Duy Năng
Huyền cho tôi hay là theo lịch trình sinh hoạt đã phổ biến của cơ quan thì chiều thứ sáu cuối tháng 10, Huyền sẽ phải tham dự có tính cách bắt buộc một buổi họp vào lúc 4 giờ, gồm mấy giới chức có thẩm quyền trong Ban Quản Trị và Ðiều Hành cao ốc, cùng vài cấp chỉ huy và tất cả nhân viên ca đêm lẫn ca ngày của công ty đang trách nhiệm phần cung ứng dịch vụ cho cao ốc.
Theo như tin tức mà Huyền dò hỏi trước, thì buổi họp mặt được tổ chức để Ban Giám Ðốc công ty tuyên dương thành tích làm việc của những nhân viên xuất sắc trong mười hai tháng vừa qua, trao bằng tưởng lệ, tiền khen thưởng, và tuyên bố một đợt tăng lương mới...
Buổi họp mặt, vì đó, theo lời Huyền, đang gây nơi mọi người - những công nhân đang làm việc ở đây như Huyền - một sự chờ đợi, náo nức...
Nhà Huyền ở vùng Pleasanton, và hằng ngày Huyền đã phải vừa lái xe, vừa đi xe Bart đến chỗ làm, mỗi bận đi, về, mất hơn một tiếng đồng hồ. Vì vậy, Huyền quyết định, sau khi ra sở lúc hai giờ rưỡi chiều, Huyền sẽ ở lại sở chờ cho đến bốn giờ để tham dự buổi họp. Với hai tiếng đồng hồ rỗi rãi sau giờ tan việc, Huyền đề nghị tôi đến thăm Huyền để Huyền có cơ hội dẫn dắt tôi thăm thú quang cảnh nơi Huyền làm việc từ ba năm nay. Huyền cẩn thận ghi cho tôi địa chỉ khu cao ốc, chỗ làm của Huyền, và khu công viên bên ngoài cao ốc, nơi mà Huyền sẽ chờ đón tôi.
Nhìn cách thức được ghi ra trên giấy để hướng dẫn tôi đến chỗ làm của Huyền , tôi không nhịn được cười. Chỗ Huyền làm ở ngay trung tâm thành phố Oakland; chỉ cần có cái điạ chỉ là chẳng mấy khó khăn để tìm thấy, vả chăng chỗ ấy là nơi mà tôi đã có dịp đến đôi lần trước đây. Ðó là khu cao ốc Liên Bang với phần chính gồm hai khối nhà đồ sộ, kiên cố, mỗi khối với mười bảy tầng lầu sừng sững, được bắt đầu xây dựng đâu từ cuối thập niên tám mươi và đưa vào xử dụng hồi năm một chín chín ba.
Ðứng trên bao lơn tầng lầu năm của tòa cao ốc hướng Nam là có thể, theo tầm nhìn từ gần đến xa của mắt, nhìn thấy xe cộ đang như một dòng nước chuyển động, nối đuôi nhau chạy ngược xuôi trên hai chiều đi về của xa lộ 880; nhìn thấy khung cảnh bao la của Vùng Vịnh, ở đó hải cảnh Oakland với những dàn cần cẩu cố định trông như những con ngựa sắt khổng lồ in dáng lên nền trời, những con tàu đồ sộ đến và đi chầm chậm nhưng liên tục; nhìn thấy
cầy Bay Bridge; và nhìn thấy cả thành phố San Francisco với mọi kiến trúc khi ẩn khi hiện trong sương mù, vào thời gian này...
Khu cao ốc Liên Bang được bố trí với ba khối nhà ở ba mặt Tây, Nam, và Bắc. Riêng mặt Ðông là tiền diện với một công viên vừa phải, cân xứng, phiá trước. Bao quanh khu này, bên kia mấy con đường tiếp giáp là những cao ốc khác, kể cả cái cao ốc Tiểu Bang sừng sững hai mươi ba tầng lầu, và Tòa Nhà Thị chính với chóp đỉnh trông như một lầu
chuông cao vút lên nền trời... Vì vậy, vào khu vực này, luôn luôn có cảm tưởng lạc vào một vùng lộng gió. Thực ra, gần như toàn bộ khu trung tâm "đao-thao Oakland" cách khu cao ốc này chừng năm khu phố luôn luôn được gió chiếu cố đến.

Rời thành phố Hayward dịu mát với chiếc sơ mi ngắn tay để khi đến mua sắm ở thị tứ Oakland sẽ có một chút ân hận là đã không đem theo áo khoác để giữ cho người được ấm vì...gió. Gió từ Thái Bình Dương thổi vào Vùng Vịnh, rồi từ vùng Vịnh thổi vào đất liền, bỗng như bị giữ lại trong những khoảng trống giữa những quần cư cao ốc, mà một trong những khoảng trống khá lớn của khu vực này là khu công viên trước mặt tiền của tòa Cao ốc Liên Bang, nên trở thành một khu vực...đầy gió xuôi ngược thường xuyên. Gió lồng lộng, gió vi vút, gió đổi chiều từng chặp từng lúc đang cả trong mùa hè nóng bức chứ đừng nói gì ở vào thời điểm tháng mười, với mùa thu đang tới và mùa đông thấp thoáng phiá sau
không xa...
Tôi đến gặp Huyền sớm hơn giờ hẹn khoảng ba mươi phút, vừa do ở thói quen cho bất cứ một cuộc hẹn nào, vừa do ý thích muốn nhàn du trong chốc lát ở cái đoạn phố rất ngắn được gọi là "xi-vít xen-tơ" ấy.
Nhờ đến sớm, đi nhẩn nhơ một vòng quanh khu vực tôi thấy ra được nơi này nay đã mọc lên hàng chục quán ăn, quán giải khát, điều mà lần trước đi ngang qua đây cách đây hơn một
năm, tôi không nhận ra. Hàng quán nào bên trong cũng như ngoài hiên, đều đông đảo người ăn trưa. Khách ăn trưa, hầu hết là công tư chức và nhân viên các văn phòng hãng xưởng có trụ sở gần quanh khu vực, ngồi cả trên bệ đá, bậc thềm của những bồn hoa rải rác khắp nơi. Trời nóng nhưng gió nhẹ, lúc đó. Lúc đó, có nghĩa là suốt cả buổi chiều gió vẫn chỉ hiền lành như heo may mùa thu, mà cũng có thể là chỉ trong chốc lát, gió thổi mạnh hơn, lồng lộng từng lúc,
đủ để trút xuống mặt đất hàng loạt lá chỉ mới chớm vàng mà với thời tiết êm ắng bình thường, thì còn lâu mới đến độ...rời cành.
Tôi kiếm ra được một chỗ ngồi sát tường kính trong tiệm cà phê Starbuck, ở đó nhìn bao quát được cả khu công viên bên kia đường Clay, trước mặt tòa cao ốc Liên Bang Oakland. Không khí toả ra từ hệ thống máy lạnh, mát dịu. Xe cộ ngược xuôi hai chiều trên đường, nhưng tôi không nghe tiếng động cơ ồn ào, mà chỉ nhìn thất mọi sinh hoạt diễn
ra trước mắt như trong một phim điện ảnh...không có âm thanh. Tôi nhắp một chút cà phê ngát hương thơm nồng nàn, nhẩn nha nhìn lên chiếc đồng hồ trên vách phiá bên trong quầy trả
tiền. Ðã một giờ bốn mươi. Tôi nghĩ đến năm mươi phút còn lại trong ca làm việc hôm nay của Huyền. Trong mấy cô em, con hai người dì ruột của tôi, tôi thương Huyền hơn hết. Chẳng phải vì hồi ở trung học, do ở kết quả thi nhập học, tôi và Huyền được ngồi chung một lớp ở cùng trường. Cũng chẳng phải sau tháng tư năm bảy lăm, tôi và chồng Huyền cùng bị đưa đẩy vào chung một trại giam ở miền Bắc, ở đó, anh chàng rất tâm đắc với tôi trong cách thức giữ vững tinh thần trong hoàn cảnh thất thế sa cợ..Tôi thương Huyền, thật sự là vì Huyền trầm mặc, biết yêu qúi văn chương nghệ thuật, biết sống đơn giản, không đua đòi phù phiếm, nhất là có một tấm lòng khoan dung đối với những cuộc đời hèn mọn, thấp kém...


Nắng bên ngoài tường kính, chói chan và tôi như thấy rõ ánh nắng đang nhảy múa, lung linh trên mặt đường nhưạ. Bỗng có mấy người phụ nữ từ bên kia băng qua đường, bước về
phiá khu tôi đang ngồi, đầu hơi cúi xuống, một tay giữ chặt váy, một tay giữ mái tóc bồng bềnh gió thổi. Tôi lẩm nhẩm, mới đó mà lại nổi gió nữa rồi...Quả thật, mấy hàng cây sồi, cây anh đào nơi công viên đang chuyển động tàn cây theo từng cơn gió, làm rụng từng hồi lá kho lẫn lá còn vàng tươi, không nhiều, nhưng rải rác khắp nơi trên thảm cỏ, sân gạch, trên các lối đi... Lá nằm yên chỉ trong giây lát rồi lại chuyển động, và bỗng nhiên cuốn giạt
về một phiá, dồn đống vào bên những bậc thềm, những chân ghế đá, những cạnh bồn hoa ở một góc công viên...Và rồi từng đống lá ấy lại bị gió kéo ra, như đua nhau chạy,
đua nhau xoáy tròn lên không, rơi xuống, dàn trải ra khắp nơi...
Nhìn hình ảnh đó, tôi mới nhận ra được thêm là ở đây, gió còn đổi hướng, xoay chiều thường xuyên. Tôi hình dung ra Huyền trong công việc phải làm hàng ngày ở đây, rồi
như thấy rõ trước mắt cái cảnh Huyền rửa quét dọn lá, rác, giấy báo, tàn thuốc...để dồn về một hướng, gom lại từng đống nhỏ, và...chưa kịp hốt vào xe đẩy để đem vào đổ xuống máy nghiền rác, ở tầng hầm cao ốc thì gió bỗng đổi chiều, thổi tung tất cả về hướng khác.


Vừa suy nghĩ mông lung, vừa nhìn xéo về góc đường Mười Hai và đường Clay, tôi bỗng nhận ra Huyền đang từ hướng đó đi lững thững về phiá đường Jefferson.
Tôi rời quán cà phê Starbuck, đi nhanh đến chỗ Huyền. Nhìn từ phiá sau Huyền trong bộ đồng phục công nhân, với máy hộ đàm nhỏ đeo bên hông quần..., tôi thấy dáng
dấp Huyền còn đầy khỏe khoắn so với lứa tuổi đang ngả về già.
Khi thấy tôi, Huyền cười trong ánh nắng rực rỡ, hỏi tôi có mau chóng tìm ra được khu vực này không.
- Cô làm cứ như anh...tối dạ lắm vậy !
- Tối hay sáng không biết, nhưng chị bảo là mỗi lần lái xe đi đâu một mình, anh cứ hỏi chị đường đi hướng đến.
- Thì cũng giả hỏi vậy cho chị có chút...hãnh diện là đã biết hơn anh và...đã giúp anh, chứ mười tám năm nhà binh với vai trò người chỉ huy, lặn lội khắp nơi cùng chốn, không lý anh không biết cách để tìm một điểm đến trên bản đồ...
Và tôi thầm nghĩ, đúng là...đàn bà, vợ tôi, hình như ít khi muốn nghĩ đến những gì mà chồng mình muốn nâng mình lên, đề cao mình, là hàm ý một sự trân trọng, thương yêu, mà trái lại, thường thích phô trương chút hiểu biết vụn vặt của mình, lại nữa, hay soi mói...chút bụi nhỏ dính
trên má kẻ khác mà không chú ý đến vết bẩn đang vương trên trán mình...
Trước khi đi về lại hướng công viên, Huyền chỉ hàng cây Hoàng Tiểu Diệp rồi hỏi tôi có cảm tưởng gì. Khi hàng cây không cao với tàn cây kết tụ bởi những lá nhỏ cỡ hai ngón tay cái, dày đặc, tròn, thắm tươi màu hoàng-anh, vừa vàng tới, vừa xen lẫn những lá đã ngả sang màu đỏ com rực rỡ.
Tôi bảo đẹp, dĩ nhiên là quá đẹp, là...rất mùa thu. Huyền bảo vẻ đẹp của hàng cây đã chỉ còn một nửa, giữa trưa nắng gắt này, còn vào buổi sáng, lúc mặt trời mới lên với nắng dịu xuyên qua cùng với sương mù lãng đãng khắp nơi thì vẻ đẹp của hàng cây mới thật là...thơ mộng tuyệt vời.
Nhìn hàng cây rồi nhìn xuống lề đường rộng, lát gạch với những lá Hoàng Tiểu Diệp rụng xuống, trải khắp nơi, như một tấm thảm lốm đốm hoang lỗ màu vàng, đỏ, nâu, khi nằm im, khi chuyển động theo chiều gió..., bỗng nhiên tôi cảm thấy ái ngại cho nỗi vất vả trong công việc quét dọn hàng ngày của Huyền.
Tôi nói ra lời nỗi ái ngại ấy, bao hàm một chút xót xa về thân phận của Huyền, điển hình cho thân phận của chồng Huyền, của tôi, của tất cả những ai đã xa rời quê hương vì hai chữ tự do, đồng thời lại phải khởi công xây dựng lại cuộc đời từ con số không, với thực tế là áo cơm hàng ngày, là mái nhà để ở, là những nhu cầu tối thiểu phải có cho cuộc sống, nên không thể không làm lụng vất vả với bao nỗi lo âu đè nặng hàng ngày lên tâm trí...
Nghe tôi xót xa, Huyền đưa ra mấy lý giải thật tự nhiên, thoải mái, tưởng chừng như bao ý tưởng về vấn đề này đã chín muồi từ lâu trong nếp nghĩ và biểu hiện ra như một thói quen đã hằn nếp, trong đời sống thường nhật ở đây.
Huyền bảo tôi rằng, chẳng ai làm ngưng được gió mà cũng chẳng thể nào ngăn chận được lá rụng xuống đầy sân. Bốn mùa cứ tuần tự trôi qua theo định luật tự nhiên. Vậy thì cứ hãy nhìn một hàng dài những cây Hoàng Tiểu Diệp kia với sắc lá đang nhuộm vàng lốm đốm đỏ nâu rực rỡ dưới nắng, hay đằm thắm ẩn hiện giữa mù sương để thấy hết vẻ đẹp của đất trời, của đời sống, chứ nhìn xuống đám lá rụng đầy sân làm gì, nghĩ đến việc phải
quét dọn làm gì, cho...vương vấn những xót xa, gom lá lại để đổ vào máy nghiền, là chuyện phải làm để được trả lương, em làm chưa xong mà đã hết giờ thì người làm sau lại
tiếp tục, muốn thế này hay không muốn thế kia cũng không được, vậy thì...băn khoăn, thao thức làm gì... Ðó là quan niệm sống từ lâu của tôi, nhưng tôi không nghĩ rằng quan niệm ấy thấm nhuần vào Huyền đến mức độ như vậy. Tôi hiểu sự việc mà Huyền vừa lý giải chỉ là một điển hình nhỏ để từ đó mà suy nghiệm ra cho vô vàn sự việc của cuộc sống phức tạp muôn vẻ muôn màu...
Ðến khu công viên, hai anh em ngồi vào nơi bậc thềm tâng cấp dưới một tàn cây rộng bóng.
Lúc này, gió chỉ còn xao động heo may. Nơi thảm cỏ bên kia lối đi chính từ đường Clay dẫn
vào tòa Cao Ốc, một công nhân cũng cùng đồng phục như Huyền đang dùng máy thổi cá nhân để thổi dồn lá rụng vào một góc. Anh ta làm từ tốn, khoan thai, và khi đến cạnh bức tượng bán thân bằng đồng của một thẩm phán người da mầu được đặt trong một buổi lễ vinh danh trang trọng cách đây hai năm, đã đứng nhìn lên trong giây lát với thái độ ngưỡng mộ, sùng kính. Từ hướng ấy mà tôi nhận ra được, trên thảm cỏ bên này đối diện với thảm cỏ có đặt bức tượng đồng, còn có một công trình nghệ thuật điêu khắc khác, đó là một khối đá hoa cương hình chữ nhật, với đường nét khắc chạm tình tế, theo trường phái hiện thực,
hình dáng một người đàn bà với chiếc bụng căn tròn mang tượng hình thai nhi bên trong.
Huyền nói với tôi, không hiểu ngẫu nhiên hay cố ý mà sự sắp đặt hai công trình nghệ thuật ấy đầy tượng trưng và sáng tạo: một đằng hình ảnh của chấm dứt, nhưng không là vĩnh viễn mai một, quên lãng; một đằng là tượng trưng của bắt đầu, của khởi nguồn, của sự sống đang nẩy mầm. Giữa "sự đã đi" và "điều đang đến" hình như không dứt đoạn mà chỉ có liên tục, nối tiếp, trộn lẫn vào nhau, bất dịch, bất biến...Trong cái suy nghĩ đã có thịnh, trong rực rỡ đã manh nha uá tàn, trong chồi lộc mơn mởn nẩy mầm giữa mùa xuân, đã thấy mầu xanh thắm đậm của lá ôm kín tàn cây và nay thì mùa thu đang ngự trị chuẩn bị cho mùa đông len bước về, lá đã chuyển sang vàng, sang đỏ, sang mầu nâu đen của tàn rụi khi lìa cành...Rồi tàn cây đầy bóng lá sẽ chỉ còn là những nhánh xương xẩu khẳng khiu, nhưng cũng trên những cành xương xẩu khẳng khiu ấy đã chập chờn như trong ảo ảnh những chồi, những lộc từ bên trong đang chuyển động cuộc sống nẩy mầm, vươn ra ngoài, khi đàn chim trốn lạnh từ phương nào đã lần lượt trở về lại chốn cũ cất lên những tiếng hát reo vui chào đón buổi đầu mùa...
Ôi, cái kiểu đắm mình vào cuộc sinh lão bệnh tử của đất trời, của con người, một cách đam mê, thản nhiên như vậy, đã khiến tôi cũng ngẩn ngơ phút giây. Thảo nào mà Huyền lúc nào cũng mang đầy dáng dấp của nồng nhiệt và bao dung. Bất chợt tôi nhìn ngắn Huyền phút giây, và dù chỉ trong phút giây cũng đủ ghi nhận được vẻ mặt rất hồn nhiên bình thản của cô em họ, dù tuổi đã gần sáu mươi, với mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc, và làn da đã hằn rõ nếp nhăn...
Tôi nói như tôi nghĩ mà cũng để tán dương Huyền rằng, cho dù có là bao nhiêu niên kỷ chăng nữa thì cũng hãy luôn luôn sống bằng tuổi hai mươi như ý tưởng đã phô diễn của một
triết gia nào đó tôi không còn nhớ được tên. Huyền cười, nhìn theo bóng cây đang rung rinh trên mặt sàn gạch theo luồn gió nhẹ vừa thổi qua, rồi bỗng nhiên hỏi tôi có còn nhớ gì đến những bài văn đã học, mô tả thu đông, mô tả mùa lá rụng, từ hồi ở trung học, của mấy mươi năm xưa không. Như nằm im trong tiềm thức nay được cơ hội khêu gợi dậy, tên của những nhà văn mà tôi từng ngưỡng mộ, yêu thích - do nghệ thuật diễn giảng truyền đạt của
mấy vị thầy học - chợt sống lại trong tôi. Thật không khó khăn gì để nhớ lại lời văn đầy
đằm thắm êm đềm của Thanh Tịnh " Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại ráo rức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường ...Tôi quên thế nào được, buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy giá lạnh, mẹ tôi âu yếm năm tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp..." hoặc như những lời đầy nhớ tiếc xa xăm của Anatole France, vẽ lại hình ảnh của hai mươi lăm năm trước đó, tác giả đang là một chú bé tí hon, bước những bước tung tăng như con chim sẻ, băng qua vườn Lục Xâm Bảo để đến lớp học trong ngày tựu trường. Anatole France đã như tâm tình cùng người đọc những lời thật giản dị chân phương mà đầy cảm động:.."Tôi sắp nói với các bạn đây những gì đã gợi nhớ trong tôi hàng năm, khi bầu trời xao động mùa thu mang
những lá vàng rơi rơi từng chiếc lá trên vai những bức tượng trắng..." Với quê hương, đất nước mình, tôi chưa hề biết đến khung cảnh làng Mỹ Lý trong Quê Mẹ của Thanh Tịnh, nhưng
với xứ sở người, tôi lại đã có dịp rảo bước khắp nơi trong khu vườn Lục Xâm Bảo ở trung tâm thành phố Paris. Thực ra, cũng chẳng một ai có thể đặt chân lên khắp nẻo non sông
xứ sở của mình, nhưng trong hoàn cảnh luân lạc tha phương, tôi nghĩ đến điều này như thể là một trớ trêu và làm sao mà không cảm thấy không dâng lên một chút sắt se trong lòng...
Tôi nói với Huyền là nơi mỗi người của thế hệ sáu mươi, bảy mươi, không ai là không thuộc nằm lòng những câu văn đầy tình cảm đó.


Ngồi với Huyền nơi công viên tòa cao ốc liên bang Oakland trong thời điểm nóng gió lúc đó, tôi không cảm nhận ngay được những êm mơ, thi vị của hình ảnh Huyền gợi nhắc, nhưng đã biết bao lần, rời khỏi xe Bart ở trạm Embacadero trên điạ đầu thành phố San Francisco để đi bộ mấy khu phố đến chỗ làm, vào lúc sáu giờ sáng, tôi đã ngây ngất trong đất trời mù sương; sương mù trôi lãng đãng, quấn quít trên những đỉnh cao ốc, bềnh bồng qua những tàn cây, có khi ôm kín cả một quãng đường dốc trên cao..., và hình như lần nào cũng vậy, tôi đã mơ màng đến cái khung cảnh "Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh..." để mà hình dung lại, ở đâu đó nơi thành phố Nha Trang của tôi, ở đâu đó nhiều lần nhưng đậm nét mãi trong ký ức là những lần trên con đường trước trường Trung Học Võ Tánh dẫn ra bờ bể, cũng có bao chiều sa mù từ biển thổi lên với gió lay động tàn cây để lá rụng xuống đầy trên lối đi, tôi đã cùng người yêu thuở ấy - để thành người vợ
hiện-nay nói hoài nói mãi những điều của tuổi trẻ mộng mợ..Tôi hay có những liên tưởng ấy để nghĩ rằng mình đang dạo bước trên quê hương của mình, và thực tế hơn, là để
quên được nỗi ngược xuôi vất vả trong cuộc sống đang xây dựng lại từ đầu, và từ đó mà giữ lòng thanh thản trước những đố kỵ, bon chen... Hai anh em vốn rất hiểu nhau từ bao mươi năm qua nên tôi không thấy có gì là ngại ngùng để kể cho Huyền nghe những suy tư, ý nghĩ rất...lãng mạn ấy của tôi. Vừa nghe Huyền vừa cười với dáng vẻ hoàn toàn cảm thông, dáng vẻ ấy còn như muốn cho tôi hiểu rằng, Huyền đâu có thua gì tôi trong cách sống như vậy.
Trong mối đồng cảm thanh thoát huyền diệu, Huyền và tôi cùng như thấy quá khứ luôn luôn lẩn quất quanh mình, quá khứ của cả dân tộc và quá khứ bao kín lấy riêng mình, quá khứ với vinh quang lẫn tủi nhục, có khi hưng khi phế, lúc thịnh lúc suy, hạnh phúc phan trộn khổ đau. Tuy nhiên mãi mãi hướng lên và tồn tại trong miệt mài đãi lọc vàng thau, ươm những tinh hoa của nhiệt tình và thiện ý, cùng lúc chôn dần vào khinh miệt tất cả những ngợi ca vốn do lọc lừa mà nên
dạng nên hình. Cả Huyền và tôi đắm chìm trong nỗi xa xăm ấy để được vuốt ve, tự hào, để thấy mình còn mãi là minh trong mọi nghịch cảnh, trong mọi nơi gió lộng, xoay chiều, từ giữa đất trời và cả từ trong cuộc nhân sinh, để bao giờ cũng hấp háy niềm vui khi đã hiểu ra sau thoáng cuồng phong là heo may thoáng mát, và hiển hiện trong tâm hồn một ngày mai đi lại trên lối quê xưa, trong bầu trời an lạc, từ phố thị đến làng thôn, không một chốn nào còn tồn tại bẽ bàng, xót đau...

Vùng Vịnh, Bắc Cali, tháng 9/98
Duy Năng
Không Tựa |

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên