1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29

Bùi Ngọc Tấn
- Gánh vệ sinh.
Thế nghĩa là được tin. Được là tù tự giác. Được ra vào trại tự do. Nhưng phải làm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết. Vất vả. Hôi thối. Cực nhọc. Gánh phân tươi cứ kìn kĩn, nặng trĩu bên vai, ám hết cả vào người. Ngày Tết lại càng khổ, lại càng vất vả. Anh em nghỉ làm, có bao nhiêu trút hết ở nhà xí trại. Nhưng không chỉ có vậy. Nhịn lâu, quanh năm đói chất, bỗng có món lòng trâu, tiếp đến món xương trâu, lại ba lạng thịt trâu già kho, đó là chưa kể món da trâu rắc vôi bột vất ở bờ suối được đem về bếp bung lên, tanh khắm buồn mửa, anh em đi ỉa chảy rất nhiều. Cánh trẻ no bụng, đói con mắt, khợp hết ngay một bữa. Những anh được bạc đu càng hăng. Không như hắn. Hắn ăn dè. Vừa kéo dài cuộc sống vừa đảm bao bụng dạ. Hắn, Chí Lồng Sếnh, một anh tù người dân tộc và già Gọi, người đã dám đứng lên xin ông Lâm, chánh giám thị trại QN. được quăng lên rừng cho hổ báo ăn thịt hay vứt xuống sông trầm hà đáy biển nếu như có tội, ba người chống đòn gánh đứng phía sau nhà xí.
Không sao kéo được thùng ra. Người đứng xếp hàng đi ỉa ở đằng trước. Ôm bụng. Đứng chéo chân. Gập người. Nhăn mặt. Anh này vừa đứng lên, anh kia đã chen vội. Vứt vào thùng cả quần đùi, quần dài, chăn sợi. Bê bết cứt. Hố xí bên này phân tuôn như giội nước. Bên kia nổ một tràng liên thanh xối xả và đột ngột tắt lịm. Bên kia nữa lục bục, lẹt bẹt như gõ thúng, gõ mẹt đuổi gấu ăn giăng.
Già Gọi rơm rớm nước mắt:
- Giờ này tuổi tôi là ngồi giữa nhà, bà con xóm làng, con cháu đến chúc Tết. Pha trà, rồi bưng mâm lên đây.
Chí Lồng Sếnh không nói. Cậy răng Chí Lồng Sếnh cũng không nói. Suốt thời gian ở cùng toán với Chí Lồng Sếnh, trừ cái tối xử án chuột, hắn chỉ nghe một lần Chí Lồng Sếnh nói. Đó là một đêm nghe tiếng nai gộ ở thung lũng. Chí Lồng Sếnh trở mình nằm sấp, nhìn ra phía bìa rừng ánh trăng bàng bạc, khe khẽ một mình:
- Con nai về ăn lá sắn non đấy.
Hỏi Chí Lồng Sếnh ngày Tết có nhớ nhà không. Chí Lồng Sếnh chỉ cười. Chí Lồng Sếnh cười rất đẹp. Mặt trái xoan, răng đều, lông mày thanh và dài, cong cong. Lông mi rợp. Nhưng khi cười đôi mắt Chí Lồng Sếnh càng buồn. Đôi mắt u sầu như đôi mắt Châu Ro .
Hẳn Phương cũng có một tổ gánh cứt. Một già Gọi nào đấy, một Chí Lồng Sếnh nào đấy. Hắn bảo:
- Gánh vệ sinh được là Phương nó có sức khoẻ đấy, bác ạ.
Câu nói ấy có sức thuyết phục. Mẹ Phương tươi lên đôi chút. Hắn lại bảo:
- Mong sao tình hình ổn định để nó chỉ ở đúng một lệnh ba năm. Cũng gần được một năm rồi. Nhanh thôi.
Mẹ Phương nhất dịnh giữ hắn ở lại ăn cơm và ngủ ở đấy. Nhưng hắn viện nhiều lý do để về chỗ Lê Bàn. Suốt dọc đường ngồi sau xe đạp của Bàn, hắn bỗng thấy Hà Nội khác rồi. Hà Nội không còn là của hắn, của Phương, của Ngọc của những người như hắn. Hà Nội vẫn đẹp biết bao, nhưng thờ ơ, xa cách biết bao.
Câu chuyện ở nhà Bàn cũng không kém phần bi đát nhưng dẫu sao hai người vẫn phá lên cười. Thì ra Bàn cũng đang bị treo giò. Và đã bị thẩm vấn nhiều lần. Khi giấy gọi. Khi giấy báo. Chưa một lần được giấy mời. Có thể do Bàn chơi với mấy người có vấn đề đã bị bắt. Trong đó có Nguyễn Vũ Phương. Họ nắm được cả Bàn chơi với hắn, hắn đi tù về là Bàn đến thăm ngay...
Sau những buổi gọi hỏi dồn dập, bẵng đi ít ngày, họ đưa giấy gọi Bàn đến vào buổi tối. Cái giấy gọi buổi tối làm Bàn sầu não, tuyệt vọng. Anh nghĩ mình không có tội, nhưng như vậy thì Phương, hắn và nhiều người khác anh quen đã bị bắt là có tội hay sao? Họ cũng như anh! Chính vì thế anh cho rằng lần này rất ít khả năng anh trở lại căn buồng hẹp của mình ở phố Phùng Hưng. Anh khóa cửa, đạp xe đến nơi hẹn đúng giờ. Không có ai gặp anh. Anh ngồi một mình giữa căn buồng rộng và ngọn đèn tròn sáng quá mức. Anh ngồi. Lo lắng. Nghĩ ngợi.
Rồi một người vào phòng. Anh đưa giấy gọi. Người ấy xem, giữ giấy và mời anh đi theo. Anh đi. Qua một hành lang vắng. Một cánh cửa khép. Người ấy đẩy cửa bước vào. Anh đứng ngoài chờ người ta bật đèn, vì trong đó tối om, nhưng cái ánh sáng anh mong đợi không thấy hiện lên.
- Anh Bàn, vào đây.
Người dẫn đường nhô ra nói với anh bằng một giọng thân mật. Anh bước vào căn buồng tối. Thận trong đưa chân ra phía trước dò đường.
- Anh ngồi xuống ghế.
Người dẫn đường bảo anh và khẽ ấn vai anh. Anh quờ tay chạm vào cái thành ghế tựa. Anh lay lay ghế. Chân ghế chắc chắn. Anh ngồi. Người dẫn đường bước ra, bỏ lại một mình anh trong căn buồng tối. Anh căng mắt nhìn và khi đã quen với bóng tối, anh nhận ra những bức tường tràng mờ, một tấm rèm sẫm đen, và hình bóng những chiếc bàn ghế.
- Chúng tôi...
Một giọng nói bất chợt vang lên. Bàn giật thót mình. Có một người đã ngồi trước ở đây chờ anh. Anh hiểu ngay đó là thủ trưởng, là người đối thoại với anh. Nhưng tại sao lại không bật điện. Sao lại như tiểu thuyết thế này.
- Chúng tôi mời anh đến đây để nói với anh một số việc mà theo chúng tôi là cần thiết.
Giọng trầm. âm vang. Rành rọt. Căn cứ vào giọng nói, anh đoán người đó trạc tuổi anh, và đây là người phụ trách cơ quan an ninh, phụ trách cơ quan điều tra. Một người có trách nhiệm, làm việc âm thầm vì an ninh Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng. Một người có toàn quyền quyết định số phận của anh. Với bản chất dễ xúc cảm, anh thấy như bóng tối trong phòng đặc thêm, mặc dù anh có thể nhìn rõ màu sáng mờ mờ của những bức tường. Anh thấy như anh đang ở trong một căn hầm và có tiếng xè xè của cánh cửa quay lộ ra một cầu thang thăm thẳm xuống cửa đập sâu tít như trong Hầm bí mật bên bờ sông Ô- đê mà anh đã đọc. Da anh rờn rợn lạnh.
- Trị bệnh cứu người là mục đích của chúng tôi. Ngăn chặn là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi chính thức báo cho anh biết: Anh đã tê liệt tinh thần cảnh giác cách mạng. Không hiểu mình đang ở bậc thang nguy hiểm nào đâu. Văn nghệ sĩ các anh là như vậy. Rất ngu ngơ về lập trường. Rất non nớt mà cứ tưởng ta đây hiểu biết. Cái nguy là ở đấy. àm việc với anh, nhắc nhở anh, cảnh giác anh, điều đó là cần thiết. Cần thiết cho anh. Cần thiết cho cách mạng.
Những lời nói đanh thép, không cho cãi, những lời của chân lý, của đạo đức, của giai cấp, của sự cứu rỗi, khi xa xăm, như trên trời cao vọng xuống, lúc lại như ở dưới đất dội lên. Anh vẫn cố đoán mục đích, ý nghĩa của “pha ly kỳ” này. Và anh đã hiểu ra khi giọng trầm pha lẫn bi thương lại vang lên:
- Chúng tôi đánh giá anh đúng mức. Anh đi theo cách mạng một cách hồn nhiên của một anh tiểu tư sản bấp bênh. Phải liên tục rèn luyện để có thể phục vụ cách mạng được nhiều hơn. Tôi nghĩ đó cũng là nguyện vọng của anh. Chúng tôi mong muốn rằng từ nay anh sẽ cộng tác chặt che với cơ quan an ninh (anh cảm thấy hết trọng lượng của các từ ấy, sự thiêng liêng của nó toả ra trong từng âm sắc của người nói) để bảo vệ thành quả cách mạng. Anh cười nhạt không thành tiếng trong bóng tối.
Giọng nói vẫn vang lên như một mệnh lệnh:
- Anh hãy suy nghĩ. Điều đó chỉ có lợi cho anh và phù hợp với những gì anh vẫn nói về bản thân anh. Anh có thể từ chối, đó là quyền của anh. Nhưng anh hãy cân nhắc cái gì sẽ đến với anh. Chúng tôi đánh giá anh trên cơ sở việc anh làm chứ không phải lời anh nói.
Bàn cố nhiệt tình nói với bóng tối:
- Thưa các đồng chí. Dù tôi có bị cách mạng nghi ngờ thì dòng máu trong tôi vẫn là dòng máu cách mạng. Điều đó tôi không cần ai tin. Một mình tôi tin là đủ Bởi vậy tôi không bao giờ tha thứ hay bao che một tên phản cách mạng, chống dối lại chế độ.
Mãi sau này Bàn mới nghĩ đến cái máy ghi âm ở nhà Bình và anh đoán tối hôm đó họ cũng đặt máy ghi âm, ghi lại buổi nói chuyện. Anh thấy anh trả lời như vậy là đúng, là khôn ngoan, là kín. Và anh nghĩ họ tuyển anh làm đặc tinh thật cao tay. Ai cũng biết anh là người thẳng thắn, trung thực, có vấn đề với công an, anh là người tạo được yếu tố bất ngờ. Do đấy anh sẽ nắm được tình hình nhìều người khác, cung cấp cho họ rất nhiều về người khác.
Có một điều khốn nạn nhất là từ bấy đến nay không ai in của Bàn nữa. Một bài báo cũng không. Cơ quan cho Bàn tạm nghỉ. Bè bạn ở các báo, các nhà xuất bản đều tươi cười trả lại bản thảo của các anh với những lý do chính đáng không chê vào đâu được.
- Thế nhưng việc của tao, tay hộ tịch lại không biết gì, mày ạ.
Bàn chồm dậy vì nhớ đến chi tiết ấy.
Đó là lúc hai người đã buông màn và chuyến tàu Bắc khuya đã sầm sầm lao qua dốc cầu về phía Cửa Nam.
- Dạo rằm tháng Bảy vừa rồi, ông đại diện tiểu khu còn mời tao đi kiểm tra một số gia đình buôn bán vàng mã. Có cả tay hộ tịch. Nửa đêm chúng tao xộc vào các nhà. Tịch thu bao nhiêu thứ. Có cả cháo gà bồi dưỡng. Ông tiểu khu còn đề nghị tao viết bài cho số báo tường. Tao viết ký tên đàng hoàng.
Hắn reo lên:
- Được ký nguyên tên trên số báo tường
Bàn nghiêm trang:
- Quan trọng đấy. Ký tên ở tiểu khu cũng quan trọng đấy.
Rồi Bàn rinh rích:
- Tay hộ tịch thỉnh thoảng vào chơi, kể chuyện nhà này, nhà nọ trên đường phố. Ai chứa điếm. Ai nghiện. Ai có ba thằng con đều đi ăn cắp. Tay ấy bảo: Nhà nào cũng như nhà bác thì chúng cháu yên tâm.
Bàn lại cười ré lên, thú vị: “à! Tao còn được dự họp tuyên giáo tiểu khu mở rộng. Phong bao cẩn thận!”. Hắn cũng cười. Cười và mong chóng sáng. Để ra chợ xem có thuốc không. Tàu Bắc đã về rồi.
Sáng hôm sau, ăn mỗi người một nắm xôi, đôi bạn chia tay. Bàn lên cơ quan xem có lương chưa. (Không được giao việc, nhưng vẫn có lương). Hắn đảo qua chợ. Vẫn không thấy lái thuốc về. Cả chợ Bắc Qua, cả chợ Đồng Xuân. Đành phải ở lại đến chiều thôi. Hắn nhảy xe buýt về nhà anh chị Diệu. Hắn đã chia tiền thành mấy món, đút ở cả hai túi quần, còn một ít đút ở túi ngực áo bông, ấn mãi xuống sâu đáy túi. Đứng trên xe buýt đông người, chật chội, hắn căng người ra mà cảnh giác. Hắn đang mang trong người tất cả vốn liếng, sản nghiệp nhà hắn. Một cái đụng nhẹ của ai đó cũng làm hắn tập trung sự chú ý. Ai đi lướt qua mạt hắn, hắn cũng chờ đợi một hành động gì đó tiếp theo. Như một con thỏ lắng nghe gió đưa đến mùi của sói. Bằng tất cả mọi giác quan.
Bởi thế nên khi hắn chen ra cửa ô-tô để xuống xe ở bến đỗ phố Bà Triệu và bị kẹt giữa đám đông ùn lại cửa xe, hắn cảm thấy ngay có ai chạm vào túi ngực hắn. Hắn nắm chặt tay người ấy, thét lên:
- ăn cắp!
Đó là một người mặc quần áo Tô Châu, mũ tai bèo, lưng đeo ba-lô từ phía bên bước ra. Người ấy hất tay hắn, lách lên đứng ngay trước mặt hắn, cái ba-lô phồng căng đẩy hắn về phía sau. Người chen chân, hắn chỉ nhìn thấy cái mũ tai bèo cụp xuống gáy. Và một tiếng gầm còn to hơn tiếng thét của hắn:
- Chính mày ăn cắp!
Nhảy được xuống đường rồi, anh bộ đội chưa đi ngay. Anh ta đứng dưới lòng đường chờ hắn, chỉ tay lên phía cửa ô-tô nơi hắn đang bước xuống:
- Bà con! Chính nó là thằng ăn cắp.
Không ai bảo sao. Không ai muốn dây vào cuộc tranh cãi. Không ai muốn vạch mặt tên ăn cắp. Mọi người nhìn vào hắn, nhìn vào người mặc quần áo bộ đội một cách tò mò, rồi tản đi. Theo phản xạ, hắn đưa tay kiểm tra các túi tiền, và vẫn thấy còn nguyên. Đúng là ngón tay của người ấy đã chạm vào ngực hắn. ở đó hắn đút một ít tiền, nhưng nó chưa mổ được vì tiền nằm quá sâu.
Người ấy vẫn đứng dưới đường, xốc lại ba-lô, hất mũ tai bèo ra phía sau, chờ đợi hắn, sẵn sàng làm cho ra nhẽ xem ai là kẻ cắp. Một khuôn mặt loang. Một vết sẹo tràng chạy qua một bên má xuống tới cổ. Bàn tay anh ta giữ quai ba-lô cũng bị vết sẹo loang. Kiểu cháy của bom na-pan. Một anh thương binh ở trong B ra.
Người ấy gườm gườm nhìn hắn và reo lên:
- Anh Tuấn.
Hắn đã nhận ra. Họ nhảy bổ vào nhau trước sự ngạe nhiên của mọi người. Hắn ôm chặt anh bộ đội, ôm cả cái ba-lô phồng căng, thì thầm:
- Dự! Dự!
Hai người đẩy nhau ra và nhìn nhau một lần nữa. Hắn cười. Sung sướng, ngạc nhiên và thích thú vì anh thương binh bị bom na-pan ở B ra này lại chính là Dự. Dự mặt loang tay loang vì bị cháy ở trại V. Q. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp Dự đã xuống nhà hắn, ăn cơm một lần với hắn, xin hắn bộ quần áo, hôm sau còn đứng mãi ở bên kia đường nhìn sang nhà hắn, thèm thuồng một mái nhà, một gia đình như hắn, rồi bỏ đi. Hắn hỏi khi hai người đã sóng đôi trên hè phố.
- Min đâu?
- Vào kho rồi.
Dự đáp thản nhiên. Hắn bị bất ngờ:
- Vì sao?
- Tý nữa. Tý nữa em nói anh nghe.
Hắn thấy Dự thay đổi hẳn. Nhanh nhẹn. Xốc vác. Tự tin trên đường phố Hà Nội này. Họ đi ngược lên bờ hồ Hoàn Kiếm gió lộng. Rét xuýt xoa. Dự cười:
- Suýt nữa anh em mình xô xát.
Hắn nhìn Dự. Ngụ một câu hỏi. Dự hiểu:
- Em làm lính mổ. Chuyên trên tuyến xe buýt và tàu điện nội thành.
Hắn ngắm nhìn bọ quần áo đại cán Tô Châu của Dự. Và cái ba-lô, mũ tai bèo. Nhưng người ta còn có thể nghi anh bộ đội là giả cầy nếu không có vết sẹo do bỏng ở trại V. Q. Dự đã hoàn toàn trở thành anh thương binh từ trong khói lửa miền Nam trở về với gia đình miền Bắc. Dự hỏi:
- Giống không?
- Không chê vào đâu được.
Dự cười, rút trong túi áo đại cán bao thuốc lá.
- Tam Thanh đàng hoàng. Phải tới hai đồng rưỡi một bao đấy. Hai anh em hút. ấm cả cổ.
Hắn không ngờ Dự lại là lính mổ. Vì trong trại Dự chậm chạp, hiền lành, cù mì ít nói. Dự bảo hắn: “May mà em làm được nghề này. Lúc đầu cũng lo. Sợ lắm. Nhưng rồi quen. Em với Min. Min bị bắt tháng trước. Có lẽ vì Min không có sẹo như em”. Dự cười: “Có cái sẹo này hoá may, cái tay khoèo này nữa. Chẳng ai nghi ngờ gì”. “Nhưng tay này thao tác có ổn không?”. Dự giơ bàn tay sẹo loang trắng trắng hồng hồng có mấy ngón co quắp lên. Hắn chỉ thấy hơi gợn nhẹ ở ngực áo, mấy tờ giấy bạc đã nằm gọn trong tay Dự. Dự cười và ấn trả lại vào túi hắn. “Được không? Túi áo bông hơi khó. Túi áo sơ-mi dễ hơn”. Và Dự bảo hắn như Giang đã bảo: “Anh đừng để tiền ở túi áo”. Dự rủ hắn đi ăn. “Anh em mình phải có bữa liên hoan kỷ niệm chứ. Em mới thắng một quả đậm”. Thấy hắn ngần ngừ, Dự hỏi: “Anh có bận gì không?” Khi biết mục đích của hắn đi Hà Nội, Dự reo lên: “Thuốc lá à? Em sẽ đưa anh tới một nơi. Bảo đảm là có mà”.
*
* *
Họ ngồi đối diện trong một góc nhà hàng Tiểu Lạc Viên. Phố Tạ Hiện, Phúc Long, Phúc Châu thân thuộc với hắn từ những ngày làm ở báo T. Bọn hắn hay lên đây uống trà buổi tối. ở đây bao giờ cũng đông đúc, tấp nập. Được hoà lẫn vào đám người đông vui, bận rộn và vô tư thật là thú vị. Khi ấy hắn mới ngoài hai mươi tuổi. Khi ấy anh Diệu bảo: “Các cậu tuổi hăm, sướng thật. Còn mình tuổi băm rồi, chán quá”.,
Đã hai mươi năm trôi qua. Bè bạn ở báo còn nhiều đấy, nhưng hắn nghiệm ra hầu hết những người có tài, có khả năng làm báo và sáng tác văn nghệ đều chẳng ra gì. Chẳng được tin cậy. Chẳng ai lên được chức tổ trưởng, trưởng phòng. Biên uỷ lại càng xa xôi. Xa xôi như ta ngắm nhìn sao Hoả vậy. Vì sao thế nhỉ? Tại lãnh đạo. Đã hẳn. Nhưng anh em cũng có lỗi một phần. Anh em có một cái gì đó không khớp với thước đo, với khuôn phép. Nó cứ vượt ra ngoài qui cách. Thừa một tý. Lại thiếu một tý. Thừa nhiệt tình, xông xáo, lán lộn, nắm chắc thực tế, hiểu quần chúng nghĩ gì, muốn gì. Nhưng lại thiếu cân nhắc khi phát biểu, đôi khi dẫn đến mất lập trường.
Thừa khả năng viết phóng sự, bút ký, điều tra, những bài phông cho số báo đặc biệt nên đi vào sáng tác văn chương là thứ làm ảnh hưởng đến việc viết báo. Thiếu tính khiêm tốn, thiếu sự tôn trọng trưởng phó ban, biên uỷ là cán bộ chính trị sang phụ trách duyệt bài. Cho họ là viết kém, không biết viết mà không nhìn thấy cái cơ bản là lập trường tư tưởng, những cống hiến của người phụ trách. Thừa quyết tâm cải tiến tờ báo, nhưng lại thiếu ý thức tổ chức và kỷ luật, thích là rủ nhau lên Tạ Hiện này uống trà trong giờ làm việc. Thật ngược đời. Những người tên tuổi gắn liền với những trang báo, được bạn đọc yêu mến lại là những phần tử phức tạp, phải uốn nắn, đấu tranh trong nội bộ cơ quan.
Quán Tiểu Lạc Viên này hắn đã đến với bạn bè những khi lĩnh nhuận bút, lĩnh tạm ứng. Bữa ăn cuối cùng trước khi bị bắt là khoản ứng trước hợp đồng kịch bản phim “Những người đang sống” với Vũ Mạc, với Nguyễn Vũ Phương cũng là ở đây. ăn xong Phương còn bảo: “Mày đưa tao mấy đồng. Tao mua xăng”. Đúng ]à cái mô-bi-lét cũ của Phương ngốn xăng khá dữ...
- Anh ăn gì?
Dự hỏi làm hắn lúng túng:
- Gì cũng được.
- Không, anh gọi chứ.
Hắn nhớ tới thực đơn bữa ăn trước khi bị bắt với bạn bè:
- Chim quay.
Bữa ấy cũng có chim quay. Nguyễn Vũ Phương thích món chim quay. Còn Vũ Mạc thích ba ba, bia ba ba. Ai nữa nhỉ? Lê Bàn. Lê Bàn bao giờ cũng giản đơn: Thịt gà luộc.
Dự gọi to:
- Hai chim quay.
- Một thôi. Để còn ăn thức khác. Có đủ tiền không đấy.
- Anh yên trí. Đủ mà. (Gọi to) Một chim quay thôi nhé!
Hắn: - Ba ba tần đi.
Dự: - Một ba ba.
Hắn: - Gà luộc nhé.
Dự: - Một gà luộc.
Hắn: -Thế thôi. Đủ rồi đấy. Quá nhiều nữa là khác.
Dự:- Anh uống gì?
Hắn: - Bia.
Dự sung sướng rót bia:
- Anh ăn đi. Uống đi.
Đôi mắt Dự long lanh nhìn hắn. Hắn thì thầm:
- Nào. Khợp!
Dự cười tít mắt:
- Sột sệt.
- Có nhớ Q. N, V. Q không?
- Em gần như đêm nào cũng nằm mơ thấy mình vẫn ở trong ấy.
- Đêm nào cũng vậy à?
- Có đêm em cùng với Xìn Cắm thái da trâu ở bếp. Thái đến toét cả tay. Một ngón tay lòi cả xương ra, đỏ hỏn. Da trâu ngập đầu, mùi khẳn như cóc chết. Xìn Cắm béo hơn lúc còn sống. Em vẫn nhớ là Xìn Cắm chết rồi. Em hỏi chuyện dưới âm, Xìn Cắm không nói. Cứ nhìn em, chảy nước mắt, buông dao đứng lên, đi vào rừng biến mất. Em định đi theo mà không sao đứng được. Chân cứ nặng như chì. Nhũn ra.
Hắn nhớ đến người tù lưng cánh phản, ngoại hình rất giống Hemingway, hàm răng trắng đều và nụ cười thơ trẻ, cho hắn cái nắp ca. Hắn nhớ đến đám ma Xìn Cắm, đến cái quan tài Xìn Cắm nằm trên xe trâu cùng với mai cuốc xuống dốc trại lộc cộc, lộc cộc. Đi đầu là ông Chắn, công an y tá. Ba anh lâm sản đào huyệt theo sau. ánh đuốc bập bùng hắt lên khuôn mặt Cương móm, trông càng giống hình vẽ trên bảng Nguy hiểm chết người. Rồi Hỉn Sán đi cạnh bưng bát cơm lồng, trên có quả trứng luộc, cắm một đôi đũa vót xù ra. Và một người nữa cầm một nắm hương đỏ hồng. Hắn nhớ đến sáng hôm sau, khi đang đánh răng rửa mặt thì Cương sang đưa cho hắn củ sắn luộc: “Này Xôi cúng Lỷ Xìn Cắm đây”. Hỏi ra mới biết mỗi anh đào huyệt được bồi dưỡng hai ki-lô sắn luộc.
Hắn vội hỏi sang chuyện khác. Sực nhớ tới tài nghệ bắt chuột của Dự trong trại, hắn hỏi vui để chấm dứt đề tài ấy:
- Dự có nằm mơ thấy chuột bao giờ không?
Dự ngạc nhiên:
- Sao anh biết? Em luôn nằm mơ thấy chuột. Không biết bao nhiêu là chuột. Mới đầu em đuổi một con chuột leo. Nó chạy vào nhà mét. Em chạy theo. Em đuổi mãi. Trong ấy khói um. Bao nhiêu người đang sột sệt. Khói không mở được mắt. Em quát: “Khéo cháy trại bây giờ! Có dụi đi không?” Họ cứ rút mái xuống đun. Rồi nhìn em cười. Răng cứ dài ra. Hoá ra toàn chuột. Phải đến hàng nghìn con xông vào cắn em.
Dự tỏ vẻ hoảng.
Có lẽ vì em ăn nhiều thịt chuột quá. Phải đến hơn chục hôm toàn mơ thấy chuột. Con to, con bé, con mẹ, con con. Con cười, con chơi, con chạy. Em thì chết rồi, mà hai con chuột cứ khoét mắt em. Sợ thật đấy. Tỉnh dậy, toát mồ hôi.
ăn mấy miếng Dự lại bảo:
- Cũng chưa kinh bằng một lần em nằm mơ không biết ở trại nào. Hình như ở Cổng Giời. Hay Phố Lu, hay V. Q. Tất cả trại không còn một ai. Vắng ngắt. Mấy chục buồng chỉ có mỗi mình em. Còn toàn quản giáo. Dễ đến mấy trăm. Họ điểm danh. Họ gọi toán tăng gia. Mỗi mình em. Toán chăn nuôi. Lại mỗi mình em. Toán lò gạch. Lại em. Toán lâm sản. Cũng em. Toán may. Cũng em. Em đã ra khỏi cổng đi làm. Lại có một em - khác ngồi ở sân, mỗi mình. Chung quanh toàn áo vàng đeo súng lục. Mà áo xanh cũng đông. Vòng trong vòng ngoài. Kinh lắm.
Dự cười. Hắn cảm thấy ghê ghê. Dự hỏi hắn:
- Anh có nằm mơ thấy nó không?
Hắn lắc đầu, buồn bã, nói một sự thật hắn đã nói với già Đô:
- Mình mất khả năng nằm mơ rồi. Không mơ thấy gì nữa.
Dự xuýt xoa:
- Anh sướng quá. Em chính thức mộng mị liên miên. Hết trại này đến trại khác. Thành ra ngày đi hoạt động, còn đêm nào cũng lại vào tù. Hắn nghĩ có lẽ Dự quá căng thẳng. Tác động đến thần kinh. Mà căng thẳng là phải thôi. Cái sống cái chết chỉ trong gang tấc.
- Phải tìm cách chuyển nghề thôi, Dự ạ.
Dự như đã suy nghĩ kỹ về chuyện đó:
- Chưa được. Phải cố một năm nữa. Nếu thắng quả đậm thì chuyển sớm hơn.
Và Dự cho hắn biết ý định: Dự cố dành dụm mua một cái túp ở bên kia Gia Lâm. Một mảnh vườn. Thế là bắt đầu làm lại cuộc đời. Giồng rau thơm. Nấu rượu. Nuôi lợn và lấy vợ nữa. Dự đã bàn với Min. Nhưng Min chưa thực hiện được đã bị bắt.
- Bây giờ được kha khá chưa
- Khó khăn lắm, anh ơi. Kiếm không phải dễ đâu. Có hôm đi từ sáng đến tối, vẫn Trần Văn Trều.
Bây giờ người ta cảnh giác lắm. Như anh đấy. Ai động được vào túi anh. Em hết sức tiết kiệm mới để được hơn trăm.
- Tiền để ngay trong ba-lô này à? Ngộ nhỡ...
Dự gật gù:
- Min để trong ba-lô, bị bắt, mất hết đấy. Rút kinh nghiệm Min, em chôn ở một nơi chỉ một mình em biết.
- An toàn không?
- An toàn. An toàn tuyệt đối.
- Chôn tiền à? Sợ mục mất.
- Em mua vàng. Anh yên tâm.
Hắn rụt rè hỏi Dự:
- Dự ơi, vì sao Dự bị bắt?
ở trong tù người ta không hỏi nhau điều ấy.
Không muốn tò mò, không muốn đi sâu vào bí mật của nhau. Nhưng bây giờ hắn thấy cần phải hỏi. Dự trả lời thật bất ngờ:
- Em là dân công giáo. Đức cha xứ em giao cho em mang một số giấy tờ tài liệu sang cho linh mục xứ đạo vùng bên. Trên đường đi thì em bị bắt...
- Sao không thấy Dự chơi với bọn Cân, Hoá nhỉ?
- Bọn họ bảo em khô đạo. Họ nói thế là nhẹ đấy.
Chứ em bỏ đạo rồi. Em không tín nơi Chúa nữa. Nếu có Chúa thì Chúa đã chẳng để em và bao con chiên của Chúa như vậy. Chúa dạy khác với cuộc đời nhiều quá. Làm theo lời dạy của Chúa cũng tốt, nhưng không sống nổi. Chẳng ai cho mình sống đâu. Phải tự mình thôi. Em đã chầu chực ở ga làm bốc vác. Không đến lượt. Em muốn làm xích-lô. Không có vốn mua xe. Em xin vào lò gạch đóng gạch. Không ai mướn. Người đông quá. Dâu cũng thừa người, anh ạ. Phải làm việc này thôi. Mà đã làm thì phải an toàn, phải thắng.
Họ vừa ăn vừa trò chuyện. Nhà hàng lúc ấy vắng, chưa đến giờ cao điểm. Hơn nữa khách ăn có vẻ sộp, lại là thương binh, loại khách cần phải chiều, đừng làm mất lòng họ, dù bất kỳ ở đâu, nữa là họ đang ăn uống. Dù bây giờ họ đã ăn uống xong lâu rồi và chỉ ngồi hút thuốc.
ăn xong Dự trả tiền (hết hơn mười đồng tất cả), hai anh em đến nhà người quen của Dự mua thuốc lá.
Lại quành ra phía đầu cầu. Ngoắt ngoéo vào sâu trong ngõ. Qua một vòi nước có cầu rửa. Sát một hẻm con tường gạch mục, với những ô nhỏ hố xí thùng. Thật không may. Chỉ có một đứa trẻ lên mười đang nấu cơm. Dự cười:
- Ngọ đấy à? Nấu cơm cho chú với nhé.
Thằng bé reo lên khi thấy Dự:
- Sao lâu quá chú không đến?
Nó pha nước mời khách và cho biết bố mẹ nó sắp về. Cách chuyện trò giữa nó và Dự làm hắn yên tâm.
Căn buồng tối, hẹp. Ngổn ngang những bản in tiền, vàng âm phủ.
Rất thông thạo, Dự đi vào góc nhà tìm tìm, bới bới và đu người lên gác lửng, sờ nắn...
- Yên trí. Anh yên trí.
Thằng bé con cười:
- Chú tìm gì?
- Có rồi. Bí mật. Bố mẹ đi có lâu không?
- Hai chú ngồi chơi. Bố mẹ cháu về bây giờ đấy mà.
Hai người ngồi hút hất mấy điếu Tam Thanh nữa. Dự hỏi thăm vợ con hắn, tình hình làm ăn của hắn. Hắn ngắm nhìn Dự. Lanh lợi, tháo vát, từng trải, xốc vác. Dự hôm nay và Dự hôm ngồi cho hắn cắt tóc ở trại Q. N thật khác hoàn toàn. Dự đã lột xác để trở thành một người khác. Đúng là không thể nhận được ra Dự... Chỉ đến khi biết rồi, nhìn kỹ vẫn thấy là Dự ấy.
Phải đến tan tầm chủ nhà mới về. Chỉ một anh chồng. Hơn tuổi bọn hắn. Xách một túi nặng.
Trông thấy Dự ở cửa, người ấy reo lên:
- Lâu quá mới gặp. Cứ tưởng...
Chợt thấy hắn, câu nói dừng lại ở đấy. Dự cười:
- Tưởng em vào kho rồi phải không?
Và giới thiệu:
- Anh Tuấn bạn em. Đã ở Q. N, VQ. Anh Lợi cũng ở QN đấy. Toán lâm sản. Lời giới thiệu ấy làm họ hiểu nhau ngay. Hai người hỏi nhau về thời gian ở Q. N. Thì ra lúc hắn lên QN, thì Lợi đã được tha rồi.
- Nhà tôi còn ở lại chờ chuyến tàu sau. Thuốc lá à? Người ta đặt hết cả rồi.
Mãi sau hắn mới biết vợ chồng Lợi bao thầu, mua lại những gì mà tổ công an, phòng thuế trên tàu tịch thu. (Tất nhiên là những thứ không đưa về trụ sở). Chủ yếu là chè, thuốc, những thứ nhẹ, còn sắn,. gạo, gà qué Lợi không làm. Hàng Lợi mua không nằm trong sổ sách, để anh em bồi dưỡng riêng. Lợi làm lâu rồi, đứng đắn và được tin cậy.
Tuy nói không còn thuốc, nhưng Lợi đã lại thoăn thoắt leo lên gác lửng kéo xuống một bọc to.
- Tình hình chè thuốc năm nay còn gay. Họ làm căng lắm. Không thoát một cân. Kiểu gì cũng không lọt. Để trong đàn ghi-ta cũng mất. Ba-lô cho vào bao đổ sắn lên cũng mất. Mất mà không dám nhận. Bao này của ai? Cái đàn này của ai Không dám ra xin. Cứ ngồi mà nhìn thôi. Chỉ béo bọn phòng thuế, bọn thị trường. Thu cho nhà nước một, thu cho chúng mười. Nó cướp được của người ta mà nó bán cho mình có rẻ đâu. Nhưng thôi, có hàng cho mình là tốt rồi. Tôi mua được nhiều hàng là nhiều người chết lắm đấy anh ạ. Đây. Thuốc đây. Anh lấy được mấy cân? Anh em mình với nhau cả. Anh bị bao nhiêu? Năm gậy à? Tôi chẵn mười niên. Gấp đôi anh. May mà được cô vợ tốt. Tiếp tế đều đặn, chờ chồng, nuôi con. Bây giờ còn đang phơi mặt ở ga. Chờ chuyến tàu sau. Kiếm miếng ăn vất vả lắm, anh ơi.
Hắn lấy năm ki-lô. Sợi loại hai thôi. Giá rẻ không ngờ: Mười bảy đồng một ki-lô. Lợi có cả giấy cuộn. Hắn làm một cây giấy Sơn Thuỷ. Thuốc khô. Loại này một cân phải cuộn được nghìn mốt, nghìn hai trăm điếu. Cho thuốc vụn quốc doanh vào giữa thì còn được hơn nữa. Thứ thuốc vụn ấy rất ngon, không nóng, tàn trắng, đậm đà. Chỉ tội đen. Đen và vụn. Thuốc giao được năm mươi. Bằng giá bán lẻ. Vậy là mỗi cân thuốc kiếm được đến ba chục bạc. Với thói quen nghề nghiệp hắn nhẩm tính rất nhanh. Như nhẩm tính nhuận bút in sách ngày trước. Loại mười tám đồng hay mười lăm đồng (một nghìn chữ). Tập sách khoảng bao nhiêu chữ. Nhuận bút cơ bản. Số luỹ tiến. Hắn tính ngay ra con số cuối cùng. Hắn trả tiền, cho thuốc vào túi, chân thành cảm ơn Lợi và cùng với Dự đi ra phố. Hắn nắm chặt tay Dự bùi ngùi:
- Tìm Dự thì tìm ở đâu?
- Từ chín giờ tối trở đi em có mặt ở ga. Em ngủ ở đấy.
- Có khi nào xuống P không?
- Chưa biết được. Nếu xuống dưới đấy, em sẽ lại.
Hắn vừa đi vừa ngoái nhìn về phía Dự đang đứng đón ô-tô-buýt. Dự tốt quá. Một tấm lòng vàng. Dù đang đi móc túi. Không biết có còn gặp nhau nữa không. Mong Dự đừng như Min, đừng như Giang.
Kia rồi, một cái ô-tô-buýt vừa đỗ. Dự bám vào tay vịn nhảy lên. Mũ tai bèo, ba-lô phồng. Quần áo Tô Châu bước khuất vào trong xe. Ô-tô chuyển bánh ngoặt về một ngã tư.
Hắn đi về phía nhà anh chị Diệu. ở đó hắn đóng chặt cửa lại, múc từng ca nước phun vào số thuốc lá mới mua được của Lợi. Hắn chia số thuóc ướt đẫm nước ấy thành từng phần, rồi cho vào một túi ni-lông dày, lật ngược cái ghế gỗ con như một thứ khuôn, hắn ép chặt thuốc lại, mới đầu lấy tay đấm vào túi thuốc, sau đứng lên, nhún xuống, ghì xuống. Mấy cân thuốc bị nén thành những bánh vuông vắn. Hắn lấy giấy báo gói riêng từng gói và đút vào túi lưới trông như những cái bánh chưng. Kinh nghiệm trong tù dạy hắn: Hãy yểm một cách hớ hênh nhất.
Hắn xin thêm anh chị Diệu tờ báo Cứu Quốc, cái bìa lịch mới, đút áp vào mấy cái “bánh chưng”và buộc trên quai túi chiếc khăn mặt. Mua được thuốc lá đã khó. Giữ được thuốc lá khó hơn nhiều. Còn quãng đường từ đây về P nữa. Bao nhiêu trạm thuế, bao nhiêu công an, bao lần khám xét. Mà hắn phải đem được tài sản này về cho vợ con hắn. Hắn dung dăng dung dẻ xách túi đi lại trong buồng và cười toe toét hỏi chị Diệu:
- Trông em giống cán bộ đi công tác chưa, hở chị?
Chị Diệu đã bao lần thấy hắn lên nhà chị để làm việc với nhà xuất bản, để nhận sách bản quyền mới in; nhận tạm ứng tiền nhuận bút, đem phác thảo bìa sách về ngắm nghía và góp ý với hoạ sỹ. Chưa bao giờ hắn hì hụi một mình như thế này. Trước đây hắn vừa đặt chân lên Hà Nội là tất cả bọn bạn hắn đều biết ngay. Chốc lại có người gõ cửa nhà chị:
- Chị Diệu ơi. Thằng Tuấn nó đâu rồi, hở chị?
- Chị Diệu ơi. Thằng Tuấn nó mới lên, hở chị?
Cũng có khi chẳng thấy hắn đâu, vẫn tưởng hắn đang ở P, nhưng nghe bọn bạn hắn hỏi, chị biết hắn đã ở Hà Nội và y như rằng một lát sau hắn đã có mặt tại nhà chị.
Chị biết đám bạn hắn giờ đây cũng đang gay go, tan tác cả. Những Lê Bàn, Trịnh Bão, Vũ Mạc, Phạm Văn Định, những Nguyễn Vũ Phương... Nhìn hắn đánh vật với mấy cân thuốc lá, nhìn hắn hí hởn đi lại trong buồng, chị cười chua chát:
- Rõ vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay.
Vào nửa cuối năm 1974 hắn có ba cuộc gặp gỡ quan trọng. Với ba người. Một người bạn tù. Và hai người khác mà cả hai đều có thể quyết định số phận của hắn. Người bạn tù là già Đô. Hai người kia là ông Hoàng và ông Trần. Ba người đại diện cho ba thế giới.
Già Đô là người của thế giới bên kia, thế giới thống khổ hắn vừa trải qua và còn đang bám theo hắn. Bám riết không rời. Như đuôi sao chổi bám vào nhân sao chổi. Hắn thích hình ảnh này. Dù sao hắn cũng trót dại đi viết văn. Hắn thích tư duy hình tượng.
Và hắn thấy hình tượng ấy được. Con người nhỏ bé mà đau khổ quá lớn. Không chạy đâu thoát. Dù có trốn vào đêm đen vũ trụ mịt mùng, nỗi khổ đau vẫn bám theo, mênh mông như vũ trụ.
Ông Hoàng đại diện cho thế giới của một số ít người (chắc là như vậy - càng về sau hắn càng tin như vậy) muốn làm được những điều mình nói. Một người trung thực. Muốn thực thi luật pháp, muốn trả lại cho hắn tất cả những gì hắn đã bị tước đoạt. Tóm lại ông là người tốt bụng, có trách nhiệm, nhưng lãng mạn và không tưởng.
Người thứ ba là ông Trần, người có phép màu làm thay đổi thế giới này của hắn. Đúng. Ông Trần có một chiếc gậy thần. Ông cầm gậy chỉ một cái, thế giới của hắn thay đổi hẳn. Với một số người, ông là tiên ông. Với hắn, ông là phù thuỷ. Ba cuộc gặp gỡ xếp theo trình tự thời gian: ông Hoàng, già Đô, ông Trần.
Mùa thu năm ấy mưa ngâu rả rích. Ngọc thắp hương cúng ràm từ mấy hôm trước. Ngọc bảo rằm tháng Bảy phải cúng sớm, để những cô hồn không nhà không cửa, đói khát, lang thang vào nhà mình ăn uống được no một bữa, rồi lại đi nhà khác kiếm ăn trong dịp xá tội vong nhân.
Hắn thấy Ngọc đã bước vào tuổi già, tuy nàng mới ngoài ba mươi. Bạn bè cùng lớp tuổi, Ngọc chỉ chơi với Linh. Nhưng chính Linh cũng như Ngọc, cũng bước qua tuổi trẻ của mình. Họ không chạy trốn tuổi ba mươi, tuổi chín nhất của người phụ nữ. Chỉ giản đơn là cả hai đã ở tuổi già trong lúc còn đang trẻ. ở cơ quan, hai người chỉ có nhau là bạn. Cả hai cùng có những người bạn mới ngoài cơ quan, tuổi bốn mươi, nám mươi, sáu mươi, cùng họ đi lễ các đền, các hội. Ngọc và Linh thuộc lòng ngày kỵ Đức Thánh Mẫu, ngày mở hội Phủ Giày, ngày mưa rửa cửa đền Kiếp Bạc. Những gì dính dáng đến thế giới này không hấp dẫn được họ ngoài chồng con, bố mẹ và các loại tem phiếu.
Họ đã nhìn thấy quá nhiều điều ở vào tuổi ấy. Họ đã chờ đợi quá lâu rồi. Họ đều mong mỏi được hưởng may mắn trong số phận, tuy mỗi người một hoàn cảnh đối lập nhau. Chồng Linh đi chiến đấu trong tự hào vinh dự, chồng Ngọc đi tù. Giờ đây người nọ thèm số phận của người kia.
Ngọc quá hiểu nỗi khổ trăm đường của người có chồng đi tù, túng thiếu nhục nhã, đau đớn ê chề, nàng thèm được như Linh. Còn Linh nhìn Ngọc có chồng ở bên mà nghĩ đến chổng mình trong B, cái sống là rất ít. Linh bảo Ngọc: “ Chẳng làm gì mà suy nghĩ, mà xấu hổ. Chồng mày không ăn trộm, ăn cắp, không tham ô, hủ hoá...” Thực sự Linh cho là Ngọc cũng như Linh, cả hai đều phải chịu mất mát, hy sinh cho cuộc kháng chiến này, cả hai đều phải chịu mất mát hy sinh cho chiến thắng.
Điều Linh nghĩ cũng là điều hắn nghĩ. Với hắn đó là sự thật. Chồng Linh vào rừng, xông pha bom đạn, đói khát, vất vả cho chiến thắng. Còn hắn, hắn hy sinh cái quý nhất: Tự do. Là cũng để cho chiến thắng. Hắn chịu đựng khổ nhục, đau đớn là để cho chiến thắng. Chiến thắng cần phải được đảm bảo bàng sự an toàn tuyệt đối ở hậu phương, hậu phương pha-lê hoá... ít nhất việc bắt hắn cũng có tác dụng răn đe những người khác, nếu hắn không có tội. Đóng góp vào việc răn đe, hướng mọi người toàn tâm toàn ý vào một mục tiêu duy nhất là sự đóng góp tích cực. Có nhiều cách đóng góp. Cách đóng góp của hắn đáng kể lắm chứ. Nó cũng được làm bằng đời người. Nó cũng được làm bằng nước mắt. Thực lòng hắn không tin chuyện hương khói. Hắn nghĩ: Chuyện con người là của con người. Đó là cuộc đấu tranh muôn đời giữa cái thiện và cái ác, nỗi thống khổ muôn đời của những kiếp người bị giày xéo, bị đày đọa, bị làm những hòn chèn cho cái ghế ngồi của các ông quan và các vị vua chúa. Tuy vậy nhiều lúc thấy Ngọc thành kính đứng trước bàn thờ, hắn mong những điều nguyện cần của nàng biến thành sự thật. Hắn không tin, nhưng hắn vẫn cứ mong muốn có các thánh để các thánh ban cho một phép mầu, để thánh thần thực hiện luật công bằng, vay trả, trả vay, đã được thể hiện trong truyện cổ tích và trong các chủ trương của Đảng, có công thì thưởng, có tội thì phạt. ờ hiền gặp lành. Kẻ ác bị trừng trị.
Bàn thờ nhà hắn vẫn đặt trên nóc chiếc tủ Bình đóng, sơn xanh, nom như cái quan tài dựng đứng. Dịp rằm tháng Bảy năm ấy, trời đang mưa ngâu, ẩm ám, bỗng nhiên bát hương nhà hắn bốc cháy. Buổi tối Ngọc kê ghế đứng lên, đặt hương hoa, bày đồ lễ, thay nước thắp hương, thì thầm khấn vái. Rồi Ngọc bước xuống sàn, đến ngồi ở giường đan len. Đan thuê phải tranh thủ từng phút. Đan ngay cho công ty Ngọc. Một lúc sau bát hương nhà hắn tự nhiên bốc cháy. Ngọn lửa sáng bập bùng căn nhà hẹp.
Ngọc buông que đan bật dậy ra đứng trước bàn thờ, kính cẩn chắp hai tay vái xuýt xoa “Lạy ngài, con chắp tay con lạy các ngài hiển linh, phù hộ độ trì cho chồng con là Nguyễn Văn Tuấn, quê quán... trú tại số nhà... được tai qua nạn khỏi, có công ăn việc làm, phù hộ cho con là Lê Thị Ngọc 35 tuổi...” Vẻ mặt nàng còn hơn cả sự ngạc nhiên và thành kính. Đó là vẻ mặt con chiên thấy Chúa hiển hiện. Và nàng chờ đợi. Nàng không dám nói trước, mà im lặng chờ đợi điều gì đó đang đến. Không phải điều bình thường. Một điều tốt lành to lớn. Hệ trọng. Có thể thay đổi cuộc sống của vợ chồng nàng. Cho mãi khi ông Hoàng đã tới nhà, đã ra đi, Ngọc mới nói: Thế là diềm báo trước của việc hoá bát nhang đã được ứng nghiệm.
Ông Hoàng đến vào buổi tối. Mất điện, nhìn bóng người cao cao của ông đi ngoài hành lang, hắn ngớ ra, không tin vào mắt mình và bật lên:
- Anh Hoàng...
Ông Hoàng không đi một mình. Có một thư ký cùng đi. Người thư ký trạc tuổi hắn, khuôn mặt thông minh, cặp mắt sắc sảo, cái cằm vểnh kiểu cằm Maiacôpski khiến hắn lại nhớ tới Nguyễn Vũ Phương đang gò lưng gánh vệ sinh ở trại P. L (Phương cũng có cái cằm Maia). Đó là phó tiến sỹ Huỳnh, sau này là thứ trưởng kiêm
Kỳ Trước | Kỳ Sau

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên