi gặp mặt chiều hôm ấy, hắn đã được tha từ đầu năm 1972 rồi. Có nó, nên ông ấy đã bàn lại, cân nhắc lại và thấy rằng không thể tha hắn được. Các ông ấy đã định tha, nhưng các ông ấy đã nghĩ lại. Hắn phải tù thêm mười bốn tháng nữa. Mười bốn tháng chẳng là bao so với một đời người. Nhưng mười bốn tháng tù là đáng kể. Một ngày tù dài bằng mười thế kỷ ở ngoài đời. Hơn bốn trăm ngày nào ít ỏi gì đâu. Hơn bốn trăm ngày, nhưng lại có hai cái Tết tù, bốn cái bánh chưng con và sáu lạng thịt trâu kho ăn Tết.
Vả lại nào có biết đâu khi bị giải trở lại Q.N để đi tù tiếp, mình chỉ tù tăng hai này có mười bốn tháng. Mười bốn tháng ghê sợ thật, nhưng còn ghê sợ gấp vạn lần là ý nghĩ tuyệt vọng, lần này đi là không có ngày về. Tù không án, các ông ấy đã tốt, đã định tha, thế rồi mình không kìm giữ được, vẫn cứ nghĩ sao nói vậy, khiến các ông ấy thấy nếu cho mình ra, mình vẫn chủ quan, mình làm đơn từ kêu khiếu cửa này cửa khác, phiền đến các ông ấy. Dù cái sự phiền hoàn toàn không đáng kể, không thể là mối đe dọa tới uy tín của các ông. Vì hắn làm sao chống lại được cả Sở Công an và nhất là chống lại một ông lãnh đạo toàn bộ khối nội chính bao gồm cả ba ngành công an viện kiểm sát, tòa án, với bề dày thành tích như một huyền thoại, với quyền sinh quyền sát trong tay. Nó chỉ có thể là một mối bạn tâm nhỏ nhoi. Nhưng ngay mối bận tâm nhỏ nhoi ấy, một chút gợn lên ấy cũng không thể có. Bởi thế nên lại từ 75 ra đi làm sao dám nghĩ đến ngày về. ôi! Chút lòng trung thực từ sau xin chừa . Đã bao lần tự nhủ thế rồi mà cái tật nghĩ sao nói vậy vẫn không sửa được.
Lẽ ra không có tăng hai, không đi coi vườn, không lên V.Q, không gặp Lượng, Cân, Phổ. Lẽ ra không phải chịu mười bốn tháng khổ đau, không nhìn A Thềnh chết, không thấy chiếc xe công nông nổ bành bạch chở xác anh Mán ra rừng. Sau này khi nỗi đau đã dịu, nhìn về quá khứ mười bốn tháng ấy (chỉ bó gọn trong mười bốn tháng tù thêm ấy thôi) như người ngoài cuộc đứng nhìn vào cuộc dời ai đó, hắn tự bảo: Chẳng nên ân hận làm gì. Số phận đã bắt nếm chén đắng cay thì đành cạn chén. Khi đã là vật thể nghiệm, hãy thể nghiệm hết mình. Nhưng rồi nghĩ tới bố mẹ giờ đây khuất núi, nghĩ tới Ngọc, tới các con, những người ruột thịt vì hắn mà phải chịu thêm mười bốn tháng khổ đau, hắn lại thấy vết thương đã lành dấu rồi bỗng dưng rỏ máu. Cõi mù mịt ấy của số phận lẽ ra đừng nên có. Cõi tuyệt vọng ấy đừng nên có đối với những người thân.
Và nó bắt đầu từ buổi gặp mặt ở 75. Chao! Một khi cứ nghĩ rằng sau buổi gặp mặt ấy là được về với Ngọc. Dù đã tập cho quen với thất vọng, luôn xác định rằng đời mình là một chuỗi những khốn nạn liên tiếp nối nhau mà sao khi xảy ra vẫn không thể nào chịu nổi, vẫn là quá sức chịu đựng của một con người.
Đang kể chuyện các trại trung ương cho anh em trong B nghe, hắn vội theo ông quản giáo đi ra. Lúc ấy đã tan tầm. Chỉ một mình hắn được ra gặp mặt, không một phạm nhân nào khác nữa. Rõ ràng đây là một cuộc gặp mặt đặc biệt dành cho hắn. phòng gặp mặt cũng là một phòng làm việc nào đó của cán bộ. Ông Lan, anh Thân (anh thứ hai của hắn) và Ngọc. Hắn biết tan tầm vì Ngọc nói: "Vừa tan tầm là em đến đây ngay”. Ngọc mới nhận được tin hắn về sáng nay. (Trước đó trong những cuộc họp cán bộ toàn thành phố, anh Thân đã được nhiều người kín kín hở hở rỉ tai là đã có chủ trương cho hắn được về). Ngọc và anh Thân được mời lên Sở Công an, người ta thông báo hắn đã đứợc chuyển về 75. Sở Công an yêu cầu gia đình và anh Thân giúp đỡ bên an ninh để hắn trở thành người công dân tốt. Và chiều nay, lúc tan tầm hai người có thể vào thăm hắn. Ngọc mua vội mấy gói kẹo mang vào cho hắn. Nhìn nét mặt Ngọc, hắn hiểu Ngọc hy vọng như thế nào. Ngọc gầy guộc, cam chịu, ít nói, nhưng hắn đọc trong mắt Ngọc niềm hy vọng lớn lao. Bên cạnh niềm hy vọng ấy, hắn còn cảm thấy nỗi lo sợ bị thất vọng. Anh Thân vẫn như vậy. Vào tuổi anh ít có thay đổi.
Và ông Lan. Gặp ông hắn bàng hoàng. Hắn lại nhìn thấy ông, nhìn thấy định mệnh. Định mệnh của hắn hiện thân thành một con người. Mắt sắc lạnh, mặt dài hơi gẫy, môi mỏng dính. Hắn đã quên hẳn ông rồi. Đi trại trung ương hắn không nhớ tới ông nữa. Hắn chỉ nhớ tới bố mẹ, vợ con. Hắn chỉ nghĩ tới củ khoai, mẩu sắn nhặt được ở dọc đường. Bởi hắn đói. Hắn phải đi làm khổ sai. Hắn phải tồn tại.
Về 75 hắn chỉ nghĩ tới việc được tha. ở đây, đêm nằm nghe vọng tiếng còi ô-tô tải, nghe chương trình nhạc tập thể dục buổi sáng, hắn cảm thấy bằng tất cả các giác quan hơi thở và nhịp điệu của thành phố. Thành phố hắn đã yêu đến từng viên đá lát vỉa hè, từng làn khói nhà máy. Thành phố lúc nào cũng mang mùi gió biển. Thành phố quê hương hắn đã về làm việc và sinh sống. Hắn đã rời Hà Nội về đây, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nghe theo lời khuyên của các nhà văn đàn anh, mơ ước và tin tưởng đầy lòng, chắt chiu tích cóp từng chi tiết cuộc sống với khát vọng sẽ khái quát một giai đoạn mới của thành phố đã sang trang. Tác phẩm của hắn sẽ dầy ánh nắng là tiếp theo những trang đen tối của đời thợ trong Bỉ vỏ, Sóng gầm .
Nằm ở 75 lần này hắn thấy gần nhà lắm rồi. Từ đây về nhà hắn chỉ mười lăm, hai mươi phút xe đạp. Dọc bờ sông Trà thẳng đến nhà băng, quành về Ngã Bảy. Hắn hình dung rõ từng ngọn cây, những dòng người đi xe đạp ngược xuôi. Hắn hình dung ra căn buồng của hắn, vợ con hắn.
Hắn vẫn nằm ở dây mà nhà hắn chỉ cách đó một đoạn đường. Hắn thức trắng đêm. Hắn nghĩ ngợi. Hắn nằm im, mắt mở chong chong. Chờ đêm qua. Chờ sáng. Chặng đường hắn đã đi... Dài. Đen tối. Sắp tới nơi rồi. Trời sắp sáng rồi.
Hắn chỉ nghĩ vậy. Hắn đâu có nghĩ đến ông Lan.
Nhìn thấy ông, hắn bàng hoàng. Thì ra số mệnh hắn gắn chặt với ông. Thì ra trên đời vẫn còn có con người này. Thì ra ngồi ở đây, nhưng ông vẫn không rời mắt khỏi hắn suốt chuỗi ngày dài vô tận ấy, ngay cả khi hắn biệt xứ trong rừng sâu các trại trung ương.
Ông Lan ngồi đó như một cái hố sâu chắn ngang con đường hắn trở về. Như bức tường đá cao vút, kiên cố, bên trên có hàng rào dây thép gai chạy điện của trại giam này mà hắn không thể nào vượt qua.
Ông Lan ngồi đó, mặc áo bông xanh cười nói với anh Thân (rõ ràng trông ông già hơn hắn), như một tai ương được báo trước. Như một tiền kiếp nào đó đang nói về những bước đường hắn phải trải qua, khỏng thể nào tránh được.
Ông Lan ngồi đó chập chờn như một ảo ảnh nói chuyện với vợ hắn (lúc này trông ông trẻ hơn hắn) là hiện thân cho toàn bộ sức mạnh của cỗ máy khổng lồ nghiền nát đời hắn, đời vợ hắn.
Nhưng ông Trần đã quyết định. Ông Trần là giám đốc, là thường vụ. Một quyết định của ông Trần không ai được bàn cãi. Ông Trần đã nói với anh Chân. Cả ông Trần, cả ông Lan dều không thù hằn gì hắn. Ông Lan có thể đã dính líu quá sâu vào vụ này, chứ ông Trần thì không. Một ông thường vụ vào sinh ra tử, toàn thành phố nhìn vào, nhất định sẽ công tâm. Hắn tin như vậy. Hắn tin hắn sẽ được tha, bởi ông Trần đại diện cho công bằng và nhân ái, bởi hắn không có tội.
Ngọc nói: "Anh đã về gần. Mừng lắm. Cả nhà mong anh về”.
Bao giờ nhìn Ngọc hắn cũng cảm thấy vừa gần gũi, vừa xa vời. Ngọc đấy, cách hắn một cái bàn con, nhưng là hai thế giới. Ngọc đâu có phải đi từ nhà đến đây. Em đi suốt nghìn đêm thương nhớ lại. Hắn đã có một câu thơ như vậy sau buổi gặp Ngọc ở Q.N. Hắn cũng không phải đi từ buồng giam ra gặp Ngọc. Anh giết dần từng giây địa ngục đợi chờ em.
Anh Thân vẫn với vẻ xã giao mềm mỏng như bản chất của anh:
- Các anh bên công an nói với tôi sẽ giải quyết cho chú về, nhưng chú phải xác định...
Hắn đưa mắt nhìn anh Thân như chính anh đang lăng mạ hắn. Anh Thân bỏ dở câu nói. Ông Lan hướng cặp mắt quyền uy vào một thính giả vô hình.
- Đúng. Trước hết anh phải xác định được những sai lầm của mình. Phải nhận thức được thiếu sót của bản thân. Chúng tôi giam giữ anh không ngoài mục đích ấy.
Còn gì trắng trợn hơn. Gian dối hơn. Đạo đức giả hơn. Đểu hơn. Hắn bình tĩnh:
- Thưa ông. Cho đến giờ tôi chưa được biết tội của tôi. Chưa ai nói cho tôi biết tôi có tội gì.
Ông Lan cười nhạt, quay về phía Ngọc và như thanh minh: “Đấy. Anh ấy cứ thế. ”
Sau này hắn tự giày vò, nguyền rủa mình vì đã nói ra câu ấy. Giá hắn đừng thấy nghẹn nơi cổ. Giá hắn đừng nói. Bình tĩnh trước những lời giả dối. Dùng cái giả dối để ứng xử với sự giả dối như bao người đã làm thì đâu đén nỗi. Hắn lại phải trở lại Q.N như số mệnh đã hẹn trước. Như mũi tên đã lắp lên dây cung căng sẳn. Cứ thế lao di, vào cõi mịt mù của số phận. Tết đó hắn ở 75. Đó là cái Tết thứ tư trong tù. Sau Tết mấy ngày, hắn bị đưa đi. Tinh mơ, ông già B trưởng đã kể chuyện giấc mơ của ông ta. Ông mơ thấy ô-tô đến đón người trong B ra đi. Hắn chẳng nghĩ ngợi gì. Dạo ấy hắn không tin mộng triệu. Hắn vẫn chờ được trở về. Điều hắn nói với ông Lan có gì mới đâu. Hắn đã nói với ông Lan nhiều lần. ở Q.N hắn đã làm nhiều đơn kêu oan. Đến lúc anh em lục tục trở dậy, gấp gọn nội vụ dể ngay ngắn sát tưởng thì có tiếng mở khóa buồng giam.
- Anh Tuấn mang hết nội vụ ra ngoài.
Hắn ra đi, còn nghe thấy tiếng ông B trưởng nói khe khẽ:
- Tôi mơ thấy có xe ô-tô đến đón mà.
Cho đến lúc ấy hắn vẫn nghĩ rằng hắn có thể được về. Nhưng khi đã dặt hòm xiểng, chăn màn, cặp lồng, túi và ngồi trên chiếc xe com-măng-ca Rumani đít vuông thì hắn hiểu cái gì đang chờ hắn. Hắn hiểu hắn lại tới chốn nào. Sau này khi đã được tha, đọc lại những bức thư viết cho vợ thời gian đó, hắn sống lại nỗi đau ngày ấy.
Em của anh vô cùng thương và yêu quý!
Anh đã hai lần viết thư cho em. Hẳn em không nhận được. Anh đã nhắn nhiều tin về cho em. Anh trở lại Q.N như định mệnh bắt phải về. Thôi thì cho là chúng ta không có cuộc đời nữa. Khi mà họ cố tình. Van xin thế là đủ. Giờ phải đấu tranh. Anh đã xin gặp ban giám thị trại, nhưng các ông ấy không cho gặp. Vì có lẽ cũng ngoài sức giải quyết của các ông ấy. Sức khỏe anh ngày càng yếu. Anh chỉ mong em đừng do dự. Và khi nguồn thành phố đã tắt thì phải mở bằng được con đường Hà Nội. Gửi đơn đi các nơi. Và phải dùng biện pháp tích cực nhất: Trực tiếp gặp các vị lãnh đạo.
Trong những chuyện này em phải có nghị lực. Đưng nghe lời bàn tán hoài nghi của thầy mẹ, các anh. Anh tin rằng trực tiếp gặp các vị lãnh đạo sẽ giải quyết được tất ca. Đảng bao giờ cũng sáng suốt. Hắn em cũng tin chồng em hoàn toàn vô tội. Anh đã chứng minh rằng anh theo Đảng, chứ không chống Đảng. Họ không bác bỏ anh khi có mặt anh. Sao bây giờ họ lại nói tội của anh với em, với các anh một cách vắng mặt anh như vậy. Và không nhận tội thì không được về. Nhưng nhận tội gì đây. Không nhận tội thì tù đến bao giờ. Phải có lòng tin rằng sự thật sẽ thắng, Đảng rất quan tâm đến con người, em ạ. Để có quyết tâm và không tuyệt vọng.
Trở lại Q.N anh mới nhận được thư em viết trước Tết kể chuyện em đón con Thương ra chơi ngày Nôen. Anh không dám đọc nữa. Đến bây giờ sắp 1-5 rồi, anh vẫn không dám đọc lại bức thư em. ôi! Lẽ ra anh đã được về rồi. Không còn ở trại Q.N này để nhận nó, đọc nó. Anh không dám cầm đến nó. Và vẫn chưa đọc hết nó. Thư em gửi Giang đã nhận được.
Chúng ta hy vọng gì ở tương lai. Anh chỉ nghĩ đến nấm mồ chờ anh và chờ tất cả mọi người. Bởi vì bất kỳ ai rồi cũng đều phải từ biệt thế giới này. Cuộc sống thật là một điều kinh khủng. Ngày gần đây anh còn hy vọng được trở về trông thấy bố mẹ già. Giờ đây hy vọng ấy cũng tắt rồi. Anh phải tiêu diệt nó ngay từ bây giờ, để sau này, khi anh trở về mà bố mẹ không còn, hoặc khi anh chết không về gặp được bố mẹ nữa thì cũng quen được với điều đau đầu ấy.
Em! Thương em vô cùng. Thương các con quá. Bao giờ tôi được ôm ấp, vuốt ve các con tôi. Bốn năm rồi tôi không trông thấy chúng. Chúng đã lớn. Chúng đã lớn, nhưng với anh chúng vẫn bé bong như những ngày anh mới bị vào tù. Vẫn những tiếng nỉ non, những trò chơi bốn năm trước - Và lẽ ra giờ đây anh đang chơi đùa với chúng.
Em của anh! Em đã chịu tất cả những đắng cay mà một người có thể chịu. Bao giờ gặp lại em. Gặp lại tình yêu của anh, niềm hy vọng của anh mà nhờ có nó anh đã sống qua được những ngày này.
Nếu em không làm được việc kêu oan cho anh, thì anh không có ngày về. Sự thật là như vậy. Đừng lên thăm anh làm gì. Vất vả quá. Khổ thân em. Anh đã quen chịu đựng...
Bức thư khá dài này không phải chuyển theo đường chính thức của trại (mỗi tháng trại cho gửi một lần). Bửc thư kể lể khổ đau và dặn biện pháp đấu tranh này chắc chắn nhờ một bạn tù được tha giấu mang về cho vợ hắn. Nhưng hắn không nhớ được người hắn gửi.
Đã lâu quá rồi. Hắn chỉ nhớ cái xe com-măng-ca đít vuông đã chở hắn đi. Hắn nhớ vì cái sản phẩm Ru-ma-ni ấy được cải tiến mà hắn không tưởng tượng nổi. Nhìn bề ngoài nó hoàn toàn là một cái xe bình thường. Nhưng bên trong được ngăn thành bốn ô. Bằng sắt và tôn lá. Bốn cái xà lim lưu dộng.
Chỉ có một mình hắn trong một ô cuối. Hắn dán mắt vào miếng kính to bằng bàn tay ở đuôi xe, nhìn con đường phía sau. Rồi hắn ngồi xuống ghế. Nhắm mắt, hắn cũng biết xe đi về đâu. Con đường này hắn đã đạp xe ít nhất mỗi tuần hai lượt. Lượt về. Lượt đi. Thuộc từng cái dốc, từng ổ gà. Mấy chục năm nay.
Xe qua phà được khoảng hai mươi phút. Hắn đoán đã đến chỗ rẽ. Rẽ phải. Nhưng xe lại quẹo trái. Xe đi lối tắt rồi. Nghĩa là về đúng qua đầu làng hắn. Đang ngồi hắn nhổm lên nhìn qua ô kính tí xíu. Không nhìn ra được phía trước để thấy quê hương từ xa chạy lại gần mình. Hắn nhìn về phía sau. Kia rồi. Đã qua cái lò gạch. Nghĩa là sắp đến lối rẽ vào làng. Con dường này, vợ chồng hắn đã đèo nhau trên chiếc xe Thống Nhất vợ hắn được phân phối. Những chiều thứ bảy đạp xe về. Tắm rửa, giặt giũ cho các con. Cởi hết quần áo của chúng, rồi ôm lấy những thân hình nhỏ nhoi, trần truồng, thơm tho, giẫy giụa ấy mà kỳ cọ. Dù chúng có nô nghịch, bẩn thỉu, đất cát, mồ hôi mồ kê cũng vẫn là thơm tho. Rồi dọn mâm chõng ra sân ăn cơm với bố mẹ. Vừa ăn vừa nhìn trời chiều xanh trên đầu, trời chiều xanh bốn chung quanh. Những chiều chủ nhật đạp xe đi. Các con líu ríu ra cổng tiễn. Bố mẹ dặn dò phải cẩn thận bom đạn. Hẹn với bố mẹ, hẹn với các con chiều thứ bảy tới lại về.
Lại đèo nhau trên chiếc xe đạp phân phối. Không thấy ngại. Không thấy mệt. Có những hôm phà chết máy, những hôm giờ cao điểm, tắc nghẽn, ghi-đông xe đạp cứng ngắc ở cửa bến, tiến không được, lùi không được. Những hôm máy bay bắn phá phải vòng lên đi lối Bến Kiền, nhá nhem rồi còn vác xe lội bãi lên đò, phù sa trơn nhẫy, hai vợ chồng bị bọc kéo nhau suýt nhào cả xuống sông. Qua đò là tối mịt. Có tiếng bà mẹ khóc con hy sinh trong B thảm thiết từ một xóm vọng ra. Tối như bưng. Càng tối vì hai bên đường những cây phi lao cao vút. Chợt tất cả như cô đặc đen kịt lại. Hoảng hồn phanh vội. Cho cả chân xuống đất mà phanh. Thấy hai đứa đã chui vào gầm một xe chở tên lửa đỗ ven đường. Tám chín giờ tối mới về đến đây. Đến đây là coi như hết mệt nhọc. Là sắp sửa tới nhà.
Đây rồi. Con đường rẽ vào làng. Con đường đất núi đỏ au. Hai hàng bạch đàn sóng nhau chạy từ đường cái qua cầu vào đến đầu thôn Nội. Đi giữa hai bờ tre rợp bóng tới một khúc ngoẹo là về thôn Ngoại.
Chỗ đó là ruộng lúa. Hai vợ chồng hắn đã để sổng con vịt mua phiếu ở đó. Nó tuột dây trói chân, nhảy xuống ruộng. Hắn vội để ngả xe đạp ở bờ đường, lội xuống ruộng. Ngọc cũng xắn quần lội. Hai người lừa, dồn nó vào chỗ dặt ngả xe đạp. Hắn túm được con vịt khi nó đang leo dốc lên đường cái.
Con vịt. Con đường làng. Con đường quành ra đầu trạm xá, đi qua chợ đến một dầm nước mênh mông. Con đường dẫn đến nhà hắn. Cái cổng tre. Vườn. Sân... Bố mẹ hắn đang ở đấy. Con hắn đang ở đấy, Ngọc đang ở đâu? Còn ở đây hay đã sang phố đi làm rồi, em ơi!
Bấy giờ vẫn còn là Tết. Kìa một làn khói lên. Lúa xanh. Tre xanh. Xa rồi. Mất hút rồi. Hắn vẫn dán mắt vào cửa kính. Đã thấy một thị trấn nhỏ. Đến làng Xuân Lãng rồi! Đu. Một gốc đu. Đông người. Một em nhỏ, ba người đàn ông có tuổi ăn mạc đẹp đi trên đường. Chắc là đi chúc Tết.
Qua làng rồi Hết rồi Hắn ngồi phịch xuống ghế, nhìn bốn bức tường thép hẹp xung quanh. Ngọc ơi! Có biết anh đi rồi không? Ngày về không có đâu, em ạ. Xe qua một ổ gà. Hắn bị xóc, đầu đập vào tường thép.
Chiếc xà lim đi động hẹp. Rất hẹp. Vẫn lăn đi.
*
* *
Bữa cơm đầu tiên hắn ăn với gia đình hắn. Con Thương và anh nó, thằng Hiệp ngồi đầu nồi. Cả nhà quây quần quanh cái mâm nhôm chỉ có hai món: Một quả trứng bác dành cho bé Dương và một bát ô-tô cá khô nấu với rau diếp, sáng tác của thằng Hiệp. Nó không muốn chơi với thằng Dương. Việc khó khăn ấy, nó đẩy cho em nó. Nó nhận phần nấu cơm.
Sau những giây phút choáng váng vì niềm vui bất ngờ quá lớn, Ngọc đã để ý ngay đến nữa cơm. Nhìn mấy chiếc lá rau diếp chín nhũn trong nồi riêu cá khô, nàng định xuống thang ra Ngã Bảy, nhưng khi biết bé Dương có tiêu chuẩn một quả trứng gà bác với cà chua, hắn nhất định giữ Ngọc lại. Hắn không muốn Ngọc đi đâu cả. Hắn không muốn xa Ngọc trong lúc này.
- Anh ăn kiểu gì cũng ngon mà.
Trừ mỗi mình thằng Hiệp ăn vội. Còn cả nhà vừa ăn vừa nhìn ngắm nhau. Vắng đàn ông lạnh nhà, vắng đàn bà lạnh bếp. Hắn đã về. Căn nhà của mấy mẹ con không lạnh nữa rồi. Cái Thương vừa ăn vừa bón cho em. Nhưng bé Dương không nghe, cứ đòi bố chúc. Nó vẫn chưa hết bỡ ngỡ vì có cả một người bố đang ngồi trước mặt nó, chúc cho nó, ăn cơm cùng với nó, với mẹ Ngọc, với các anh chị. Thỉnh thoảng nó lại ngừng nhai nhìn bố chăm chú. Hắn cũng nhìn nó ân yếm và đưa tay vuốt vuốt đứa con mà hắn biết hắn có từ gần bốn năm nay, nhưng đến giờ mới được nhìn thấy.
Đúng như Ngọc viết trong thư gửi cho hắn khi hắn còn ở tù: Anh cứ hình dung bé Dương giống hệt thằng Hiệp, nhưng lại có lúm đồng tiền nữa. Ai cũng khen xinh. Có hôm nó bảo: Xinh thế mà chẳng được cái gì ăn cả. Buồn cười lắm, anh ạ. Hắn nhìn Ngọc và thấy Ngọc đang nhìn mình như muốn hỏi: “Em nói có đúng hhông”. Hắn gật đầu: “Đúng".
Thằng Hiệp lùa vội mấy bát cơm, buông bát đũa, lấy xe đạp của mẹ xuống gác: “Con đến chú Bình, đến bác Thân đây, rồi mẹ cho con mang xe đạp đi học luôn, không muộn mất, mẹ ạ". Hắn thấy con hắn đứa nào cũng lớn quá. Lạ hẳn. Nhưng hắn vẫn nhận ngay ra là con hắn.
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên