Đỗ Đức Thu
I

Lý Toét ốm. Lý Toét ốm đã mấy tháng, nhưng độ mươi hôm nay, bệnh tình xem ra trầm trọng. Lang Băm, một danh y trong xóm, đến thăm bệnh. Bắt mạch xong, Băm gọi bà Lý ra ngoài hiên, thì thầm nói nhỏ. Bà Lý ra chiều thất vọng, mượn người đánh dây thép nhời cho cô Ba Vành ở ngoài mỏ. Được tin bố sắp chết, cô Ba Vành lật đật thu xếp về ngay.

Xã Xệ mấy hôm nay ở luôn bên nhà Lý Toét. Nhà neo người, bà Lý và cô Ba Vành là đàn bà, người con cả Lý Toét đi Tân Thế Giới đã lâu, không thấy tin tức, chưa rõ sống chết ra sao. Còn đứa nhỏ, thằng Toe, thì hãy còn là đứa trẻ ranh thò lò mũi, cả ngày chơi đùa với trẻ con ngoài đường. Thằng Toe mới lên bảy, nhưng đã giống bố về hai con mắt.

Xã Xệ sang trông nom giùm. Ngày thường, hai người vẫn không ưa nhau, hay khích bác, xỏ xiên, hoặc nói cạnh khóe. Nhưng thực ra cả hai cùng tốt. Lúc này Xã Xệ cũng quên những mối hiềm cũ. Vả lại cả hai còn có một nhược điểm chung nó dễ làm gần nhau: chén rượu. Xã Xệ sang, mỗi ngày bà Lý phải mua một chai bố.

Tin Lý Toét sắp chết lan ra khắp xóm, ai ai cũng để ý. Bà Lý ra ngõ thường gặp nhiều người hỏi thăm. Có người lại hỏi thăm qua hàng rào. Với ai, bà cũng trả: "Cảm ơn bà - ông, hoặc bác - ông Lý nhà tôi đã khá".

Tuy vậy, họ cũng biết thừa là ông Lý sắp chết. Lang Băm đã bảo ông Lý khó qua được đêm nay. Chiều nào Băm cũng cả quyết như vậy mà ông Lý vẫn dai dẳng sống hơn một tuần lễ rồi. Có người độc miệng mỉa mai: "Đã chết được kia à? Còn là khổ! Lúc giữ triện đồng, đục khóet lắm, bây giờ khó lòng mà nhắm được mắt."

Họ đã sửa soạn cả. Nhiêu Còm đã mở chiếc hòm mục lấy cái áo the cũ bạc vai, vá khuỷu tay, sắp sửa để đi đưa ma ông Lý và đánh chén. Bọn trẻ con cũng vui vẻ; chúng thấy trong xóm có sự lạ, và như chúng ngửi thấy mùi xôi thịt. Bác Ngọ, bán hàng sũ ở đầu xóm, đã sắp sẵn một cỗ ván tốt, và nhấm nháy Xã Xệ, để ông Xã khỏi mua hàng của bác Mùi, dưới cuối xóm. Xã Xệ ngắm nghía cỗ ván, vuốt chiếc tóc trên đầu, hoặc gãi vào cái bướu gần thái dương, trả lời viển vông: "Được, để tôi hỏi bà Lý xem". Rồi đến lượt Khán Thân làm hàng mã, Nhiêu Tuất bán hàng vải. Xã Xệ thấy ai cũng tử tế, cũng có ý ngầm mời đánh chén. Mọi khi bọn này, mỗi khi chàng đi qua, thường chỉ lên đầu cười rúc rích, hoặc nói cạnh đến cái tóc. Mấy hôm nay, mỗi lần về nhà, Xã Xệ thường phàn nàn với vợ: "Bác Lý ốm, thành mình cũng vất vả lây". Bác Xã gái an ủi chồng, rồi lại giục sang nhà Lý Toét. Vợ Xã Xệ muốn tống chồng đi cho khỏi tốn rượu. Mà Xã Xệ cũng chẳng muốn ở nhà.

II

Nằm dúm trên giường, Lý Toét mở thao láo hai mắt nhìn lên đình màn. Người khô đét như con mắm, tuy đắp chăn mà các đầu xương vẫn hằn ra ngoài, mặt võ vàng, gò má lồi ra, hai mắt sâu thành to thêm. Tóc hai bên thái dương lốm đốm bạc và rụng dần, búi tóc chỉ còn bằng củ hành to.

Đầu giường có vài chiếc bát không, cơ chừng bát uống thuốc; một đĩa mía tiện sẵn, toàn khẩu nạc, mấy quả cam, táo. Cô Ba Vành hết lòng săn sóc bố, nhưng nào bố có ăn được! Hai con mắt vẫn tỉnh lắm, rất tinh nhanh. Có lúc râu mép vểnh lên, mấp máy. Khi mệt yếu quá, Lý Toét rên khừ khừ hay thở dài những tiếng thực mạnh, làm Xã Xệ giật mình chạy lại. Lý Toét nhìn Xã Xệ, dáng tức tối, có lẽ vì Xã Xệ đang uống rượu gian bên.

Trong nhà im lặng. Ai nấy đi lại rón rén, không động mạnh guốc. Cạnh chân giường Lý Toét, mấy cái củi gộc lom dom trong chiếc bếp kê tạm để hâm thuốc, và để cho ấm nhà. Thỉnh thỏang Xã Xệ đến cạnh bếp, cúi lom khom cời lửa. ánh sáng chiếu vào cái đầu mập lù, bóng nhoáng. Cô Ba Vành ngồi trong buồng khâu vội mấy chiếc áo trắng. Bà Lý bận cơm nước, thằng Toe vẫn đi chơi với trẻ. Hai con chó, con Vàng và con Vện, nằm ép dưới gầm cũi, chẳng buồn cắn những người tới hỏi thăm.

III

Vào khỏang mười giờ đên, Lý Toét qua đời. Đến sáng hôm sau thì khâm liệm xong xuôi, trong nhà đã sẵn sàng cả. Con mèo tam thể đã bị nhốt chặt trong cũi. Mờ mờ sáng, bác Ngọ đã cho khiêng cỗ ván đến, một cỗ ván gỗ dổi, hai đầu có chữ thọ bôi đen. Rồi cả bọn tuần phiên kéo đến. Lúc nhập quan là lúc thê thảm nhất; bà Lý và cô Ba Vành khóc vang, tiếng đập thình thình làm hàng xóm cũng thương xót. Thằng Toe chẳng hiểu gì, thấy người nhớn khóc cũng khóc theo, và xán quanh chỗ bàn thờ.

Suốt ngày tấp nập những người đến viếng. Họ mang theo vàng hương, nến, rượu hay những câu đối bằng vải trắng viết chữ lơ. Họ lễ trước linh sàng, phường kèn cử những bài thê thảm. Bà Lý ở dưới bếp vội chạy lên đáp lễ, khóc hu hu kêu ông Lý. Lễ xong, bà lấy vạt áo chùi mắt rồi chạy xuống bếp sửa sang mâm cơm rượu đãi các người đến giúp.

Họ sang giường bên nói chuyện với Xã Xệ ngồi chĩnh chện, đầu quấn khăn và cái tóc vẫn lắc lư. Bây giờ Lý Toét chết, ai cũng thương xót. Họ nhắc lại khi sinh thời, ông đã hết lòng với hàng xóm. Họ khen ông tinh nhanh, thông minh, lanh lợi, thôi thì đủ các đức tính. Xã Xệ kể lại hàng trăm lần bệnh tình ông Lý, lúc nguy kịch, khi lâm chung.

Sáng hôm sau đưa đám, trời lại mưa. Người ta nói trời mưa là vì cô Ba Vành, lúc rửa ráy cho ông Lý lần cuối cùng xong, không sẽ đổ úp chậu nước xuống gậm giường, mà lại đem hắt tung tóe ra sân. Trong xóm đủ các người tai mặt đến đưa ông Lý ra đồng. Trẻ con theo cũng đông. Đám ma chẳng có gì lạ, đại khái như mọi đám ma ở nhà quê. Linh xa, bộ đòn sơn son có nhà táng sặc sỡ, và ít câu đối, một phường kèn. Đằng sau bộ đòn có treo lủng lẳng một cái gậy, biểu hiện một người con trai vắng mặt: thằng đi Tân Thế Giới. Cô Ba Vành lăn đường lấm như vùi.

Lúc hạ huyệt, không có điếu văn, không có hoa. Họ lấp đất cho nhanh, đốt nhà táng cho chóng, vì trời mưa nặng hạt. Bà Lý, cô Ba Vành kể lể, khóc bù lu bù loa. Mấy viên hương chức che ô đứng ở bờ ruộng, đứng đắn và trầm ngâm. Thằng Toe, không ai để ý đến, đã chạy ra chỗ đốt nhà táng nhặt mặt kính. Bọn đô tùy hắt từng xẻng đất xuống huyệt, chẳng mấy lúc đã đầy. Họ vội vàng, vì về còn rửa chân tay để đi uống rượu.

IV

Trước lúc đưa đám, bà Lý đã cẩn thận giao phó cho người ở nhà trông nom xôi thịt, sửa soạn cơm rượu đãi làng. Vậy mà lúc về vẫn thấy mất mát, suy suyển. Đại khái năm miếng thịt bỏ vào luộc thì lúc vớt ra còn bốn, hay ba. Nhiều mâm xôi bị khoét giữa hay vẹt cạnh. Một thúng gạo mang ra ao vo thì lúc về còn nửa. Những người làm giúp được dịp ăn cắp. Người coi có biết cũng phải ngơ, sợ mất lòng, họ bỏ về. Trong khi có việc, họ đến cho là quý.

Chẳng mấy lúc làng đã họp đông. Trong nhà, ngoài sân đông chật, từ các bô lão sáu bảy mươi, cho tới lũ trẻ lên sáu, lên bảy. Đứa nhỏ quá thì đã có người nhà, hoặc anh nhớn bế đi. Họ khỏa chân ở cầu ao trước cửa rồi vào nhà ngồi đợi. Mấy hồi lệnh inh ỏi giục người đi chậm. Trong nhà không đủ chỗ, phải giải chiếu ra hè cho lũ trẻ; không đủ chiếu, chúng ngồi ngay xuống đất.

Tiệc rượu bắt đầu. Trẻ con xúm quanh những mâm gỗ vuông, đầy những đĩa thịt luộc còn đỏ, đĩa xôi đơm điêu, bát nước dùng trắng nhợt và vẩn đục, đĩa rau cải xanh. Chúng ăn ngốn ngấu, gọi cơm om sòm. Chúng chỉ ăn dưa và nước canh, xôi thịt để dành phần mang về. Bên cạnh mâm đã sẵn ít tầu lá chuối. Chẳng mấy lúc, bụng lũ trẻ đã thẳng căng, chúng lẻ tẻ ra về.

Bên trong, người nhớn đứng đắn, ăn uống lâu hơn, vì còn kề cà chén rượu. Câu chuyện bắt đầu từ tốn. Khi chai không xếp bàn bên đã nhiều thì tiếng nói to thêm, rồi thành những cuộc tranh biện hùng hồn của các ông Lý, ông Hương, về việc làng, việc nước, hay việc trời đất. Các ông quên hẳn là đang ở trong nhà có tang. Một người to tiếng, người nữa to tiếng hơn. Trong nhà ồn ào, bà Lý vừa cô Ba chúi ở dưới bếp. Xã Xệ im lìm uống rượu, mặt và đầu đã đỏ hồng như quả táo chín, cái tóc xoắn tròn và vểnh ngược lên.

Mãi đến chiều mới tan. Ai nấy đều say mềm, có người loạng choạng đi không vững. Hương Dần vịn vào vai Xã Quít. Vừa khỏi cổng, có lẽ vì thoáng gió, Dần nôn thốc tháo cả những thức vừa ăn. Hơi rượu sặc sụa, trẻ con xúm lại xem đông. Quít thụt ngay chân xuống rãnh nước, gói phần tung xuống bùn. Dần cũng xuống theo. Nếu không có người giữ thì không hiểu hai người làm sao ra khỏi rãnh nước. Nhiêu Mão đâm vào hàng rào, lưỡi líu lại mà vẫn ba hoa nhất định cãi mình không say. Thỉnh thỏang gió đánh lật cái áo lương lên, bọn trẻ con thấy quần chàng ướt suốt từ đũng xuống gấu.

V

Mấy hôm sau, dân trong xóm đã quên hẳn Lý Toét. Xã Xệ về uống rượu ở nhà. Cô Ba Vành đi với ông Tây mỏ. Trừ có bà Lý, đêm nào cũng sụt sịt khóc chồng.

Rút từ tập truyện ngắn Vỡ lòng,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1940
đi chơi tết | anh thùy

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên