(bị bắt 21-3-1852, xử trảm 1-5-1852)
Trích Từ Dòng Máu Anh Hùng Tập I-III của Lm Vũ Thành

Mở đầu bài tường thuật hết sức đặc biệt về cuộc tử đạo của Thừa Sai Bonnard, Đức Cha Retord đã viết: "Từ khi tôi tới Bắc Việt đã viết bao nhiêu bài tường thuật các biến cố oai hùng của những người kiên trung xưng đạo. Nhưng hôm nay tôi sắp sửa tường trình một việc không những liên hệ tới xứ truyền giáo của chúng tôi mà còn liên hệ đến toàn thể giáo hội nữa, đó là cuộc tử đạo của Jean Louis Bonnard".

Trong lá thư viết cho vị anh hùng tử đạo trước ngày bị hành quyết, Đức Cha Retord đã mượn ý tứ của tên Hương để nói với vị anh hùng: "Cha xin tôi chúc lành, tôi đã chúc lành cha ngay từ khi cha đặt chân tới xứ truyền giáo này, nó sẽ theo cha về nơi vĩnh cửu. Thật vậy tôi đã chúc lành cho cha khi đặt tên cho cha là cha Hương, một tên thật đẹp bao gồm ý nghĩa cha của quê hương, cha của hương dâng, cha của hương thơm. Lúc này quê hương yêu dấu hiển hiện ra sáng chói trước mặt và cha sắp sửa trở thành một người công dân hạnh phúc. Chính lúc này hương trầm quí giá sắp được đốt trên bàn thờ tử đạo và khói hương của nó bay bổng lên tòa cao của đấng vĩnh cửu. Chính lúc này hương thơm ngây ngất làm say mê Chúa Giêsu như xưa Maria Mađalêna đã làm và hương thơm còn làm vui sướng các thiên thần và loài người, trên trời cũng như dưới đất. Như thế tôi đã chúc lành cho cha đã từ lâu rồi vậy. Tuy vậy tôi còn chúc lành cho cha nữa, xin Thiên Chúa là sức mạnh nâng đỡ cha ngoài pháp trường của các dũng sĩ, xin công nghiệp của Chúa Con an ủi cha trên đồi Calvariô cha sắp bước lên, xin tình yêu sốt mến của Chúa Thánh Thần chiếu sáng tù ngục cha sắp bước ra khỏi để lãnh triều thiên tử đạo. Bạn yêu dấu, hãy được chúc phúc và khi bạn lên trời, đến lượt bạn chúc phúc cho chúng tôi, cho xứ truyền giáo và cho các giáo dân mà cha hằng quí mến. Xin hãy là trạng sư, là người bầu cử cho chúng tôi còn đang bước đi trong vũng bùn dương thế. Xin bầu cử cho chúng tôi sớm được hợp hoan với cha".

Vị anh hùng đặc biệt mà Đức Cha Retord nói tới chính là Cha Bonnard Hương, sinh tại Christoten Jarret ngày 1-3-1824 trong một gia đình đạo hạnh từ nhiều đời. Từ khi được 10 tuổi cậu Bonnard đã đi tu nhưng mãi đến năm 20 tuổi cậu mới tốt nghiệp chủng viện Lyon và vào chủng viện truyền giáo Paris.

Sau khi chịu chức linh mục hai tháng, cha đã xuống tầu Nantes để sang Á Đông. Cha đến địa phận vào mùa Phục Sinh năm 1850 giữa cơn dịch tả đang hoành hành. Cha bắt tay ngay vào việc học tiếng Việt Nam và cuối năm 1850 cha đã bắt đầu giải tội và giảng dậy tại nhà thờ. Đức Cha Retord dẫn Cha Bonnard đi theo làm việc mục vụ tại các họ cho quen biết và thành thạo các phương pháp làm việc truyền giáo. Cha đã tỏ ra là một linh mục hiền hòa, sốt sắng vâng lời và nhiệt thành việc tông đồ, cha vừa hiền lành khiêm nhường vừa đơn sơ thành thật. Trước những đức tính cao quí ấy, Đức Cha Retord biết chắc vị thừa sai trẻ tuổi này sẽ có sức đương đầu với các sóng gió. Cuối tháng 4-1852, Đức Cha chỉ định Cha Bonnard coi hai xứ Kẻ Báng và Kẻ Trình trong khi vua Tự Đức mới ra lệnh cấm đạo năm 1851.

Mùa Chay năm 1852 Cha Bonnard cùng với năm cha Việt tổ chức tuần đại phúc và giảng cấm phòng cho giáo dân Kẻ Báng. Sau đó họ Bối Xuyên mời Cha Bonnard sang làm phúc cho họ. Cha Thảo khuyến khích ngài cứ yên tâm sang họ Bối Xuyên, một họ chỉ có khoảng mười gia đình, một phần tư dân số của làng. Đến Bối Xuyên giúp giáo dân ba ngày, Cha Bonnard đang muốn đi thì giáo dân năn nỉ xin cha ở lại mà không ngờ có một người đã đi báo quan. Thế là ngày 21-3 quan huyện Nghĩa Hưng mang quân đến bắt cha.

Chính Cha Bonnard trong thư đề ngày 2-4 đã thuật lại cuộc vây bắt như sau: "Vào lúc 9 giờ sáng tôi đang làm phép rửa tội cho khoảng hai mươi lăm trẻ em nhưng chưa xong thì quan ập đến đầu làng mà tôi không hay gì. Tức thì người giúp việc giật áo các phép rồi đẩy tôi đi trốn, tôi lội xuống ao nước ngang lưng để sang cánh đồng lúa cùng với Thầy Kim. Trong khi phân vân không biết chọn hướng nào đi trốn thì lính ập đến trói tay tôi lại thật chặt đến nỗi sưng lên khiến tôi phải kêu xin nới rộng nhưng họ không cho nên tôi đành chịu vậy. Thế là họ bắt tôi, thầy Kim và chú Ba, người đi theo mang mấy đồ cần cho tôi. May mà tôi đã ra khỏi làng nên các đồ đạo và dân chúng không bị bắt. Bọn lính lôi tôi đi trên bùn rất nhanh được một lúc thì tôi kiệt sức, máu chảy dưới chân. Tôi cười nói với lính áp giải: 'Việc gì mà vội thế, các ông muốn vội thì đi trước đi, tôi từ từ đến sau’. Trên đường dân chúng đổ xô ra xem. Tới tối thì về đến huyện, người của Cha Thảo mang 10 nén bạc để thương thuyết hay ít nhất xin họ tha thầy Kim và chú học trò. Nhưng mọi cửa đóng kín, quan đang say sưa uống rượu với kẻ tố giác. Sáng hôm sau họ giải ba chúng tôi về tỉnh Nam Định".

Sau đó ngài bị tra hỏi tại huyện về tên tuổi và thời gian đến đây. Về câu hỏi tại sao đến ở Bối Xuyên, Cha Bonnard nhất mực không trả lời, Thầy Kim cũng vậy, giữ im lặng để tránh phiền lụy cho dân làng. Sau đó quan bắt ngài đeo gông. Tối hôm ấy cha được ngủ dưới ổ rơm trống trải tứ phía. Cha lần mò hỏi han xem có cách nào chuộc cho hai người bạn tù không nhưng họ trả lời không có cách nào cả. Quan huyện có họ với vua đã làm một tờ trình đầy phô trương như mang chín đội quân trên năm trăm người đi bắt... Cha Bonnard phó mặc trong tay Chúa.

Khi bị giải lên tỉnh, cha được ngồi võng cho họ khiêng đi, cổ vẫn mang gông. Tới sảnh đường họ trói cả ba tù nhân đức tin vào một cây cột lớn, trước đám đông dân chúng hiếu kỳ đến xem. Sau nửa giờ quan tổng đốc ra nhận tù mà không nói lời nào, sau đó lính dẫn các ngài vào nhà tù. Cha Bonnard tự nhủ: "Tôi mang theo áo Đức Bà, tràng hạt và thánh giá cùng với gông xiềng là kho tàng tôi sẽ không đánh đổi kể cả ngai vua".

Đức Cha Retord hay tin đã sai người tới săn sóc và kèm thư an ủi. Vài ngày sau, Cha Tịnh (tử đạo sau này) đến giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho ngài. Nhân dịp này Cha Bonnard viết thư nói lên tâm tình ở trong tù: "Thật vậy, phải ở trong tù đeo gông mang xích mới có thể diễn tả sự ngọt ngào được chịu khổ đôi chút vì Đấng đã yêu mến chúng ta quá bội. Xích gông có nặng nhưng không làm khổ chúng tôi, trái lại tôi biết rằng thánh giá của Chúa còn nặng hơn gông chúng tôi mang, xích xiềng của Ngài còn khó mang hơn xích của chúng tôi. Tôi vui mừng mà nói được rằng tôi bị xích cùng với Chúa Kitô". Đời sống ban đầu trong nhà tù còn dễ chịu, có người đến thăm hỏi, nhưng về sau quan cấm không cho ai lui tới, vị anh hùng cảm thấy cô đơn và cuộc chiến trở nên gay go.

Cha Bonnard bị điệu ra trước mặt quan lớn tra hỏi bốn lần. Lần thứ nhất quan hỏi: "Tên ông là gì?"

-"Tên Việt Nam của tôi là Hương, tên gia đình là Bonnard".

Các quan lúng túng mãi vì không biết đọc và viết tên của ngài như thế nào, sau cùng ghi là Bona, và hỏi tiếp:
- "Ông bao nhiêu tuổi?"
- "29 tuổi".
- "Ông người nước nào và đến đây từ bao lâu?"
- "Tôi người Pháp, đến đây từ hai năm, trước hết bằng tầu Pháp đến Macao rồi bằng tầu nhỏ của người Trung Hoa".
- "Ông xuống từ hải cảng nào?"
- "Tôi không còn nhớ rõ".
- "Các nơi ông đã đi?"
- "Tôi đi rất nhiều nơi không còn nhớ tên, nếu tôi nhớ tôi cũng không bao giờ nói cho các quan biết".
- "Ông làm gì ở Bối Xuyên?"
- "Tôi qua đó có vài công chuyện chứ không định ở lại đó".
- "Ông ở nhà ai tại đó?"
- "Tôi không muốn nói".

Cứ thế các quan vặn hỏi để tìm cách bắt tội người giáo dân Việt Nam và kiếm thêm tiền đút lót. Biết vậy nên cha Bonnard vừa cười vừa nói:
-"Các quan cứ việc đánh đòn tôi đi theo như ý thích các quan, đừng trông tôi khai một lời nào có hại cho giáo dân. Tôi đến đây để phục vụ cho đến chết".
- "Chúng tôi không muốn làm hại dân".
- "Vậy tại sao các quan cứ ép buộc tôi khai ra người đã cho tôi trú?"

Mọi người chỉ biết cười. Quan hỏi tiếp:
- "Ông có muốn đạp ảnh dưới chân không? Nếu ông ưng chịu chúng tôi sẽ gửi trả ông về Tây Phương. Ngược lại, ông sẽ bị đánh đòn và kết án phải xử tử".
- "Tôi đã thưa với các quan lớn là tôi không sợ roi đánh cũng chẳng sợ chết, tôi sẵn sàng chịu mọi hình khổ, còn bắt tôi làm một tội ghê tởm thì không bao giờ tôi chịu theo. Tôi đến xứ nầy không phải để chối bỏ đạo của tôi hay làm gương xấu cho các tín hữu".

Nghe những lời khôn ngoan vững mạnh như thế, các quan im lặng và sai mang ngài trở về nhà tù.

Ngày hôm sau các quan lại cho điệu ra tra hỏi những câu hỏi như hôm trước và cũng không biết được thêm gì. Các quan nói với nhau chúng ta không có cách nào biết ngoài việc tra hỏi hắn. Cha Bonnard lại được cho về nhà tù.

Lần thứ ba quan cho điệu Cha Bonnard và Thầy Kim ra công đường để thúc ép tiết lộ tên người cho trọ và những nơi đã đi qua. Cha Bonnard trả lời: "Chính vì để làm ích cho người đồng hương của quí quan chứ không phải để làm hại họ mà tôi bỏ Âu Châu đến đây. Nếu tôi, một người ngoại quốc, còn yêu mến nhân dân xứ này và không muốn nói điều gì có hại cho họ thì các quan càng có lý mạnh hơn là cha mẹ của dân phải tránh những câu hỏi có hại cho họ chứ?"

Cha Bonnard học lời khai của Cha Charrier nói thêm rằng: "Nếu tôi bị bắt ở tỉnh khác, các quan có muốn tôi khai ra rằng tôi ở trong tỉnh này của quí quan không? Và nếu tôi khai như thế các quan có bị khiển trách không?"

Không lung lay được vị thừa sai, các quan nạt nộ Thầy Kim. Cứ mỗi lời của Thầy Kim họ kèm theo lời dọa nạt và roi đánh. Thầy bị đánh hai chục roi, miệng ú ớ. Cha Bonnard lại lên tiếng với giọng mỉa mai: "Tôi biết rõ việc của các ông và tôi cũng biết các câu hỏi đều dư thừa. Nếu các quan muốn tránh khỏi bẽ bàng và bớt khổ cho người này, các quan hãy làm tờ trình một cách khôn ngoan. Các ngài không thấy rằng đánh đập người trẻ này chỉ có được những lời khai dối trá làm liên lụy đến những người vô tội sao?"

Trước những lời nói khí phách và sâu sắc của ngài, các quan bảo Thầy Kim đến hỏi cha để trả lời các câu hỏi cho hợp và các quan có thể kết thúc nội vụ. Cha Bonnard đọc cho thầy viết lời khai rất chính xác và an toàn.

Lần sau cùng các quan yêu cầu Cha Bonnard viết một ít lời khai bằng tiếng Pháp về tên tuổi việc làm như đã hỏi trong các lần trước để trình vua. Riêng các thầy mỗi lần bị tra hỏi đều bị đánh đòn hai chục roi. Trong khi bị đánh, Thầy Kim vạch một dấu thánh giá để nhìn vào đó suy gẫm các khổ hình của Chúa Giêsu. Trong lần thứ ba quan đem ra một bức tượng thật to bằng đứa trẻ 12 tuổi tịch thu được trong nhà các cha Đaminh, chỉ còn nửa đầu, tay chân bị gẫy, và bắt các thầy hôn. Các thầy từ chối vì không biết là tượng Chúa hay tượng Phật. Nhiều người cười. Các quan thượng muốn làm tờ trình rằng hai thầy đã đạp ảnh nhưng các thầy đã chính thức viết giấy phản đối và xin được chịu chết.

Tờ trình của các quan viết như sau: "Sau khi tra xét ba tên tù phạm ở công đường, chúng tôi biết rằng một trong ba người là đạo trưởng Gia Tô người Âu Châu. Nó có mũi dài, râu rậm, tóc ngắn và mắt vàng, da trắng bạch. Nó tự xưng tên là Bona, người Pháp, 29 tuổi... Từ Macao nó đến bờ biển Việt Nam thấy có thuyền đánh cá hai người chèo làm dấu thánh giá và đã lên thuyền. Dấu thánh giá là dấu người theo đạo Gia Tô. Nhờ đêm tối họ vào được trong đất liền. Hắn đã ở nhiều nơi khác nhau, không biết tiếng Trung Hoa, khi nói có pha nhiều tiếng Âu Châu mà hắn không biết giải thích. Đó là một giống người hoàn toàn khác với chúng ta. Nó từ chối trả lời các câu hỏi. Đúng là tên mọi rợ Âu Châu, một tên đại nghịch, không cần chứng cớ nào khác để kết án xử tử..."

Sau đó quan tường trình về hai người Việt: "... Còn về nơi và làng tên Bona đã đi qua chúng không chịu khai. Chúng có mồm sắt không muốn mở miệng. Chúng cũng không chịu đạp ảnh và xin được chịu chết. Tuy nhiên chúng tôi sẽ xét lại trường hợp của chúng và tâu trình hoàng thượng sau".

Bản án được gửi về triều đình ngày 5-4 và cuối tháng bản phê án về tới tỉnh. Đang đêm, một giáo dân biết được tin đích xác đã thông báo cho các giáo dân khác. Mọi người nghĩ buổi hành quyết sẽ xảy ra vào buổi chiều nên các giáo dân khắp nơi đổ tuốn về thành. Từ trưa, các đường phố và cửa dẫn ra pháp trường đã đông nghẹt người. Thấy vậy các quan muốn tránh né đám đông nên hoãn lại ngày hành quyết vào hôm sau, 1-5, ngày đầu tháng kính Đức Mẹ. Nhưng ngày hôm đó giáo dân từ xa cũng đến kịp. Sáng sớm họ đã kéo ra cánh đồng quen xử các tội nhân. Nhưng họ ngạc nhiên khi thấy năm trăm lính với gươm giáo sẵn sàng đi theo hướng ngược lại. Lính phải vất vả lắm mới có thể duy trì trật tự để đến nơi gọi là Đan Thủy cạnh sông, cách thành một dặm rưỡi. Cha Bonnard vẫn giữ vẻ mặt tươi vui hiên ngang tiến đến nơi hành hình. Tới nơi, lý hình trói tay đàng sau và buộc vào một cọc thật chặt đến rướm máu. Lúc ấy các quan không mang đủ dụng cụ để tháo gông và chặt xích nên phải chờ đợi hơn một giờ để đi lấy. Trong khi ấy vị anh hùng tử đạo vẫn quì gối đọc kinh sốt sắng như một cột đứng vững. Sau cùng khi đã tháo gông và chặt xích, vị quan giám sát đến tận nơi túm tóc và cột lên để giơ cổ ra cho lý hình chém. Quan giám sát trở lại chỗ cũ trên mình voi ra lệnh đánh chiêng. Tiếng chiêng mới ngân đến tiếng thứ ba thì đầu vị anh hùng đã rơi xuống đất, máu phun ướt đẫm áo. Lính cầm roi đánh túi bụi vào đám đông đang ùa vào thấm máu. Chính các người lính đã độc quyền lấy áo quần của vị tử đạo, gông và ba móc sắt để chia phần ra bán cho dân chúng.

Thông thường phải chôn xác tử tội ngay tại chỗ hành hình và giáo dân đã sẵn sàng quan tài và đồ liệm, nhưng vị quan không muốn cho giáo dân có di tích gì của tử tù nên truyền cho một đội quân đem xác và đất thấm máu xuống một chiếc thuyền lớn, và một chiếc thuyền khác chở quan đi xuôi theo dòng sông để tìm chỗ vứt xác. Họ mang theo lương thực đủ ăn ba ngày. Giáo dân cũng được lệnh chèo thuyền theo sát. Đến buổi chiều một số thuyền đánh cá khác chèo thuyền ra phía bể. Vào khoảng 8 giờ trời tối, thuyền của quan và lính đến địa phận Tam Tòa đã bỏ xác xuống và kéo buồm trở về. Ngay lúc đó giáo dân nhận diện vị trí và một lát sau các thuyền đánh cá tụ họp thay phiên nhau lặn xuống để tìm xác. Chỉ trong chốc lát một người thanh niên đã giơ tay lên reo mừng: "Tôi đã tìm thấy".

Nhiều người túm lại lặn xuống để tháo túi đá quan buộc vào xác và đưa xác lên. Vào khoảng một giờ đêm các giáo dân mang xác Cha Bonnard về tới Vĩnh Trị. Sau khi mặc áo chức và tẩm liệm đủ lễ bộ xác được đặt trong quan tài bằng gỗ quí để giữa rừng đuốc sáng trong nhà thờ cho dân chúng bái kính cho đến chiều hôm sau. Chính Đức Cha Retord và ba linh mục khác cùng với chủng sinh làm lễ an táng. Xác thánh nhân ở mãi trong lòng học viện Kẻ Vĩnh.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên