Tên gọi Mùa Chay trong tiếng Việt Nam gợi lên hình ảnh của việc ăn chay. Hình ảnh ‘ăn chay’ được gặp lại trong ngôn ngữ các nước Đông Bắc Âu Châu: Fastenzeit (Đức); Fasta (Thụy Điển); Wielki Post (Ba lan). Trong khi đó thì các nước Tây Nam Âu Châu dùng một chữ bắt nguồn từ tiếng La Tinh, quadragesima, có nghĩa là bốn mươi (ngày), hay đúng hơn, (ngày) thứ bốn mươi: Carême (Pháp), mà trong tiếng Pháp cổ được viết là quaresme; Quaresima (Ý), Cuaresma (Tây Ban Nha). Riêng trong tiếng Anh thì Mùa Chay được gọi Lent, do chữ cổ lencten, có nghĩa là mùa xuân, hoặc do chữ lengthening days, những ngày kéo dài. Như vậy , các ngôn ngữ gợi lên những thực tại nhau về mùa này: hình ảnh về 40 ngày trong Kinh Thánh, việc giữ chay của Kitô hữu và khái niệm về thời gian qua hình ảnh mùa xuân mà mỗi ngày mỗi dài ra. Tên gọi này cũng gợi lên cách thức mà ta sống Mùa Chay.
Trong các giáo hội Tây Phương, Mùa chay là một khoảng thời gian 40 ngày ăn chay đền tội, để người tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng ngày Chúa Nhật Phục Sinh, lễ tưởng niệm biến cố nền tảng của Đức Tin Kitô giáo.
Vì lễ Phục sinh quá quan trọng đối với Đức Tin của người Kitô hữu, nên cần phải có giờ để chuẩn bị đón mừng lễ ấy. Vào cuối thế kỷ thứ tư thời gian này được tính là 40 ngày ăn chay cầu nguyện.
Thời điểm này là lúc mà Hoàng Đế Constantin ở Rôma cho phép Kitô giáo được tự do thể hiện nếp sống đạo của mình, nên số người trưởng thành gia nhập Kitô giáo rất đông. Thế nhưng, mỗi năm giáo hội chỉ cử hành bí tích Thanh Tẩy chỉ một lần duy nhất là vào đêm vọng Phục Sinh. Vì thế những dự tòng cần phải học giáo lý và cầu nguyện trong một thời gian 6 tuần trước đó để chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Tuy nhiên, 6 tuần thì chỉ mới có 36 ngày, bởi lẽ những ngày Chúa Nhật thì Kitô hữu không giữ chay, vì vậy Giáo hội thêm bốn ngày trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, và như thế ngày khởi sự cho Mùa Chay luôn luôn là ngày thứ tư.
Từ ngữ Quadragesima cũng có thể hiểu là 40 giờ. Đấy là thời gian mà người dự tòng phải ăn chay (theo nghĩa là nhịn đói hoàn toàn) trước khi chịu phép rửa vào đêm Vọng Phục Sinh, nghĩa là nhịn đói từ sáng thứ sáu đến khuya thứ bảy.
Nhưng vì sao lại 40?
Con số 40 có một ý nghĩa đặc biệt trong Kinh Thánh. Nạn đại hồng thủy kéo dài 40 ngày (St 7, 17-18); Môsê và Êlia đã sống 40 ngày trong hoang địa (Xh 24, 18; 1V 14,16); dân Do Thái đã thông qua 40 năm sa mạc để tiến về Đất Thánh (Xh 16, 35); Giôna đã cho thành phô Ninivê 40 ngày để ăn năn sám hối (Gn 3, 4.6).
Riêng Chúa Giêsu, Ngài đã sống chay tịnh trong hoang mạc 40 đêm ngày trước khi khởi đầu sứ vụ của mình (Mt 4, 1tt). Thời gian này là thời gian để Ngài chiêm niệm, suy tư và chuẩn bị. Vì thế, qua việc giữ Mùa Chay, đa số Kitô hữu cũng theo chân Chúa để đi vào ‘sa mạc’.
Về phương diện lịch sử, Mùa Chay không chỉ là mùa chuẩn bị Thanh Tẩy cho tân tòng mà còn là Mùa đền tội cho những tín hữu đã có những hành vi tự ý tách mình khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội, nghĩa là không còn được chia sẻ bữa tiệc hiệp lễ. Nhờ đó họ sám hối và có thể trở chia sẻ bánh thánh vào ngày thứ năm tuần thánh, trong một nghi lễ đền tội công khai.
Dần dần, mùa này cũng là một mùa cao điểm để hoán cải và hồi sức đối với những người muốn kết hiệp với Chúa một cách khăng khít và mãnh liệt hơn, dù họ không bao giờ bị loại ra khỏi bàn thánh.
Nhưng ‘nghi thức đền tội công khai’ có nghĩa là gì? Vào những thế kỷ đầu tiên, những tín hữu nào đã phạm một tội trầm trọng và có thể trở nên cớ vấp phạm cho người khác, thì họ bị ngưng sinh quyền dự thánh lễ một thời gian nào đấy. Ngày thứ tư trước tuần lễ thứ nhất Mùa Chay, Giám Mục rắt tro trên đầu họ trước sự hiện diện của toàn thể cộng đoàn, rồi ngài ra việc đền tội cho họ và đưa họ đến cửa nhà thờ để ‘trục xuất họ’ trong khi cộng đoàn cầu nguyện cho họ. Việc hòa giải và tái sáp nhập và Giáo Hội (mà có trường hợp phải trải qua nhiều năm!) xảy ra vào thứ năm tuần thánh tại Rôma và tại Gaule (Nước Pháp ngày xưa); vào thứ sáu tuần thánh tại Milan và tại Tây Ban Nha. Như thế, vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, những người đền tội có thể chia sẻ trở lại Mình và Máu Chúa Kitô.
Dần dần, việc xức tro không chỉ dành riêng cho những người bị ‘vạ tuyệt thông’ muốn sáp nhận trở lại với Hội Thánh Thông Công, nhưng mở rộng cho mọi tín hữu, bởi lẽ không ít thì nhiều, mọi tín hữu đều cần phải có thái độ thống hối để hiệp thông với Chúa Kitô Phục Sinh một cách sâu xa hơn. Và kể từ thế kỷ VIII, ngày thứ tư đầu Mùa Chay được gọi là Thứ Tư (lễ) Tro (Ash Wednesday – Mercredi des Cendres).
Đối với chúng ta ngày nay, dù chúng ta sống Mùa Chay một cách thoải mái hơn so với thời kỳ đầu của Giáo Hội. Kỷ luật đối với tân tòng, việc đền tội công khai cũng những việc hãm mình ăn chay gắt gao của thời trước đã thoáng hơn rất nhiều. Dù sao đi nữa, Mùa Chay vẫn là thời gian cầu nguyện, ăn chay, đền tội, phạt tạ, để chuẩn bị cho tâm hồn chúng ta hoán cải, hầu đón nhận ơn cứu độ đời đời mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Ngoài ra, Mùa Chay cũng là mùa để chia sẻ và phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người chịu thiệt thòi và bị bỏ mặc. Trong sứ điệp mùa chay năm nay, Đức Thánh Cha kêu gọi Kitô hữu hướng lòng đến những người cao niên●

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên