1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29

Bùi Ngọc Tấn
- Chắc là anh viết báo có điều gì...
Hắn cười. Không trả lời. Ai cũng tưởng hắn viết lách gì đó bôi đen chế độ. Cũng như ai cũng biết hắn là nhà báo. Là cộng sản. Cả trại tù này biết hắn là cộng sản. Có người nửa đùa nửa thật nói với hắn:
- Ông cộng sản bị tù đày nhiều, ông ấy cải tiến nhà tù khiếp thật.
Đúng là nhà tù của ta đã cải tiến rất nhiều. Những khe hở của nhà tù đế quốc đã bị bịt kín. Một cái bánh chưng gửi vào cũng được cắt ngang dọc, xem có tài liệu gì trong ruột bánh không, không sao để dành được, chỉ hai ngày sau là mốc xám dài bằng đốt ngón tay đã mọc xù lên dọc hai bên vết cắt. Khi còn giam cứu, gói đường gửi vào cũng bị đổ tung ra. Bao thuốc bị bóc. Điến thuốc bị xé. Hắn và Hoá thận trọng trao đổi. Trong tù rất thận trọng. Chẳng nên làm phức tạp tình hình. Chẳng nên làm mình thêm lo lắng. ở ngoài đời tự nhiên đã bị khoác cái tội tuyên truyền phản cách mạng”. Vào đây lại thêm tội chóng đối thì chỉ có mục xương. Nên tù chính trị ai cũng giữ mồm giữ miệng. Chỉ cởi mở với rất ít người đã qua thử thách. Như với già Đô. Với Giang.
Chẳng ai nói với ai những điền sâu kín trong lòng, nhưng tất cả đều hiểu rằng: Không ai chấp nhận cái thứ tù không án. Tù không có ngày về. Không một ai chấp nhận chế độ ăn uống lao dịch khủng khiếp mà họ đang chịu đựng. Hắn quý trọng anh em tù Công giáo. Tất cả đều sống kiên cường, đúng mực. Tốt với bạn tù. Không ai là Giuđa. Không ai bẩm sớ. Có lẽ đó là anh em thực hiện lời dạy của Chúa. Thử thách này cũng là thử thách trước Chúa.
Thấy Cân đang ngồi với Hoá, hắn vòng về phía sau hội trường. Ngồi một mình. Đấy là nơi cao nhất của quả đồi được lấy làm trại tù. Hắn nhìn anh em đi vật vờ, vô mục đích. Những thân hình xác xơ trong những bộ quần áo xác xơ. Những cái đầu cúi chậm rãi đếm bước. Chờ thời gian trôi. Chờ tối xuống. Để ngày mai lại hệt như hôm nay.
Hắn nhìn hàng rào ken dày dưới chân đồi. Cỏ mọc lút. Không ai dám tới. Ra đấy làm gì, nếu không có ý định trốn trại. ở đó vắng teo. Như cầu Hiền Lương, khu phi quân sự. Tháng Tám năm ngoái, bọn hắn đã được ra chỗ đó. Bão. Bão to làm hàng rào đổ mấy chỗ. Bọn hắn phải đẵn gỗ, đẵn cây, đẵn nứa giồng lại. Chỉ một ngày xong. Để nhốt chính bọn hắn.
Bao giờ thì mình cũng tự làm hàng rào, làm nhà tù nhốt mình. Đời là thế!
Già Đô đến ngồi cạnh hắn. Già đã đi đảo một vòng và biết khối tin thời sự. Già bảo:
- Cái đám mới lên ấy nhốt chung với toán lò vôi.
Chưa phân toán. Có một anh ở Bộ N tên là Đức. Từ Hoả lò chuyển lên. Còn cái anh Kiều Xuân Vĩnh chính họ Cao. Dòng dõi Cao Bá Quát. Sau vì sợ tru di tam tộc nên đổi thành họ Kiều. Thấy bảo chỉ thêm cái chấm vào thôi thì chữ Cao thành chữ Kiều.
Hắn cơ hồ tuyệt vọng:
- Tình hình xấu lắm, cụ ạ. Ngoài ấy lại đang bắt.
- Hội Vũ Lượng thổi kèn làm gì mà cũng tù chính trị.
- Thì tôi với cụ làm gì mà cũng tù chính trị. Mưu đồ gì. Chống đối gì. Chỉ có tin tưởng ở các ông ấy quá.
- Tội của chúng mình không phải là mất lòng tin mà là tin tưởng quá.
- Sống thế này không điên kể cũng lạ thật.
- Tôi cũng mong tôi điên. Thật khốn nạn vì mình vẫn không điên lên được.
- Đêm qua, tôi mơ thấy con bé con bên Pháp. Nó vẫn như lúc tôi từ biệt nó. Tôi mơ thấy quán rượu của bà Jeannette. Tôi vào ngồi ở quán. Con bé chạy ra hỏi: Que buvez vons? Vẫn cái giọng nói ấy. Nó chẳng nhớn lên chút nào. Tôi ôm lấy nó: “Không nhận ra bố à? Con mèo con của bố". Nó khóc, nó giãy tụt khỏi tay tôi. Rồi nó gọi: "Mẹ ơi Có khách! ! Vợ tôi ra đứng sau quầy: “ Ông dùng gì? Tôi cũng nói như một người khách: "Cho một cốc vang và một xăng-đuých! ! . Kỳ lạ... Bà Jeannette cũng không nhận ra tôi. Tôi thì nhận ra cả hai. Nhưng cứ ngồi uống như một người khách lạ.
Già Đô cúi đầu. Hắn thở dài, thèm được như già Đô, giọng rầu rầu:
- Tôi mất. khả năng nằm mơ rồi. Đã bao lần tôi ao ước năm mơ thấy vợ, thấy con. Nhất là các cháu. Lần cuối cùng tôi nằm mơ là thời gian còn ở xà lim 75 cách đây hơn ba năm rồi. Phải nói, tôi mong năm mơ thấy các cháu lắm. Thế rồi cầu được ước thấy. Tôi nằm mơ thấy thằng cháu lớn. Hai bố con ở dưới đầm. Nước tới cổ tôi, cổ cháu, mênh mông, nắng loá. Sóng nữa. Tôi bơi lại chỗ cháu. Và cứ thế túm đầu thằng bé mà tát nó, đánh nó. Nó khóc, nó khóc thảm thiết: “Con lạy bố rồi, bố đừng đánh con nữa”. Tôi vẫn cứ ấn nó xuống và đánh. Nó nhô lên, tóc ướt đẫm. Nó khóc. Nó gào khóc đau đớn: Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa". Tôi choàng tỉnh. Run lên. Toát hết mồ hôi. Trống ngực đập thình thịch. Nghĩ thương con quá. Sao tôi lại đánh nó? Tôi chỉ mong nằm mơ thấy chúng, được gặp chúng trong mơ để ôm ấp, yêu chiều. Thế mà mơ thấy nó tôi lại đi đánh nó.
- Tôi cũng thế. Tôi cứ ngồi uống như một khách hàng, thế mới khổ chứ.
Hắn lặng im. Hắn đang nghĩ đến cái ước mơ nằm mơ thấy con của hắn, nằm mơ thấy thằng lớn một lần nữa để hắn sửa chữa tội lỗi làm bố của hắn. Sao hắn lại đánh con hắn như đánh đòn thù? Sao hắn lại là một thằng bố độc ác, vũ phu đến thế Thàng bé gào lên trong mơ, những tiếng gào thảm thiết cứ vọng mãi bên tai hắn: “Con lạy bố rồi. Bố đừng đánh con nữa”. Sao phải lạy bố, hở con? Ôi! Con tôi, những đứa con khổ dau, côi cút ở bên kia thế giới.
Hắn than thở:
- Đêm nào đi ngủ tôi cũng ao ước nằm mơ thấy cháu một lần nữa. Nhưng từ bấy đến nay tôi không nằm mơ thấy gì hết. Tôi hoàn toàn mất khả năng nằm mơ rồi. Đấy là lẩn nằm mơ cuối cùng của tôi. Tôi thương nó quá.
- Tôi cũng ít nằm mơ. Giá đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy Marseille. Thật là một thành phố... Không. Hải Phòng không thể nào bì được. Hải Phòng xa biển.
Đằng này biển gầm thét ngay nơi mình ngủ. Thật là vĩ đại Những người dân ở đấy thẳng thắn, cởi mở, vui tính... ông Martin với cây đàn violon và cả bầu đàn thê tử đến đâu là hội ở đó. Trẻ con người lớn quây lấy. Thật là những người vô tư lự.
- Đời cụ thật sung sướng. Biết đây, biết đó. . Tôi thì từ bé lên rừng, ăn rau muống của cách mạng. Bây giờ lại lên rừng. Rau muống chẳng có mà ăn.
- Tôi về nước với bao ý định tốt đẹp. Thật không ngờ.
- Tôi ao ước được như cụ. Được một lần leo lên tháp Eiffel đứng trước Khải Hoàn Môn.
Họ nói với chính họ. Mỗi người mang trong lòng nỗi khổ đau quá lớn, đến nỗi trong một lúc không còn khả năng tiếp thu được nỗi lòng người khác.
Có tiếng kẻng vang lên. Một hồi dóng dả dội vào rừng xanh. Kẻng điểm danh buổi tối.
* *
Mọi người lặng lẽ trở về, tụ tập ở khoảng sân trước cửa buồng giam. Chờ cho đến khi thấy ông Quân, theo sau là Chắt từ buồng bên đi dến, tất cả về chỗ ngồi. Người nào ngồi đúng chỗ người ấy. Người sàn trên chiếu thẳng xuống người sàn dưới, đôi ngồi sàn bên này đối đối xứng với đôi ngồi sàn bên kia, xếp bằng tròn, tay đạt lên đùi, ngửa lòng bàn tay lên, đầu cúi nhìn xuống. Đó là nội qui bắt buộc.
Ông Quân đi giữa hai hàng sàn gỗ. Ông đi giữa hai hàng tù quần áo số xám xịt ngồi thành dãy như bụt mọc. Ông dứ dứ cái bút máy vào từng người, miệng lẩm nhẩm. Ông đếm bên phải, ông đếm bên trái. Dứ bên trên, dứ bên dưới. Những mặt tù lì lì, bí ẩn. Vẻ mặt ông Quân lạnh lùng, khó hiểu không kém.
Người ta đã tính những lần ông Quân phải đếm trong ngày. Sáng mở cửa ra: Đếm. Di làm: Đếm. Trưa về: Đếm. Chiều đi làm: Đếm. Đi làm chiều về: Đếm. Đi ngủ: Đếm. Tổng cộng sáu lần đếm trong ngày.
Trại cứ tính một nghìn tù cho chẵn. Vậy thì một ngày ông Quân phải đếm sáu nghìn người. Một năm ông phải đếm hơn hai triệu người. Mà ông làm quản giáo đã được hai chục năm rồi, làm từ khi tập kết. Ông đã đếm bốn chực triệu người tù.
Thật là một sức lao động vĩ đại.
Một năm hai triệu khuôn mặt mệt mỏi, lở dờ, xám xịt diễu qua mặt ông. Có lẽ vì soi mãi vào tấm gương ấy, ông cũng biến dạng: Mệt mỏi, lạnh, chai, không một tình cảm nào biểu hiện ra ngoài. Ông đã nhiễm phóng xạ của bọn hắn.
Ông đã đếm xong.
Ông bước ra.
Chắt đóng hai cánh cửa, khoá lại.
Khi cánh cửa đóng lại một lúc, nghĩa là đủ thời gian để ông Quân vâo phòng bên cạnh, phòng giam ồn lên. Nói. Tẩm quất. Sắp xếp lại nội vụ. Và sột sệt.
Lửa lại cháy đùng đùng trong nhà mét. Khói mù mịt. Chất đốt chủ yếu là nứa. Không hiểu sao họ vẫn kiếm ra nứa.
Có một lần hắn đã lấy được cả một cây nứa để giữa sân trại, trước mắt các ông áo xanh và các ông áo vàng đứng trên năm bốt gác chính và phụ cao ngất. Trước mắt hàng trăm người tù. Đi làm về, thấy bó nứa để giữa sân, ngon quá, hắn nhìn lên các bốt gác quan sát. Rõ ràng người trên bốt quay mặt vào sân (nhìn sinh hoạt trong sân tù, dù sao cũng vui hơn nhìn ra rừng già, nhất là buổi chiều tà). Hắn thản nhiên rút một cây nứa dài, chạy vào buồng, gác lên quá giang, cạnh những cây nứa khác, phơi bộ quần áo ướt của hắn và gìa Đô lên đấy. Vừa xong, thì một ông quản giáo chạy vào buồng, giận dữ:
- Anh nào vừa ăn cắp cây nứa chạy vào đây Đâu rồi!
Hắn đã nằm dài trên sàn, lờ đờ khuôn mặt, dửng dưng với những lời quát nạt của ông. Cứ để ông ta tìm trong gần trăm bộ quần áo số này kẻ đã cầm cây nứa chạy vào đây. Cây nứa của hắn cũng như mọi cây nứa khác đang mang trên mình những bộ quần áo tù rỏ nước, như đã nằm đấy từ bao giờ.
Đó là cách dự trữ chất đốt an toàn nhất và cũng là thứ chất đốt tuyệt diệu nhất đảm bảo cả bốn tiêu chuẩn: nhanh, dễ nhóm, dễ dập, chóng sôi. Chất đốt còn là những mẩu củi, cành cây gẫy, quang sảo rách, thùng gánh nước đái vỡ . . “. Nghĩa là tạt được, bồng được về thì vẫn có thức đun.
Người không đun nấu thì quây quần từng nhóm nói chuyện, người nhóm bếp than đun nước pha trà. Anh khác quay mặt vào tường giở suất cơm ra ăn. Có thể anh ta kiếm được cái gì lưng lửng bụng lúc đi làm, nên lùi bữa lại, để đêm đỡ dói. Có thể anh ta ăn thêm với đồ tiếp tế. Những chỗ nào nổi bếp than, được coi là loại giầu có, sang trọng”. Nhẩm xà, uống chè. Có chè uống đều đặn dâu phải chuyện dùa. Phải rất mạnh. Chè lạng là nhất. Thứ này quá sang. Cũng có lần hắn thắng đậm. Hắn tạt được một nắm ở chỗ sao chè của trại. Chè Hà Giang, chè loại hai, đều sang. Chè "chín hào ba" cũng là lý tưởng, được đánh giá ngang với chè U, thứ chè bồm, đồng bào thiểu số ở U sao, ngai ngái mùi ám khói. Bí quá thì lấy lá một loại cây, pha uống ngăm ngăm, ngòn ngọt, hình như có mùi cam thảo. Bọn hắn gọi là cam thảo nguyên.
Hội chè của hắn được mọi người vì nể. Uống khá đều, cho ít chè thôi, lúc tàn thì dặt lên ninh. Hai cái chén hạt mít lau tráng cứ bóng loáng. Tất nhiên vừa uống vừa nghe ngóng. Có tiếng mở khoá thì phải vứt ngay được bếp than đi trước khi ông ấy đến. Có khi ông ấy im lặng đi chung quanh buồng không một tiếng động. Như hổ.
Hôm ấy hắn vẫn sột sệt. Già Đô đưa cái ca con tí xíu của già ra. Đó vừa là cái ấm vừa là cái siêu, ưu điểm là mỏng, đun rất chóng sôi. Hắn lấy bó ni-lông đựng các đồ tiếp tế đã ăn hết và đã được giặt sạch mà ông Thanh Vân để lại cho hắn. Hắn chọn hai túi, một túi đựng kẹo, một túi dựng xúp, và hắn xé một mảnh quần đùi cũ. Hắn bện hai thành phần giẻ và ni-lông thành hai cái đũa dài. Đó là những thanh nhiên liệu.
Già Đô lấy ra một dụng cụ chuyên dùng khác: Một vòng tròn bằng dây thép lồng vừa khít ca có tay cầm dài chống nóng. Già Đô cầm ca. Hắn dun. Lửa bập bùng dưới đít ca. Khồi nhiều. Nóng ít. Khói và mùi ni-lông khó chịu. Nhưng không sao. Đượm ra phết. Ca mỏng. Nước đã kêu kêu.
Có tiếng chân đến cửa sổ của hắn. Hắn dụi ngay lửa xuống cái bát sắt đã chuẩn bị sẵn. Rất nhịp nhàng, già Đô đặt cái ca lên trên. Hai bàn tay người nào nắm vào cửa sổ. Tất cả giật mình. Người ấy đu lên: Chắt! Hắn hoảng.
- Khét lắm đấy, các bố ạ. ông ấy biết là chết đấy. Này, cho miếng cháy này.
Chắt đưa qua cửa sổ cho hắn miếng cháy con và biến mất.
Hắn bị bất ngờ. Ngạc nhiên và ấm lòng. Hắn mới lên đây được một năm. Nhưng thấy tù trật tự trại ở đây khác hẳn Q.N. Tù trật tự trại Q.N là Thất, một anh tù to béo đỏ au, một vận động viên, trưởng phòng thể dục thể thao một huyện, án hai năm vì biển thủ công quỹ. Không trò chuyện với ai bao giờ, lúc nào cũng đi sau ông Quân (Phải, vẫn là ông Quân. Ông Quân cũng từ Q.N chuyển lên trại này sau hắn ít ngày) như cái đuôi. Có lẽ vì suất ấy quá thơm, nên anh ta giữ gìn cẩn thận lắm. Khi tù đi làm, khi tù về trại, Thất đứng bên này cổng, đối diện với ông Quân. Thất cũng đếm. Thất nhắc nhở tù bỏ nón, bỏ guốc. . Đi dép thì được. Đi guốc qua mặt quản giáo là không được. Là không tôn kính cán bộ. Là vô lễ.
Nhưng Lê Bá Di đi guốc. Lê Bá Di thì không thể có dép. Người Quảng Trị, tù cúng đã mười năm, gia đình không thể theo đuổi từ trong ấy lên mãi VQ, QN mà tiếp tế được, Lê Bá Di hoàn toàn sống bằng trại. Bữa ăn sang nhất của Di là ba lạng thịt trâu kho chuội choại ngày Tết. Một năm có một lần. Không thuốc đánh răng, không khăn mặt (Di lấy quần áo rách làm khăn mặt) không tiền lưu ký, không bít-tất, không dép... Lê Bá Di đẽo lấy guốc đi. Và cứ đi guốc qua cổng.
Thất gọi nhắc nhở. Lê Bá Di cứ đi. Không biết Di không nghe tiếng, hay biết nhưng cứ làm theo ý mình. Thất chạy tới túm vai Di quát mắng và chỉ xuống đôi guốc, sừng sộ. Di cúi xuống nhặt guốc và bỗng nhiên, hắn và tất cả không ngờ: Di quật guốc vào mặt Thất. Hẳn là chỗ guốc ấy có cái dinh lòi ra. Thất vuốt mặt. Mặt đầy máu. Tay đầy máu.
Thất im lặng. Ông Quân im lặng. Bọn hắn im lặng đi qua. Hắn không ngờ Di lại hành động như vậy. Di cùng toán với hắn. Người nhỏ thó, trán hẹp, đầu nhỏ, nhưng quai hàm bạnh ra. Những anh em cùng tù với Di ở Cổng Giời bảo: trước Di không thế đâu. Nhai sắn nhiều nên quai hàm mới bạnh ra. Ai nhai sắn nhiều đều có kiểu mặt hổ mang bành như vậy.
Râu Di đen sì, kín cằm, kín mồm, môi dưới thưỡi ra thâm thâm, cứ như nhọ mõm. Di không chơi thân với ai. Việc Di, Di làm. Lầm lũi như cái bóng. Nhưng gánh khá. Gánh khoán, Di cứ chơi sáu mươi ki-lô phân trâu bò chạy vài cây số, lội bốn suối, vượt vài dốc.
Di cũng rất tự trọng. Có lần hắn cho Di một véo thuốc lào, thế là hôm sau gặp nhau ở bờ con suối cạn, Di dúi cho hắn hai cái bánh khoai vừa bằng cái trôn bát, như hai cái bánh trứng cáy ở quê hắn, toàn xơ. Chắc Di tranh thủ xuống ruộng khoai đã dỡ, mót dược.
Di lành. Di khổ. Di ít nói. Bỗng nhiên Di khùng. Nhưng Di lại bị hành hạ theo cách khác.
Buổi chiều đi làm về, hắn đã lấy nước uống và đang đi sang bên toán mộc chơi, thăm Giang, người bạn tù cùng giam ở 75, thì sau lưng hắn có tiếng rầm rầm. Tiếng thét. Tiếng kêu ú ớ. Hắn quay lại. Thùng nước đổ chỏng chơ. Một dám đông đang đá, đạp, đấm. Lê Bá Di nằm lăn dưới đất. Ba Đen, Phi Cốc, Triều Phỉ, Lập Ba Tai... những tù tập trung hình sự cao lớn, bấy lâu ngứa ngáy chân tay đang đánh đòn hội chợ. Toàn những miếng hiểm. Toàn những miếng vào bụng, vào sườn, vào ngực. ợ. ợ. Cứ mỗi đòn Di nhận, Di lại ưỡn lên. Ưỡn, nhưng không kêu. Chỉ ợ ợ. Đòn cuối cùng là một cú đánh bằng gót của Ba Đen nện thẳng xuống mỏ ác. Tứ chi Di rúm lại. ợ. ợ.
Thoắt một cái, tất cả đã biến hết. Trận đòn rất nhanh. Như chưa hề xảy ra. Chỉ một mình Di. Quần áo xám, số đỏ, lấm láp nằm co trên đất. Mắt nhắm nghiền thiêm thiếp. Một lúc sau, Di mở mắt, chớp chớp. Không nhăn nhó, không kêu rên một lời, Di gượng ngồi dậy. Nhặt cái gô lăn lóc, đứng lên phủi quần áo. Đi dến chỗ thùng sắt chắt tí nước cặn còn sót lại, cầm gô vào buồng đặt lên sàn như không có chuyện gì xảy ra.
Hắn đi về phía toán mộc và thấy ông Quân đang lặng lẽ hút thuốc sâu kèn ở cổng trại. Ông có biết không? Hẳn là ông biết. ầm ầm như thế làm sao không biết. Cũng như cả trại biết Thất đã xuỳ bọn đàn em dạy Lê Bá Di một bài học. Và cũng là dạy tất cả cánh phạm bài học.
So với Thất, Chắt thật dễ chịu. Có lẽ cũng vì Chắt tù lâu quá rồi. Chắt, tập trung hình sự, đã ngót chục năm. Chắt hiểu cánh tập trung. Hắn chưa kịp nói lời cảm ơn với Chắt về miếng cháy thì Chắt đã đi. Hắn lại nhóm lửa. Lác đác vài bếp than. Còn tất cả nằm dài im lặng. Như những xác chết. Anh em đang “mặc niệm tới gia đình". Hắn lấy ra hai cái chén mắt trâu men trắng. Hắn tự hào về hai cái chén của mình.
Hai cái chén sứ men trắng này làm hội của hắn nổi lên. Nó cũng giống như ngoài đời, người ta uống nước bằng chén cổ đời Lý, đời Trần. Quá ư sang trọng. Bởi vì trong tù người ta uống nước bằng nắp ca, bằng bát... Có chè mà uống là tốt lắm rồi. Hai cái chén "tù bảo" ấy hắn đem từ trại QN lên. Kỷ mệm của Cương, người sĩ quan trẻ tuổi nhất của khoá huấn luyện cuối cùng của lớp sĩ quan Đà Lạt. Cương gầy gò. Không gia đình. Chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, nhưng đã chín năm tù. Răng rụng hết. Móm. Đầu trọc. Nom mặt Cương giống hệt cái sọ đầu lâu nằm giữa hai khúc xương bắt chéo trong tấm biển Nguy hiểm chết người. Cũng hốc mắt sâu thế nằm dưới cái sọ to. Cũng hai má hóp, quai hàm xương xẩu. Cương ở toán lâm sản. Cùng với những người tù thiểu số lực lưỡng. Những Hỉn Sản, Cắm Xìn (không phải Xìn Cắm) những Tằng Xình Quay... leo núi như dê rừng. Cương loẻo khoẻo, nhưng vẫn vác những bó nứa, những cây gỗ đúng tiêu chuẩn. Một buổi lang thang trong rừng đào măng cho ông quản giáo, Cương đi vượt sang bên kia núi và thấy một cây lớn. Trong một hốc trên cây, một bát hương, tàn hương phủ đầy mùn lá mùn gỗ mục. Một cuộn giấy đựng hương phải cố gắng lắm mới nhận ra hình dạng. Và bốn cái chén mắt trâu.
Cương đi đến cây vả gần đấy, hái mấy trái chín để vào trong hốc cây thay cho đồ lễ và xuýt xoa khấn vái thần núi, thần rừng cho xin hai cái chén. Cương đem chén xuống suối, đánh rửa sạch sẽ rồi đem về cho hắn. Mãi sau này hắn mới biết tất cả những chuyện ấy. Hắn cũng thấy hơi chờn chợn.
Nhưng đó là chuyện về sau.
Hai cái chén ấy làm hắn với già Đô nổi tiếng. Nhiều người mang cả chè sang đây uống. Những người thân như Xìn Cắm, Tảng ở QN, Lượng, Cân ở VQ thì mượn về uống tăng hai. Nhưng hôm nay hắn muốn mời Cân và Lượng sang cùng uống với bọn hắn. Hắn tụt xuống đất và leo lên sàn bên kia. Ngay chỗ Cân. Cân đang ngồi giữa chiếu, xếp bằng tròn, quay mặt về phía tường. Hắn xển dến cạnh Cân, đạt tay lên vai Cân thì thào:
- Sang uống...
Hắn bỗng im bặt, vì Cân ngồi im như tượng gỗ. Không quay lại. Cũng không trả lời. Hắn hiểu. Cân đang cầu nguyện, đang độc thoại trước Chúa. Lượng nằm, thấy hắn tới, vùng dậy:
- Anh về đi, Lượng sang ngay. Ba người ngồi xụp xoạp. Già Đô uống bằng bát vậy. Cam hảo nguyên đã ngấm. Nước đỏ ngăm ngăm, ngòn ngọt. Vẫn còn cái thú tuyệt vời này. Hôm nay phải uống lâu một tý, già Đô ạ. Uống chè, nhắm cháy. Ngon hơn cả bánh đậu xanh. Hơn cả kẹo trứng chim. Chắt thật là một người tốt. Cám ơn anh. Tôi sẽ nhớ anh cho đến lúc chết. Lượng ơi, tý nữa hát cho mình nghe.
Từ chỗ tận cùng xã hội này, mình đã thấy tận cùng của cái phi lý. Đúng như Lượng nói: Nếu như bây giờ được tha về nhà, có tiếng gõ cửa, ra mở, thấy có một người tự xưng là Giời thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Cứ việc mời Giời vào uống chè mà không phải băn khoăn. Mọi việc đều có thể xảy ra. Sao lại không có một ông Giời xuống uống chè với mình được. Cân nó vẫn còn cầu nguyện. Nó dọn mình trước Chúa. Nó có một niềm tin vào Chúa. Còn mình chẳng biết tin vào đâu nữa”. Sung sướng thay những kẻ có lòng tin”. Đó là một câu phương ngôn Pháp.
Mỗi người đến đây bằng một con đường khác nhau. Một hoàn cảnh khác nhau. Hắn khác. Lượng khác. Già Đô khác. Nhưng đều giống nhau ở một điểm: Sự ngây thơ. Nhẹ dạ. Cả tin. Và đều phải trả giá. Ngọc có lại thăm Trà Mi. Mình mong muốn hai người thân thiết với nhau. Hắn uống cam thảo nguyên và im lặng. Lượng, già Đô im lặng.
* *
Đêm ấy hắn không ngủ được.
Hắn nghĩ tới xà lim, tới khu phạt đang chờ hắn. Đó là một khu nhà nhỏ xây riêng. Tường gạch, mái bê-tông khuất nẻo sau một lùm cây rậm. Chứ không giống những nơi giam tù thường, tường là những cây gỗ bàng bắp chân ken lại sít nhau, mái lá...
Hắn đã nằm xà lim ở P hơn một năm trong khi giam cứu. Nhưng không thể so sánh được với những xà lim ở VQ. Ai đã ở những xà lim này khi ra không còn hình người nữa.
Chính Vũ Lượng đã ở xà lim bảy ngày. Kỷ luật với Lượng là mười ngày cùm, húp cháo loãng. Đó là thời gian hai người ở toán văn nghệ. ở toán này thì nhàn. Cũng phải giồng giọt, cày xới, cũng có thợ cày, nhưng còn tập diễn kịch Người mẹ địch hậu", tập hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Nhưng đói. Văn nghệ sĩ thuộc toán văn nghệ trại VQ này cũng đói. Món cải thiện duy nhất là ớt chỉ thiên. Nơi toán văn nghệ sơ tán là một hẻm rừng. Không biết ai đã trồng mấy cây ớt chỉ thiên, nhú quả nào, vặt quả ấy, ăn chỉ thấy hôi xì. Có lần hắn vạch lá tìm được một quả già còn sót, ăn cay mà nhớ tự do cồn cào.
Một cú tạt tập thể vĩ đại của toán văn nghệ đã làm xôn xao cả trại. Gặt hái được nhiều mà cuối cùng chẳng ra gì. Cũng chẳng ngờ đâu sự tình lại xảy ra như vậy. Một buổi chiều đi xới sắn ở nương sắn mới đốt trở về, ông quản giáo, ông vũ trang tự nhiên thấy tù chạy hết vào rừng. Ông Vui quản giáo phụ trách toán, kéo violon tàm tạm, vốn dĩ rất lành, thét:
- Làm cái gì thế?
Ông vũ trang gầm lên:
- Đứng lại!
- Nổi loạn à à à
Không ai nghe. Những bộ quần áo xám chạy đến bìa rừng. Hắn lao theo anh em.
Những tiếng súng cảnh cáo xé màng nhĩ. Mặc. Một rừng ớt chỉ thiên chĩa những quả đỏ ối lên giời. Nằm mơ cũng chẳng thấy. Băng qua một con suối. Vượt lên một vạt toàn cỏ săng và những cây con lúp xúp. Tới giáp rừng già. Rừng ớt lưu niên đại thụ sum suê, chen chúc, có thể trèo lên được.
Lại những tiếng súng bắn lên trời. Không gì giữ được anh em tù dừng lại. Tất cả lao tới như hoá dại. Ngắt. Hái. Suốt cả quả xanh, bẻ cả cành. Rồi một tiếng súng đanh. Hình như có tiếng kêu hoảng hốt:
- Chết rồi!
- Chết rồi!
Nhưng chẳng ai để ý. Những bàn tay vượn vẫn thoăn thoắt nhét ớt vào túi. Vất ớt vào nón. Vận ớt vào người. Đổ nước đi để nhét ớt vào cặp lồng, vào ống bương.
Ông vũ trang còn trẻ hơn ông Thanh Vân chạy đến, mặt tái mét, run lên vì xúc động.
Một tiếng súng đanh ngay tại chỗ làm mọi người dừng hết việc hái lượm. Mặt ông đằng đằng sát khí:
- Tôi... bắn...
- Quay về ngay! Tôi bắn!
Ông Vui nắm chắc khẩu súng lực, bước tới, nhìn bọn hắn đầy vẻ căm thù:
- Tập hợp!
Cho đến lúc ấy hắn mới biết A Thềnh, một trong những thợ cày của toán, đã trúng đạn, nằm vật trên đám cỏ săng, cạnh những cây ớt ngoài cùng.
Ông vũ trang, khẩu tiểu liên báng rỗng lăm lăm:
- Tất cả tập hợp bên suối!
Cả toán mang ớt đi cạnh xác A Thềnh nằm nghiêng co quắp. Hắn liếc nhanh: A Thềnh mồm há hốc, chiếc răng vàng sáng loé giữa hàm răng nâu xỉn bắt đầu rụng, áo bông xanh vỡ toang. Máu còn đang sủi bọt từ ngực qua áo tràn xuống đất thành vũng. Những quả ớt chín, những quả ớt xanh. cả lá ớt nữa trong bàn tay A Thềnh xoè năm ngón.
Hắn thấy nhói ở ngực và là người đầu tiên dốc cặp lồng ớt xuống đất. Hắn cảm thấy có máu A Thềnh ở đó.
Tới suối, hai ông cán bộ bắt tập hợp và khám rất kỹ. Một quả ớt cũng không lọt.
Bọn hắn ủ rũ đi về buồng. A Thềnh nằm lại. Cán ở lại. Cùng ông vũ trang. Chắc là để làm biên bản.
May cho bọn hắn. Dạo ấy đang B52. Trừ anh em quản chế và nhà bếp, các toán sơ tán cả ngày lẫn đêm. Nếu không, tất cả hẳn đã vào xà lim. Với lại cũng chẳng xà lim đâu mà cùm cả một toán năm sáu chục người. Bọn hắn chỉ bị hạ mức ăn xuống chín ki-lô. Phải nói rằng đói lả.
Đói và nhớ A Thềnh, người Nùng già đã đem lại cho bọn hắn nhiều phút cười thả phanh. Nhất là Lượng. Vì Lượng hay trêu chọc A Thềnh hơn cả. Bởi vì bọn hắn đã tìm ra điểm yếu của A Thềnh: A Thềnh rất sợ bị coi là lẩm cẩm.
Đi làm về, mỏi nhừ, đói, một tay xách bị quần áo ướt một tay xách dồ đựng nước, rã rời cả phần xác lẫn phần hồn, rã rời đến từng sợi tóc, bọn hắn trêu A Thềnh cho vui lên một tý. A Thềnh suýt soát sáu mươi, mặt đẹp, má hóp, tay xách một ống bương nước dài dễ đến nửa thùng nước. A Thềnh có cách đi rất lạ. Chân cứ vất ra dằng trước, ngửa ngửa đầu về phía sau, kiểu đi của những người chuyên lên dốc, xuống dốc, không quen đi ở đường bằng.
Một anh từ phía sau tiến lên, đi ngang A Thềnh buông một câu:
- A Thềnh lẩm cẩm rồi.
A Thềnh giật mình như bị đụng vào chỗ hiểm, đính chính ngay, giọng vẫn nhẹ nhàng:
- Tôi-Không-Lậm-Cậm-Đâu.
Một anh khác tiến lên thế chỗ anh vừa nãy:
- A Thềnh lẩm cẩm đấy. Tôi bảo thật đấy.
A Thềnh nghiêm mặt cất giọng cao đã hơi run run, giọng của người bị xúc phạm:
- Tôi! Không Lậm Cậm Đâu
Anh thứ ba bước lên với giọng khinh bỉ ra mặt:
- Lẩm cẩm thế còn cứ chối. Nhận đi!
A Thềnh có vẻ mặt tử vì dạo của người kiên quyết dấu tranh cho sự thật, bảo vệ chân lý trước bọn xuyên tạc trắng trợn:
- Tôi! Không! Lậm! Cậm! Đâu!
Theo thế xa luân chiến, Lượng đang đi đằng trước, đứng lại chờ A Thềnh. Cằm vuông, má hóp, râu ria, Lượng quát anh em không được trêu Thềnh pác. Mặt A Thềnh dịu lại. A Thềnh nhìn Lượng trìu mến và cảm động. Lượng nắm tay A Thềnh, ngả hẳn vào vai A Thềnh, đầu gối chạm cả vào cái ống bương đựng nước của A Thềnh, thân mật nỉ non:
- Chỉ có tôi quí Thềnh pác. Thềnh pác có đồng ý thế không?
A Thềnh gật gật sung sướng, tuy môi vẫn hơi run run vì vẫn chưa nguôi tức giận. Nhưng thấy tất cả mọi người, kể cả già Đô tóc hoa râm, mặt chằng chịt những vết nhăn sâu hoắm, cũng long lanh cặp mắt chờ đón trận cuởi sắp tới, thì A Thềnh lại cảnh giác. Lượng càng ỏn thót:
- Chúng nó xấu với Thềnh pác lắm. Chỉ tôi tốt, tôi mới nói thật với Thềnh pác thôi.
A Thềnh dãn mặt ra chờ đợi. Lượng nói to dằn từng tiếng:
- Thềnh pác lẩm cẩm quá rồi!
Vừa nói, Lượng vừa du A Thềnh ra và cười hề hề.
Tất cả phá lên cười. Cười ngặt nghẽo. Cười chảy cả nước mắt. A Thềnh loạng choạng vì bị Lượng đẩy, gắng đứng vững, mặt đỏ tía, gầm lên với trời xanh:
- Tôi! Không! Lậm! Cậm! Đâu!
Và đi vượt lên, chân lại càng vất ra phía trước. Những người tù ít cười nhất, lầm lũi nhất cũng cười. Lê Bá Di cười, già Đô cười. Già Đô đi cạnh hắn, cái áo bông xanh vá víu, chằng đụp những mụn vá bạc phếch xé ra từ những quần áo tù rách mủn (mấy năm tù cái áo bông của già cũ quá rồi, trông già đeo kính cặm cụi vá áo, khâu bít-tất thật rất sầu đời).
Già cười sảng khoái trước trò chơi của Lượng. Già bảo hắn: “Không biết A Thềnh có biết lẩm cẩm là gì không mà sợ thế" Và gọi to:
- A Thềnh này. Tiếng Kinh lẩm cẩm là tốt đấy. Người lẩm cẩm là người quý lắm à. Tốt lắm à. Bành lắm à.
A Thềnh giận. A Thềnh không thèm trả lời ai nữa. Hình như A Thềnh cũng chỉ biết mỗi câu tiếngKinh " Tôi-Không-Lậm-Cậm-Đâu", khi nói cứ ngắt ra từng chữ.
Vắng A Thềnh. Con người cao dong dỏng. Mặt đẹp. Má hóp. Cái ống bương nước quá khổ. Buồn. Buồn nhưng phải làm sao cho vui lên. Lượng tìm cách bắt chuyện với anh Mán. Anh Mán hoàn toàn không nói được tiếng Kinh. Anh em người dân tộc cho biết anh ta mồ côi bố mẹ. Đi ở chăn trâu. Làm cháy rừng. Tập trung cải tạo. Điều kỳ lạ là anh ta cũng số lẻ. Anh Mán từ QN lên VQ cùng một chuyến với hắn. Cao lớn, lộc ngộc. Quần áo tù cỡ đại mặc vẫn ngắn cũn cỡn. Mặt mũi vuông vức nhưng ngây ngô. Suốt tháng chẳng thấy nói, chẳng thấy cười. Cũng chẳng biết anh ta buồn hay vui. Nhưng rõ ràng anh ta biết rét biết đói. Vớ được cái gì cũng ăn. Kể cả dế sống. Mùa rét thích sưởi. Quàng chăn sợi đi làm. Quản giáo bắt để chăn ở trại. Rồi thấy anh ta không có cái áo rét nào lại cho mang đi, nhưng bắt phải gấp gọn khi qua cổng trại. Cao hơn mọi người một cái đầu, một nách kẹp cái chăn, nách kia kẹp đôi gưốc mộc tự đẽo to như cái hòm, anh Mán là hình ảnh vui mắt nhất trong lúc đi ra đi vào cổng trại mùa đông năm ấy. Đến chỗ làm, đứng ở ruộng khoai, nương sắn, tấm áo choàng phấp phới lại càng buồn cười. Lượng gọi anh là Ôtemô.
Thấy toán đi làm về rầu rĩ quá, Lượng đến quàng tay anh Mán:
- Ôtemô. Anh tên là Ôtemô phải không?
Đứng chỉ đến vai anh Mán. Lượng ngước cặp mắt long lanh nhìn lên chờ đợi. Khuôn mặt, ràng vàng của anh Mán cúi xuống. Một cái nhìn hoá đá. Một khuôn mặt hoá đá. Lượng kéo hẳn cái chăn đầy rệp của anh Mán khoác trên vai, quấn vào mình:
- Đétđêmôna đâu? Đétđêmôna đẹp lắm. Vợ anh đẹp lắm. Nó có tắc cho anh không?
Im lặng. Như không nghe thấy. Như không có Lượng đang ôm ngang sườn.
- à thôi. Đang đói. Không nói chuyện tình yêu. Đúng rồi, đói bỏ mẹ còn yêu đương gì.
Và Lượng chuyển gam:
- Thế, thế hôm nay bắt được mấy con nhái rồi?
Anh Mán vẫn đi. Vẫn là hoá đá. Vẫn là- câm lặng. Bình thản. Nghiêm trang. Không một dấu vết phản xạ.
Lượng lắc đầu, rời anh ta ra:
- Chịu bố!
Lượng là nhân vật nổi trong toán. Vì tật háu đói. Vì tính tình lăng xăng. Vì Lượng số đen. Hễ tạt cái gì ra tấm ra miếng một tý như nhổ sắn, bẻ bắp cải... y như rằng bị tít.
Lượng còn nổi vì giọng hát và dàn dựng những tốp ca. Khi tập, Lượng lĩnh xướng. Tiếng Lượng vang vang: - Ơi cô gái ơi! Đã bao đêm canh bên nòng súng... Cán, có số năm tù bằng Phố, mười tám năm, là toán trưởng toán văn nghệ. Nghe anh em nói lại, Cán là Việt kiều về thăm đất nước. Khi xách va-li ra sân bay thì được mời ở lại vì có những hoạt động nghi vấn (anh em cũng không biết rõ là những hoạt động gì) bị nghi là gián điệp và vào tù. Mười tám năm, bao nhiêu của ngon vật lạ đều do trại cung cấp, Cán rụng mười bảy cái răng và thong manh. Cán bảo Lượng:
- Lượng ở ngoài chắc nhiều em mê lắm nhỉ?
Lượng dược phân công gánh cơm, một việc mọi người đều mơ ước: Được gần nhà bếp. Được đi về một mình. Không có quản giáo đi cùng. Rộng rãi thời gian. Không giấu được phấn khởi, Lượng bảo hắn:
- Lượng ổn rồi, Lượng sẽ chú ý đến anh.
Đường xa, nhiều dốc, nhiều suối, gánh cơm canh cho mấy chục người ăn, Lượng so vai, rụt cổ, gân cổ đỏ rực, nổi lên như lươn, mồ hôi ướt đầm áo. Lượng coi thường vất vả. Lượng tươi hơn hớn. Lượng đã giữ lời hứa: cho hắn khi dúm muối, khi bọc ớt. Hắn thái ớt ngâm muối trong túi ni-lông, thêm vào đó mấy đọt măng või luộc. Mặn mặn, chua chua, cay cay, thơm nữa. Coi như một món thức ăn mặn.
Cái dạo mới lên đây, Lượng đói suốt ngày. Đến nỗi một hôm thấy già Đô kêu đầy bụng, không ăn hết suất cơm (thực ra sau khi mấy anh tù chết, già hoảng không thiết sống) Lượng thốt lên rất thành thật "Sướng nhỉ! " Thấy ai ăn cái gì, mắt Lượng cứ sáng lên, cứ phải nhìn vào đấy một tý. Lượng không làm chủ được bản thân mình trước miếng ăn. Hắn thông cảm với Lượng. Ai mới vào mà không bị thế. Ăn ít, không có chất, làm nhiều, giao nước. Đến bữa cơm, cố giữ mình bình tĩnh, hắn vẫn ăn như hổ đói. Lùa. Nhai. Nuốt. Hắn ăn mà không hiểu mình ăn gì. Khi biết mình đang ăn cơm, muốn nghiền ngẫm nhẩn nha, thưởng thức hương vị bùi bùi, ngòn ngọt của cơm độn ngô, hay vị deo dẻo của sợi mì lẫn trong cơm thì cái cùi-dìa đã vét quèn quẹt xuống đáy bát men rồi. Mới sáu giờ chiều, bị nhốt nằm trong buồng nhìn ra thung lũng đã đói. Đã mong đến bữa mì sáng mai. Hắn đã viết thư cho vợ hắn: Anh nghĩ tới em không nhiều hơn nghĩ tới mẩu sắn, củ khoai nhặt được ở dọc đường. Ai mới vào tù cũng phải qua cảnh đói vàng mắt ấy. Đúng là vàng mắt. Có lúc mắt chl nhìn thấy chập chờn một đốm vàng vàng.
Lượng may, Lượng rút ngắn được thời gian đó. Anh em trong toán ghét cái tươi hơn hớn của Lượng”. Nó bành"“. Chỉ có mình là meo thôi"“. Có hôm nó gánh vào rừng khợp no cháy! ”. Không có đâu". Bán tín bán nghi.
Một hôm trại được ăn cá mè. Tin đồn xôn xao từ mấy hôm trước. Cũng là tù nói tội nghe thôi , nhưng thường đúng. Anh em hướng về khoản gia vị: ớt, rau thơm, củ sả. Cái gì cũng phải có củ sả.
Bao nhiêu lâu nay thèm chất tanh. Lại cá tươi mới tuyệt. Chứ thứ cá khô mực, nấu riêu chỉ thấy xương sống, xương đầu, hốc mắt vàng khè như xương cải mả chìm trong thứ nước nâu nâu, đỏ dực, lờ lờ thì nói làm gì. Tanh và khắm đến lộn mửa. (Khi thấy xoong riêu cá khô ấy, hắn ngạc nhiên: Thì ra nhà tù mình cũng cho tù ăn cá mục).
Lần này là cá mè tươi thứ thiệt. Thật tràn trề hy vọng và mong đợi từng giờ. Gần trưa mọi người ngong ngóng về phía con suối, nơi cái đầu cui cúi, cái đòn gánh cong tnu trên hai vai rụt lại của Vũ Lượng vẫn hiện ra. .
Khi Vũ Lượng lội qua khúc suối lượn quanh lối mòn tới gần bìa rừng, nhìn cái đòn gánh nhún nhảy, mọi người hỏi to: .
- Có không?
Vũ Lượng gào lên:
- Có!
Ai cũng biết là có gì. Vũ Lượng lấy vạt áo tù lau mồ hôi đang túa ra đầy mặt để lộ ra cái bụng lông lá bóng ướt mặc dù đang mùa rét.
Cân chuyên chia cơm đến trước tiên. Cân cũng về toán văn nghệ, đóng vai nữ rất giống. Có lẽ vì nước da Cân còn sáng và quan trọng hơn vẻ mặt Cân còn có cái linh hoạt chứ không bì bì, chết như những người tù khác. Vẻ mặt Cân vẫn còn sống động, vẫn còn nói lên hỉ, nộ, ai lạc của đời thường. Cân reo:
- Cá mè.
Anh em quây quanh những xoong cơm, những xoong cá mè kho xăm xắp nước. Thế rồi, không biết ai đã nói gì với ông quản giáo. Từ trong lán ông bước ra:
- Không được chia vội. Để đấy đã.
Tất cả ngơ ngác. ông bắt Lượng gánh mấy xoong cá mè trở về nhà bếp. Không chờ cá, anh em chia cơm ăn với những thứ gì mình có, mình sột sệt được. Trưa ấy thì sột sệt lu bù. Tranh thủ sột sệt.
Lát sau ông áp tải Lượng ra. Mặt ông hầm hầm.
- Chia đi!
Những xoong cá lần này quả có đầy hơn thật. Nhà bếp đã bù. Lượng đã ăn cá dọc đường. Chẳng biết mấy con. Lượng bị vào xà lim. Hắn còn nhớ hôm Lượng được tha từ xà lim ra, tuy Lượng mới bị cùm, ăn cháo loãng có bảy ngày, chưa hết hạn.
Cũng may là hôm ấy, ông thiếu tá chánh giám thị trông coi cả bốn phân trại từ trong trại ra nói chuyện. Cả trại được nghỉ làm, lên hội trường nghe ông nói. Ông nói rất lạ. Trái ngược hoàn toàn với những điều hắn được dạy dỗ, đối xử. Từ ngày vào tù hắn chỉ quen nghe sỉ vả. Nghe mạt sát. Bọn hắn là một lũ tội phạm. Mỗi người một kiểu khác nhau, nhưng cùng phạm những tội ác với nhân dân, với cách mạng, với Đảng. Bọn hắn là địch. Còn nguy hiểm hơn địch. Pháp, Mỹ, mũi lõ mắt xanh, ầm súng bắn vào nhân dân, ai cũng nhận ra. Nhưng bọn hắn khó nhận diện hơn, nên càng nguy hiểm. Tội lỗi ấy không đáng được đối xử như những con người. Không đáng thở bầu không khí chung với nhân dân. Không đáng được gọi là người Việt Nam, một dân tộc anh hùng. Dân tộc xấu hổ vì bọn hắn. Tuy nhiên Đảng vẫn tin tưởng ở cái phần người còn lại trong mỗi kẻ bọn hắn. Đảng nhen nhúm chút phần còn sót lại ấy.
Và bọn hắn dược đối xử đúng như vậy. Con trâu cày, con lợn giống còn được các ông quản giáo vỗ về, vuốt ve tình cảm. Bọn hắn, không ai dám mơ tưởng đến hạnh phúc lớn lao ấy. Một lời động viên thông cảm thôi cũng không dám màng. Không được như những cây rau. Luống rau cải bắp, luống rau muống có sâu, hắn phải đem bình vô-pha-tôc ra xịt ngay. (Bọn hắn ốm thử đi xin viên thuốc ở chỗ ông Chắn, công an y tá xem). Gặp ai cũng phải gọi là ông, là bà. Gặp bà công an kế toán bế con trai lên bốn đi chơi là phải kính cẩn:
- Bà với ông đi chơi ạ!
Nhưng hôm ấy ông chánh giám thị nói rất lạ. Không xỉ vả mạt sát ai hết. Lại giảng về hai chữ đồng bào. Cùng một bào thai. Cùng một bọc. Cùng máu đỏ da vàng. Con Rồng, cháu Tiên. ông nói mọi người phải quên dĩ vãng. Quá khứ là quá khứ. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai mới là quan trọng. Phải nghĩ đến tương lai. Đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam của Vua Hùng dể lại. Ai nghĩ đến quá khứ là tội lỗi. Thật lạ Nghe mà mát ruột, mát gan. Nghe mà nghi hoặc. Mà cảnh giác. Mà co người lại. ông nói: Các anh không phải gọi chúng tôi là ông nữa. Mà gọi là anh. Là chị. Rằng chúng tôi sẽ giao cho các anh tự quản. Giao hẳn chìa khoá cho các anh. Sao lại không nhỉ. Rằng từ nay mỗi bữa sẽ có nhiều món ăn. Rất lạ. Lạ đến mức không tin dược. Không một ai tin. Tất cả im phăng phắc. Theo dõi từng câu từng ý. Từng điệu bộ, cử chỉ. Từng nét mặt. Như trẻ con theo dõi xiếc. Theo dõi người dạy thú. Người tung hứng. Người ảo thuật. Hắn liên hệ đến bài báo mà Phố mới đọc cho cả B cùng nghe, sau tin về toà án Bertrand Russell: Xoá bỏ hận thù, khôi phục tình thương. Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Rất phi giai cấp. Khác hẳn những bài báo trước đó. Giữa lúc ấy có tiếng thét to, đều, ngắt ra từng tiếng của anh em bị phạt xà lim:
- Chúng - tôi - xin - dược - nghe - ông- chánh - giám - thị - nói - chuyện.
Đó là sáng kiến của Lượng. Chắt mang cháo xuống xà lim, nói cho Lượng tin quan trọng ấy. Cả năm ông chánh giám thị mới ở trại trong ra trại ngoài, Lượng gọi to anh em ở các xà lim khác, thống nhất gào lên, vì ở xà lim đến hội trường khá xa. ông chánh giám thị lúc đầu không để ý. Nhưng cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại từ phía sau núi vọng lại ông lắng nghe.
- Cái gì thế nhỉ
Tù chỉ đợi có thế.
- Báo cáo ông, anh em ở xà lim xin dược nghe ông nói chuyện ạ.
Ông như chợt hiểu. Hình như đến lúc này ông mới biết trong trại của ông có những người ấy. Ông lại đang nói về tình thương, nghĩa đồng bào, nên thản nhiên nhất đời ông hạ lệnh:
- Cho các anh ấy ra.
Vũ Lượng đi ra. Xiêu xiêu. Cùng nhiều người nữa. Hắn chưa bao giờ nom thấy Vũ Lượng như thế. Râu quai nón đen sì, km má. Mắt trũng sâu, lông mày rậm. Tóc rối. Cợp. áo bông xanh rộng thùng thmh. Quần tù xám
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên