Giáo Hội Công Giáo và Chủ Nghĩa Tự Do Trí Thức


Anh và Ðức trong thế kỷ mười chín, một nhóm Công Giáo xuất hiện mà chúng ta có thể gọi là các nhà trí thức tự do. Họ mong muốn đức tin Công Giáo có thể được thẩm định và trình bầy dưới ánh sáng của triết lý cận đại, tiến bộ khoa học, và các phương pháp mới của nghiên cứu sử. Một số học giả Công Giáo thuộc Ðại Học Tubingen ở Ðức tìm cách canh tân thần học Công Giáo trong tinh thần này. Họ nhìn đến Giáo Hội và các học thuyết, không chỉ trong hình thức bất động và bất biến, nhưng sống động, sôi nổi, và phát triển -- như sinh hoạt con người. Một vài người trong nhóm này, tỉ như Johann A. Mohler (1796-1838) và Friedrich von Schlegel (c. 1829), có ảnh hưởng lớn trong thần học Công Giáo của thế kỷ hai mươi. Ở Anh, Lord John Acton và John Henry Newman -- người trở lại Công Giáo sau khi lãnh đạo Phong Trào Oxford, một phong trào canh tân Anh Giáo -- cả hai đều mong muốn một cách hiểu biết mới về thần học Công Giáo mà vừa nhấn mạnh đến sự phát triển của truyền thống Công Giáo vừa sẵn sàng đón nhận các tư duy mới của Công Giáo.


Các giáo hoàng và các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo được hiểu là rất thận trọng về phương cách mới mẻ này. Họ sợ rằng nó có thể bị tì tích của chủ thuyết duy lý và hoài nghi của thời Khai Sáng và có thể lũng đoạn đức tin Công Giáo. Thật vậy, Ðức Giáo Hoàng Piô IX quá lo sợ những tư tưởng lầm lạc xâm nhập vào Giáo Hội Công Giáo đến nỗi vào năm 1864 ngài đã cho công bố Bản Cáo Trạng của thế giới cận đại. Ngài thấy người Công Giáo hoang mang vì tranh chấp chính trị, kinh tế, xã hội, và các ý tưởng về tôn giáo lan tràn khắp xã hội Âu Châu như một hậu quả của tự do tư tưởng, và ngài tin rằng trách nhiệm của một giáo hoàng là dạy bảo cộng đồng dân Chúa một cách rõ ràng. Không may, Bản Cáo Trạng lên án hầu hết các ý tưởng mới mẻ của thời ấy và đã khiến người ta nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo chống đối tất cả những gì của thế giới cận đại. Thật vậy, điều tuyên bố sau cùng của Cáo Trạng đã tẩy chay và lên án những ai tin tưởng rằng Giáo Hội Công Giáo phải tự hòa hợp với "sự tiến bộ, chủ nghĩa tự do, và văn minh cận đại." Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo đã mau mắn giải thích rằng điều này không có nghĩa là lên án tất cả những gì mới mẻ và hiện đại, nhiều người đã có ấn tượng ấy. Giáo Hội Công Giáo giống như một giáo đường có thành lũy, chống với thế giới cận đại và tẩy chay mọi tư tưởng mới.


Ðức Giáo Hoàng Piô IX và Công Ðồng Vatican I

Trong bản cáo trạng các sai lầm hiện đại, Ðức Giáo Hoàng Piô IX thường nhắc nhở người Công Giáo rằng họ phải nhìn về Giáo Hội của Ðức Kitô để được hướng dẫn và tìm kiếm sự thật chứ không phải trông nhờ vào thế giới cận đại. Ngài nhận thấy xã hội nói chung, vì không còn được hướng dẫn bởi tinh thần quyền bính của Giáo Hội Công Giáo, nó đã trở nên một diễn đàn công khai của mọi ý kiến, tốt cũng như xấu. Ðức giáo hoàng muốn giáo dân nhớ rằng Thiên Chúa đã đảm bảo mặc khải chân lý cho Giáo Hội, chứ không phải ý kiến công cộng hay các ý tưởng mới mẻ của các học giả.

Ðức Giáo Hoàng Piô IX tìm cách làm sáng tỏ một vài quan điểm của đức tin Công Giáo đang được thắc mắc và tranh luận. Thí dụ, vào năm 1854, ngài chính thức xác định một tín điều là Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, được thụ thai mà không mắc tội tổ tông -- tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tín điều này được xác nhận một cách lạ lùng khi chính Ðức Maria hiện ra với cô Bernadette Soubirous ở Lộ Ðức, nước Pháp, vào năm 1858, và tự xưng là "Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội." Mặc dù người Công Giáo không buộc phải tin sự hiện ra của Ðức Maria, hầu hết người Công Giáo đã nhìn đến hàng ngàn trường hợp chữa lành qua nước suối Lộ Ðức như một minh chứng cho tính cách xác thực của việc hiện ra.

Trong Công Ðồng Vatican I ở Rôma năm 1869, Ðức Giáo Hoàng Piô IX kêu gọi các giám mục Công Giáo hãy cùng nhau thảo luận về tương quan giữa đức tin và lý lẽ, và về quyền tối cao cũng như giáo huấn bất khả ngộ của đức giáo hoàng. Công đồng đã thông qua hai hiến chế tín lý. Hiến chế tín lý Dei Filius đề cập đến thẩm quyền tối cao của sự mặc khải Thiên Chúa và dạy rằng bản tính tự nhiên và lý lẽ của con người thì lệ thuộc vào ơn sủng và đức tin. Hiến chế tín lý thứ hai, Pastor Aeternus, về quyền tối cao và đặc tính bất khả ngộ của đức giáo hoàng, đã gây nên nhiều tranh luận. Dù người Công Giáo từ lâu đã tin tưởng vào hai ý niệm này, một số giám mục nghĩ rằng, trong thời gian đó, quyết định ấy sẽ làm chia rẽ Giáo Hội thêm nữa. Tuy nhiên, phần lớn các giám mục đã bỏ phiếu chấp thuận hiến chế tín lý này. Họ biết rằng vai trò lãnh đạo và thẩm quyền giảng dạy của đức giáo hoàng, từng là nguồn hướng dẫn căn bản cho Giáo Hội trong những lúc xáo trộn của quá khứ, thì đặc biệt cần thiết cho thế giới cận đại. Hiến chế tín lý này khẳng định rằng khi đức giáo hoàng lên tiếng ex cathedra (nghĩa đen, "từ ngai tòa" Thánh Phêrô), nghĩa là, khi lên tiếng với tư cách chủ chăn của Giáo Hội và là đấng kế vị Thánh Phêrô, ngài được Chúa Thánh Thần ban cho ơn chân lý không thể sai lầm khi chính thức xác định một học thuyết về đức tin hay luân lý. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa bất cứ những gì đức giáo hoàng nói đều là bất khả ngộ. Tuy vậy, người Công Giáo thường cho rằng ngay cả các giảng dạy thông thường của đức giáo hoàng thì đều đúng và có giá trị.

Vào năm 1870, Công Ðồng Vatican I phải chấm dứt cách đột ngột vì cuộc chiến giữa nước Pháp và nước Phổ. Công đồng phải đình hoãn trước khi các giám mục thảo luận về vai trò của họ trong Giáo Hội cũng như vai trò của giáo dân và tu sĩ. Hậu quả là Giáo Hội Công Giáo trong khoảng thời gian từ 1870 đến Công Ðồng Vatican II đã quá nhấn mạnh đến chức vụ và thẩm quyền của đức giáo hoàng, thiếu những nhận định quân bình về các giám mục, linh mục, và giáo dân. Chức vụ của đức giáo hoàng đi từ tình trạng cực kỳ suy yếu và thiếu thẩm quyền thiêng liêng trong thế kỷ mười tám sang một tình trạng thẩm quyền thiêng liêng và luân lý lớn lao vào giữa thế kỷ mười chín. Ðức Giáo Hoàng Piô IX, là người trị vị lâu nhất trong lịch sử giáo hội, đã góp phần lớn cho sự thay đổi này.

Sự Tiến Bộ Tâm Linh Trong Thế Kỷ Mười Chín

Có lẽ thành quả lớn lao nhất của Ðức Giáo Hoàng Piô IX là làm sâu đậm thêm và canh tân đời sống tâm linh của người Công Giáo. Ngài khuyến khích việc năng lãnh nhận các bí tích, sùng kính Ðức Maria và Thánh Tâm Chúa Giêsu, và trên hết ngài nhấn mạnh đến tính cách trọng yếu của Ðức Giêsu Kitô -- là Thiên Chúa thật và là người thật. Ðức Piô nhận thấy câu trả lời tốt nhất cho các xu hướng duy lý thời Khai Sáng là nhấn mạnh rằng Kitô Giáo là một tôn giáo của con tim cũng như của trí huệ. Ngài giúp người dân tái khám phá ra bản chất bí tích của đời sống Công Giáo và tính chất xác thực của siêu nhiên.

Vào đầu thế kỷ, Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã tái lập Dòng Tên vào năm 1814, mà dòng này đã thu hút rất nhiều người trẻ. Các dòng mới khác cũng được thành hình, tỉ như Marianist (dòng Ðức Maria), Marist (dòng Truyền Giáo Ðức Maria), dòng La San, Nữ Tu Bác Ái, Nữ Tu Loretto, dòng Thánh Phaolô, dòng Don Bosco, dòng Ngôi Lời, và White Father (dòng Áo Trắng). Các dòng này đã cộng tác trong nhiều sứ vụ về xã hội và mục vụ, giáo dục và công cuộc truyền giáo. Một lần nữa, các dòng tu mới thành lập và các dòng tu hồi sinh lại trở nên yếu tố then chốt cho sự canh tân của toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Tổ chức Truyền Giáo Nước Ngoài được tái thiết lập vào năm 1815, và với sự giúp đỡ đắc lực của các linh mục dòng Tên, sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo lại sống động trở lại. Trong thời kỳ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, số thành viên của dòng Tên đã gia tăng gấp đôi, và các chủng viện cũng như đan viện của mọi dòng đều đầy ắp các chủng sinh.

Bất cứ sự chỉ trích nào về thái độ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX đối với thế giới cận đại đều phải được nhìn dưới khía cạnh của sự đổi mới lớn lao trong đức tin và đời sống Công Giáo qua các chính sách của ngài. Thế kỷ này không chỉ là một giai đoạn đầy thử thách nhưng còn là sự tái thức tỉnh đức tin Công Giáo nhờ sự dẫn dắt của đức giáo hoàng cũng như các vị đại thánh. Thánh Gioan Vianney (1786-1859), Cha Sở họ Ars, là một linh mục tài ba có thể đọc được tâm hồn người khác. Thánh Clement Hofbauer là một linh mục dòng Chúa Cứu Thế đã hồi sinh Giáo Hội ở miền nam nước Ðức. Ở Hoa Kỳ, Giáo Hội Công Giáo, qua sự di dân từ các quốc gia Công Giáo Âu Châu, đã phát triển thành một tổ chức Kitô Giáo lớn nhất quốc gia trong hậu bán thế kỷ mười chín. Mặc dù Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đã bị bách hại và bị tẩy chay, và hầu như mọi năng lực đều được dùng để thiết lập giáo hội và tự vệ, giáo hội này cũng có các vị thánh nổi tiếng: John Neumann, Elizabeth Seton, Frances Cabrini, và vị chân phước người thổ dân là Kateri Tekakwitha.

Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII

Là người kế vị Ðức Piô IX, Ðức Lêô XIII (làm giáo hoàng từ 1878 đến 1903) đã tìm cách khôi phục vai trò lãnh đạo của giáo hoàng và ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong cái nhìn của thế giới cận đại. Mặc dù không phải là một người theo chủ nghĩa tự do, Ðức Lêô XIII là một nhà ngoại giao đã nhận thấy phương cách duy nhất để ngăn ngừa Giáo Hội Công Giáo khỏi trở thành một yếu tố xa lạ trong thế giới cận đại là tìm cách hòa hợp Giáo Hội với xã hội và học thuật hiện đại. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII đã thi hành một số phương cách trong chiều hướng này. Trước hết, ngài nâng Ðức Giám Mục John Henry Newman lên làm hồng y. Trước đây, Ðức Newman từng bị coi là một người nguy hiểm theo chủ nghĩa tự do. Ðức Giáo Hoàng Lêô biết khi vinh danh Ðức Newman thì Giáo Hội Công Giáo ở Anh cũng được khích lệ. Thứ hai, Ðức Lêô hết sức cố gắng để làm bạn với chế độ dân chủ và các chính thể hợp hiến mới thay vì chỉ lên án các sai lầm của họ. Thứ ba, ngài cho mở cửa văn khố Vatican để mọi người có thể tự do nghiên cứu -- dường như ngài muốn khuyến khích người Công Giáo theo đuổi việc nghiên cứu lịch sử và hài hoà thần học Công Giáo với các phương thức chú giải Kinh Thánh. Thứ tư, một trong những đóng góp ngoại hạng của Ðức Lêô XIII là lập trường về vấn đề xã hội và kinh tế thời bấy giờ. Trong thông điệp Rerum Novarum (1891), Ðức Giáo Hoàng Lêô bảo vệ sự công bằng và đề cao điều kiện làm việc tốt đẹp hơn cho giới lao động, ngài muốn nói người Công Giáo phải đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các khó khăn và bất công mà cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ đem lại. Rerum Novarum là thông điệp đầu tiên trong các văn kiện vĩ đại của Công Giáo về vấn đề xã hội.

Trong hai lãnh vực, Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII cảm thấy cần phải duy trì truyền thống Công Giáo về giáo huấn và đời sống. Vào năm 1879, ngài tuyên bố hệ thống thần học của Thánh Tôma Aquinas (1225-74) được dùng làm nền tảng để duyệt xét mọi thần học và triết học Công Giáo. Ðiều này làm phát sinh Tân Học Thuyết Tôma và Tân Học Thuyết Kinh Ðiển, làm sống lại tư duy của Thánh Tôma Aquinas và các đại học thời trung cổ. Nhất là trong các đại chủng viện, thần học của Thánh Tôma là hệ thống thần học chính thức của Giáo Hội Công Giáo mãi cho đến thời Công Ðồng Vatican II, và ngày nay vẫn còn được nhiều người quý trọng.

Ðức Giáo Hoàng Lêô còn áp dụng kỷ luật đối với một số phong trào và giáo chức đã có những kết luận sai lạc hoặc nguy hiểm qua các phương pháp nghiên cứu phúc âm và lịch sử. Cha Alfred Loisy đã bị cách chức giáo sư của Ðại Học Balê năm 1893; cùng năm này Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII công bố một tông thư (Providentissimus Deus) xác nhận tính cách không thể sai lầm của Phúc Âm nhằm chống với sự dẫn giải có tính cách duy lý. Năm 1899, ngài cũng kết án một lạc thuyết gọi là Americanism coi các đức tính tích cực và nhân bản có giá trị hơn các nhân đức siêu nhiên, tỉ như đức ái và đức khiêm tốn.

Ðức Lêô XIII đã thành công trong việc tái hòa hợp Giáo Hội Công Giáo với thế giới cận đại và đối phó một cách sáng tạo với những thách đố mới. Ngài cổ võ các phương cách nghiên cứu cũng như hệ thống thần học mới trong khi tái xác nhận giá trị của thần học truyền thống Công Giáo và gìn giữ khỏi bị những sai lạc hiện đại. Trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa và nhờ vào ảnh hưởng mới khôi phục của giáo triều, nhất là của người Công Giáo, Ðức Lêô XIII đã dẫn đưa Giáo Hội Công Giáo ra khỏi thế kỷ nhiều hoang mang và ngài canh tân Giáo Hội trước khi đi vào thế kỷ hai mươi.

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên