Phan Thị Vàng Anh
1.

Những vườn xung quanh, mai đã bắt đầu trụi lá. Ngày nào, chú Tảo cũng cái quần soọc đen lơ lửng, áo may-ô thủng lỗ chỗ, đầu đội cái nón kết đỏ, len lỏi giữa những hành cây hỏi sang: "Bên ấy chưa nhặt lá à?". Chưa ai nhặt lá mai cả. Trong vườn, mai vẫn rậm rịt, không ai rảnh mà làm việc ấy, gần cuối năm, bà cụ lại được mời đi tỉnh chơi, những người trẻ còn lại trong nhà đùn đẩy nhau, ai cũng ngại, ai cũng cố cho rằng người ta chỉ bày vẽ, chứ cứ thử không nhặt xem, nó có nở không? Nở quá đi chứ!

Rồi một người nhớ ra, bảo "Ờ năm nay không có chú nhỏ nào đến nhặt lá giùm nhỉ?". Ở nhà, không cần quy ước, cứ ai lân la tán tỉnh Hạc đều được gọi là "chú nhỏ", có chú đến rồi đi luôn, có chú lai rai lâu lâu đảo qua một lần rồi biến mất, mỗi chú để lại một vài kỷ niệm trong nhà, trong vườn, trong cái trại gà lợp lá dừa mục nát. Đó là những cái ghế con đóng vuông vức đầy đinh; những cành cây bị bẻ quặt, uốn cong, cố vặn theo hình con lân, con phụng; là hệ thống máng ăn cho gà, dùng không biết bao giờ mới hỏng... Mọi người vẫn đùa, hỏi: "Hạc! Mày có nhớ thằng nào làm việc nào không?". Hạc vêu mặt cười: "Nhớ chứ, tôi ghi sổ hết mà!". Mọi người cười đe: "Cẩn thận! Một trong những thằng ấy mà vớ được cuốn sổ thì mày khốn!"

...Ờ đúng rồi, mấy năm nay chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc. Tuyến lấy vợ. Nhật xuất cảnh. Chức cách đây mấy hôm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở một đứa con gái bé như cái kẹo, không ôm iếc gì cả nhưng nhìn thì biết ngay là bồ bi.ch. Đó là những "chú nhỏ" năm xưa, tay lăm lăm kéo, đứng chông chênh trên cái ghế gỗ, hay khom lưng giữa những tàn mai già, nhặt lá. Lá mai xạm màu rơi đầy gốc, họ lại nghĩ ra việc quét vườn. Hạc lúc tựa gốc mít, lúc đi quanh chú nhỏ, nói chuyện "ngụ ngôn", đôi khi buồn cười, thấy hình như đã nói những câu thế này, cũng trong tiếng chổi lạt xạt quét vườn, vào năm ngoái, với người năm ngoái. Rồi về, nấn ná ở cổng, hẹn Tết nhớ đến coi mai nở, à trước Tết chứ, để còn chở đi chợ. Năm nào Hạc cũng phải giảng giải việc đi chợ Tết cho một người nào đấy, anh chị trong nhà lại cười: "Người vô duyên, không giữ ai được quá một năm!".




2.

ốt cuộc, cả đám người trẻ tuổi trong nhà vừa quyết định vừ cười láu cá: "Khỏi, thử một năm không nhặt lá, biết đâu hoa ra lác đác lại chẳng đẹp hơn?". Họ vùi đầu vào mua sắm, may cho nhanh mấy bộ quần áo Tết. Hai mươi tám Tết bà cụ mới về, đứng lọt thỏm giữa những bị cói, giỏ cước, trẻ con trong nhà ùa ra, miệng hét, tay xách, người lớn cũng ùa ra, cười: "Tết về rồi!". Bà cụ nhìn khoảng vườn còn rậm rịt lá mai, lắc đầu: "Chúng mày đáng sợ thật!" . Cả lũ lại cười.

Mùng Một, mùng hai Tết, không có mai, Hạc thấy Tết giống như một ngày chủ nhật, như nhà ai giàu có làm đám cưới đốt pháo thật nhiều. Một người nói: "Mày đừng có đổ thừa! Cái hoa mai quê mùa ấy việc gì làm mày mất Tết", rồi ngậm miệng ngay, nhìn Hạc như muốn nói: "Chẳng qua năm nay không thằng nào đến nữa mà thôi!". Hạc cũng chỉ cười, vào nhà nằm, lôi mấy tờ báo Xuân ra xem mà thấy buồn rũ rượi: "Năm nay mình đã bao nhiêu tuổi? Vì sao những ngày lễ Tết mình luôn phải nằm nhà?".

Một đứa cháu trèo lên giường, moi móc từ trong túi ra một đống hạt dưa và một nắm phong bao ra đếm la.i. Hạc cườ`i: " Dì thấy con đếm phải đến chục lần chứ không ít!". Cô nghĩ: "Ngày xưa mình cũng như thế này" rồi lơ mơ ngủ mất.




3.

ọi người kêu lên ngán ngẩm: "Hết Tết!". Rồi vặn đồng hồ báo thức, dậy sớm đi làm trở la.i. Bây giờ bà cụ mới đi nhặt lá mai được, lụi cụi từ gốc này qua gốc khác, thỉnh thoảng pháo sót lẹt đẹt đâu đó trong xóm nhỏ. Hạc đi quanh mẹ: "Chi vậy?". Bà cụ móm mém cười: "Tội nghiệp, nhặt để nó nở!".

Mai nở. Một chiều kia, như đã hẹn, một cô bạn dẫn ông anh họ đến nhà Hạc, gửi anh ta lại bảo: "Ra chợ một chút" rồi phóng xe đi mất, lại bỏ nhỏ: "Ông đàng hoàng lắm đó!". Anh ta lù khù, tay khư khư giữ cái mũ vàng như củ nghệ, chậm chạp, mãi mới cởi được xăngđdan để vào nhà. Hạc cau mày: "Khi mình còn trẻ, cỡ này đừng hòng bò đến gần!". Rồi đau đớn nghĩ: "Sao mình cay đắng thế này!".

...Ho. ngồi một lúc lâu, có tám trang báo giở qua giở lại, chẳng đọc được tin gì. Cũng không biết nói chuyện gì. Hạc rủ: "Ra vườn xem mai chơi!". Họ đi qua những góc vườn, nơi khoảng một chục cây mai bung ra đặc kịt những hoa vàng nở muộn. Hạc nghĩ: "Có mai rồi đấy, mà vẫn không thành Tết!". Hai người khoanh tay bước, chỉ có tiếng lá mai lạt xạt dưới chân. Họ vẫn không biết nói gì, nghiêm trang như giám khảo hội hoa Xuân... Và nắng chiều tắt dần, như một dải voan cũ vắt trên ngọn cây, nhợt nhạt...





--------------------------------------------------------------------------------



nhặt lá: chỉ công việc ngắt bớt lá trên cành mai để hoa mai nở đúng dịp Tết.

Truyện ngắn này được trao giải nhất (đồng hạng với Đường Tăng của Trương Quốc Dũng trong cuộc thi truyện rất ngắn (không quá 1000 chữ) do bán nguyệt san Thế Giới Mới tổ chức năm 1994.

Lời bàn của Nguyên Ngọc:

Đọc xong Hoa Muộn, thú thật tôi đã làm một công việc lẩm cẩm: tỉ mẩn đếm xem truyện có quá 1000 âm tiết, có phạm quy cuộc thi không?

Bởi vì chẳng hề có cảm giác cố gò trong khuôn khổ chật cứng quy đi.nh. Trái lại cứ thong dong, đủng đỉnh như không. Câu văn cứ trễ tràng, thậm chí cố tình lười biếng lê thê nữa. Bố cục cố tình luẩn quẩn, tạo cho truyện một không khí mệt mỏi, buồn chán, lỡ làng, phi lý, bế tắc... Đúng như cuộc đời cái cô Hạc nọ vâ.y. Và sự luẩn quẩn đó lan sang cả ta, người đọc: biết làm gì đây, có thể làm gì đây cho những số phận trớ trêu thế này?... Cái đau đớn không kêu lên được, chẳng có lý do gì để mà kêu, mà kêu thì ai nghe, ai thèm nghe. Mà có nghe thì giải quyết được gì?

Tất cả những điều "ghê gớm" như vậy mà thong dong viết được dưới 1000 chữ! Vì sao thế nhỉ?

Có lẽ vì người viết cực tinh. Các chi tiết cực đắt, chi tiết nào cũng là đỉnh cao của sự ngán ngẩm, chán chường, vô nghĩa: kỷ niệm các "chú nhỏ để lại là những ghế con vuông vức đóng đầy đinh", là "hệ thống máng ăn cho gà, dùng không biết đến khi nào mới hỏng"; câu hỏi: "Hạc! Mày có nhớ thằng nào làm việc nào không?"; Tết thì "giống như một ngày chủ nhật, như nhà ai giàu làm đám cưới đốt pháo nhiều"; "Hết Tết! Rồi vặn đồng hồ báo thức, dậy sớm, đi làm trở lại"; bà cụ thì lắc đầu: "Chúng mày đáng sợ thật!"...

Tôi có cảm giác như bỗng chợt hiểu ra được một điều: thì ra cuộc đời là như vậy đó, cuộc đời là gồm những chi tiết, vô số chi tiết đứng cạnh nhau, nối tiếp nhau. Và khi tất cả những chi tiết đó nhàm chán thì cuộc đời sẽ nhàm chán, vô nghĩa.

Và cái kết quả của truyện mới ghê gớm: người ta giới thiệu cho Hạc một người đàn ông. Anh ta đến lù khù, chẳng biết nói gì, chẳng có gì để nói; cuối cùng, Hạc rủ ra vườn xem mai chơi, họ đi "hai người khoanh tay bước, chỉ có tiếng lá mai lạt xạt dưới chân, họ vẫn không biết nói gì, nghiêm trang như giám khảo hội hoa Xuân...".

Trời ơi, cuộc sống thế này thì chết mất!

Hoa muộn, lặng lẽ, hiền lành thế, mà lại là một tiếng kêu thét thống thiết, càng thống thiết vì nghẹn tắc, chống lại sự nhàm chán, vô vị của cuộc đời.



--------------------------------------------------------------------------------

Tài Liệu Tham Khảo:

40 Truyện Rất Ngắn, nhiều tác giả, NXB Hội Nhà Văn, 1994
Đường Tăng | Đất Đỏ

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên