Gioan Don Bosco sinh trưởng tại miền quê nước Ý, gần thành Turin. Là con một gia đình nông dân nghèo khó, Don Bosco lại mồ côi cha từ lúc hai tuổi. Mẹ cậu phải cực nhọc vất vả để nuôi dưỡng đoàn con. Phần cậu, để giúp mẹ, cậu cũng phải gian nan vất vả, bị thất học nhiều năm. Tuy nhiên, cậu có tâm trí thông minh kèm theo một tâm hồn đạo hạnh. Cậu có nhiều phương cách để ngăn cản bạn bè làm điều mất lòng Chúa. Với một số tài khéo sẵn có, cậu lôi kéo sự chú ý của chúng, rồi hướng dẫn tâm hồn chúng về điều ngay lẽ phải.

Một đêm, trong giấùc mơ, Don Bosco thấy mình đứng giữa bọn trẻ đang đánh nhau và chửi thề. Cậu cố gắng hết sức khuyên can chúng, nhưng chúng chẳng nghe. Đột nhiên cậu thấy một người vận y phục trắng tinh tiến về phía cậu. Người ấy mỉm cười và nói với cậu:

-Bằng tình yêu, em sẽ biến chúng nên bạn hữu của em. Em sẽ chỉ cho chúng biết sống ngoan hiền.

-Nhưng thưa ông, cháu chỉ là một đứa trẻ nghèo hèn và dốùt nát!

-Qua sự vâng lời và chăm chỉ học hành, em có thể làm được việc đó.

-Thưa, ông là ai ạ?

-Ta là Con của Đức Trinh Nữ mà má em đã dậy em phải cầu nguyện với Người hằng ngày. Em hãy xin Mẹ Ta giúp đỡ.

Và ô kìa, Đức Mẹ xuất hiện! Với vẻ dịu hiền, Mẹ nói với Don Bosco:

-Con hãy nhìn xem!

Don Bosco nhìn theo tay Mẹ chỉ thấy một đoàn thú dữ. Đức Mẹ phán tiếp:

-Như Mẹ xử với các giống thú rừng này thế nào, con hãy theo đó mà xử với các trẻ em như vậy.

Và tự nhiên bầy thú trở nên đàn chiên ngoan hiền, sẵn sàng chờ chủ chiên dẫn ra đồng cỏ xanh tươi! Từ giấc chiêm bao đó, Don Bosco hiểu sứ mệnh của đời cậu là phục vụ thiếu nhi.

Ngày kia, Don Bosco được mẹ dẫn đi xem xiệc. Cậu chăm chú ngắm nhìn người làm xiệc. Một tư tưởng đẹp đến với cậu! Khi về nhà, cậu chăng sợi giây thừng giữa hai thân cây rồi tập đi trên sợi giây căng. Té lên té xuống! Em cậu đứng cười khúc khích! Nhưng cậu nhất định không nản chí. Sau mỗi lần té nhào, cậu lại đọc một kinh Kính Mừng rồi leo lên sợi giây tập tễnh bước đi. Thế mà chẳng bao lâu cậu có thể bước đi trên sợi giây cách dễ dàng.

Tập xong tài nghệ này, cậu lại tập sang tài nghệ khác của ngưới làm xiệc. Cuối cùng, Vào một tối Chúa Nhật, cậu mời một số người đến xem trình diễn. Họ ngạc nhiên thích thú và vỗ tay tán thưởng liên hồi. Nhưng ẩn sau cuộc giải trí lành mạnh đó Don Bosco còn có một động lực khác thúc đẩy. Chen kẽ các tiết mục trình diễn tài nghêï, cậu hát các bài thánh ca mừng kính Đức Mẹ. Mọi người hiện diện đều hợp giọng thánh thót dâng lên trời cao. Thế rồi cậu hô hào mọi người:

-Nào, xin qúi vị vui lòng đọc kinh Mân Côi trong khi cháu trình diễn, nếu không cháu sẽ té nhào xuống đất, bể đầu mất!

Họ nghe theo lời cậu và bắt đầu cầu nguyện. Cuối cuộc trình diễn. Don Bosco nhắc lại bài giảng của cha xứ trong thánh lễ sáng hôm đó. Mọi người ra về trong hân hoan cả tinh thần lẫn thể chất.

Một đêm khác, người ta dự trù cuộc vui chơi trần tục khiêu vũ công cộng. Cuộc vui chơi trần tục này có thể đưa đến tội lỗi. Don Bosco lúc đó mới 12 tuổi đầu, cậu suy tư, loay hoay tìm cách ngăn cản dân chúng khỏi cuộc vui chơi đó. Cuối cùng, cậu đã tìm được giải pháp. Chúa ban cho cậu có giọng hát thật hay, do đó cậu đứng giữa phố chợ bắt đầu hát. Giọng hát du dương trầm bổng của cậu đã thu hút được đám đông quần chúng. Cậu từ từ dẫn họ về phía nhà thờ, để rồi mọi người cùng với cậu vào trong nhà thờ hát kinh tối và nghe cha giảng thuyết.

Từ nhỏ, Don Bosco đã nuôi mộng trở thành linh mục. Nhưng tự biết thân mình con nhà nghèo nếu xin đi học, mẹ cậu sẽ phải vất vả và tần tiệm rất nhiều. Cậu không muốn mẹ phải hy sinh như thế. Nhưng mẹ cậu thực là người tốt lành, hiểu ý con. Bà nói với con đừng băn khoăn lo lắng về bà, nhưng hãy lo thực hiện điều Chúa muốn nơi cậu:

-Mẹ sinh ra nghèo khó, mẹ hiện sống túng nghèo, mẹ muốn chết trong nghèo hèn.

Kết quả, Don Bosco được nhập tiểu chủng viện lúc 16 tuổi.

Trong đời chủng sinh, bất kỳ lúc nào có giờ rảnh là Don Bosco tụ họp bọn trẻ mồ côi, rách rưới, rồi dẫn chúng ra ngoài đồi cỏ vui đùa với chúng và dậy giáo lý cho chúng.

Sau khi lãnh Chức Linh Mục, Cha Don Bosco trở về làng dâng lễ mở tay. Cả làng, già trẻ lớn bé vui mừng hớn hở đến dự lễ và mừng cho cha mới. Mẹ Don Bosco nước mắt trào tràn đôi mi, lăn dài trên gò má. Còn niềm vui sướng nào sánh bằng niềm vui mẹ thấy con bước lên bàn thánh tế lễ Chúa Tình Yêu!

Mấy tháng sau, đang khi dọn mình dâng lễ tại buồng áo, Cha Don Bosco chứng kiến cảnh ông từ la mắng một chú nhỏ không biết cách giúp lễ. Động lòng trắc ẩn, vị Linh Mục tới gần cậu bé can thiệp:

-Con có muốn Cha dậy con cách giúp lễ không?

Với lòng biết ơn, chú bé gật đầu lia lịa! Sau khi dậy cho cậu nhỏ biết cách giúp lễ, Cha Don Bosco xin cậu ngày hôm sau đem bạn bè của cậu đến gặp Cha.

Thế là chẳng bao lâu Cha Don Bosco đã có rất nhiều môn sinh, toàn những trẻ mồ côi, vất vưởng đầu đường xó chợ, không nhà cửa nương thân! Chúa Nhật và các ngày lễ, chúng quây quần tụ họp bên Cha để dâng lễ rồi xưng tội. Buổi chiều Cha dậy giáo lý cho chúng, rồi cùng với chúng hát những bài thánh ca. Càng ngày càng đông trẻ nhỏ kéo đến bên cha, khiến cha phải lưu tâm tìm kiếm nơi có thể dung nạp bọn trẻ. Chính mẹ Don Bosco cũng đến tiếp với Cha chăm sóc cho đoàn chiên nhỏ.

Một buổi tối, khi Cha Don Bosco đang đi bách bộ một mình, đột nhiên bốn gã to con giở trò ám hại Cha. Một con chó lạ xuất hiện từ bóng tối nhẩy vào tấn công một tên côn đồ. Ba tên kia sợ hãi bỏ chạy! Cha Don Bosco phải gọi con chó buông tha cho nạn nhân, rồi con chó lạ lùng cùng Cha Don Bosco sánh bước về nhà. Nhưng đang khi đi, bỗng nhiên con chó biến mất trong bóng đêm. Về sau, nhiều lần gặp nguy hiểm trong đời, chính con chó lạ này lại đến cứu mạng Cha Don Bosco. Nhưng tuyệt nhiên người ta không rõ nó từ đâu tới!

Ít năm sau, Cha Don Bosco thấy cần phải có một dòng tu chuyên lo giáo dục cho bọn trẻ đáng thương, không những trong thành phố mình, mà còn cho lũ trẻ khắp thế giới. Cha bắt đầu lập dòng Sa-lê-giêng. Chủ trương của Cha là giáo dục thiếu nhi bằng cuộc sống dịu hiền và đời tận tụy hy sinh. Cha khích kệ các em tiếp xúc thân mật với Chúa qua lời cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích. Công việc vĩ đại Cha lan rộng khắp nơi. Mọi người đều cảm phục trước vẻ đơn sơ, nhân hậu, và tính vui vẻ của Cha.

Sau những năm dài hy sinh cho đoàn con xấu số, Cha Don Bosco ngã bệnh và qua đới ngày 31 tháng 1 năm 1888, hưởng thọ 73 tuổi. Ngày lễ Phục Sinh năm 1934, Đức Thánh Cha Piô XI phong Cha Don Bosco lên bậc hiển thánh.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên