Bài 2

I. Những bước khởi đầu

Phụng vụ Kitô giáo bám rễ sâu trong truyền thống Kinh Thánh, kể cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Rất nhiều cử chỉ, lời đọc, nghi lễ trong phụng vụ bắt nguồn và gợi hứng từ các cử hành của anh em do thái, ví dụ: việc đọc Thánh Kinh, chú giải Lời Chúa, lời cầu nguyện bằng thánh vịnh, các cử chỉ đứng, ngồi, phủ phục, hoặc các yếu tố vật chất như hương lửa, nước, dầu … Hơn nữa, nhiều yếu tố nền tảng của cử hành bí tích hiện nay được lấy lại từ các thực hành của Chúa Giêsu và các tông đồ, ví dụ: cử hành nghi lễ Bẻ bánh, cử hành Thánh tẩy, xức dầu bệnh nhân …

Có thể nói phụng vụ của Giáo Hội trong giai đoạn đầu đã tiến triển từng bước, với những yếu tố vay mượn của anh em do thái, nhưng cũng mang những nét đặc thù của Kitô giáo như:

· Tầm quan trọng của các buổi tập họp do Chúa Kitô quy tụ. Đối với Giáo Hội thời đầu giá trị của cuộc tập họp phụng vụ không lệ thuộc vào tư cách nhân trần của bất cứ người nào, nhưng lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa Kitô.

· Nơi cử hành phụng vụ có thể ở Đền thờ Giêrusalem (Cv 2, 14-16; 3,1-10), nhưng cũng có thể tại tư gia (Cv 2, 46; 5,42). Khi lên Đền thờ cầu nguyện với anh em do thái, Giáo Hội ban đầu đã không muốn thoát ly ngay việc phượng tự do thái; nhưng khi cử hành bẻ bánh tại tư gia, Giáo Hội đã muốn diễn tả nét đặc trưng mới mẻ của Giao Ước mới so với các cử hành của Giao Ước xưa.

· Khi cử hành bẻ bánh các tín hữu tham dự vào Bữa Ăn của Chúa, Bữa Ăn Vượt Qua của Đức Kitô, nơi đó Ngài trao ban Thân mình Ngài như hy lễ tạ ơn dâng lên Chúa Cha và để nuôi sống con người. Trong thời kỳ này cử hành bẻ bánh được lồng trong khung cảnh bữa ăn thường ngày.

· Sự hiện diện của Chúa Kitô trong cử hành phụng vụ còn liên kết với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài chuẩn bị cho con người đón nhận và thấu hiểu mầu nhiệm Chúa Kitô. Ngài không những giúp con người hiểu mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng còn làm cho các biến cố cứu độ hiện diện và tác động trong hiện tại, nghĩa là làm cho mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô được cử hành chứ không lặp lại.

· Ngày Chúa nhật là nét khác biệt cơ bản giữa phụng vụ Kitô giáo với anh em do thái. Ngày này được nối kết với mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trong khi anh em do thái nhấn mạnh vào ngày sabbat (thứ bảy) thì các kitô hữu tiên khởi lại nhấn mạnh và tập họ cử hành phụng vụ vào ngày thứ nhất trong tuần (tức ngày chúa nhật).

· Ngoài ra cử hành Thánh tẩy còn mang một ý nghĩa mới không giống việc thanh tẩy của người do thái: Nhờ phép Thánh tẩy người tín hữu đón nhận Thánh Thần và ơn nghĩa tử của Thiên Chúa (Rm 8, 14-17; cf Gl 3, 26-28; 4,4-7). Họ được liên kết mật thiết với Chúa Kitô, cùng chết, mai táng và sống lại với Ngài (Rm 6, 3-4). Qua Thánh tẩy con người được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần. Đây là một cuộc tái tạo tận căn do sức mạnh của Thiên Chúa, có sức biến đổi toàn diện con người từ thâm sâu, chứ không chỉ là sự gột rửa bề ngoài (Ga 3,5) và nhờ Thánh tẩy, tất cả các tín hữu kiến tạo nên một Thân thể duy nhất là Hội Thánh (1Co 12, 13).



II. Từ các giai đoạn hình thành đến Công đồng Vatican II

Ngoài các chỉ dẫn nền tảng về cử hành phụng vụ theo các trình thuật Tân Ước, thì bốn thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội được gọi là phụng vụ ứng khẩu, nghĩa là trong giai đoạn này (tk I-IV) phụng vụ chưa có gì cố định, tất cả lệ thuộc giám mục, ngài chủ toạ và điều hành các buổi phụng vụ theo khả năng và truyền thống nhận từ các tông đồ. Người ta phải hiểu chính xác ngôn ngữ “ứng khẩu” trong giai đoạn này là Ứng khẩu không đồng nghĩa với “tự biên tự diễn” tại chỗ, nhưng được hiểu là các giám mục có quyền tự soạn các bản văn phụng vụ và lời nguyện cho địa phương mình, không phải theo một quy tắc bắt buộc nào. Tuy nhiên khi ứng khẩu ngài vẫn phải dựa trên nền tảng đức tin tông truyền rồi đem áp dụng vào Giáo Hội địa phương cách uyển chuyển và tự do theo khả năng.

Sau thời ứng khẩu đến giai đoạn từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII được gọi là thời hoàng kim hình thành các nền phụng vụ Kitô giáo. Các gia đình phụng vụ Đông phương và Tây phương dần dần được cố định và ảnh hưởng lẫn nhau. Mỗi gia đình phụng vụ mang những nét đặc trưng riêng vừa ghi dấu văn hóa hay vùng địa lý, vừa là cách biểu lộ đức tin theo từng nơi.

Từ thế kỷ IX đến trước công đồng Trentô (tk XVI) phụng vụ bị pha tạp nhiều, người ta thêm các yếu tố phụ đôi khi làm lu mờ các cử hành chính, và trong chiều hướng này người ta gia tăng các lối giải thích ẩn dụ để thoả mãn sự hiểu biết của dân chúng, vai trò của dân Chúa không còn được nhấn mạnh và cử hành phụng vụ thường bị chi phối bởi hàng giáo sĩ … từ đó phát sinh nhiều lạm dụng, dẫn đến các phong trào cải cách đôi khi trở nên đối lập và phe phái trong lòng Giáo Hội.

Công đồng Trentô mở một kỷ nguyên mới trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội. Đây là Công đồng canh tân đã đem lại cho các cử hành phụng vụ ý nghĩa đích thực, với việc điều chỉnh lại các lạm dụng và rườm rà trước đó. Việc canh tân của Công đồng Trentô ảnh hưởng và kéo dài trong nhiều thế kỷ. Các hướng đi của Công đồng Vatican II (tk XX) vừa kế thừa di sản của Công đồng Trentô, vừa tiếp tục công việc canh tân mà Công đồng Trentô đã làm trước đó 4 thế kỷ.



BÀI HỌC GHI NHỚ



1. Phụng vụ Kitô giáo đã mượn nhiều yếu tố trong cử hành phụng tự của do thái giáo, chẳng hạn từ việc đọc Kinh Thánh đến đến các cử chỉ và yếu tố vật chất được sử dụng trong phụng vụ.

2. Dù vay mượn, nhưng Kitô giáo đã sớm tổ chức cho mình một nền phụng vụ riêng biệt với những đặc tính mà anh em do thái không có, chẳng hạn ý thức sự hiện diện của Chúa Kitô, vai trò của Chúa Thánh Thần, tầm quan trọng của ngày chúa nhật …

3. Phụng vụ Kitô giáo đã không hình thành đầy đủ ngay một lúc nhưng tiến triển từng bước: từ giai đoạn ứng khẩu đến việc hình thành các gia đình phụng vụ, từ những lạm dụng suy thoái đến công việc canh tân … Tất cả minh chứng bản tính nhân loại của Giáo Hội và tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên