Sự Cải Cách Công Giáo (1500-1650)
Chắc chắn là Giáo Hội Công Giáo cần phải cải tổ vào năm 1500, khi bắt đầu nhen nhúm sự Cải Cách Tin Lành. Có nhiều người Công Giáo đã cố gắng canh tân Giáo Hội trước cả Luther và đã đạt được ít nhiều thành công. Ðức Hồng Y Jimenes de Cisceros, vị lãnh đạo Công Giáo Tây Ban Nha từ 1495-1517, đã đem lại nhiều cải tổ trong Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha. Ở Ý, tổ chức Hội Dòng Về Tình Yêu Thiên Chúa, được thành lập ở Genoa năm 1497, là một hội đoàn do giáo dân tổ chức để nên thánh và phục vụ tha nhân. Những người Công Giáo như Erasmus ở Rotterdam và John Colet ở Anh đã công khai lên tiếng, than thở về sự suy đồi tâm linh của Giáo Hội Công Giáo. Công Ðồng Latêranô V đã phê chuẩn nhiều sắc lệnh cải tổ.
Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo, kể cả đức giáo hoàng, đã không coi trọng việc cải tổ Giáo Hội cho đến khi các cuộc cải cách Tin Lành bùng nổ một cách táo bạo và tách khỏi sự hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo. Một hậu quả tích cực của Cải Cách Tin Lành là nó đã làm phát sinh các nỗ lực cải tổ và canh tân một cách cần mẫn trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù người Công Giáo không thể đồng ý rằng việc chia cắt Giáo Hội của Ðức Giêsu là chính đáng, (và do đó cực lực chống đối các nhà cải cách Tin Lành), các nhà lãnh đạo và giáo dân Công Giáo trong thế kỷ mười sáu nhận thức rằng họ phải sám hối vì đã thất bại trong việc cải tổ. Họ bắt đầu tha thiết canh tân trong lòng Giáo Hội.
1. Canh Tân Qua Các Dòng Tu. Cuộc Cải Cách Công Giáo được phát động bởi việc thành lập các dòng tu và tổ chức mới, cũng như việc cải tổ các dòng hiện có. Một trong những quan tâm chính yếu của cuộc cải cách Công Giáo là việc tìm kiếm hàng giáo sĩ thánh thiện, hăng say và sống độc thân để dẫn dắt Giáo Hội trong sự canh tân. Dòng dẫn đầu là Dòng Tên, được sáng lập bởi Thánh I-Nhã ở Loyola năm 1534 và được đức giáo hoàng công nhận vào năm 1539. I-Nhã là một quân nhân Tây Ban Nha bị thương chân trong cuộc chiến năm 1521. Trong thời gian bình phục, I-Nhã đã đọc về cuộc đời Ðức Kitô và hạnh các thánh, và điều ấy đã đem lại cho ngài một niềm vui lớn lao đến độ ngài quyết định dành trọn cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa trong Giáo Hội Công Giáo. Sau khi được giáo dục kỹ lưỡng, I-Nhã đã tuyển sáu người để thành lập một tu hội -- trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo nổi tiếng. Bất kể những nghi ngờ thường xuyên của Tòa Thẩm Tra, sau cùng tu hội của I-Nhã đã được đức giáo hoàng chuẩn nhận. Vâng phục Giáo Hội Công Giáo và đức giáo hoàng là đặc điểm của Dòng Tên. Nhà dòng khởi sự bằng việc giáo dục người mù chữ và người nghèo, nhưng sau đó vài năm nhà dòng dạy cả các thái tử và vua quan. Các tu sĩ Dòng Tên cũng là các nhà truyền giáo vĩ đại; Thánh Phanxicô Xaviê đã đem Tin Mừng đến cho Ấn Ðộ và Nhật Bản năm 1541. Sau này, việc bảo vệ đức tin là công việc chính của các cha Dòng Tên. Thánh Phêrô Canisius ở Ðức đã viết sách giáo lý Công Giáo đến nỗi người Tin Lành cũng phải khen ngợi. Thánh Robert Bellarmine là một thần học gia nổi tiếng và là người hướng dẫn cuộc canh tân của Công Ðồng Triđentinô. Sau cùng, cuốn Rèn Luyện Tâm Linh của Thánh I-Nhã trở thành kinh điển của linh đạo Kitô Giáo và là nền tảng cho các cuộc tĩnh tâm của Dòng Tên cũng như để nhận thức tâm linh.
Mặc dù Dòng Tên trở nên dòng lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của cuộc cải cách Công Giáo, nhiều nhà dòng khác cũng góp phần canh tân Giáo Hội Công Giáo. Trong số này có Dòng Capuchin -- một nhánh biến cải của Dòng Phanxicô và chỉ đứng sau Dòng Tên về sự ảnh hưởng -- Dòng Thêatinô, Dòng Sômasca, và Dòng Thánh Phaolô (Barnabites). Các dòng tu nữ, như các nữ tu Ursulin (1535), cũng có ảnh hưởng trong sự canh tân Giáo Hội, cũng như các hội dòng (Oratory) -- là nhóm người cùng chí hướng để cầu nguyện và phục vụ mà trong đó có cả giáo dân. Hội dòng của Thánh Philip Nêri, thành lập ở Rôma năm 1517, rất nổi tiếng và rất có kết quả. Thánh Philip Nêri, vị thánh vui vẻ, quan thầy của giới trẻ và là nguồn cảm hứng cho mọi Kitô Hữu.
2. Công Ðồng Canh Tân: Công Ðồng Triđentinô (1545-63) và Các Hậu Quả. Mặc dù các tổ chức nói trên có ảnh hưởng tích cực, Giáo Hội Công Giáo vẫn cần ngồi lại với nhau để tìm cách canh tân qua các phương cách của một công đồng, nơi quy tụ các giám mục. Các giám mục cần đồng ý với nhau về cách đáp ứng với cuộc Cải Cách Tin Lành và những tiến trình cần thiết để cải tổ và canh tân Giáo Hội Công Giáo. Sau nhiều lần trì hoãn, Ðức Giáo Hoàng Phaolô III đã khai mạc Công Ðồng Triđentinô năm 1545. Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo, tỉ như Ðức Hồng Y Gaspar Contrarini, tìm cách hoà giải Giáo Hội Công Giáo với các giáo phái Tin Lành khác nhau, nhưng vào năm 1545, sự tách biệt giữa Công Giáo và Tin Lành còn quá sâu đậm và quá đau lòng để có thể hy vọng một sự hợp nhất trong Giáo Hội của Ðức Kitô ở Tây Phương. Do đó, Công Ðồng Triđentinô bắt đầu làm sáng tỏ và xác định những gì là giáo huấn của Giáo Hội, nhất là những điểm không được Tin Lành thừa nhận. Triđentinô xác nhận đức tin Công Giáo trong bảy bí tích do Ðức Kitô thiết lập; sự công chính hóa của một người là bởi đức tin được thể hiện qua công việc tốt lành hay bác ái; Thiên Chúa mặc khải cho Giáo Hội qua Phúc Âm và truyền thống tông đồ; và bản chất của Thánh Lễ là một sự tưởng nhớ hay tái diễn sự hy sinh duy nhất của Ðức Giêsu trên đồi Canvê xưa. Công Ðồng Triđentinô còn chấn chỉnh nhiều lạm dụng bị người Công Giáo cũng như Tin Lành lên án. Hình thức mua ân xá bị hủy bỏ và đề cao việc sùng kính các thánh và Ðức Maria một cách thích hợp. Một trong những thành quả quan trọng của Công Ðồng là hình thành hệ thống đào tạo chủng sinh. Mỗi một giáo phận sẽ thiết lập một chủng viện để đào tạo và giáo dục các linh mục. Kết quả là các linh mục triều có học thức hơn và tâm hồn thanh khiết hơn để rao giảng Phúc Âm và là gương sáng cho giáo dân.
Trước Công Ðồng Triđentinô đã có nhiều công đồng khác lưu tâm đến việc canh tân Giáo Hội Công Giáo. Nhưng Triđentinô thật khác biệt, vì hầu hết các sắc lệnh cải tổ đều được tiến hành và có hiệu lực. Mặc dù nhiều nhà cầm quyền và nhiều quốc gia đã tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo vì hậu quả của sự Cải Cách Tin Lành, một cách tổng quát, những người còn trung thành với Công Giáo đều tích cực hỗ trợ sự canh tân đạo Công Giáo. Hầu hết các giáo hoàng từ cuối thế kỷ 16 trở về sau đều coi sự cải tổ và canh tân tâm linh là điều tiên quyết, cũng như các giám mục, tỉ như Thánh Charles Borromeo, là tổng giám mục của Milan từ 1565 đến 1585. Thần Khí của Ðức Kitô và tin mừng của Người lại chan hòa một cách sung mãn qua Giáo Hội Công Giáo và được thấy rõ qua vị thủ lãnh trần thế và mọi phần tử của Giáo Hội.
Ðáng buồn là vì hậu quả của sự Cải Cách Tin Lành, Giáo Hội Công Giáo giờ đây không còn tính cách hoàn vũ như trước nữa. Giáo Hội phải thắt chặt kỷ luật hơn và nhận ra căn tính của mình, qua việc rút ra khỏi các sinh hoạt trần tục đến một mức độ nào đó để xác định lối sống và căn tính của Giáo Hội. Một số người nói rằng Giáo Hội Công Giáo trở nên một giáo hội thành trì -- biết rõ về căn tính của mình nhưng ở thế thủ vì sự chống đối của các giáo phái Tin Lành.
Tuy nhiên, một cái nhìn khác về Giáo Hội Công Giáo sau Cải Cách là hãy coi đó như một giáo hội đã được thanh luyện, canh tân, và phản ánh đời sống Ðức Kitô rõ ràng hơn. Ðó là một mùa xuân mới, mùa hoa đức tin bừng nở và nhiều người Công Giáo đạo đức hơn. Việc sùng kính Ðức Maria và các thánh được thanh lọc và canh tân. Công Ðồng Triđentinô khuyến khích người Công Giáo siêng năng rước lễ -- tối thiểu một tuần một lần -- và thường xuyên đi xưng tội. Việc thờ phượng Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể được khuyến khích qua các giờ chầu. Tuy Thánh Lễ vẫn còn được cử hành bằng tiếng Latinh hơn là tiếng địa phương, các sách lễ và những phương tiện sùng kính khác đã giúp giáo dân tham dự Thánh Lễ sốt sắng hơn.
3. Các Vị Thần Nghiệm Công Giáo và Các Thánh Hoạt Ðộng Xã Hội. Thời kỳ cực lực canh tân này còn được ghi dấu bởi sự xuất hiện đông đảo các vị thần nghiệm và các thánh. Khoa thần nghiệm là phương cách nhận biết Thiên Chúa một cách trực tiếp qua tâm trí hay linh hồn, nhận biết Thiên Chúa bằng con tim. Các vị lãnh đạo Công Giáo rất e dè về khoa thần nghiệm, vì sợ rằng khi quá chú trọng đến cảm nghiệm hay tâm tình cá nhân, rất có thể người giáo dân không nhận ra đó là sự lừa gạt của ma qủy hay ác thần. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tạo nên nhiều vị thần nghiệm vĩ đại trong thời kỳ này, nhất là ở Tây Ban Nha. Thánh Têrêsa ở Avila (1515-82) là một người Tây Ban Nha gia nhập dòng Camêlô khi hai mươi tuổi và sống một cuộc đời bình thường cho đến năm 1556. Vào lúc ấy, sau khi trải qua mười lăm năm khô khan trong việc cầu nguyện, Thánh Têrêsa có được một điều mà ngài gọi là sự hoán cải lần thứ hai, và bắt đầu cảm nghiệm cách cầu nguyện huyền bí -- nhiều khi được thấy hoăïc nghe tiếng nói của Chúa. Ngài trở nên người cực lực cải tổ dòng Camêlô, sáng lập dòng nữ tu Camêlô đi chân đất và mười lăm chi nhánh khác trước khi từ trần. Các sách của thánh nữ, gồm cuốn Tự Truyện, Ðường Trọn Lành, và Thành Trì Nội Tâm, được coi là kinh điển tu đức.
Thánh Têrêsa rất có ảnh hưởng đến một tu sĩ Camêlô người Tây Ban Nha khác, đó là John de Yepes (1542-91), thường được gọi là Thánh Gioan Thánh Giá. Là một vị thần nghiệm, đời sống thánh nhân phải đau khổ nhiều và ngài đã diễn tả phương cách đến với Thiên Chúa qua những tăm tối và đau khổ trong các sách của ngài: Ðêm Tối của Linh Hồn, Ðường Lên Núi Camêlô, Ca Vịnh Tâm Linh, và Sống Lửa Tình Yêu.
Giáo Hội Công Giáo Pháp sau thời Cải Cách đã tạo được nhiều vị thánh nổi tiếng, như Thánh Francis de Sales (1567-1622), Thánh Jeanne de Chantal (1572-1641), và Thánh Vincent de Paul (1581-1660). Thánh Francis de Sales là giám mục của Geneva, Thụy Sĩ từ 1602 đến 1622, ngài nổi tiếng là một cha sở giỏi và là một người thông minh xuất chúng. Cuốn sách của ngài, Dẫn Nhập Vào Ðời Sống Ðạo Ðức và Luận Ðề về Tình Yêu Thiên Chúa, là hướng dẫn tâm linh cho những người tầm thường muốn nên thánh qua các phương tiện đời sống hàng ngày. Qua sự rao giảng và văn bút của ngài, thánh nhân đã thu hút được hàng ngàn người Tin Lành Thụy Sĩ trở về với đức tin Công Giáo. Ngài được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh, và đặt làm quan thầy cho ba dòng tu.
Một trong những người bạn thân của Thánh Francis de Sale là Jeanne de Chantal, một goá phụ, là người cùng với Thánh Francis sáng lập Dòng Thăm Viếng năm 1610. Dòng nữ tu này đầu tiên hoạt động cho người nghèo và bệnh nhân, sau đó tận hiến cho việc cầu nguyện. Vào lúc từ trần, Thánh Jeanne de Chantal đã thành lập được tám chi nhánh.
Thánh Vincent de Paul rất hăng say trong việc canh tân và rất yêu quý người nghèo. Tu Hội Truyền Giáo của ngài là một dòng tu nhằm thúc đẩy lòng đạo đức của giáo sĩ Pháp. Ngài còn giúp sáng lập dòng Nữ Tu Bác Ái năm 1633, là dòng nữ đầu tiên tích cực hoạt động xã hội, chăm sóc người nghèo và người đau yếu. Thánh Vincent cũng tích cực trong công việc bác ái đủ mọi loại, tỉ như chuộc người nô lệ từ các tầu lao dịch. Ngài là quan thầy của mọi công cuộc bác ái.
4. Công Cuộc Truyền Giáo Khắp Nơi. Ngoài sự dồi dào của các vị thần nghiệm, giảng thuyết, và các thánh hoạt động xã hội, cuộc Cải Cách Công Giáo còn được ghi dấu bằng sự khởi đầu một giai đoạn truyền giáo lâu dài mà nhờ đó đã nới rộng Giáo Hội Công Giáo đến khắp các quốc gia trên thế giới. Trong thời Trung Cổ, có một vài công cuộc truyền giáo ra nước ngoài, tỉ như việc thiết lập Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa Lục Ðịa năm 1307 của tu sĩ dòng Phanxicô là Gioan ở Montecorvino. Tuy nhiên, Kitô Giáo còn hạn hẹp trong Âu Châu cho đến khi Christopher Columbus tìm ra Tân Thế Giới vào năm 1492 và khi người Bồ Ðào Nha đi thám hiểm Ấn Ðộ. Sau đó công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo như bùng nổ. Thánh Phanxicô Xaviê, dòng Tên, là người đầu tiên đem Tin Mừng đến vùng Viễn Ðông năm 1542, và sau đó không lâu, ngài được tiếp nối bởi các cha dòng Tên, Matteo Ricci, người viễn chinh đến Trung Hoa năm 1581, và Robert de Nobili, người đã theo lối sống của Bàlamôn để đem đức tin Công Giáo vào Ấn Ðộ. Công cuộc truyền giáo thành công nhất ở Á Châu là Phi Luật Tân, nơi đây một giám mục được tấn phong vào năm 1581. Ngày nay, người Công Giáo Phi chiếm đến 80 phần trăm dân số.
Ðể khích lệ nỗ lực truyền giáo, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin vào năm 1622. Bất cứ các nhà thám hiểm đến đâu thì các nhà truyền giáo cũng đến đó. Bất kể sự tàn ác của người Tây Ban Nha xâm lược ở Tây Bán Cầu, các nhà truyền giáo thường tranh đấu cho quyền lợi của người bản xứ ở vùng Trung và Nam Mỹ Châu. Họ giáo dục và lo cho các sắc dân ở Tân Thế Giới, cũng như hoán cải những người này. Cuộc truyền giáo sáng chói nhất của Công Giáo Tây Ban Nha là Bartholomew Las Casas (1474-1566), vị tu sĩ dòng Ðaminh này đã băng qua biển Atlantic mười bốn lần để bảo vệ quyền lợi chính đáng của thổ dân đối với nhà cầm quyền Tây Ban Nha, và Thánh Turibius, đức tổng giám mục của Lima, Peru từ 1580 đến 1606, người bảo vệ các quyền tự do của người da đỏ và da đen, ngài dạy bảo họ, và chuyển dịch kinh sách sang tiếng thổ âm. Năm 1588, linh mục Joseph Acosta dòng Tên, người đầu tiên viết về quan điểm truyền giáo kiểu mới và khuyến khích việc đào tạo linh mục người bản xứ. Các linh mục dòng Tên còn thiết lập các ngôi làng, như ấp chiến lược, cho người Paraguay mà từ đó đã trở nên trung tâm thờ phượng và sinh hoạt chung rất tốt đẹp.
Ở Bắc Mỹ, người Pháp chiếm Gia Nã Ðại làm thuộc địa, và các tu sĩ dòng Tên cũng như dòng Phanxicô tích cực truyền giáo cho các bộ lạc người Huron, Algonquin, và Iroquois. Máu các vị tử đạo đã in vết trong nỗ lực hoán cải những dân tộc này, tỉ như cái chết anh hùng và đẫm máu của các linh mục dòng Tên, Isaac Jogues (bị tử đạo bởi người Iroquois năm 1646), Jean de Brebeuf, và những vị khác. Trong khoảng thời gian từ 1625 đến 1640, Jean de Brebeuf đã rao giảng cho trên mười ngàn người da đỏ Huron và giúp hoán cải phần lớn sắc dân này. Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đến nơi mà ngày nay là vùng tây Hoa Kỳ, từ đó nhà truyền giáo Eusebio Kino đã hoạt động ở New Mexico và linh mục Junipero Serra dòng Phanxicô đã thành lập các trung tâm truyền giáo dọc theo bờ biển California, nhiều trung tâm vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Kết Luận
Ðâu là kết quả sau cùng của cuộc Cải Cách Công Giáo và Tin Lành? Giáo Hội Công Giáo bắt đầu cải tổ qua ơn sủng của Thiên Chúa. Cuộc cải tổ của Công Giáo nhấn mạnh đến ba điểm: đạo đức (hình thức mới trong sự thờ phượng), kỷ luật (chấn chỉnh những lạm dụng và thanh lọc đời sống Công Giáo), và học thuyết (làm sáng tỏ các tín điều Công Giáo). Sử gia Thomas Bokenkotter đã nhận định về các kết quả canh tân này như sau:
Vào lúc kết thúc Công Ðồng Triđentinô năm 1563, giáo phái Tin Lành đã tràn lan trên một nửa Âu Châu. Tuy nhiên, chiều hướng này đã đảo ngược vào cuối thế kỷ. Với việc công bố các sắc lệnh của Công Ðồng Triđentinô và sự bộc phát luồng sinh khí mới trong Giáo Hội Công Giáo -- đặc biệt được thể hiện qua các tu sĩ dòng Tên và sự phục hưng giáo triều -- Giáo Hội Công Giáo bắt đầu giành lại được nhiều phần lãnh thổ. Ba Lan quay trở về với Công Giáo; một phần lớn của nước Ðức, Pháp, và nam Hòa Lan đã hiệp thông với Tòa Thánh, trong khi Tin Lành không có sự tiến bộ khả quan nào sau năm 1563. Và công cuộc truyền giáo của Công Giáo ở nước ngoài đã bù đắp cho những mất mát đau thương ở Âu Châu.
Trong khi Phúc Âm được loan truyền cho đến tận cùng trái đất bởi các nhà thừa sai Công Giáo trong tiền bán thế kỷ mười bảy, Âu Châu đã đắm chìm trong các cuộc chiến tôn giáo cay đắng giữa người Công Giáo và Tin Lành và giữa các quốc gia theo Tin Lành. Cuộc chiến sau cùng xảy ra ở nước Ðức. Cuộc chiến Ba Mươi Năm (1618-1648) được chấm dứt bằng Thỏa Ước Westphilia (1648), mà nó đã đem lại cho người Công Giáo, Luther, và Calvin ở Ðức sự bình đẳng trước pháp luật. Trên thực tế, mỗi quốc gia hay mỗi vùng trong nước đều có một "giáo hội" Kitô Giáo riêng của nó, và tín đồ của các giáo phái khác sống trong lãnh thổ đó thường bị bách hại trực tiếp hay gián tiếp. Mặc dù sau các cuộc tranh chấp đều có những thỏa ước, Kitô Giáo Âu Châu bị chia cắt thành nhiều bãi chiến trường mà trong đó tôn giáo là yếu tố then chốt. Tình trạng thê thảm này đưa đến việc tìm kiếm một "tôn giáo hợp lý" trong giai đoạn Kitô Giáo sắp tới.
Tuy nhiên, trong mỗi một vùng của Giáo Hội phân ly, vẫn có nhiều nơi mà Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô bừng cháy một cách chói lọi. Chắc chắn rằng Giáo Hội Công Giáo vẫn mong tìm ra cách củng cố đời sống Công Giáo ở Âu Châu cũng như để lan tràn đức tin Công Giáo trên toàn thế giới. Cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo đã vượt qua được những thử thách lớn lao và đã tồn tại với một sinh lực được đổi mới.
Ý Kiến Bạn Ðọc