Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (1914-22)

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo trong thời Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV dính liền với một thảm họa lớn đã càn quét Âu Châu trong thời kỳ này: Thế Giới Ðại Chiến I. Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã giữ thái độ trung lập chính trị và cực lực lên án các lạm dụng của bất cứ phe phái nào, một cách công khai hay riêng tư, bất cứ khi nào ngài nhận thấy. Ngài đã viết ba thông điệp về vấn đề hòa bình và hòa giải. Ðức giáo hoàng cũng cho phép trợ cấp các nạn nhân chiến cuộc: năm triệu rưỡi tiền Ý của quỹ giáo hoàng và ba mươi triệu tiền quyên góp của người Công Giáo trên thế giới. Mặc dù Ðức Bênêđíctô XV đôi khi bị nghi ngờ và bị chỉ trích bởi các quốc gia có tham dự trong cuộc chiến vì ngài từ chối đứng về phe này hay phe kia, nói cho cùng ngài đã thi hành nhiều công việc hơn bất cứ một trung gian quốc tế nào để phá vỡ các bức tường thù hận.

Một biến cố quan trọng có ý nghĩa cảnh giác cũng như hy vọng cho thế giới đã xảy ra trong thời Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Vào năm 1917, Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã hiện ra với ba trẻ ở Fatima, Bồ Ðào Nha, và liên tiếp trong năm lần sau đó vào ngày mười ba mỗi tháng. Ðức Maria tiên báo Thế Chiến I sẽ chấm dứt nhưng cảnh cáo rằng, nếu không cầu nguyện và ăn năn sám hối, "nước Nga sẽ gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới, đưa đến chiến tranh và bách hại Giáo Hội." Ðây là điều tiên tri lạ đời vì lúc ấy nước Nga sống về nông nghiệp và còn suy yếu vì cuộc nội chiến. Mỗi lần Ðức Maria hiện ra, ngài yêu cầu lần chuỗi mai khôi hàng ngày và suy niệm về các mầu nhiệm. Sau cùng, Ðức Maria yêu cầu mọi người, mọi gia đình, mọi quốc gia (nhất là nước Nga) được tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria. Việc tận hiến nước Nga được thể hiện bởi đức giáo hoàng cùng hiệp nhất với các giám mục trên thế giới.

Thật quan trọng để biết rằng tâm điểm thông điệp Fatima là thông điệp căn bản của Phúc Âm -- kêu gọi dân Chúa ăn năn sám hối, tin vào Ðức Giêsu Kitô, và sống đạo tốt lành. Ðể chứng minh cho thế giới biết sự xác thực của việc hiện ra, Ðức Maria nói với các trẻ là vào ngày 13 tháng Mười 1917, Thiên Chúa sẽ cho một dấu hiệu. Vào ngày ấy, hàng trăm ngàn người đến dự kiến, cả Kitô Hữu cũng như người tò mò, tất cả đã chứng kiến cảnh mặt trời dường như xoay tròn và nhẩy múa trên trời, là một hiện tượng mà không ai có thể giải thích một cách khoa học.

Một biến cố khác thay đổi lịch sử thế giới. Cuộc Cách Mạng Tháng Mười ở Nga đã đưa đảng Bolshevik của Lenin lên cầm quyền, đánh dấu sự khởi đầu của chế độ cộng sản ở Nga: khai sinh Liên Bang Sô Viết. Chủ thuyết cộng sản là một triết thuyết chính trị vô thần của Karl Marx (1881-83), kêu gọi giới vô sản lật đổ các chính thể tư bản đàn áp. Giới vô sản, hoặc giới lao động, từ nay sẽ nắm quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất cũng như chính quyền. Trên thực tế, các quốc gia cộng sản trở nên độc tài do một thiểu số nắm quyền cai trị. Marx tẩy chay mọi tôn giáo, cho đó là "thuốc phiện của đám đông" vì dạy bảo tín hữu tìm kiếm phần thưởng ở trên trời trong khi chấp nhận sự áp bức và đau khổ ở đời này. Ðối với Marx và chủ thuyết cộng sản, đời này là tất cả, và tôn giáo không có chỗ đứng. Ðặc biệt, Giáo Hội Công Giáo, với số tín đồ trên toàn thế giới và sự tuân phục đức giáo hoàng, bị chủ nghĩa Mácxít coi là kẻ thù số một. Mặc dù Giáo Hội Công Giáo không mạnh mẽ lên án chủ thuyết này cho đến khi bắt đầu cảm thấy hậu quả của nó, vào khoảng đầu năm 1878, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII nhìn thấy trước sự nguy hiểm của chủ thuyết cộng sản khi ngài gọi lý thuyết của Marx là "căn bệnh hiểm nghèo lọt vào xã hội loài người chỉ để làm hư nát." Sứ điệp Fatima nói rằng phương cách duy nhất khiến chủ thuyết cộng sản tan rã là qua sự cầu nguyện của Kitô Hữu, chứ không phải sức mạnh quân sự.

Ðức Giáo Hoàng Piô XI (1922-39)

Sau khi viết chín văn kiện chính thức về hiểm họa của chủ thuyết cộng sản, Ðức Giáo Hoàng Piô XI nghiêm khắc lên án cộng sản vô thần trong tông thư Dinivi Redemptoris, được công bố vào ngày lễ Thánh Giuse Thợ năm 1937. Trong thời làm giáo hoàng, Ðức Piô XI còn phải đương đầu với hai ý thức hệ nguy hiểm khác -- chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã, cả hai đều xuất hiện dưới hình thức các chính thể đàn áp, chuyên chế. Năm 1922, Benito Mussolini đứng đầu chủ nghĩa phát xít tiếp thu nước Ý. Biết rằng cần có sự hỗ trợ của Giáo Hội Công Giáo ở Ý, vào năm 1929 Mussolini đã ký một thỏa ước với Ðức Piô XI, đem lại sự hòa bình giữa Giáo Hội và chính quyền, nhưng chỉ sau khi Ðức Piô XI giao quyền kiểm soát các lãnh địa của giáo hoàng cho Mussolini. Ðây là một may mắn lớn cho Giáo Hội, vì nó chấm dứt ý tưởng cho rằng quyền bính của đức giáo hoàng là tùy thuộc ở tài sản trần thế nhiều hay ít. Ðức giáo hoàng, thay mặt cho Giáo Hội Công Giáo, từ chối hỗ trợ chính phủ phát xít, và đổi lại, chỉ chấp nhận sự độc lập và an toàn của một trăm lẻ chín mẫu đất, là Vatican.

Vào năm 1933, Ðức Piô XI còn phải ký kết một thỏa ước khác với tân lãnh tụ Ðức Quốc Xã, Adolf Hitler. Một lần nữa, đức giáo hoàng từ chối bất cứ vai trò chính trị nào của Giáo Hội Công Giáo trong chế độ Hitler và chỉ tìm cách đảm bảo sự tự do và quyền lợi trọn vẹn của người Công Giáo ở Ðức. Trước khi chữ ký ráo mực, Hitler bắt đầu đàn áp Giáo Hội Công Giáo và khởi sự chính sách ghê tởm đối với người Do Thái. Chế độ phát xít cũng bắt chước hành động ấy ở Ý. Sau một vài năm kiên nhẫn và chống đối không có hiệu quả, vào năm 1937 Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã ra một thông điệp nẩy lửa, Mit Brennender Sorge, dứt khoát lên án chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã.

Giáo Hội Công Giáo còn chịu đau khổ vì cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha vào năm 1936 cũng như vì các nhà cầm quyền muốn chà đạp Công Giáo ở Nga và Mễ Tây Cơ. Các linh mục và giám mục ở Nga và Mễ Tây Cơ bị cầm tù hoặc bị tử hình vì chế độ cộng sản. Ðây là những biến cố bi thảm, nhất là đối với vị giáo hoàng là người muốn thiết lập một vương quốc bình an của Ðức Kitô trên trần gian. Việc ngài thiết lập lễ Ðức Kitô Vua năm 1925 là để nhắc nhở cho mọi người biết, Ðức Kitô là Vua của các quốc gia, đó là điều cần thiết nhưng đã bị quên lãng ở nhiều nơi.

Ðức Giáo Hoàng Piô XI còn giữ vai trò lãnh đạo trong các sinh hoạt truyền giáo và giáo huấn xã hội. Công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo tiếp tục phát triển trên toàn thế giới, và Ðức Piô XI là vị giáo hoàng đầu tiên có thể tấn phong các giám mục thuộc các sắc dân địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ban bố thông điệp Rerum Novarum của Ðức Lêô XIII, vào năm 1931, Ðức Piô XI đã ban bố một thông điệp của chính ngài, Quadrigesimo Anno, trong đó ngài đưa ra các nhận định luân lý về vấn đề tư bản và lao động, cũng như các ích lợi và giới hạn của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Như mọi giáo huấn Công Giáo khác về xã hội, các giá trị của Ðức Giêsu Kitô và Phúc Âm được coi là tiêu chuẩn tối cao để thẩm định và phê phán các nguyên tắc và hệ thống kinh tế và chính trị. Phong trào Công Giáo Tiến Hành tiếp tục được khích lệ như một phương cách để thấm nhập giá trị phúc âm vào thế giới. Ðức Piô XI tiếp tục nhấn mạnh rằng con đường duy nhất để có hòa bình và hạnh phúc là qua sự trị vì của Ðức Kitô, Vua của tất cả nhân loại.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên