Giáo Hội thời các Tông Ðồ (thế kỷ thứ nhất) là thời kỳ của các nhà lãnh đạo và thần học sáng giá của Kitô Giáo, các ngài thường được gọi là "Giáo Phụ". Thời kỳ này thường được gọi là thời các Giáo Phụ. Khi nhìn đến các nhân vật, các biến cố và các phong trào quan trọng trong thời kỳ này sẽ giúp chúng ta hiểu được sự phát triển của Giáo Hội Công Giáo cho đến thế kỷ thứ bảy.

Thế Kỷ Thứ Nhất: Ðặt Nền Tảng

Hầu hết những gì xảy ra trong Kitô Giáo ở thế kỷ thứ nhất thì quen thuộc với chúng ta, nhờ kinh thánh Tân Ước. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, chúng ta biết công cuộc truyền giáo đã nới rộng giáo hội của Ðức Giêsu Kitô từ nguyên thủy ở Giêrusalem, gồm những người Do Thái tòng giáo theo Ðức Kitô, đến những người Dân Ngoại ở nhiều nơi trong Ðế Quốc La Mã và cho đến tận Rôma. Sự bình an tương đối trong thế kỷ này, cũng như hệ thống đường bộ và đường thủy của người La Mã, đã giúp Kitô Giáo có thể phát triển nhanh chóng. Nền văn hóa chung và một ngôn ngữ chung cũng giúp cho sự bành trướng. Tuy nhiên, động lực chính của sự phát triển Kitô Giáo là Chúa Thánh Thần, Ðấng đã làm nên các tông đồ vĩ đại như Thánh Phaolô và các vị tử đạo như Stêphanô, là vị tử đạo đầu tiên.

Lúc đầu, Kitô Giáo được coi là một nhánh không quan trọng của Do Thái Giáo. Trong thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai, hầu hết những người tòng giáo xuất thân từ các giai cấp thấp kém trong xã hội La Mã, gồm nhiều phụ nữ, thường dân, và nô lệ. Lúc đầu nhà cầm quyền La Mã không đếm xỉa đến người Kitô, nhưng vào năm 64, Hoàng Ðế Nero đổ tội cho họ là đã gây nên trận hỏa hoạn lớn ở Rôma mà có lẽ chính ông ta chủ mưu. Các tông đồ Phaolô và Phêrô, là các vị lãnh đạo giáo hội ở Rôma, đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu này. Người Kitô phải chôn cất và nhiều khi phải trốn tránh trong các hang toại đạo ở Rôma trong thời kỳ bách hại đầu tiên.

Tại sao các Kitô Hữu lại bị bách hại? Ngay cả những người ngoại giáo cũng có thể nhận thấy sự tương thân tương ái giữa các Kitô Hữu. Họ chăm sóc người nghèo, các bà goá và các em mồ côi, họ giúp đỡ các nạn nhân của dịch tễ và nạn đói cũng như các tù nhân. "Họ thương yêu nhau chừng nào" là câu nói đầu môi của người ngoại giáo. Tuy nhiên, thời bấy giờ, Kitô Giáo được coi là một tổ chức bí mật, gặp nhau thường xuyên vào sáng Chúa Nhật để ăn thịt và uống máu một người, là Ðức Kitô, và có lẽ họ có những hành động đồi bại tình dục như một số tôn giáo thời ấy. Dĩ nhiên, những đồn đãi ấy hoặc sai sự thật hoặc dựa trên những hiểu biết sai lầm về hành động của Kitô Hữu, khi họ gặp nhau ngày Chúa Nhật để cầu nguyện, nghe sách Thánh, chia sẻ sự hiểu biết về đời sống Ðức Kitô cũng như đọc thư của các tông đồ, và cử hành nghi thức Tiệc Ly, như Ðức Giêsu căn dặn. Nhà cầm quyền La Mã bắt đầu cho rằng Kitô Hữu là kẻ thù của Nhà Nước, cho họ là những người vô thần không chịu thờ các thần của người La Mã và cũng không tôn kính hoàng đế La Mã. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Hoàng Ðế Domitian phát động một cuộc bách hại Kitô Giáo cách dữ dội vì họ từ chối không chịu coi ông ta như một vị thần để hy sinh cho ông. Văn sĩ Kitô Giáo, Tertullian, sau này nhận xét "máu của các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội," và Kitô Giáo tiếp tục phát triển qua các nhân chứng đức tin đầy can đảm. Các giám mục Kitô Giáo, là các vị lãnh đạo giáo hội sau khi các tông đồ qua đời, tiếp tục trở nên gương mẫu đức tin cho dân Chúa - tỉ như các giám mục Rôma kế vị Thánh Phêrô là: Thánh Linus, Thánh Anacletus, và Thánh Clêmentê I. Vào cuối thế kỷ thứ nhất, trong Ðế Quốc La Mã ước lượng có khoảng nửa triệu người theo Ðức Kitô.

Thế Kỷ Thứ Hai: Tiếp Tục Phát Triển và Bảo Vệ Ðức Tin

Hai vị giám mục gương mẫu hy sinh tính mạng vì Ðức Kitô vào đầu thế kỷ thứ hai là Ðức Polycarp ở Smyrna và Ðức Ignatius (I-nha-xiô) ở Antiôkia. Sau khi bị bắt và trên đường bị điệu về Rôma để tử đạo vào khoảng năm 110, Ðức Ignatius đã viết bảy lá thư - một lá cho giáo đoàn ở Polycarp và các thư khác cho các giáo đoàn mà ngài gặp trên đường - để khuyến khích họ giữ vững đức tin. Ðức Ignatius còn cảnh cáo Kitô Hữu ở Rôma đừng tìm cách ngăn chặn cái chết của ngài. Ngài muốn sư tử nghiền nát xương thịt của ngài như hạt lúa để ngài có thể trở nên bánh tinh tuyền cho Ðức Kitô, như bánh của Thánh Thể. Sự tử đạo được coi là đường trực tiếp lên thiên đàng, do đó các Kitô Hữu tiên khởi rất tôn trọng các vị tử đạo. Trong lời cầu nguyện, họ xin các vị tử đạo cầu bầu cho họ trước mặt Thiên Chúa cũng như cho giáo hội trần thế (Khải Huyền 6:9-11; 7:9-17). Cũng có những gương can đảm của các phụ nữ, tỉ như Thánh Perpetua và Thánh Felicity, đã hy sinh tính mạng vì Ðức Kitô.

Trong thế kỷ thứ hai, sự lãnh đạo Giáo Hội đã có một hình thức đặc biệt mà hình thức ấy kéo dài mãi cho đến ngày nay trong Giáo Hội Công Giáo. Ngay từ đầu năm 110, Ðức Ignatius ở Antiôkia đã phúc trình rằng mỗi một giáo hội địa phương được hướng dẫn bởi một giám mục. Vị giám mục được phụ tá bởi "trưởng lão" (sau này gọi là "linh mục") là người hướng dẫn cộng đoàn cử hành nghi thức Thánh Thể và các bí tích khác, vì khi cộng đoàn phát triển quá rộng đức giám mục không thể đích thân thi hành được. Ðức giám mục còn được sự phụ giúp của các "lao công nhà Chúa" (phó tế), là những người đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ giáo hội địa phương qua các phương cách thực tế, tỉ như phân phối tiền bạc và thực phẩm cho người nghèo và người có nhu cầu.

Ðược hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, các giám mục bắt đầu cùng làm việc để đối phó với các thử thách mới của thời bấy giờ và để phát triển một giáo huấn chung. Một thí dụ của giáo huấn chung là công thức tuyên tín (kinh tin kính), là bản tóm lược đức tin Kitô Giáo dùng để chuẩn bị cho các dự tòng trước khi Rửa Tội cũng như chỉ dẫn Kitô Hữu về đức tin.

Các giám mục cũng bàn thảo xem các văn bản nào được Thiên Chúa linh ứng cho toàn thể Giáo Hội. Một số người, tỉ như Marcion, đã từ chối tính cách linh ứng của Kinh Thánh Do Thái (Cựu Ước) và chỉ chấp nhận một số văn bản giới hạn. Các tổ chức khác, tỉ như Gnostic (Tri thức giáo) lại coi một số văn bản rất khác thường là do Thiên Chúa linh ứng. Thí dụ, một phúc âm của phái Gnostic đưa ra hình ảnh Ðức Giêsu khi còn nhỏ đã biến con chim bồ câu đất trở nên sống thực, và gây nên cái chết của những trẻ cùng lứa vì chúng chọc tức Ðức Giêsu. Ðể đối phó với vấn đề này, các giám mục đưa ra một danh sách các văn bản chính thức mà các ngài tin là Thiên Chúa linh ứng, được gọi là quy điển (canon), mà sau này được dùng làm nền tảng cho bộ Kinh Thánh của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ tư, bộ quy điển Tân Ước vẫn chưa được hoàn tất. Ðiều này cho thấy sự quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc dẫn dắt các giám mục nhằm tỏ lộ chân lý của Thiên Chúa một cách trọn vẹn.

Các giám mục của thế kỷ thứ hai còn phải đương đầu với các lạc thuyết, tỉ như sự tin tưởng rằng Thiên Chúa chỉ có một ngôi, và hậu quả là Ðức Giêsu Kitô chỉ là một con người; hoặc sự tin tưởng ngược lại là Kitô Hữu thờ ba chúa chứ không phải một. Phe Gnostic cho rằng bề ngoài Ðức Giêsu là một con người, nhưng thực sự ngài là một thần thánh (thuyết Docetism). Tất cả những tin tưởng này đều bị các giám mục lên án là sai lạc.

Các giám mục còn sửa sai các tổ chức tách rời khỏi Giáo Hội vì các lý do khác. Phe Montano, là những người tin theo một linh mục tên Montanus, họ cho rằng Ðức Giêsu sẽ tái giáng lâm ngay vào thời ấy. Họ muốn ép buộc mọi Kitô Hữu phải sống khắc khổ; họ còn cho rằng các điều họ được mặc khải có giá trị ngang bằng với các thư của Thánh Phaolô cũng như bốn Phúc Âm. Khi các giám mục Công Giáo không đồng ý với các điều này, phe Montanô khởi sự thành lập một giáo hội riêng và lôi cuốn được cả vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội ở Bắc Phi, là Tertullian. Phe Montanô tan rã ngay sau khi Tertullian từ trần vào năm 220.

Nhiều giáo thuyết lầm lạc và các tổ chức lẻ tẻ xuất hiện trong thế kỷ này, nhưng chỉ có giáo hội hoàn vũ được hướng dẫn bởi giám mục đoàn là còn tồn tại. Thông thường, chính vị giám mục Rôma là người lên tiếng trả lời các tranh chấp. Sự kiện này khiến vị bảo vệ đức tin nổi tiếng là Ðức Giám Mục Irenaeus ở Lyons (hiện tại là nước Pháp), đã nói về Rôma rằng: "Tất cả các giáo hội khác (địa phương) phải đồng tâm nhất trí với giáo hội này (Rôma) vì tính cách ưu việt của nó." Vào giữa thế kỷ thứ ba, Ðức Giám Mục Cyprian ở Carthage viết: "Hiệp thông với đức giám mục Rôma là hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo."

Trong thế kỷ thứ hai việc bách hại Kitô Giáo chỉ thỉnh thoảng, nhờ đó Kitô Giáo được phát triển rộng lớn hơn và có thêm những người tòng giáo thuộc giai cấp cao hơn trong xã hội La Mã. Thiên Chúa bắt đầu gầy dựng các nhân vật thông minh xuất chúng để có thể giải thích và bảo vệ đức tin qua lý lẽ và triết học: Thánh Justin Tử Ðạo ở miền Ðông Mediterranean đã trình bầy Kitô Giáo như "một triết học đích thực"; Thánh Irenaeus ở Lyons coi mọi tạo vật được quy tụ và "tổng kết" trong Ðức Kitô; Ðức Athenagoras ở Athens viết một văn bản quan trọng để bảo vệ đức tin; và Ðức Clementê ở Alexandria thiết lập một khoa giáo huấn Kitô Giáo cho dự tòng. Các vị này đã viết thư cho các hoàng đế để thuyết phục họ đừng bách hại Kitô Giáo, thuyết phục người Do Thái về sự chân chính của Kitô Giáo, và chống với các lạc thuyết đang phá hoại đức tin chân chính (tỉ như, phái Gnostic cho rằng họ biết được những bí mật của con đường cứu chuộc mà các Kitô Hữu khác không biết). Các vị bảo vệ đức tin này cho thấy Kitô Giáo là một tôn giáo hợp lý và có thể hiểu được cũng như chấp nhận được bởi mọi người của mọi văn hóa và dân tộc. Vào cuối thế kỷ thứ hai, có khoảng 2 triệu người Kitô trên khắp Ðế Quốc La Mã, dù rằng Kitô Giáo vẫn là một tôn giáo không chính thức và bị Nhà Nước Rôma ngăn cấm.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên