(bị bắt 20-4-1836, xử giảo 20-11-1837 tại Hà Nội)
Trích Từ Dòng Máu Anh Hùng Tập I-III của Lm Vũ Thành
Trổi trang nhất và đứng đầu sổ trong các thầy giảng là Thầy Phanxicô Xavier Cần, chết vì đạo lúc mới 34 tuổi. Đức Cha Havard đã khen ngợi lòng dũng cảm của thầy như sau: "Ai có thể tin được một người như các con, không những đã tỏ ra can trường và nhân đức trổi trang hơn người mà còn đối đáp cho những người tra khảo không hỏi được nữa. Người đó đã làm vinh danh Thiên Chúa khi phải đi trước giao chiến một mình và đã để lại gương mẫu cho bao nhiêu người khác".
Thánh Cần sinh tại Sơn Miêng, phủ Ưng Hòa, tỉnh Hà Nội năm 1803. Cha ngài tên là Hới có 5 người con, chú Cần là thứ 2. Gia đình không giầu nhưng có lòng đạo đức. Ngay từ nhỏ chú Cần đã muốn dâng mình cho Chúa nhưng mẹ cậu vì thương con không muốn cho đi. Chú Cần đã phải dọa rằng: "Nếu mẹ không cho con đi ở với cụ xứ thì con sẽ trốn đi ở với cha khác". Không biết chắc chú Cần đã ở với cha nào vì các chứng nhân, người thì nói ngài ở với Cha Báu, người khác lại nói ở với Cha Duyệt, có sách lại chép ngài ở với Cha Nghị. Y sĩ Giacôbê Vũ Văn Thịnh đã cùng học với thầy Cần ở Kẻ Vĩnh làm chứng rằng: "Thầy Cần rất chăm chú làm tròn bổn phận và có cách sống gương mẫu không trách cứ được điểm nào. Thầy rất thông minh, học đứng đầu lớp. Mãn trường Latinh Thầy Cần được làm kẻ giảng về giúp Cha Duyệt mấy tháng rồi được lệnh giúp Cha Retord (sau làm Giám Mục), từ năm 1832." Ngày 20-4-1836 Thầy Cần bị bắt tại Kẻ Vác.
Diễn tiến sự việc thầy bị bắt được chính Cha Retord và bà Matha Sơ thuật lại như sau: Hôm 19-4, thầy được sai đến làng Kẻ Chuông để hỏi ông trùm tại đây có sẵn sàng đón cha về làm phúc cho họ không. Khi biết được là cả họ sẵn sàng, Thầy Cần theo lệnh của Cha Retord đến làng Kẻ Vác để xin Cha Tuần đến làm phúc cho họ Kẻ Chuông. Khi tới họ Kẻ Vác thì lúc ấy đang có cuộc lùng bắt Cha Tuần, nhưng cha đã trốn được. Người đi lùng bắt là cai tổng Hào Tít đang tức giận thì gặp Thầy Cần đi tới, ông cai liền chận thầy lại hỏi:
- "Đi đâu mà không trình?"
- "Tôi đi qua đường".
- "Có quen ai ở đây không?"
- "Tôi quen Lý Quang".
Cai tổng ra lệnh bắt trói Thầy Cần và đánh đập năm sáu roi rồi bắt thầy phải nhận các đồ đạo là của mình. Nguyên Lý Quang là người Công Giáo đã xin quan lớn được tách riêng làng Công Giáo không phải nộp tiền cho các vụ cúng tế dị đoan, và vì vậy bị cai tổng ghét. Ngày hôm sau Thầy Cần bị dẫn giải lên quan huyện Thanh Oai cùng với Lý Quang.
Tại huyện, Thầy Cần bị tra tấn ba kỳ, cách nhau ba ngày. Lần thứ nhất quan huyện hỏi tên tuổi và quê quán. Thầy xưng tên là Cần, nhưng quan viên trong làng sợ phải nộp thêm thuế vì tên mới nên khai tên sổ bộ là Nguyễn Tiến Truật. Về việc bị bắt, Thầy Cần cứ đúng sự thật khai: "Tôi vừa ở ngoài đồng vắng vào đến làng, chứ chưa vào nhà Lý Quang thì đã bị bắt, còn đồ đạo thì chính cai tổng Hào đã bỏ vào".
Còn tổng Hào nhất mực nói rằng bắt được Thầy Cần ở nhà Lý Quang. Thầy Cần bị đánh 40 roi, vừa đánh quan vừa dụ dỗ chối đạo để được tha về với mẹ già. Thầy Cần thưa: "Không được, tôi thờ kính một Chúa Trời dựng nên tôi làm sao tôi dám đạp dưới chân. Nếu quan tha thì tôi sống mà nếu quan bắt tội thì tôi sẵn lòng chịu chết".
Thầy Cần cũng quay sang tổng Hào nói: "Ông cứ việc tố cáo mọi tội ông muốn, tôi sẵn lòng chịu để đền vì tội riêng của tôi".
Thầy Cần bị căng giữa các cọc và bị tra tấn trong hai tiếng đồng hồ.
Lần thứ hai, cách đó hai ba ngày, Thầy Cần ngậm thuốc lào trong miệng để giảm cơn đau, và để mặc quan muốn đánh thế nào thì mặc sức chứ không muốn trả lời thêm. Quan bắt nhận các đồ đạo nhưng thầy chối ngay. Quan cho nọc thầy ra như lần trước và đánh 40 roi. Thấy nước bọt sùi lên ở mép thì quan sợ ra lệnh thôi. Hôm ấy nhà quan có đám giỗ nên Thầy Cần được quan cho ăn cơm tại nhà. Trước khi ăn, Thầy Cần làm dấu đọc kinh to tiếng. Thấy vậy quan hỏi thầy làm dấu gì vậy? Thầy Cần liền cắt nghĩa: "Khi dùng bữa chúng tôi làm dấu thánh giá đọc kinh, có ý tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên của ăn và đã ban cho chúng ta".
Khi dùng bữa xong Thầy Cần cũng làm dấu và đọc kinh, quan liền hỏi thầy làm dấu gì nữa vậy? Thầy Cần cũng đáp: "Ăn cơm xong chúng tôi tạ ơn Chúa vì đã được ăn uống nuôi xác cho sống và được thờ phượng Đức Chúa Trời".
Quan huyện khen: "Làm thế rất phải. Hãy đọc thêm các kinh khác trong đạo nữa đi." Thầy Cần đọc kinh 10 điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh và lần hạt. Đọc đến kinh nào thì thầy cắt nghĩa rõ ràng kinh ấy. Quan khen: "Như ông vừa cắt nghĩa, những điều này rất tốt và phù hợp với lẽ phải. Nhưng ta vẫn nghe trong đạo có nhiều điều trái lẽ khác. Ta nghe nói các linh mục thường móc mắt đàn bà ốm yếu bỏ vào chum nước có chó ngao rồi lấy nước làm bùa mê rảy trên dân chúng".
Thầy Cần cực lực phản đối: "Đó là một điều bịa đặt vu khống hoàn toàn. Các đạo trưởng rất thành thực và không bao giờ nói dối".
Sau đó thầy Cần được đem về nhà giam. Còn lần thứ ba quan huyện cũng ép buộc thầy nhận các đồ đạo và đạp ảnh nhưng thầy mạnh mẽ từ chối. Quan nói: - "Ông là người khôn ngoan, lý sự, tôi rất thương ông. Sao không chịu bước quan ảnh đi. Nếu không thì cứ nhận là đã làm, để tôi viết vào tờ bá cáo trình lên vua là ông đã bước qua ảnh và ông sẽ được tự do".
- "Nếu quan muốn viết về kinh rằng tôi đã chối đạo thì chính tôi sẽ về kinh để phản đối, và nói rõ rằng chính quan đã khiêng tôi qua thánh giá chứ tôi không bao giờ ưng chịu như vậy. Vua mà các ông phục vụ cũng chỉ là một người hay chết, thế mà các ông không dám đạp hình vua dưới chân, không dám nói một lời thất lễ. Vậy tại sao các ông lại muốn tôi chối bỏ Thiên Chúa tôi thờ. Chính Ngài là Chúa trời đất, là Vua các vua. Chính Ngài ban cho chúng ta hằng ngày muôn vàn ơn lành. Tôi không bao giờ dám tỏ ra vô ơn với Ngài..."
Quan ra lệnh căng thân thể thầy dưới đất và đánh đòn. Sau khi đã đánh đủ 40 roi, quan truyền cho lính khiêng thầy qua ảnh. Thầy co chân nói to lên: "Không bao giờ tôi chiều theo".
Quan giận nói với thầy: "Ta đã làm hết sức để gỡ tội cho ông mà ông chẳng nghe, ta đặt tên cho ông là ông Lì".
Quan truyền đem thầy về nhà giam. Nhà giam tại huyện rất đồi tệ, bẩn thỉu. Thầy Cần vừa bị khổ cực thể xác, vừa phải trải qua những lời phỉ báng dụ dỗ. Khi quan dụ dỗ thầy đạp ảnh, những người bên lương ở làng Sơn Miêng có mặt cũng ùa vào nói: "Nếu vua có bắt chúng tôi đạp trên đầu các bụt thần, các sư sãi chúng tôi sẽ làm ngay. Còn ông chẳng có lẽ gì mà sợ khi quan bảo bước qua tượng ảnh bằng đồng bằng sắt. Thôi hãy làm đi rồi nếu có tội thì đi xưng tội".
Một số giáo dân kém lòng đạo cũng đến dụ dỗ: "Không có tội nào nặng đến nỗi Chúa không tha thứ. Thánh Phêrô cũng đã chối Chúa ba lần mà vẫn còn làm đầu giáo hộị Bao nhiêu vị Thánh cũng vậy, thầy đã biết. Thầy hãy bước qua ảnh đi để cả làng khỏi phải oan lây vì thầy".
Có người còn táo bạo nói dối thầy là Cố Liêu (Cha Retord) có nhắn thầy cứ bước qua ảnh đi rồi về nhà sẽ hay. Thầy Cần đã sáng suốt trả lời: "Tôi không có làm hại người nào. Nếu giữa quan và dân có điều gay go là việc của họ. Làm sao tôi có thể xúc phạm đến Chúa để giải thoát làng xã được? Nếu có thiên thần đến bảo tôi rằng Chúa truyền cho tôi đạp ảnh, tôi sẽ coi khinh ngay và chẳng nghe lời, phương chi là Cố Liêu, nếu ngài có nhắn như các ông nói, tôi cũng chẳng làm theo lệnh ấy. Nhưng tôi biết chắc là cha không có nói như vậy".
Cha Retord rất băn khoăn và lo lắng cho Thầy Cần. Sau cùng cha quyết định làm mọi cách để chuộc thầy ra. Cha giao cho mẹ thầy Cần 300 lạng bạc để đút lót cho quan. Bà khúm núm lạy lục quan, quan nhận tiền rồi lại đòi thêm 100, rồi 200 nữa. Cha còn cậy nhờ quan tỉnh Hưng Yên nói giúp. Nhưng vì tổng Hào có người dì là vợ lẽ của quan án trên tỉnh nên không dễ gì thu xếp. Quan lớn trên tỉnh bắt quan huyện phải làm án. Quan huyện làm án tới 4 lần mà không xong. Quan đã làm án cho Thầy Cần phải tạp dịch một năm rưỡi, nhưng quan án cũng muốn đem nội vụ lên tòa tỉnh và ra lệnh cho quan huyện giải tội nhân lên. Thầy bị giam giữ 8 tháng ở huyện Thanh Oai, còn Lý Quang sau khi đã tốn nhiều tiền lo lót cho quan thì đã được về. Trong thời gian bị giam, mỗi tuần có người em lên thăm và trả tiền ăn uống. Có lần bà mẹ thầy đến thăm và dụ dỗ thầy làm theo lối chữa tội của quan để được về. Thầy đã từ chối mạnh mẽ và bảo với lính canh từ nay đừng để mẹ ngài tới nữa. Thầy cũng nói với cô em đừng lui tới thường xuyên, hãy ở nhà làm ăn, đừng buồn chi đến việc thầy bị bắt. Cũng có 4 vị bô lão xứ Sơn Miêng đến để theo dõi nội vụ, có lần đã thuật lại lời Thầy Cần bảo họ: "Các ông vất vả chạy với quan lo cho tôi nhưng thật vô ích và sẽ uổng mất nhiều tiền. Thời buổi này vua bắt đạo dữ tợn, tôi không thể ra khỏi tù nếu không đạp thánh giá. Điều đó tôi sẽ không bao giờ làm".
Thấy Cha Retord lo lắng, thầy cũng nhắn một người Công Giáo trình lại đừng lo cho thầy phải khổ, nhưng hãy an tâm.
Sau 8 tháng ở tù tại huyện Thanh Oai trong khi có những cuộc dàn xếp, Thầy Cần phải giải lên tỉnh Hà Nội, vào khoảng tháng 12. Vừa lên tới tỉnh, quan án đã ép buộc Thầy Cần quá khoá. Nhưng thầy mạnh bạo thưa: "Nếu muốn quá khoá để được tự do, tôi đã không đợi đến bây giờ. Vì tôi không bao giờ chịu nên mới bị giải về đây cho quan".
Tới tháng ba quan mới cho gọi ra tòa và ép buộc thầy bước qua thánh giá. Không được như ý, quan cho lính cầm hai đầu gông khiêng thầy qua. Thầy nói lớn tiếng: "Lính của quan lớn mạnh sức, khiêng voi cũng được phương chi khiêng tôi. Tôi nhất quyết không chối đạo. Các quan đừng lừa dối thiên hạ về tôi".
Khi lính khiêng qua thì thầy cố hết sức co chân lên phản đối: "Tôi không bao giờ dám bước qua cũng chẳng dám đụng chân tôi vào thánh giá Chúa".
Sau đó các quan làm án tâu về kinh luận tội thầy phải xử giảo. Trong khi chờ đợi lời phê của vua, quan tỉnh hỏi han, ôn tồn dụ dỗ. Quan bảo: "Thôi ông hãy nhắm mắt lại mà bước qua thì chẳng có tội chi vì chẳng biết cũng chẳng tự ý".
Thầy đáp lại: "Tôi có thể nhắm mắt được nhưng không thể che linh hồn, trái tim tôi và tôi vẫn phạm tội như thường. Bởi vậy tôi không bao giờ làm như quan bảo".
Lần khác quan lấy hai thanh tre buộc lại làm chữ thập rồi nói: "Ông xem, đây không có hình ảnh Chúa gì cả, đây chỉ là chữ thập, ông hãy bước qua đi rồi mọi sự xong xuôi cả".
Thầy Cần đáp: "Cái hình này là chữ thập chỉ bởi miệng quan nói ra mà thôi, trong tâm tư quan vẫn coi đó là hình thánh giá. Cũng vậy nếu quan bắt tôi bước qua một cọng rơm mà nói là hình thánh giá thì tôi cũng không bao giờ nghe lời. Tôi càng không có lý nào bước qua hình chữ thập".
Tại tỉnh Hà Nội, Cha Retord còn vận động hai lần để quan trả tự do cho Thầy Cần. Lần thứ nhất cha nhờ một người thợ mộc làm một hộp chè rất xinh đem biếu quan tỉnh. Quan rất hài lòng muốn làm một cái để dâng vua. Ông thợ mộc mới nói là Thầy Cần là người bà con cũng làm thợ mộc. Quan tỉnh liền nói: "Hãy cho người này về nhà. Hắn không phải là trộm cướp hay nghịch tặc. Nếu các quan muốn giết những người không đạp ảnh thì cả nước này sẽ trở thành một lò sát sinh khổng lồ".
Nhưng quan án đã vội vàng làm một bản án theo đúng pháp luật nhà nước. Cha Retord còn xin Đức Cha Havard những lạng bạc cuối cùng để nhờ một quan ở Nam Định là bạn với quan tỉnh Hà Nội can thiệp, nhưng quan cho biết là bản án của Thầy Cần không thể sửa chữa gì được nữa. Bản tội trạng quan viết như sau: "Tất cả các quan đã nhiều lần và nhiều cách cố làm cho tù nhân bước qua ảnh, song hắn khăng khăng từ chối. Hẳn thật hắn đã bị mê hoặc bởi thứ tà đạo... Mặc dù hắn nhìn nhận những đồ đạo bắt được là đúng những đồ thờ của đạo Gia Tô, nhưng hắn vẫn không chịu nhận là của hắn. Hắn kể ra những nhân chứng để chạy tội song các nhân chứng đều chạy trốn hết. Mặc dù có thể bắt lại những người làm chứng, nhưng các chứng ấy có giá trị gì? Theo luật pháp việc cấm giảng đạo mới thì đã rõ ràng, không cần thêm chi tiết nào nữa. Luật ấy viết: 'Chúng cất giấu các đồ thờ phượng, chúng đốt hương, hội họp ban đêm và chỉ giải tán lúc rạng đông. Chúng giả bộ làm điều lành để lừa dối lòng người. Các đạo trưởng phải bắt bỏ tù để chờ hình phạt xử giảo, còn tín đồ thì phải đánh 100 roi và phát lưu suốt đời xa 300 dặm'. Vậy áp dụng luật nói trên chúng tôi xét rằng hắn là đạo trưởng chứ không phải là một tín đồ thường của đạo bị nghiêm cấm. Vì thế chúng tôi luận rằng hắn phải xử tử".
Từ khi các quan làm bản án sau cùng đến lúc hành quyết, Thầy Cần trải qua một cơn bệnh, nhưng lại được một linh mục Việt đến an ủi và cha đỡ đầu Retord gửi hai lá thư khích lệ, sửa soạn cho thầy ra chiến trường. Nhờ bí tích giao hòa và thánh thể, Thầy Cần lấy lại được sức khỏe thể xác và tinh thần. Trong cuộc đàm đạo, Thầy Cần và linh mục Việt Nam đã cố ý nói to tiếng về những lẽ đạo và những giả dối của thần phật, với mục đích để cho lính canh và các bạn tù nghe, rất có thể ơn Chúa cũng đánh động tâm hồn họ. Quả thực, một người trong bọn họ đã nói: "Nếu người trẻ này được trở về quê hương, tôi chỉ ước mong mang áo dài đến phủ phục lạy 100 lạy trước mặt ông".
Ông quan cai ngục cũng nói: "Ông ta cũng chỉ lớn bằng tôi nhưng đã có một trái tim bất khuất. Sau khi chết rồi chắc chắn ông ta sẽ làm thần và trở thành vị thần bảo vệ làng".
Trong thơ thứ nhất Cha Retord gửi cho thầy, có chứa đựng những lời cao đẹp của hiền nhân về một cái chết oai hùng. Cha viết: "Thánh ý Chúa nhiệm mầu. Có ai tin được rằng khi sai con đi lo việc đạo thì cha đã sai con đi đến chỗ chết. Ai tin được rằng khi con vui vẻ lên đường một chốc nhưng rồi đã bỏ cha ở lại mà không trở về nữa. Cha nghe biết các quan đã ra án tử cho con. Tin này làm cha đau buồn tê tái nhưng cũng tràn ngập một niềm vui khôn tả.... Nỗi khổ cực của con, gông cùm của con còn đè nặng trên cha hơn là chính con. Từ khi con vào trong nhà tù, cha cũng bước theo vào đó và cha rùng mình ghê sợ.... Nhưng đức tin an ủi cha trước những khốn khó của con. Thật vậy, các quan đã làm vinh dự con khi kết án con như là một linh mục. Sợi giây thừng và luật lệ khép án giảo vào cổ là dành cho những người có chức linh mục mà thôi. Hỡi con, hãy can đảm. Con đã tạo nên một quang cảnh làm các thiên thần phải thán phục và con người được hãnh diện. Tên con sẽ vượt xa trùng dương, danh tiếng con sẽ còn tồn tại trong khi những người bách hại con rơi vào mồ sâu quên lãng. Con hãy nhớ lại lời chép trong sách Mạnh Tử: 'Người ta yêu thích xác con gấu, người ta cũng thích xác con cá, nhưng nếu phải chọn một trong hai thì người ta phải bỏ đi xác con cá mà chọn lấy xác gấu. Người ta vừa thích sự công chính và vừa thích sống nữa, nhưng khi phải chọn thì người ta bỏ sống mà lấy sự công chính'. Đấy con xem, lời hiền nhân ngoại giáo rất đẹp sẽ được người Kitô đem ra thực hành. Hãy ôm ấp gông cùm với sức can đảm và lòng mến như Maria và Madalena ôm thánh giá của Chúa Cứu Thế. Một ngày kia các gông cùm sẽ trở thành hào quang chiếu sáng, hãy đặt chân con vào cùm với lòng sung sướng nghĩ rằng các quan đặt hoa hồng vào chân con, hãy nghĩ rằng đó là những bực thang đưa con lên trời, hãy khoác vào người màn tối tăm của ngục tù với niềm vui mơ tưởng đến tiền đường lâu đài tráng lệ thiên quốc.... Trong sách Thánh còn chép rằng: 'Những cơn gió lớn làm các ngọn cỏ mạnh thêm mà không nhổ được'. Cũng vậy cơn bách hại lung lay con là một cuồng phong. Con hãy là ngọn cỏ vững mạnh, không chịu để bật rễ, đừng tiếc nuối những khoảnh khắc vắn vỏi của cuộc sống khổ sở này. Tiên tri Hôsê (Hosea) đã ví cuộc sống này tan biến như mây buổi sáng như hạt sương đêm và như khói của lò bếp. Con hãy phó thác linh hồn trong tay Chúa, chỉ mong ước được hiệp nhất với Ngài trên trời. Cha không bao giờ quên cầu nguyện cho con. Trước đây cha coi con như người cộng tác nhưng bây giờ con thực sự là bạn chí thiết".
Thầy Cần viết thư lại cho Cha Retord tỏ lòng con hiếu thảo cảm động vì lòng yêu thương săn sóc và tràn ngập an ủi được nhận lá thư duy nhất trong tù. Thầy Cần kể lại ngày 22 tuần trăng thứ tư, khi họ cột xích vào chân thầy thì khu phố bị phát hỏa, thiêu rụi 1330 căn nhà. Các quan tin rằng vì bắt bớ người Công Giáo mà Trời giáng họa. Thầy còn thuật lại lời một cai tổng cũng bị tù nói rằng, nếu được ra khỏi tù sẽ tin đạo và làm tất cả những gì đạo truyền. Thầy Cần cũng dùng những hình ảnh đơn sơ để diễn tả tâm tình cao cả. Thầy viết: "Người đời cũng giống như những con nhện rút ruột làm thành mạng lưới để bắt những con ruồi khốn nạn. Phần con, con lại muốn bắt chước con tằm cũng rút ruột nhưng lại nhả tơ xây dựng một tổ ấm để chết và tái sinh thành những con bướm rực rỡ đền đáp công ơn đã được nuôi dưỡng".
Chính Thầy Cần đã thuật lại cho người bạn học cũ đến thăm về điềm báo ngày tử đạo. Hôm ấy vì thầy đem cho hết các lương thực, nên người bạn mới vặn hỏi tại sao. Thầy thú thực: "Đêm qua có một thiên thần hiện ra với tôi, rất sáng láng và bảo tôi chỉ giữ lại một số gạo đủ cho đến ngày xử. Vì thế tôi mang gạo cho các anh em bạn tù vì tôi sẽ chết vào ngày mà thiên thần đã báo".
Lời phê của vua vào bản án đến tỉnh Hà Nội ngày 20-11-1837. Quan Thượng còn truyền quan giám sát đến ngục ép buộc thầy quá khóa để được vua khoan hồng. Thầy Cần ngỏ lời cám ơn các quan và xin các quan cứ lệnh vua mà thi hành. Khi bị điệu ra trước mặt quan án trước khi đến pháp trường, quan án lại ép thầy chối đạo để viết tờ trình xin ơn xá. Thầy Cần quả quyết: "Nếu tôi muốn chối đạo thì tôi đã làm từ trước rồi chứ không để phải giam tù lâu như thế này".
Quan án lại đem thầy ra trình diện quan Thượng. Quan lớn vỗ về: "Ngươi còn trẻ, hãy chối đạo đi ta sẽ giúp cho".
Thầy Cần khẳng khái từ chối không làm theo ý quan. Quan lại nói: "Nếu ngươi sợ hình ảnh này thì nhắm mắt lại mà bước qua, nếu có tội sau đó sẽ xưng". - "Tôi chết như thế này là vì tôi trung thành với đạo lý tôi theo. Ai cũng phải chết cả, người thì chết bệnh, người khác vì trộm cướp hay tham lam".
Không khuyến dụ được thầy, quan giám sát được lệnh cỡi voi dẫn lính điệu Thầy Cần ra ngoài pháp trường. Thấy đám đông theo sau than khóc, thầy nói với họ: "Đừng than khóc về cái chết của tôi, nhưng hãy vui với tôi vì tôi được đến gần Chúa tôi. Đừng than trách những người đã bắt tôi, vì qua bàn tay họ mà tôi được ơn cao cả này".
Người bên lương nói với nhau: "Ông này có gan thánh gan thần, mới có bấy nhiêu tuổi mà đã khôn ngoan quả quyết, thì phải biết đạo này là đạo thật".
Thầy còn nói với họ: "Không phải vì trộm cắp cướp của mà tôi phải chết, nhưng chỉ vì lòng trung thành với đạo của Đức Chúa Trời".
Tới nơi xử là Ô Cầu Giấy, các lính làm thành một vòng tròn, còn Thầy Cần ngồi trên một tấm chiếu trải sẵn ở giữa. Theo tục lệ, lính mang thức ăn ra cho thầy, nhưng thầy từ chối xin được ít phút cầu nguyện. Sau đó lính cột thầy vào một cọc. Thầy Cần thấy có nhiều bổn đạo đứng đấy thì nói với họ: "Tôi xin cám ơn anh em của tôi. Anh em còn ở lại dưới thế này, phần tôi, tôi ra trước tòa Chúa".
Sau đó lý hình kéo giây thật mạnh. Quan thấy có điều lạ nói với lý hình: "Tại sao những người khác khi bị thắt cổ thì nhắm mắt lại ngay và thè lưỡi ra, sao ông này vẫn cứ mở mắt? Hay là đạo của họ có phép làm cho sống lại? Hãy chặt cổ cho chắc ăn".
Sau đó quan quân rút lui, ông Binh, ông Nhật, y sĩ Thanh và bà Đức liền mang xác Thầy Cần về chôn tại Chân Sơn. Vài năm sau được đem về chôn tại quê là Sơn Miêng.
Cha Retord có lòng tôn kính ngài đặc biệt. Cha viết: "Tôi thường đi bách bộ tại vườn nơi chôn cất xác thánh nhân. Tôi vui thích nghe những lời cầu khẩn của giáo dân trên mộ người thầy giảng yêu quí của tôi. Tôi cảm thấy hãnh diện đã đào tạo con người trẻ ấy. Tôi vui sướng nhớ lại khi trước người anh hùng tử đạo vẫn gọi tôi bằng cha. Nhưng bây giờ trên trời, ngài là đấng bầu cử cho tôi. Chính tôi, mỗi ngày tôi quì gối trên phiến đá mộ ngài và cầu xin chóng mang tôi đến gần cùng với các bổn đạo tôi coi sóc".
Ít lâu sau Cha Retord đã cho đưa một phần hài cốt Thầy Cần về Đại Chủng Viện ở Lyon, Tòa Giám Mục và nhà xứ Thánh Georges. Cha Retord làm chứng rằng 11 năm sau cái chết của Thầy Cần, một trong các vị quan xét xử Thầy Cần đã tin theo đạo Kitô.
Ý Kiến Bạn Ðọc