1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29

Bùi Ngọc Tấn
Tổng giám đốc của hắn. Nhà chỉ có hai cái ghế. Hắn mời khách ngồi ghế còn hắn ngồi trên cái hòm giấy nện, nơi vẫn để những túi ni-lông đựng số thuốc lá sợi đã aromatisé của hắn.
Ngọc và lũ trẻ ngồi cả ở giường. Hắn cảm động đến mức luống cuống và mãi mới pha được nước mời khách. Ông Hoàng cầm chén trà, người thư ký nói với hắn, nhưng chính để nhắc ông Hoàng:
- Anh Hoàng tối không uống trà.
Ông ngoan ngoãn đặt chén xuống. Ông nhìn quanh căn buồng nghèo nàn. Nhìn mấy mẹ con Ngọc ngồi túm tụm ở giường, khuôn mặt rạng rỡ vì sung sướng và xúc động. Thiên thần hiện ra ở nhà Lọ Lem cũng chỉ có thể tạo cho Lọ Lem khuôn mặt như Ngọc mà thôi.
Ông Hoàng sẽ làm thay đổi đời hắn, thay đổi đời nàng và trong lúc chờ đợi, bằng vào việc đến thăm nhà, ông đã đem lại cho vợ chồng nàng niềm hy vọng lớn lao, sự nâng đỡ tinh thần và một cái vốn chính trị to lớn biết chừng nào. Nhà nàng từ ngày ấy còn có mấy ai đến. Thế mà đây không phải một người khách bình thường mà là một ông bộ trưởng, một ông bí thư thành uỷ...
Ông hỏi thăm việc học hành của lũ trẻ. Ông chỉ vào từng đứa. Thằng Hiệp lí nhí “Cháu học Chín ạ!” Ngọc sẽ còn mắng nó nhiều vì câu trả lời ấy: “Thưa bác, cháu học lớp Chín ạ. Chứ ai lại nói cháu học Chín ạ”. Ông chỉ vào con Thương, rồi thằng Dương: “Thằng này đẻ khi bố đi xa đây phải không?” Lại thêm một ví dụ về những nỗi khổ đau của nhân dân bày ra trước mắt ông. Những quyền cơ bản của dân đang bị vi phạm. Nhiều khi rất nghiêm trọng. Mà chính vì những quyền ấy của nhân dân, Đảng đã ra đời, đã chiến đấu. Chẳng cứ gì dân chúng, ngay trong số cán bộ, đảng viên, những đảng viên có cỡ cũng có người chịu bao đắng cay, nhiều khi là những tai hoạ hiểm nghèo. Họ đến ông, xin ông với cương vị của mình hãy tìm mọi cách giúp họ. Ông đã làm hết khả năng mình vì chân lý, vì trách nhiệm trước con người, vì lý tưởng của Đảng, dù nhiều khi phải chống lại cả một thế lực, một tập thể nhân danh tổ chức, nhân danh Đảng, dù ông biết sẽ rất phức tạp, khó khăn và nguy hiểm nữa..
Nhưng ông không chọn con đường khác, cách xử sự khác. Ông không trốn tránh. Ông nhận diện được kẻ thù nguy hiểm nhất của một Đảng cầm quyền. Đó là sự xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mất đi sự nhạy cảm với phong trào, với ước nguyện của nhân dân. Và mất đi điều quan trọng nhất của người dẫn dắt: Khả năng dự báo. Ông vẫn giữ được mối liên hệ ấy một cách dễ dàng, tự nhiên, không phải cố gắng chút nào. Ông đến với mọi người, mọi người đến với ông, cởi mở, chân thành, tin cậy và yêu quý. Trái tim ông vẫn còn nhạy cảm. Khối óc ông vẫn còn nhạy cảm. Hình như ông làm cán bộ lãnh đạo là một sai lầm. Trong ông có máu của một nghệ sĩ. Lẽ ra ông phải là một nhà thơ hay một nhà văn mới đúng. Ông nhìn lên nóc tủ. Nơi ấy là bàn thờ. Một ngọn đèn con. Một nải chuối... Khói hương. Ông biết cách đây không lâu Ngọc còn là một nữ sinh kháng chiến, theo chồng từ Hà Nội về đây với hy vọng, tin tưởng sẽ được góp sức mình xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống tốt đẹp chung cho mọi người và cho riêng họ. Mất lòng tin ở thế giới này thì phải đặt lòng tin vào thế giới khác. Sống cần được trao gửi niềm tin của mình vào đâu đó vì thuộc tính của con người là cần được dẫn dắt. Cuộc sống bị những người trần thế xô đẩy vào bước đường cùng thì chỉ còn trông cậy vào những thế lực huyền bí thay đổi lại. Ông nói vui với Ngọc:
- Một con bệnh mà mời những hai ông lang chữa chạy thì không được đâu. Ông lang này tự ái đấy.
Ông cười. Thoải mái, tự tin. Ông rút trong túi áo khoác ra năm mươi đồng (một xấp giấy bạc một đồng còn mới). Ông lại cười:
- Tôi sẽ lo in sách cho anh. Và trong khi chờ đợi, tôi cũng ứng trước tiền nhuận bút đây.
Hắn còn đang ngớ ra, thì ông hỏi hắn:
- Này Nhà xuất bản vẫn ứng trước tiền nhuận bút. Có phải không nhỉ?
Cả nhà đều cười. Hắn đỡ lấy xấp tiền. Thật ngoài sức tưởng tượng của hắn. Năm mươi đồng bạc dạo ấy rất lớn, nhưng còn lớn hơn nhiều là tấm lòng ông. Hắn biết không nên nói lời cám ơn vì điều ấy sẽ làm bình thường món quà này. Không, món quà của ông là vô giá. Tuy nhiên hắn vẫn nói: “Xin anh. Cám ơn anh”. Mãi sau này khi về xí nghiệp đánh cá, đi làm ở đó hắn mới biết đây là khoản tiền ông vay của công đoàn xí nghiệp. Ông nói với đồng chí thư ký công đoàn và ông giám đốc cũng đang có mặt trong phòng làm việc của công đoàn:
- Các anh có lên nhà, đừng nói gì với nhà tôi và các cháu số tiền này nhé. Tôi sẽ trả sau.
Ông nghĩ số tiền này chỉ để cấp cứu hắn thôi. Nó có giá trị động viên nhiều hơn. Cái chính là phải khôi phục lại công lý. Việc đó khó khăn, nhưng dù sao cũng trong tầm giải quyết của ông. Nhưng một lần nữa ông nhầm.
Sau này hắn nghĩ, ông Hoàng cũng có nhiều điểm giống bọn hắn. Sự ngây thơ, nhẹ dạ đáng yêu. Ông không nên làm chính trị. Chính trị đôi lúc hiện ra trước mảt hắn như những mưu mô, thủ đoạn, kiểu nói nước đôi, giấu đi những ý nghĩ thực của mình. Chính trị còn là lý trí. Rất nhiều lý trí. Để có thể lạnh lùng cầm bút tính toán số xương máu phải bỏ ra cho một trận đánh, dự trù tổn thất cho một chiến dịch. Cần thiết thì chấp nhận một sự hy sinh không tính toán. như nhữllg chi phí phải trả cho chiến thắng.
Hình như ông Hoàng không có những phẩm chất ấy ông lại càng không nên làm chính trị, khi ông có thể nghe được nhịp đập trái tim người khác, cảm thấy tiếng than thở trong mỗi nụ cười, hiểu rõ một câu hỏi nghi ngờ, câm lặng trong một cánh tay giơ lên tán thành nghị quyết. Và điều cuối cùng khiến ông là người lận đận vì ông vốn trung thực, ông gọi sự vật bằng tên của nó.
Hắn đưa đơn gửi ông một buổi trưa, nhờ Cao, một người cháu ông, cùng làm báo T. với hắn mang đến nơi ông làm việc. Khi đó ông đứng đầu một ngành của chính phủ. Hắn đưa đơn cho ông với danh nghĩa ông nguyên là bí thư thành uỷ.
Hắn đưa đơn và có bao nhiêu hy vọng trong lòng hắn vận ra cho hết. Bởi vì việc này không liên can gì đến ông Hoàng. Ông thôi không làm bí thư đến hơn chực năm rồi. Không biết ông có còn nhớ hắn không? Chẳng bao giờ ông lại vì hắn mà đi gây chiến với ông K, ông Trần, xông vào những việc trong vương quốc của các ông này. Bởi vì hắn đã viết không biết bao nhiêu đơn. Trước tiên là đón đường, chờ ở cổng để đưa đơn cho các ông thường vụ, phó bí thư, bí thư, chủ tịch... thành phố. Cũng là để bảo đảm nguyên tác trước khi kêu lên trên thôi, chứ trong thành uỷ chẳng có một người nào ngu ngốc đi bới chuyện của ông Trần, một ông thường vụ phụ trách nội chính bao gồm cả ba ngành công an, toà án, viện kiểm sát. Các ông thành uỷ nhẵn mặt hắn khi hắn còn làm báo, nay tránh mặt hắn. Không ăn thua nhưng cứ phải làm.
Âu cũng là để các ông ấy tự đánh giá mình trước lương tâm. Thế thôi. Mong rằng lương tâm các ông ấy chưa bị móm. Nó vẫn còn răng, nó vẫn còn cắn rứt. Rồi đơn lên Trung ương, lên các cơ quan quyền lực cao nhất, lên Ban Thanh tra... Cầm tay trực tiếp. Chầu chực mà chẳng gặp được người cần gặp. Và những đơn gửi qua bưu điện... Có lẽ đơn hắn không đến tay các vị ấy. Cũng như Ngọc, hắn lại kêu vào thăm thẳm. Chắc chắn đơn của hắn đọng ở văn phòng cùng với rất nhiều đơn khác. Vì vậy lần gửi đơn sau hắn kèm theo một đơn riêng tới các ông bí thư, thư ký, lời lẽ thống thiết. Đại loại: Xin ông thương đến, xin ông quan tâm, xin ông hiểu cho rằng sau những dòng chữ này là một cuộc đời, là sáu con người một lòng theo Đảng, là oan khuất, là sự tái sinh vân vân và vân vân. Hắn muốn lay động lòng trắc ẩn của những vị ấy, nhưng hình như họ đã quá quen với những lời van xin dù tha thiết đến đâu.
Nói cho đúng hắn cũng được người có trách nhiệm tiếp một lần ở Bộ Công an. Khi đưa đơn lên ông Bộ trưởng và ban thanh tra bộ, hắn chẳng mảy may tin tưởng. “Bố nào chẳng bênh con”, “Người trên nào không bênh thuộc hạ”. Ai cũng muốn nói với hắn những câu ấy, rằng kêu thì cứ kêu, chẳng ăn thua gì đâu.
Kể cả Ngọc và Bình, những người thương hắn nhất, hiểu hắn nhất, mong muốn điều tốt đẹp đến với hắn nhất. Họ khách quan hơn hắn. Họ biết rằng sẽ không có ai đứng ra giải quyết. Người ta nhận, người ta hứa hẹn và người ta xếp xó. Ai quan tâm đến đơn kêu, đơn khiếu, trong tình hình này hẳn nhiều như nấm sau mưa. Họ biết trước rằng tất cả chỉ là việc mình đánh lừa mình. Tốn kém mà chẳng ích gì. Hắn cũng biết vậy. Nhưng vẫn đánh lừa “sự tỉnh táo để không bị lừa” của mình. Mọi người hãy thử đứng vào địa vị hắn. Không có tội, bị bắt tù, khẽ thôi cũng năm năm. Tịch thu hàng nghìn trang bản thảo của mười năm lao động miệt mài. Vợ đang học đại học, bị gọi về. Còn con nữa, chắc chắn vào đại học sẽ khó khăn... Những điều đó xảy ra trong chế độ ta, chứ đâu ở chế độ cũ. Điều không chịu được chính là chỗ ấy. Nó xảy ra trong chế độ ta, chứ không phải chế độ cũ.
Nhức nhối lắm. Uất lắm. Hận lắm. Đau lắm. Người ta chỉ sống có một lần, sự tồn tại của trái đất đã là một xác suất vô cùng hiếm hoi trong hàng tỷ thiên hà. Được sinh ra trên trái đất lại là một xác suất hiếm hoi của một xác suất hiếm hoi. May mắn. Vô cùng may mắn. Kết quả của bao nhiêu ngẫu nhiên, thần bí. Đó là ân thưởng lớn nhất của số phận của trời đất. Con người là kết quả của toàn vũ trụ và có trách nhiệm sống trong vũ trụ.
Sống là gì. Có lẽ hắn không nói được rạch ròi. Nhưng chắc chắn sống không phải là Xìn Cắm cúi cúi trên những luống rau, cái lưng đồng hun đẫm mồ hôi loá lên dưới nắng, giờ đã tan biến trong thinh không, có còn chăng là cô hồn đang múa võ trên trời, Dự hỏi cũng chẳng nghe thấy, lẳng lặng vào rừng. Sống không phải là anh Mán, chăn choàng phấp phới, đôi guốc mộc to quá khổ kẹp ở nách, hẳn bây giờ đã quên tiếng mõ trâu và vẫn ngơ ngác lang thang tìm kiếm một điều gì chính anh cũng không biết, không hiểu nhưng anh vẫn đi tìm trên những vạt rừng chưa tàn lửa đốt nương.
Sống cũng không thể là già Đô luôn mang một gánh nặng trên vai, lẫn lộn trong bị bọc hành trang tàu Commerce Maritime, Khải Hoàn Môn, tiếng vang động ì ầm của Địa Trung Hải, tiếng gọi quê hương, cái ca dùng làm ấm pha trà, nhà máy giấy, con rồng đất túi lạc tiên chín thơm lừng và lúc nào cũng cô đơn như người xà lim, người dưới mộ.
Sống cũng không phải là Nguyễn Văn Phố tù 18 năm không án. Càng không phải là vợ Phố chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 5l tuổi vẫn còn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng...
Sống đâu phải như hắn. Đêm đêm gặm nhấm nỗi đau, ngày lo bữa ăn sinh vật và sợ hãi nghĩ đến tương lai. Sống vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền được sống trên trái đất này. Hắn không thể chấp nhận sự tiêu diệt đời hắn. Giống như Đỗ, người cùng giam một dãy xà lim với hắn, được ăn một bữa cơm có cả rượu, thịt gà, cá chép, rồi bị bịt mắt, trói và bắn chết, nhưng cho đến phút cuối cùng vẫn không chịu chấp nhận cái chết. Hắn biết hắn đang vác gậy chống trời. Luật pháp bây giờ trông mong vào sự quan tâm tốt bụng của một số người. Luật pháp bây giờ trông mong vào sự tình cờ, may mắn. Thì hắn đi kiếm sự quan tâm, lòng tốt bụng. Hắn đi kiếm sự tình cờ may mắn. Kiếm trong tuyệt vọng. Để có thể nhen lên được một chút hy vọng. Mà sống cho đến khi chỗ hy vọng cỏn con ấy đã cạn thì lại cầm đơn đi. Để lại nhen lên chút hy vọng mà gặm nhấm mút mát, ăn dè qua ngày đoạn tháng... Biết làm sao, con người ta cần hy vọng để sống.
Cái lần ấy hắn trở lại Bộ để xem đơn từ của hắn kêu đã được giải quyết đến đâu. Lang thang ngoài phố thôi. Chẳng đến nhà ai nữa. Đi bộ thì mệt. Mất thời gian. Đi xích-lô thì không có tiền. Hắn lễ phép trình chứng minh thư và trình bày với người thường trực. Người ấy quay điện thoại. Có tiếng trả lời trong máy. Người ấy gác máy, nói với hắn: “Bên Thanh tra hiện nay không có ai ở nhà”. Hắn im lặng ngồi chờ. Có nhiều người đến. Hai phụ nữ từ khu Bốn ra thăm chồng công tác ở Cục kỹ thuật cười nói rní rít và rủ nhau đi. Ba ông ăn mặc lịch sự, lấy chứng nhận để làm hộ chiếu đi nước ngoài. Họ nói chuyện cởi mở, tự tin, thân ái và bình đẳng. Vẻ thân ái bình đẳng của những người đồng chí cùng nhau giải quyết việc chung. Họ đến và họ đi, cố nén niềm vui sướng trong lòng mà khuôn mặt cứ người lên.
Còn hắn. Hắn ngồi im lặng như cái ghế. Không ai chú ý đến hắn. Chờ người thường trực ngẩng nhìn, hắn đứng lên, xin đồng chí (được gọi công an là đồng chí rồi. Không phải báo cáo ông nữa) gọi lại giúp xem. “Tôi là Nguyễn Văn Tuấn, đã có đơn từ đầu năm...” Chắc là vẻ mặt hắn khổ não lắm. Nên lại quay điện thoại. Lại nói: “Nhưng người ta ở mãi P lên. Tuấn. Nguyễn Văn Tuấn”. Lại những tiếng nói trong ống nghe như từ nơi tung thâm, huyền bí nào. Chắc chắn nơi ấy quyết định số phận của hắn. Người thường trực nghe và bảo hắn:
- Bác chờ một tý.
Hắn hồi hộp quá. Hắn đă làm bao đơn. Đây là lần đầu tiên đơn của hắn được người ta cứu xét. Một người cao gầy, quần bộ đội Tô Châu cũ vá, áo sơ-mi trắng cũng vá và nhàu, khoảng năm mươi tuổi bước vào phòng. Chỉ trông cũng biết con người khổ hạnh liêm khiết. Người thường trực hất hàm vào hắn ra hiệu. Người ấy hỏi:
Anh là Nguyễn Văn Tuấn ở P?
- Vâng.
- Anh theo tôi.
Hắn đi theo người ấy vào phía trong. Tạt vào một phòng bất kỳ, bàn ghế chỏng chơ. Bụi. Không có cả ấm chén. Rõ ràng là người ta tiếp hắn tạm bợ, được chăng hay chớ.
- Anh có mang giấy tờ cá nhân gì không?
Hắn đưa cái chứng minh. Người ấy nghiêm khắc nhìn hắn:
- Anh không có giấy tờ gì khác à? - Và không che giấu sự nghi ngờ, vì nghi ngờ là một biện pháp nghiệp vụ: - Lấy gì chứng tỏ anh vừa bị bắt ra.
Hắn sợ. Sợ ông ta nổi giận, hắn đã làm phiền đến ông. Hắn nói để ông hiểu hắn chỉ có mỗi tờ lệnh tha, đã nộp cho công an thành phố để làm hộ khẩu. Người ta đã thu tờ lệnh tha ấy. Hắn không dám man trá, bịa đặt ra chuyện hắn bị tù năm nám để quấy rầy các nhà chức trách. Ngay đến tờ giấy mời hắn ra đồn gặp ông Lan do bà Nguyễn Thị Yên ký cũng phải nộp lại cho công an nữa là.
Người ấy cố giữ bình tĩnh, nhưng vẫn lộ vẻ bất bình trong giọng nói để hắn tự biết rằng hắn là kẻ có tội, sự trừng phạt là đích đáng, hai năm rõ mười nhưng hắn vẫn ngoan cố, không thành khẩn, không biết điều, kiện cáo, khiếu nại, làm phiền đến cơ quan Nhà nước.
- Chúng tôi đã đọc đơn kêu oan của anh. Trong đơn anh nói anh công tác tốt, không vi phạm pháp luật.
Người ấy cười nhạt và không kìm giữ được nữa:
- Anh nói vô lý. Thế thì ai dám bắt anh. Anh lại không phải tề ngụy. Đang là phóng viên báo Đảng. Tự nhiên sao người ta bắt anh? Điên à?
Hắn sợ. Ông ấy đã nổi giận. Người trực tiếp thanh tra vụ án của mình nổi giận thì không còn chút hy vọng nào. Hắn thấy như đang ngồi ở phòng hỏi cung, nghe ông Lan quát tháo, rồi lại giở mặt mềm mỏng. Thất vọng, chết lặng đi, không nói được một lời hắn ý thức được đầy đủ thân phận sâu kiến của hắn.
Và hắn nói. Lễ phép, rản rỏi, kiên quyết. Hắn nhìn thẳng vào người đối thoại:
- Thưa ông Cho đến bây giờ chưa ai buộc tội tôi. Chưa ai nói cho tôi biết tôi mắc tội gì. Nếu tôi có tội, tôi xin tình nguyện đi tù một lần nữa.
Người ấy cười nhạt:
- Vậy theo anh vì sao công an bắt anh? Người ta thù ghét anh à?
Thù ghét thì không. Còn tại sao người ta bắt hắn thì chỉ có những người ấy mới trả lời được. Hắn chỉ có thể phỏng đoán. Hắn phỏng đoán trên cơ sở những gì đã xảy ra và những gì các ông ấy đã hỏi hắn trong các cuộc hỏi cung.

Thời gian đó ở Hà Nội đã phát hiện một tổ chức chống Đảng. Toàn những cán bộ đảng viên. Có cả cán bộ cao cấp. P cũng phải có ở mức độ nhẹ để hưởng ứng Hà Nội. Chúng tôi đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Chúng tôi đã bóp chết từ trong trứng. Người ta chọn hắn vì hắn chẳng mở miệng chửi phim “Khi đàn sếu bay qua” và vẫn coi “Bài ca người lính” là một kiệt tác. Hắn chẳng thể nào khen được cách mạng văn hoá Trung Quốc. Tóm lại hắn không nói dối được. Hắn ngượng với chính hắn. Hắn lại có những yếu tố để dễ bất mãn. Hắn mâu thuẫn với bí thư chi bộ. Hắn không muốn vào Đảng, hắn trọn đời là một nhân sĩ yêu nước và tiến bộ. Hắn không giống mọi người. Hắn lại còn nói sẽ bẻ bút không viết nữa. Bất mãn quá rồi còn gì. Hắn chơi bời với một số người ở Hà Nội, người bị bắt, người đang bị theo dõi. Hắn bấp bênh về lập trường. Hắn tự kiêu, tự đại. Hắn mất cảnh giác và dễ bị lôi cuốn. Sau này hắn còn được biết ông bí thư thành uỷ K rất ghét hắn. Vì ông nghe tin là hắn khinh ông, coi thường ông. (Không biết có kẻ nào đặt điều bảo rằng hắn nói ông K mồm thối. Điều ấy đến tai ông K. Thật là một sự bịa chuyện bẩn thỉu, giết người). Thực ra hắn chẳng có khái niệm gì về ông, ngoài sự coi ông như mọi người lãnh đạo khác của địa phương mà hắn chẳng mảy may quan tâm...
Hắn thấy phải trả lời ông thanh tra một cách thành thật nhất:
- Thưa ông, tôi không biết vì sao.
Chừng như hiểu rằng không nên đi quá xa trong việc làm hắn hoảng sợ (phải giữ đúng vẻ cần thiết của một cơ quan tiếp dân - hắn cũng là dân chứ), ông cán bộ thanh tra quần áo tồi tàn, cẩu thả và chắc là rất nghèo và rất liêm khiết kia dịu giọng, vỗ về hắn, động viên hắn về nhà, yên tâm chờ đợi”. Chúng tôi sẽ làm việc lại với những nơi hữu quan. Hãy tin tưởng ở pháp chế xã hội chủ nghĩa. Không để lọt một kẻ gian, không bắt nhầm một người ngay”.
Ông thanh tra làm một điệu bộ như sắp đứng lên. Hắn biết cuộc tiếp hắn đã kết thúc. Mặc dù ông đã gập sổ, cài bút vào túi ngực, hắn vẫn ngồi, lấy hết can đảm, lí nhí:
- Xin lỗi ông, ông cho tôi được biết tên ông ạ.
Hắn đã dùng quá nhiều tiếng ông trong một câu nói. Lối đặt câu ấy đã thành tật trong những ngày bị tù khi nói với công an và bây giờ vẫn được dùng để nói với các nhà đương cục. Hắn cần biết tên ông để những lần kêu cứu vô tận trong tương lai hắn có thể nói với người ta rằng hắn đã gặp những ai, ở đâu. Cho nên dù ông có cho là xấc láo hắn vẫn cứ phải hỏi. Hiểu ngay lý do, người ấy nghiêm mặt, văng ra một cái tên như một lời thách thức:
- Vũ Chí. Anh ghi đi. Vũ Chí.
*
* *
Hắn không ngờ đơn của hắn gửi ông Hoàng lại được ông giải quyết nhanh như vậy. Cao, người cầm đơn hắn đến chỗ ông Hoàng, hơn một tiếng sau đã lại có mặt ở nhà anh chị Diệu. Cao phấn khởi thuật lại: Nói đến hắn, ông Hoàng nhớ. ngay và kêu lên Nó bị bắt à. Năm năm cơ à? ông lắc đầu tỏ vẻ không tin.
Ông bảo Cao ngồi uống nước. Ông đọc ngay đơn. Gọi ngay điện thoại về P.
- Ông Hoàng sắp về P đấy. Thế nào ông Hoàng cũng gặp mấy ông dưới ấy.
Hắn cứ ngồi ngây ra. Thật hoàn toàn không ngờ được. Cao lại bảo:
- Này. Tối nay ông Hoàng mời cậu đến nhà. Bảy giờ.
Hắn không nói được vì xúc động. Cao nói số nhà, còn nhấn mạnh:
- Đây đi xuống, qua nhà ông.. (Cao nói tên một vị lãnh đạo có tên tuổi). Rồi đến nhà ông Hoàng. Hai nhà sát nhau. Nhà trước cửa có bốt gác là nhà ông Hoàng.
Và cười:
- Bốt gác ở nhà ông Hoàng, mà cũng là gác cả nhà bên cạnh. Hắn đến nhà ông buổi tối. Phố vắng, cây rợp. Rải rác những bốt gác ở hè... Nhìn kỹ số nhà mờ mờ, hắn lễ phép nói với đồng chí bộ đội đứng gác:
- Tôi đến gặp anh Hoàng. Anh Hoàng có hẹn tôi tối nay.
Hắn ấn chuông. Cổng sắt mở. Chính bà Hoàng ra mở. Hắn đi theo bà qua một cái sân, bà dẫn hắn đi dọc sườn nhà, tới một cái ga-ra ô-tô thì rẽ. Hắn không đi lối cửa chính. Hắn đi cửa dành cho người nhà người thân thuộc trong gia đình. Vào trong nhà rồi, hắn lại quành trở ra phòng khách. Ông Hoàng đang ngồi xem ti-vi.
ở đây tĩnh lặng. Cảm giác hắn nhớ nhất là hắn đang đi vào một khu phố Hà Nội ngày mới tiếp quản. Vắng. Rộng rãi. Cây cối in bóng trong ánh điện càng thêm huyền ảo. Quá khứ ấy đã qua rồi, nhưng vẫn còn ở đường phố này, ở những biệt thự êm đềm, rộng rãi, vắng vẻ này. Một cái gì mong manh như kỷ niệm, như truyện cổ tích của thời đại mới. Điều hắn nhớ nữa là ở một góc nhà những quả tên lửa cháy sáng rực đang lao lên trời, kèm theo tiếng rít của bom đạn. Cảm giác ấy rất lạ đến nỗi khi ngồi nói với ông Hoàng về chuyện hệ trọng nhất của đời hắn, hắn phải cố gắng lắm mới không liếc mắt về phía ấy, nơi đặt chiếc ti-vi Neptun. Lần đầu tiên hắn thấy sản phẩm ấy của trí tuệ con người. Màn hình sáng xanh của nó có thể hiện ra tất cả. Ông Hoàng đứng lên đón hắn. Ông nhìn hắn: “Ngồi đây”. Ông đã qua các nhà tù. Ông hiểu, hay ít nhất ông cũng cảm thông được với hắn. Ông bảo hắn:
“Tôi không biết, tôi không biết gì cả”. Hắn lễ phép trình bày với ông về vụ án của hắn, nếu có thể nói được như vậy. Bởi vì hắn có án từ gì đâu. Ông Hoàng gạt đi: “Thôi. Tôi biết rồi, tôi đọc đơn của anh rồi. Tôi sẽ điện về thành uỷ P. Sắp tới tôi về P, tôi sẽ làm việc với các anh ấy”.
Ông nhìn hắn, muốn tìm trên người hắn những dấu vết tù đày. Ông thấy ngay điều ấy. Đây là một phóng viên trẻ, tài năng, xông xáo, là cây bút xuất sắc trong thành phố của ông. Là người ông đã chăm chú theo dõi, đọc của anh ta từ những bài trên báo tới các sáng tác in ở trung ương, ở địa phương. Anh ta là gương mặt tiêu biểu về văn học, báo chí của địa phương. Ông đã bảo với Cao - cháu ông khi Cao ở Hà Nội về P công tác: “Thằng Tuấn sẽ viết được tiểu thuyết lớn về công nhân đấy”. Ông tin như vậy. Đó là lời dự báo của ông về hắn.
Ông nhìn hắn và se lòng. Dấu vết của tù tội, của sự tiêu diệt hiện lên quá rõ. Không còn là một thanh niên tràn đầy sức sống, nghị lực, quyết tâm, khiêm tốn, tự tin, cởi mở. Không phải là cặp mắt yêu đời hăm hở. Không còn dáng điệu của một phóng viên trong các cuộc họp do thành uỷ triệu tập, rút bút, lật sổ ghi chép, nắm bắt và suy nghĩ... Hắn ngồi trước mặt ông xo xúi, khép nép, sợ sệt, ấp úng... Hắn lễ phép một cách hơi quá mức, gần như khúm núm với chính ông. Dù ông biết rằng hắn quý ông, tin ông, bấu víu vào ông và ông dành cho hắn sự tiếp đón thân tình nhất mà, ông nghĩ, hắn chưa bao giờ được hưởng từ lúc đi tù về. Một lần nữa ông nhìn vào đôi mắt hắn. Xưa thông minh, trong trẻo, mà nay sao buồn thảm, u tối. Ông cố động viên cho hắn vui lên, nhưng nụ cười của hắn mới gượng gạo thảm thiết làm sao. Ông bảo hắn: “Khổ lắm phải không?” Hắn cắn môi lễ phép: “Thưa anh, khổ lắm!”. Ông khuyến khích hắn: “Kể đi. Kể chuyện tù cho tôi nghe đi!”. Hắn ngớ ra. Biết kể gì cho ông bây giờ. Bao nhiêu chuyện. Xà lim 76. Xà lim 75. Toán tăng gia. Trại QN. Tịch thu bản thảo. Chúng tôi có đủ kiên nhẫn. Lê Bá Di cho hắn bãi phân trâu. Xìn Càm cho hắn nắp ca. Già Đô nằm cạnh hắn. Anh Mán nằm trên xe công nông. Vợ hắn bị đuổi học...
Hắn quên không nhớ được đã kể những gì cho ông. Đụng đến chuyện tù đày là nó ập đến như một thác nước làm lẫn lộn hết cả. Hắn chỉ nhớ khi ở nhà ông về nhà anh chị Diệu thì đã muồn muộn. Anh chị Diệu là những người quý mến, kính trọng ông Hoàng. Anh Diệu kể lại một cuộc họp phóng viên các báo. Ông Hoàng nói chuyện về kinh tế và những biện pháp giải quyết. Giữa lúc các ngành đang đẩy mạnh chiến dịch làm sạch vỉa hè, dẹp hết tư thương. Ông nói quan điểm của ông: Buôn thúng bán mẹt còn tồn tại vì đó là yêu cầu của cuộc sống. Chỉ dẹp được khi mậu dịch làm được nhiệm vụ ấy, làm tốt hơn những người buôn bán nhỏ... Anh chị Diệu đều mừng cho hắn. Ông Hoàng can thiệp nhất định hắn sẽ được giải quyết. Với P, ông là người có uy tín lớn. Những người phụ trách thành phố hiện nay đều là cán bộ của ông...
Hắn thuật lại cho Ngọc và lũ trẻ nghe về kết quả tốt đẹp của chuyến đi Hà Nội, hắn ôn lại những kỷ niệm giữa hắn và ông khi hắn còn làm báo và phập phồng hy vọng.
Hy vọng tăng thêm khi sau đó mấy ngày, Phan Lâm, nguyên tổng biên tập báo, đương kim giám đốc Sở Văn hoá, thành uỷ viên cho người mời hắn đến cơ quan. Cái cơ quan văn hoá này trước đây hắn chẳng để ý gì đến, nay khinh khỉnh nhìn hắn. Hắn bước vào phòng giám đốc. Phan Lâm bắt tay hắn. Phan Lâm đã đến nhà thăm hắn khi hắn được tha về ít hôm. Đó là một người tốt bụng, hiểu biết những oan khuất của hắn, nhưng đành ngậm miệng. Giữa lẽ phải và sự cầu an, như tất cả mọi người, ông chọn cái thứ hai. Ông cũng đã khốn đốn trong cải cách ruộng đất, bị đình chỉ công tác. Ông biết thảm hoạ của những ai vướng vào mạng lưới vô hình...
Phan Lâm tươi cười, sung sướng vì được báo tin này cho hắn:
- Anh Hoàng gọi điện về cho mình. Mình báo cáo với anh ấy rất trung thực về cậu. Và mình bảo đảm với anh ấy rằng: Chắc chắn cậu không phải là một tên phản động. Anh Hoàng có ý định sẽ giải quyết cho cậu. Giải quyết toàn bộ đấy. Như vậy thì phúc cho cậu, phúc cho vợ con cậu.
Phan Lâm nhấn mạnh chữ phúc. Hắn cảm thấy trước mắt là những lời hứa hẹn, hứa hẹn thôi. Khi ông Hoàng, Phan Lâm tin thì hắn lại nghi ngại. Ông Hoàng giờ đây đâu còn là bí thư thành uỷ. Mặc dù Bình bảo: ông Trần sợ ông Hoàng lắm. Ông Trần chỉ là một trưởng phòng khi ông Hoàng đã là một cán bộ cao cấp của Đảng. Hắn hoài nghi tất cả. Vì hơn ai hết hắn biết người ta không muốn hắn vô tội như thế nào. Người ta quyết tâm tìm tội của hắn như thế nào. Người ta có đủ kiên nhẫn để bắt hắn phải nhận tội, người ta tàn bạo với hắn, với vợ hắn như thế nào.
Ông Hoàng là một chuỗi liên tiếp những bất ngờ với hắn. Ông đã làm cho hắn quá nhiều. Quá nhiều trong một thời gian ngắn. Rất ngắn. Ông là người duy nhất hắn từng biết, từng gặp - có trách nhiệm với con người, thực hiện được điều nhà thơ Roma cổ đại viết và Mác đã nhắc lại: “Tất cả những gì liên quan đến con người không xa lạ với tôi”. Ông là một mẫu người khác hẳn với “những hàng chức sắc”hiện nay. Không phải chỉ với hắn, ông Hoàng còn giơ tay nâng dậy nhiều người bị đánh ngã. Một thường vụ thành uỷ đang khốn đốn vì dám chống lại bí thư và phó bí thư đã được ông nhận về làm tổng cục phó. Thành uỷ đã gửi đơn lên Ban bí thư khiếu nại, nhưng ông đã bảo vệ thắng lợi quan điểm của mình. Ông nhảy vào trận chiến, phá vỡ thế gọng kìm của lãnh đạo một bộ và một quận uỷ để cứu một anh hiệu trưởng trường kỹ thuật vô tội sắp bị tiêu diệt... Lòng thương yêu con người ấy của ông đã hại ông. Ông có nhiều kẻ thù. Đó là thói vô trách nhiệm trước con người. Đó là những vị thủ trưởng tìm mọi cách tiêu diệt cán bộ dưới quyền để bảo vệ cái ghế của mình. Những kẻ cơ hội tham quyền, cố vị. Những quan cách mạng lộng hành, những người như ông K, ông Trần đã cho căng khắp thành phố những khẩu hiệu đỏ tươi để mọi người thực hiện, trừ họ:
“Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật “
*
* *
Già Đô xuất hiện ở hành lang cũng bất ngờ như ông Hoàng xuất hiện ở hành lang. Cái hành lang vô thức in bóng những con người vóc dáng khác nhau (ông Hoàng cao lớn áo khoác ni-lông Đức loạt soạt, già Đô còm róm áo bông vá víu) ở hai cực đối nghịch nhau, nhưng cả hai cùng từ những điểm xuất phát giống nhau, đã từng có những tương đồng và giờ đây vẫn có những tương đồng.
Lúc đó là trưa, cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm. Bữa cơm trưa bao giờ cũng vội. Để tranh thủ ít phút nghỉ ngơi trước khi Ngọc đi làm và lũ trẻ di học buổi chiều. Thằng Dương bưng bát tự ăn, không phải bón nữa. Nó bỗng ngừng ăn, nhìn ra cửa. Cái cùi dìa cầm tay lơ lửng bên trên đùi. Cũng chẳng ai để ý đến nó. Nó cứ nhìn chằm chằm ra ngoài, hai bàn tay (có cả cái cùi dìa) nâng nâng ngang ngực.
- Dương! ăn đi con!
Ngọc dịu dàng bảo nó. Nàng gỡ cái cùi-dìa trong tay nó, lấy thêm thức ăn vào bát nó, đảo đảo và ấn vào tay nó. Nó vẫn nhìn ra cửa, mắt long lanh thích thú, bàn tay bé tí chạn chặn ở ngực như đang ước lượng một cái gì.
Cả nhà quay ra, nhìn theo nó. Một ông già nhỏ bé, mũ bông, áo bông rộng thùng thình dài tới gối, quần màu gụ còn mới, khoác trên vai một cái túi vải to, râu tuôn từ cằm xuống ngực.
Già Đô!
Già đứng đấy tự bao giờ, im lặng nhìn vào bữa cơm, không dám gọi. Đã có nhiều bạn tù đến chơi nhà hắn (Giang, Dự, Min, Dần) và sau này còn nhiều người đến nữa như bọn Kỷ Mình, Vũ Lượng... nhưng chẳng ai như già Đô Không ai đi đâu cũng mang theo cả gia tài trên lưng như già. Già ở đâu thì đó là nhà già. Có nghĩa già chẳng có nơi nào đặt cái túi vải chứa toàn bộ tài sản của già ngoài hai vai của mình.
Già vẫn như vậy. Mặt hằn những rãnh sâu chằng chịt. Những rãnh sâu khiến khuôn mặt già có một vẻ tạo hình riêng, rất hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh. Râu già cuồn cuộn chảy che kín cổ tới ngang ngang ngực. Lông mày chổi sể rợp trên đôi lắt nhỏ, mệt mỏi, đăm chiêu, ngơ ngác, những vẫn còn sót lại vẻ lanh lợi ngày xưa. Có thể nói khuôn mặt già là tập hợp những râu, tóc, lông mi đã hoa râm che gần kín, ở những chỗ nào không được che hết, lộ ra những mảnh nhăn chằng chịt, hằn những rãnh lõm sâu. Già vẫn như vậy cả về sắc diện nữa. Rõ ràng già chẳng vui lên tí nào khi đã được tự do. Chỉ nhìn qua người khách đứng ở hành lang, Ngọc đã biết đó là già Đô. Hắn đã nói với nàng về già. Và chỉ nhìn qua, nàng cũng biết già đang ở trong tình trạng khốn cùng, không có lối thoát. Còn tệ hơn cả bọn Min, Dự đến đây hồi năm ngoái. Nàng và vội bát cơm ăn dở, đứng lên. Nhà cửa quá chật hẹp. Có một người khách là đã phiền rồi. Ngày xưa hắn bảo:
- Chúng mình ở sang đấy. Một phòng ăn, một bếp, một phòng khách, một phòng ngủ cho chúng mình, một phòng ngủ cho con. Tất cả đặt trong một căn buồng hai mươi mét vuông.
Nàng nhìn chồng dắt tay già vào buồng. Lại một người có số phận khốn nạn, có cuộc đời khốn nạn. Tất cả nhìn già ái ngại. Kể cả thằng Hiệp, con Thương. Chỉ trừ mỗi bé Dương. Nó cứ dán mắt vào chòm râu cuồn cuộn của già. Nó giơ tay vuốt vuốt chòm râu tưởng tượng trên ngực nó.
Nàng pha nước mời già. Nàng xuống thang... Nàng muốn để hai người được chuyện trò thoải mái. Vả lại có bao nhiêu việc đang chờ nàng dưới ấy: Xách nước, giặt giũ, mua rau... Nàng nghĩ: Phải mời già Đô ăn bữa chiều với vợ chồng nàng. Nàng cảm thấy phải thế. Vậy là phải mua một cái gì đó. Mấy miếng đậu phụ, áp chảo qua loa (chẳng có mỡ đâu mà rán đậu). Rồi đem kho cà chua. Nấu bát canh dưa. ăn rau sống. Và một ít hành chẻ. Cố mua lấy hai quả trứng vịt. Rán lên, được một da. Nàng phác nhanh thực đơn và trở về với những thứ đó trong rổ, rồi đi thẳng vào bếp. Đoạn nàng gọi chồng ra, thì thào dặn dò. Hắn sung sướng gật đầu lia lịa.
Bây giờ chỉ còn bé Dương và hai người bạn tù đã bao đêm nằm cạnh nhau. Khi tiếng kẻng cấm, tiếng kẻng thu hồn dóng dả, ngân nga dội vào rừng xanh, mỗi người đều im lặng với nỗi đau của mình, cô đơn nghiền ngẫm nó, cũng như cô đơn chiến đấn với đêm dài, một mình vật lộn với giấc ngủ, sự tập dượt hàng ngày dể sau này sẽ một mình vật lộn với cái chết. Chẳng ai giúp được ai trong lúc lâm chung hàng ngày và lúc lâm chung vĩnh viễn ấy.
Bé Dương đi lại phía bàn vịn vào đầu gối bố, áp má vào đấy, ngước nhìn lên ông khảch lạ. Giờ thì thoải mái mà nhin mà ngắm bộ râu của già. Bộ râu ấy che kín cổ, xuống tới ngực và động đậy mỗi khi già nói. Chưa bao giờ bé được nhìn thấy một cái gì tuyệt đến thế. (Ông nội cũng để râu, nhưng bộ râu của ong nội chỉ bình thường như những bộ râu khác, bé chẳng quan tâm).
Già Đô trông như người từ trong truyện cổ tích bước ra. Già đưa cặp mắt hiền hậu nhìn bé. Già biết nỗi khát khao của bé: Được sờ vào bộ râu già. Già cũng biết ngay đây là thằng bé hắn vẫn kể chuyện trong tù, ngày ấy hắn chưa biết mặt. Thằng bé lên năm làm già xúc động. Thật chẳng có gì sánh được với những sinh vật như vậy. Nhìn chúng, lòng ta dịu lại. Nhìn chúng, tâm hồn ta thư thái, nó làm ta có thêm nghị lực, có thêm tình yêu để sóng. Nhất là với những người cô độc như già. Già bế bé lên, hít mùi thơm của dứa trẻ. Trong giây lát già tưởng như mình đang ở Mácxây hai mươi năm trước. ôi. Mùi của trẻ thơ. Già nhận ngay ra nó. Đã mấy chục năm, già vẫn nhận ngay ra nó. Dù ở Địa Trung Hải hay ven Tháí Bình Dtơng thì cũng giống nhau cả mà thôi. Già nắm bàn tay xinh xinh của bé đứa lên chòm râu cửng, điểm bạc của già. Già cười hồn hậu vì biết rằng đã làm thằng bé toại nguyện.
Thật ra mới đầu bé sợ. Rồi được già khuyến khích, bé vuốt cả chòm râu. Bé xoè tay như cái lược chải bộ râu của già. Bé vuốt từng sợi. Bé hoảng lên khi có một sợi râu rụng xuống...
- Dương. Để bác uống nước. Ra đây với bố.
Nó ngoan ngoãn sang ngồi lòng bố và chỉ lát sau hai mắt đã díp lại ngoẹo đầu vào ngực bố.
Già Đô về từ hôm qua. Nghĩa là được tha từ hôm kia. Cũng chẳng biết rằng mình được tha. Khi xếp hàng đi làm, người ta bảo ở lại... Về tới Hà Nội thì đã tối Ngủ ở ga Hàng Cỏ một đêm.
- Cụ có gặp Dự không? Nó vẫn ngủ ở ga Hàng Cỏ đấy
- Thế à? Nó ngủ ở đấy à? Đông lắm. Chẳng biết ai vào ai cả.
- Thế đêm qua già ngủ ở đâu?
- ở ga đây thôi. Nhưng ở đây họ đuổi quá. Trên kia đông. Dưới này mỗi mình tôi, họ đuổi. Già thở dài. Rõ ràng cuộc sống trước mắt của già chưa biết ra sao.. Lành ít. Dữ nhiều. Già suy nghĩ nhiều hơn trước.
Già cởi áo bông. Chính cái áo bông hắn cho. Già đã kịp vá đè lên chỗ ghi số tù ở sau lưng và ở ngực bằng hai mảnh vải xám, xé từ một quần tù. Già toát mồ hôi. Cái áo bông dày quá. Mặc thì nóng, không mặc thì lạnh. Già giở túi vải phồng căng như cái bao tải, rút ra một gói vải con con đựng khoảng hai lạng chè búp.
- Trại cho được bốn mươi hai đồng. Mua lạng chè.
Cụ cầm lấy uống.
Đó là món quà của người dù thế nào cũng nhớ tới bạn bè.
- Chẳng có gì, - già Đô vừa buộc lại vừa ấn ấn cái túi Có cái chăn bông cụ cho. Cái cặp lồng cũng cụ cho Dự. Nó được về nó lại cho tôi. Với cái ca con của tôi Bộ quần áo...
Hắn bảo già lấy ra cái cặp lồng, cái ca. Hắn đặt những thứ đó lên bàn. Lại nhìn thấy rừng. Lại nhai lá sắn non. Cái bếp than bé xm, ca chè sôi rim rim.
Lại nghe thấy tiếng kẻng thu hồn, tiếng kẻng mặc niệm tới gia đình. Hắn hiểu ngay rằng cái ca, cái cặp lồng, cái áo bông, chăn bông là toàn bộ tài sản của già và sẽ theo già cho đến lúc chết. Với hơn ba mươi đồng còn lại trong túi, già sẽ sống ra sao?
- Thật là một sai lầm lớn, cụ ạ.
Già nhắc lại câu tổng kết ấy. Già nói với vẻ cam chịu. Câu ấy hắn đã nghe già nói trong tù rất nhiều lần. Hắn sẽ còn nghe già nói nhiều lần nữa. Như bao nhiêu người đã phải nghe hắn nói chuyện hắn đi kêu oan. Hắn bỗng nhớ đến chị Tường Lâm của Lỗ Tấn, bị sói ăn thịt mất con, gặp ai cũng than thở: “Tôi ngu dại quá, không biết khi trời có tuyết thì sói nó ra...”
Nỗi đau quá lớn, chị nói để mọi người thông cảm, để vợi bớt sự giày vò trong lòng, để lên án chính bản thân mình. Mới đầu người nghe còn thương cảm. Nhưng khi cứ thấy chị nói mãi, nói mãi cái điệp khúc ấy người ta không chịu được. Đến nỗi vừa trông thấy chị người ta đã nói ngay với chị những điều chị định nói cùng họ: “Tôi ngu dại quá, không biết khi trời có tuyết...” và cười phá lên trước vẻ mặt ngây ngô của chị.
Không. Hắn không để mình thành kẻ ngớ ngẩn, không để mọi người giễu cợt sự đau khổ của mình như chị Tường Lâm. Mong sao già Đô cũng đừng như vậy.
Cán chưa về. Lượng chưa về. Cân chưa về. Lê Bá Di cũng chưa về. Kỷ Mình, Hỉn Sán chưa về... Phố đã về. Toán chăn nuôi về nhiều nhất. Sáu người, toàn những người trên bốn lệnh. Cái mandoline của Cán vẫn còn. Tất Tình chưa về. ăn thì vẫn thế thôi. Ông chánh giám thị hình như lên cục phó cục lao cải. Ông thượng uý lên thay. Ông phó giám thị thượng uý lâu lắm rồi. Quân hàm bạc hết rồi...
à! Nhưng mà cụ có nhớ Sáng không nhỉ. Sáng năm lần trốn trại ấy. Sáng ấy đấy. Sáng, hôm sau cụ về thì đêm trước trốn trại ấy. Sáng được xử. Khoảng ba bốn tháng sau thì có phiên toà xử Sáng. Xử ngay ở sân trại. Cũng có công tố, chánh án, luật sư bào chữa. Đủ cả. Người dự toàn tù. Sáng đầu cắt trọc, gầy lắm, đứng trước vành móng ngựa. Toà đọc cáo trạng. Toà hỏi. Toà luận tội. Toà bào chữa. Toà tuyên án Sáng tám năm tù về tội trốn tránh cải tạo. Sáng chỉ nói: “Thưa quý toà. Tôi thấy tôi chẳng có tội gì nên tôi trốn về. Các ông ở xã ghét tôi”. Anh em người bảo Sáng may. Hết lệnh bọp ba năm, ở thêm tám năm nữa là chỉ có mười một năm thôi. Người bảo nếu vậy Sáng bở quá. Phải cộng cả án cao-su lại với án tám năm. Ai cũng có lý. Chẳng biết ra làm sao.
Đó là những thông tin của già về những người trong trại.
- Yên trí rồi, cụ ạ. Có sao chúng mình cũng không chết trong tù nữa.
Hắn cười bảo già. Hắn vẫn nhớ đến điều già sợ nhất ấy Cứ mỗi đám ma tù, già lại thì thào vào tai hắn: Chúng mình cố đừng để chết trong tù nhé. Mà kinh thật những cái đám ma tù. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn kinh. Những đám ma không tiếng kèn, tiếng khóc, không người đi đưa mà chỉ có người đi chôn thôi.
Đám ma A Thềnh, đám ma Xìn Cắm, rồi đến đám ma anh Mán... Khác với Xìn Cắm, A Thềnh đi xe trâu, anh Mán ôtenlô đi xe công nông ra huyệt. Xìn Cắm đang khoẻ mạnh lăn đùng ra chết chứ, anh Mán ốm lâu, ngay khi còn sống nhìn đã sợ rồi. Ai cũng biết anh sẽ chết. Người vàng như nghệ. Phù nề trương nứt, rồi tóp lại. Ôtenlô nằm cạnh già Đô khiến già càng sợ. Đi làm về thì Ôtenlô đã chết. Tấm chăn sợi đắp trên người như dán xuống chiếu, chỗ hai bàn chân vút lên như cánh buồm. Hai lỗ mũi sùi ra hai đống bong bóng như bong bóng con cua đồng óng ánh màu quang phổ. Nó không vỡ dù anh chết được nửa ngày. Có lẽ nó đã biến thành thuỷ tinh. Chiếc xe công nông nổ lạch bạch lồng lên sòng sọc hất quan tài từ bên này sang bên kia thùng xe khiến hắn tự hỏi: “Không biết xóc mạnh thế kia những cái bong bóng ấy có vỡ ra không? “
Hắn định nói với già Đô - lúc ấy đương nằm sấp cạnh hắn, nhìn ra cửa sổ - một câu gì đó, nhưng già Đô đã thì thầm vào tai hắn:
- Cố dừng để chết trong tù, mang cái tiếng chết rũ tù, cụ ạ.
Sau khi chôn Ôtenlô, già hoảng thực sự. Suy sụp thực sự.
Già rất gầy. Mặt teo lại. Ho. Tức ngực. Hắn lục hòm quấy cho già một ít nước đường. Có mấy viên APC Ngọc gửi vào, hắn đưa cho già. Già uống thứ thuốc trị bách bệnh ấy. Nhưng vẫn dằn dọc. ít ngủ. Trở mình suốt. Già bảo già đau hết mình mẩy. Già nghỉ việc. ăn không hết suất cơm. Cứ bưng cơm về già lại nghiêng bát sẻ cho hắn một góc. Hắn nài nỉ già: “Cụ cố mà ăn đi”. Già lắc đầu: “Tôi không muốn ăn. Sức khoẻ dạo này kém quá”. Già không nói đến chuyện chết với hắn nữa. Vì vậy hắn biết già đang nghĩ đến chính điều ấy. Già đang sợ chính điều ấy.
Già chiến đấu với nó hay già đã thoả thuận rồi. Có cách gì cứu được già không? Gầy gò, mắt trũng sâu, lông mày cũng bạc. Già nằm ngửa, mắt đăm nhìn mái nhà. Ngoài cái chết ám ảnh, già đang nghĩ gì?
Già nằm như vậy hơn tuần lễ. Rồi già nghe lời hắn gượng đi làm. Cho vui. ở trại buồn lắm. Họ dồn người ốm vào một buồng khoá lại. Suốt sáng, suốt chiều. Quá thời gian giam cứu. Đã ốm lại càng ốm thêm.
Đi làm có anh có em. Thay đổi không khí. Già xới rau. Già thở. Già ngồi bên đống lửa. Vặt ngồng cải ninh húp nước cho mát ruột, có chất. Xuống suối giặt bộ quần áo đã nặng mùi. Già bắt nhái. Kiên trì moi chộp từng con núp sau chùm rễ si rậm rịt. Già chồm đuổi con thằn lằn bò trên tường kho dụng cụ. Già chộp hụt nó phía đuôi. Già nhảy đón dầu, chẹn được nó giữa những tiếng hò hét ầm ĩ. Già ngồi thở dốc rồi nướng con thằn lằn trên than hồng. Mỡ xèo xèo. Thơm phức. Cá rô cạn đấy. Hắn không ăn. Để già tẩm bổ. Rồi già nhận dao quắm di lấy phân xanh. Khi trở về người già thơm lừng mùi lạc tiên. Mùi lạc tiên sao quyến rũ. Đó là mùi của quá khứ, của làng quê, của thời thơ ấu tràn trề niềm vui sống. Già đưa cho hắn một túi lạc tiên chín ngọt lịm. Già vớ được một chỗ toàn lạc tiên. ăn no. ăn đến đâu tỉnh đến đấy
Cái giống lạc tiên thơm rất dai. Bàn tay hắn cứ thơm mãi mùi lạc tiên. Suốt đêm hắn ngửi mùi lạc tiên thơm mát từ người già, từ râu già, từ quần áo già toả ra qua hai lượt màn sang chỗ hắn. Và thật bất ngờ già khoẻ lại từ hôm ấy. Khoẻ từ hôm ấy cho đến tận hôm nay, đến ngày về như già đang ngồi trước mặt hắn. Hắn cầm tay già lắc lắc.
Già rầu rầu:
- Gay quá. Tôi khác cụ. Chẳng biết sống sao đây.
Hết sợ chết già lại lo sống. Sống quả thực khó khăn vất vả, nhất là với những người như già, không một ai thân thích. Không nơi nương tựa. Không một chỗ đặt ba-lô một chốn dung thân. Người bình thường đã khó. Với cái lý lịch đi tù, lại là tù chính trị, với tuổi tác như già, cuộc sống thật là một con đường hầm tối tăm, tắc tị. Hắn chẳng thể giúp gì được già. Hắn đã quá khó khăn. Thuốc lá cuốn có thời vụ. Đúng thời vụ cũng chỉ được đồng rau, suất gạo sổ... Mùa hè thì nghỉ, treo cầu lên tường. Không ai hút thuốc quấn. Nóng. Lại phải đợi đến mùa dông. Suốt mùa hè vừa rồi hắn chạy chọt khâu được vài chục cái bao tải của Công ty phế phẩm.
Chầu chực lĩnh bao, chầu chực đóng thuế, chầu chực lĩnh tiền công. Chao! Đại khổ cực mà chẳng được mấy đồng (Công khâu ba hào một cái bao. Khâu cả ngày đêm cũng được chục bao đấy, nhưng có bao đâu mà khâu).
Bây giờ đang là mùa cuộn thuốc đây. Nhưng người khôn, của khó. Lắm người cuộn quá. Mãi không giao hết một ki-lô thuốc.
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên