Tác GiảKiều Phạm Duy (Bài Viết)
Thể Loại
Lời1. Ở VN, Cũng Nghe Minh Họa Kiều Của Nhạc Sĩ Phạm Duy...
Tôi là một người yêu nhạc của Phạm Duy từ hồi còn rất bé. Đã hơn ¼ thế
kỷ trôi qua, ở Việt Nam, dù những ca khúc do ông soạn hoàn toàn cố tình
"bị vắng bóng" trên các phương tiện thông tin đại chúng như radio, TV,
báo chí... nhưng trong các quán nhạc hay phòng trà, trong các gia đình,
âm nhạc của ông vẫn còn, người ta vẫn nghe, vẫn thuộc, vẫn chép lại lời
nhạc và quảng bá cho nhau...

Năm nay nhạc sĩ Phạm Duy đã 81 tuổi. Ông là một nhân vật có "tài nghệ
siêu quần" hay là "võ nghệ tuyệt luân" của đất nước Việt Nam trong lãnh
vực nghệ thuật. Người ta đã viết và đã nói về ông quá nhiều, tôi mường
tượng hình như nhạc sĩ Phạm Duy là người đã để cho "chảy nhiều mực
và tốn nhiều giấy" nhất trong lịch sử văn hóa nghệ thuật của nước Việt
Nam đương đại...

Ở Việt Nam, tôi cũng có nghe ngóng và theo dõi từng "đường đi nước
bước" của nhạc sĩ Phạm Duy ở nước ngoài (điều mà từ năm 1975 đến
giờ tôi vẫn làm). Tôi chờ đợi từng ngày Minh Họa Kiều II ra mắt như lời
ước hẹn của ông khi Minh Họa Kiều I xuất hiện cách đây vài năm...
Những nhạc khúc ông viết ra ở bên kia quả địa cầu, chắc ông cũng không
ngờ rằng ở quê nhà có nhiều người âm thầm đi tìm kiếm, sưu tầm, gìn
giữ quý giá tưởng như không gì còn quý hơn thế nữa. Tôi là một trong số
rất nhiều người Việt Nam ở quốc nội đã làm công việc đó...

Theo tôi, nhạc sĩ Phạm Duy có lẽ đã "thai nghén" chủ đề "Kiều" từ lâu lắm
rồi, dễ đến hơn nửa thế kỷ, chứ không phải chỉ gần đây ông mới có ý định
"kết thúc sự nghiệp" âm nhạc vĩ đại của mình bằng Minh Họa Kiều đâu.
Từ những ngày nào xa xưa lâu lắm, trong những ca khúc của ông, ông
thường nhắc đến "Kiều" và "yêu Nguyễn Du" nhiều bằng hoặc nhiều hơn
bất cứ ai ở nước Việt Nam. Như trong bài Tình Ca bất hủ của ông, viết
năm 1953, bài hát mà nhiều người rất thuộc:

Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi tiếng ru muôn đời
...
Một yêu câu hát truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà (mà lại) có duyên ...
(TÌNH CA - 1953) ...

Ông kể rằng ngày xưa hồi còn thơ ấu, những lời ru êm ái nhất ông nghe
từ người mẹ là những "tiếng ru muôn đời" của nước Việt Nam, trong đó
phần lớn là những câu thơ "Kiều ru" tuyệt diệu in sâu đậm nét trong lòng
ông: "thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi...". Thành thử về sau, khi soạn
Kiều Ca, ông đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại: "... tôi vẫn không quên mình là
người Việt Nam..."...

Cũng có lần nhạc sĩ Phạm Duy viết trong báo Nghệ Thuật, số 6, xuất bản
năm 1966 tại Sài Gòn, những cảm nhận của ông về tiếng lòng say sưa,
tha thiết, thành khẩn với mình với người của nàng Vương Thúy Kiều qua
ngón đàn tài tình của người "đệ nhất ca kỹ" mà ta tin chắc rằng đó cũng
chính là tiếng lòng của ông:
"... Tôi chỉ cho rằng mình đã tiếp nhận được của Nguyễn Du một thông
điệp : nhạc của nàng Kiều buồn lắm, làm đứt ruột người và đau lòng mình
: nhạc Kiều làm nao nao lòng Kim Trọng, làm say lòng Hoạn Thư, làm tan
nát lòng Thúc Sinh, làm Hồ Tôn Hiến phải chau mày rơi lệ...

Và cho đến khi nhạc Kiều hết sầu thảm và trở nên vui vẻ thì... hết truyện
Kiều: sau khi tái ngộ người yêu, và thể theo lời yêu cầu của Kim Trọng,
trình diễn xong một khúc nhạc vui, nàng Kiều cuốn dây đàn lại, hứa từ
này xin chừa không đánh đàn buồn nữa...
Nguyễn Du còn dạy tôi thêm điều này : Kiều đánh đàn cho người yêu
nghe, cho kẻ thù hay cho người nắm quyền lực nghe... cũng đều trình
diễn với một tấm lòng say mê, tha thiết, thành khẩn với mình, với người...

Ngoài ra, ta còn nhận thấy rằng, trong truyện Kiều, kẻ sĩ, nhà buôn, quan
lại, thích tài đánh đàn của Kiều và họ thích nghe âm nhạc... Còn vị võ
tướng họ Từ, trong suốt thời gian ở với Kiều, không một lần nào muốn
làm Chung Tử Kỳ như Kim Trọng, muốn hỏi đến nghề trúc tơ và bắt dạo
đàn cho Thức Sinh nghe như Hoạn Thư, hoặc muốn ép nàng vặn trục đàn
như Hồ Tôn Hiến.
Trượng phu khi xưa không ưa nghe nhạc buồn chăng? Vậy mà ông phải
chết đứng! Tội nghiệp!
Ta vẫn có thể nghiên cứu truyện Kiều để tin vào thuyết định mạng, nhưng
ta cũng có thể tin rằng thân phận nàng Kiều sẽ không đến nỗi quá bi đát
nếu tiếng đàn của nàng đầm ấm từ khi mới gặp Kim Trọng...".
(KHÓC CƯỜI THEO MỆNH NƯỚC - Nghệ Thuật số 6/1966 - Phạm Duy)

Rồi như trong bài Bình Ca 6 Ru Mẹ, viết năm 1973, ở đoạn điệp khúc ông
đã vẽ lên một hình ảnh rất thanh bình, rất giàu chất thơ, là đứa con Hòa-
Bình-Hai-Mươi-Tuổi-Việt-Nam hát ru bà mẹ Chiến-Tranh-Năm-Mươi-Tuổi-
Việt-Nam bằng những câu thơ Lục Bát tuyệt vời của Nguyễn Du, của Việt
Nam, mà ông gọi đó là những "câu thơ, vần thơ hòa bình":

... Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh
Con hai mươi tuổi hòa bình về chơi
Từ lâu súng nổ vang trời
Hôm nay in lặng cho đời ngẩn ngơ...
... Mẹ tôi giấc ngủ khó khăn
Xưa nay ru mẹ toàn bằng đạn bom
Mẹ ơi giấc ngủ muộn màng
Con xin ru mẹ một ngàn lời ru
Ầu ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ Sáu Tám hát cho hòa bình
Ầu ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ Sáu Tám hát cho hòa bình...
(BÌNH CA 6 RU MẸ - 1973)

Nhạc sĩ Phạm Duy đã rất am tường về cách thức người bình dân Việt
Nam "sống" với truyện Kiều trong sinh hoạt hàng ngày, như trong cuốn
Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam do ông soạn (NXB Hiện Đại - Sài
Gòn năm 1972) có đoạn viết:

"... Truyện Kiều đã tạo nên một lối ngâm hay kể Kiều. Khi không ngâm cả
một truyện thơ mà chỉ kể lại một vài đoạn, người ta gọi lối trích truyện thơ
ra để ngâm như vậy gọi là lẩy... Ngâm Kiều hay kể Kiều hay lẩy Kiều thì
vẫn dùng ngũ cung nhưng có hai nét nhạc: một chạy trên bộ do re fa sol
la, một chạy trên bộ re fa sol la do..."

Rõ ràng nhạc sĩ Phạm Duy đã "ưu tư" rất nhiều về truyện Kiều, ông yêu
truyện Kiều, ông thuộc truyện Kiều và hằng ngày ông nghiền ngẫm Kiều,
thảng hoặc có lúc nào rảnh rỗi biết đâu ông cũng ngâm nga "lẩy Kiều" hay
"bói Kiều" như bao người bình dân Việt Nam khác? Vả lại nếu như ông
không thuộc không yêu truyện Kiều, thì làm sao ông soạn nhạc cho Kiều
được, vì như ai ai cũng biết, lề lối làm việc của ông rất nghiêm túc, kỹ
lưỡng, cẩn thận, nhất là đối với một tác phẩm lớn của dân tộc Việt Nam là
Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du?

Đến năm 1977 ông lại nhắc đến truyện Kiều một lần nữa trong Nguyên
Vẹn Hình Hài:

... Ai có về biển dài cát rộng
Nơi công dân nào cũng làm thơ
Tôi hết thuộc lời vàng châu ngọc
Xin ru tôi nghe truyện Kiều xưa...
Quê hương tôi thi vị đầy trời
Con tim tôi luôn được đầy vơi...
(NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI - 1977)

Ông có ý nói rằng ở quê hương Việt Nam ai cũng yêu truyện Kiều và vì
vậy người dân Việt Nam rất thích và rất thành thạo niêm luật dễ dàng dễ
hiểu của thể thơ Lục Bát nên ai ai cũng làm thơ được... Thật đúng quá!

Gần đây, vừa nghe nói ông đã cho ra mắt Minh Họa Kiều II ở nước ngoài,
cũng như cách đây vài năm Minh Họa Kiều I đã được nhà báo Hoàng Phủ
Ngọc Tường viết khen ngợi trên tờ Tạp Chí Âm Nhạc Số 2 - 1998 phát
hành tại Sài Gòn có tựa là Đêm Nghe Kiều Ca Tại Paris... Tuy ở cách xa
Sài Gòn vài trăm cây số, nhưng tôi cũng đã cố đi lùng kiếm và may mắn
đã tìm được đĩa CD tác phẩm mới nhất này của ông.

Minh Họa Kiều II gồm có 11 bài, đó là: Người Đâu Gặp Gỡ - Lơ Thơ Tơ
Liễu - Cách Tường Một Buổi - Biết Đâu Hợp Phố - Đá Biết Tuổi Vàng -
Hán Sở Tranh Hùng - Tư Mã Phượng Cầu - Này Khúc Kê Khang - Chiêu
Quân Cống Hồ - Càng Tỏ Hương Nồng - Trăng Thề Còn Đó.

Bài nào nét nhạc cũng lạ, cũng hay, được thể hiện qua giọng ngâm trong
vắt, tuyệt vời, giàu biểu cảm của Thanh Ngoan, Thảo Hiền và được trình
bày bởi những giọng ca thượng thặng, sang trọng nhất, quý phái nhất của
cộng đồng Việt Nam của cả quốc nội, quốc ngoại hiện nay, đó là Ái Vân,
Duy Quang, Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Thái Thảo... Ngoài ra, còn phải kể đến
tài nghệ hòa điệu phối khí của nhạc sĩ Duy Cường - đã quyết định phần
lớn sự thành công của nhạc phẩm - làm người nghe rất lấy làm lạ lùng
thích thú vì chỉ có... một mình nhạc sĩ Duy Cường mà thôi (có lẽ phải kể
thêm giàn máy computer cao cấp nữa), nhưng những nhạc cụ dân tộc
như đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, tam thập lục, sáo trúc, song
loan, chiêng, trống v.v... lại được sử dụng rất điệu nghệ và hòa quyện với
nhau một cách tự nhiên, hài hòa, rất trau chuốt, điêu luyện và rất công
phu, rất gây ấn tượng, để tạo nên hình ảnh gần như thực thấy, đúng với ý
nghĩa của hai chữ "minh họa"...

Nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn Minh Họa Kiều khi đang ở nước ngoài. Đó là
một sự kiện đáng phải trân trọng. Vì rằng ngay ở trong nước, hiện nay
nhiều nhà phê bình âm nhạc đang lên tiếng cảnh báo về hiện tượng âm
nhạc có chiều hướng lai căng, mất gốc, xa dần "cội nguồn dân tộc"... Vậy
mà ở nước ngoài, chỉ có một mình nhạc sĩ Phạm Duy, đơn độc ông "trở
về nguồn" bằng một tác phẩm lớn, lớn như cái tâm của ông, như ngày
nào ông viết Trường Ca Con Đường Cái Quan hay Trường Ca Mẹ Việt
Nam vậy. Ông nhắc nhở tất cả mọi người Việt Nam rằng xin hãy nhớ
mình vẫn là người Việt Nam dù đang sinh sống ở đâu trên khắp thế giới,
rằng vẫn còn có nguồn cội để mà tìm về, rằng vẫn còn đó truyện Kiều bất
hủ của thi hào Nguyễn Du, để mà ngâm, để mà lẩy, để mà vịnh, để mà
bói, và bây giờ, nhờ nhạc sĩ Phạm Duy, còn để mà hát nữa.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn Minh Họa Kiều khi ông đã 80 tuổi. Đây là một
hiện tượng rất đáng khâm phục. Ở vào cái tuổi "đã nghe gần gũi nhạc
thiều âm ty" (Tình Thu - Phạm Duy) mà ông vẫn còn có đủ trí lực và sức
khỏe để viết, và viết cho tới-nơi-tới-chốn như Minh Họa Kiều I & II thì quả
là hiếm có lắm. Mấy người được như ông? Tôi nhớ có một bài viết của
nhà thơ Nguyên Sa có tựa: Phạm Duy - Đại Lực Sĩ cách đây gần 10 năm,
không ngờ sau 10 năm "danh hiệu" đó dành cho ông vẫn còn nguyên:
nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn là "lực sĩ" cả trong thể trạng và trí tuệ. Thật là
mừng sao, vì nhờ vậy mà hôm nay chúng ta mới còn được nghe Minh
Họa Kiều I và II của ông...
Ở Việt Nam, tôi cũng đã được nghe Minh Họa Kiều của nhạc sĩ Phạm
Duy...
Tôi rất vinh dự được làm một người Việt Nam và biết yêu Phạm Duy.

ĐỖ HÙNG
(Bình Thuận - Việt Nam - 23/1/02)

*****

2. Phạm Duy và Minh họa Kiều II ở Hoa Thịnh Đốn.

Thạch Miên


Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

"Không biết ba trăm năm sau, có còn ai khóc nhớ Tố Như hay không?"

Trả lời câu hỏi này đối với nhà thơ Nguyễn Du, một thi sĩ lỗi lạc bậc nhất
của Việt Nam, người ta đã không cần đến 300 năm sau, mà nhiều thế hệ
đã và đang tiếp tục truyền tụng tác phẩm đồ sộ của Nguyễn Du. Trong số
những người làm công việc ấy, những năm gần đây có nhạc sĩ Phạm Sĩ
Phạm Duy. Ông phổ những nét nhạc tài hoa vào cung đàn bạc mệnh của
Thúy Kiều, vì cho rằng trong các tác phẩm thi ca của dân tộc, truyện Kiều
của Nguyễn Du đã cho thấy một đời sống rất gần với thân phận Việt Nam,
một thân phận nổi trôi, truân chuyên, bão tố.

Hai năm trước, diễn tả hình ảnh của nàng Kiều khi gặp mộ Đạm Tiên
bằng nhạc trong Minh Họa Kiều I, Phạm Duy đã chinh phục dễ dàng giới
yêu chuộng âm nhạc Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Năm nay, chiều
Thứ Sáu 22 tháng 3 một lần nữa, người Rong Ca già 81 tuổi, tóc trắng
xóa, đã thu hút và tạo một ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa nơi người nghe ở
giảng đường 244 trường Luật Đại Học George Mason trong buổi nhạc
thoại với khoảng trên 150 thính gỉa mà nhạc sĩ xem là thân hữu đến nghe.

Gọi là thân hữu, vì từ khi hiền thê của nhạc sĩ Phạm Duy là ca sĩ Thái
Hằng qua đời vào năm 1999, ông có ý định giải nghệ. Ông không muốn
trình diễn nữa ở các nhạc hội, cũng không xuất hiện nữa trên các sân
khấu, tách riêng ông -- một người trình diễn -- ra khỏi người nghe là khán
giả. Ông chủ trương trong lộ trình từ Caifornia đến Washington DC hay
sang Âu Châu trình bày minh họa Kiều tới người nghe sẽ qua phương
thức ấm cúng hơn, đó là trong khuôn khổ hội ngộ bạn bè. Nhất là minh
họa Kiều I và Kiều II được Phạm Duy xem là loại nhạc giao hưởng, không
thích hợp trong một không khí đại nhạc hội có những tiết mục đa dạng.

Nhạc sĩ Phạm Duy gây không khí bằng phần dẫn vào những đoạn nhạc
được thâu sẵn trong dĩa. Dĩa nhạc là một công trình tập thể của một số
nghệ sĩ trong đó có một số người con của Phạm Duy. Dĩa nhạc được hòa
âm điêu luyện và chăm sóc bằng các kỹ thuật hiện đại nhất do Duy
Cường phối trí, với các giọng hát được nhiều người ưa thích như Thái
Hiền, Thái Thảo, Duy Quang, Tuấn Ngọc. Ca sĩ Ái Vân vừa hát vừa diễn
ngâm. Ngòai ra còn hai giọng ngâm sắc sảo của hai nghệ sĩ Việt Nam lão
luyện khác là Thanh Ngoan và Thảo Hiền. Dĩa nhạc nhờ các giọng ngâm,
tiếng hát của họ đã tạo nên một nhạc cảnh rất sống động, mặc dù trên
sân khấu của nhạc thoại, chỉ có một mình Phạm Duy làm công việc dẫn
giải và diễn tả.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, chủ tịch Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ,
trong phần giới thiệu nhạc sĩ Phạm Duy đã gọi ông là một "cổ thụ văn
hóa" và cho biết cộng đồng người Việt còn may mắn khi có giữa chúng ta
nhạc sĩ Phạm Duy. Khi ông Bích giới thiệu Phạm Duy năm nay đã 81 tuổi,
người nhạc sĩ có tâm hồn trẻ mãi không già đã lên tiếng chêm một câu
sửa sai ngay rằng ông mới 18. Nhạc sĩ Phạm Duy qua lời giới thiệu là
người trong ngũ tiền phong của tân nhạc Việt Nam và liên tục trong 60
năm qua đã có trên dưới 1000 nhạc phẩm. Sáng tác của nhạc sĩ Phạm
Duy rất phong phú vì có nhiều thể tài và thể loại.

Trong khuôn khổ của nhạc thoại, những lời trao đổi dưới dạng mạn đàm
do ông Nguyễn Ngọc Bích thực hiện, nhạc sĩ Phạm Duy đã có cơ hội đề
cập đến mục đích của ông khi làm công việc phổ nhạc Minh Họa Đoạn
Trường Tân Thanh. Ông nói Minh Họa Kiều là một công trình cuối của đời
ông, nhằm đạt mục đích xiển dương văn hóa, duy trì một nét độc đáo của
dòng thơ dòng nhạc Việt Nam dựa trên tác phẩm lẫy lừng của Nguyễn
Du. Kiều phản ảnh thân phận của người Việt và công việc làm của ông là
một nỗ lực giải oan cho số kiếp. Ông hy vọng Minh Họa Kiều là một đóng
góp xứng đáng vào lúc tình trạng sáng tác nhạc trong nước cũng như
ngoài nước trong những năm gần đây xuống thấp vì khá lai căng, từ nhạc
đến lời quá đơn giản, đôi khi ngô nghê, nếu không bị xem là chỉ có giá trị
văn công thì cũng chỉ là đáp ứng thương mại thời thượng chứ không tạo
sự khởi sắc cho nhạc Việt Nam.

Hẳn đã có rất nhiều người tham dự buổi nhạc thoại dễ dàng đồng ý ngay
với nhạc sĩ khi được nghe các phần trong Kiều I tức lúc Kiều gặp Đạm
Tiên, Kiều II tức lúc Kiều gặp Kim Trọng. Hai trong số bốn phần minh họa,
mà phần cuối là việc Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường. Nhạc sĩ
Phạm Duy cho biết ông gần hoàn tất phần III và chuẩn bị cho việc soạn
phần IV.

Tuy khán giả chỉ nghe dĩa nhạc, chứ không dự một buổi trình diễn có
người hát, có nhạc sĩ và nhạc cụ sống, nhưng phần trình bày mạch lạc và
rất hóm hỉnh duyên dáng của Phạm Duy dẫn người nghe qua trong 11
khúc của Kiều II đã khiến người nghe cảm thấy thích thú. Hiếm khi có
buổi nhạc thoại ở một sân khấu đơn sơ như thế lại có thể níu chân người
nghe đến gần 3 tiếng đồng hồ.

Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, minh họa Kiều khác với những loại nhạc ông
đã làm trong suốt 60 năm qua, không phải là nhạc tả thực như Trường Ca
Con Đường Cái Quan, không phải là nhạc ấn tượng như bài Mẹ Việt
Nam, không ẩn dụ như Bầy Chim Bỏ Xứ, không siêu thực như Trường Ca
Hàn Mặc Tử... Tính chất của nó và vị thế của nó nằm trong dòng nhạc
Việt và nhân loại là gì? Ông nói ông hiện đã tìm ra danh từ mà người Mỹ
cũng đã dùng đó là một thứ mood-music. Phạm Duy nhận định rằng thơ
Nguyễn Du rất xúc tích, chỉ trong hai câu lục bát thôi đã diễn ra rất nhiều
trạng thái. Trong một bản nhạc thông thường, nhạc sĩ chỉ cần đưa ra một
hay hai trạng thái là đủ. Bây giờ phổ nhạc thơ Nguyễn Du, ông cần rất
nhiều yếu tố để tạo ra rất nhiều trạng thái. Chẳng hạn phải dùng tiếng
ngâm theo điệu cổ truyền, phải dùng những tiếng đàn tranh, đàn nguyệt,
đàn bầu bên cạnh các nhạc cụ tây phương. Phải cần đến hòa âm, phối trí
của Duy Cường, ngoài giai điệu và nhạc pháp Phạm Duy, tất cả tạo nên
các trạng thái phù hợp với tình tiết.

Nhạc sĩ Phạm Duy tuyên bố rằng với Minh họa Kiều, ông cảm thấy sung
sướng vì đã làm cho nhạc Việt càng ngày càng thêm phong phú. Ông cho
hay ông còn sung sướng hơn nữa nếu người nghe hiểu rõ hơn về phần
nhạc thuật, để thưởng thức tác phẩm được vẹn toàn.

Điều đặc biệt của buổi nhạc thoại Phạm Duy ở trường Luật Đại Học
George Mason hôm thứ sáu, không phải chỉ có thế hệ lớn tuổi tham dự
mà còn rất đông khán thính gỉa trẻ hơn và họ có lẽ cũng là số người mua
dĩa nhạc nhiều nhất. Khoảng gần 80 dĩa nhạc minh họa Kiều được bán
hết ngay sau buổi nhạc thoại, với giá 20 đô la một dĩa. Buổi nhạc thoại do
Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ và Học Hội Phạm Duy tổ chức. Sau
sinh hoạt này, Phạm Duy sẽ đến Âu Châu để trình bày Kiều II ở Anh và
Pháp với vòng thân hữu Việt Nam.



Thạch Miên
03-27-02

*****

3. Phạm Duy - Con én đưa thoi

Bác Phạm Duy đến Paris giưã những ngày xuân rực rỡ. Trời xanh ngắt,
nắng tươi và ấm, hoa đào hoa táo chiú chít nở triũ cành. Sau bốn năm
không gặp, bác vẫn thế, có gầy hơn, nhưng khoẻ ra. Bốn năm, so với tuổi
đời tám mươi mốt cuả bác, hình như chỉ là một khoảng thời gian ngắn
ngủi, nhưng thật ra, đầy biến động: bác Thái Hằng mất, bác phải giải phẫu
tim, rồi cùng các con về Việt Nam vài lần, thăm miền Bắc sau năm mươi
năm xa cách, gặp lại miền Nam kể từ buổi chia ly tháng 04.1975. Bác
Phạm Duy đã hài lòng khi thực hiện được một trong những mơ ước cuối
đời, dù trễ hơn dự định đôi chút:
Hẹn em nhé,
Năm 2000 sẽ
Hai bên cưả hé
Cho anh trở về...
Việt Nam, cuối cùng, đã lại trở thành một trong những điểm đi-về trên con
đường viễn du vô định cuả người nghệ sĩ. Tôi nhìn bác, nghe bác, và chỉ
mong sao có được một nưả cái sinh lực cuồn cuộn nơi người đối diện.
Niềm yêu sống phát ra từ ánh mắt, miệng cười, những cái khoát tay, từ lối
nói ‘’lộng ngôn’’ hào hứng đầy thách thức, buộc người nghe phải luôn
cảnh giác theo dõi, không được có cái thái độ ơ hờ thụ động thứ nhất ngồi
lì, thứ nhì đồng ý (không hiểu sao, tôi lại liên tưởng đến nhà văn Nguyễn
Tuân cùng những giai thoại về ông, và nghĩ, nếu được sống như ý muốn,
có lẽ Nguyễn Tuân cũng sẽ có cách nói phớt đời như thế...). Niềm yêu
sống còn phát ra từ những dự định đường dài: thực hiện cho xong bốn
bức Minh Hoạ Kiều, những CD-ROM về âm nhạc Việt Nam, về gia đình
Phạm Duy... Kiều 1 đã hoàn tất từ bốn năm trước, lần này, bác Phạm Duy
đem thêm Kiều 2 đến giới thiệu với thính giả Paris đúng vào ngày thứ hai
Phục Sinh 01.04.2002 (*). Cũng là ngày giỗ đầu cuả nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn...
Hội trường chật người. Hơn hai trăm tâm hồn Việt, Pháp đi tìm lại Đoạn
Trường Tân Thanh cuả Nguyễn Du qua âm nhạc Phạm Duy. Nhưng theo
lời dẫn cuả chị Thụy Khuê, bác Phạm Duy muốn đây không phải chỉ đơn
giản là một buổi giới thiệu diã nhạc mới, mà thật sự là một buổi gặp gỡ,
trao đổi giưã các thế hệ. Mà đúng như vậy, bốn thế hệ đã cùng có mặt để
nghe và hát nhạc Phạm Duy: từ thế hệ 70-80 tuổi cuả các bác Phạm Duy,
Trần Văn Khê, qua thế hệ 50-60 tuổi cuả các anh chị Lê Tất Luyện-Thụy
Khuê, Phạm Trọng Luật-Miêng, Bạch Yến, Nguyễn Huy Thiệp..., đến thế
hệ 30-40 tuổi cuả chúng tôi và sau hết là thế hệ cuả bé Kiều Thụy, 6 tuổi,
vững vàng diễn tả trọn bài ‘’Hoa Xuân’’ trên sân khấu. Trong cái tất bật lo
lắng mong cho chương trình diễn ra đúng theo dự định, bên cạnh con
người huyền thoại ‘’Ngàn Lời Ca’’, các bạn tôi bất chợt tìm được những
nét rất ‘’đời thường’’ cuả bác Phạm Duy, cẩn thận chi ly trong vấn đề giờ
giấc, ‘’stress’’ đến độ quên cả chào hỏi, ăn uống trước giờ trình diễn, vì
chỉ lo chăm chú ôn lại những gì sẽ nói trước đám đông. Con người ấy,
chẳng vì tuổi tác, điạ vị, danh tiếng mà mất đi tính năng động, sự linh hoạt
vốn có từ trước. Không ngồi yên một chỗ, bác Phạm Duy có mặt khắp
nơi, chụp ảnh người bạn già Trần Văn Khê, người bạn trẻ Nguyễn Huy
Thiệp, chụp ảnh thính giả và đàn con, đàn cháu đang trình diễn trên sân
khấu. Phạm Duy là ngôi sao sáng kiêu hãnh, đồng thời, bác cũng là
người-bình-thường-như-tất-cả-mọi-người, tan hoà vào giưã đám đông.
Kiều 1, rồi Kiều 2 đến với người nghe qua lời giới thiệu cuả chị Thụy Khuê
và phần dẫn giải cuả chính tác giả Phạm Duy. Thính giả, có người ngạc
nhiên bắt gặp các giọng hát ‘’rất Tây’’ Thái Hiền, Thái Thảo, Tuấn Ngọc
trình bày nhiều đoạn Kiều bên cạnh hai giọng ngâm cổ Thanh Ngoan,
Thảo Hiền và cách hát luyến láy âm hưởng dân ca cuả Ái Vân, Duy
Quang. Có người thích thú trước lối ‘’cổ kim hoà điệu, đông tây tương
phùng’’ trong phần hoà âm cuả Duy Cường. Lại có người, trước đây đã
nghe Kiều 1 qua diã nhạc nhưng không thích, nay lại say mê theo dõi
những điệu bộ, cử chỉ, lời dẫn nhiệt thành nhưng không kém phần dí dỏm
cuả tác giả. Thính giả đã trở thành khán giả, buột miệng khen: ‘’Bố già
duyên dáng quá!’’ (có lẽ người phát biểu, con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn
Khánh, đến từ Hà Nội, đã không biết rằng trong thập niên 70 cuả thế kỷ
trước, giới trẻ Sài Gòn cũng đã thân mật gọi bác Phạm Duy như vậy...)
Thế là, sau khi Kiều cuả Nguyễn Du đã được vịnh, ngâm, lẩy qua vài thế
kỷ, người Việt thời hiện đại đã bắt đầu có thể cất tiếng hát Kiều bằng âm
nhạc Phạm Duy.
Nhưng, âm nhạc Phạm Duy không phải chỉ bắt đầu và kết thúc ở Minh
Hoạ Kiều. Chúng tôi, lớp con cháu, đã cùng nhau hát ‘’Tình Ca’’, ‘’Ru Mẹ’’,
‘’Hoa Xuân’’, ‘’Xuân Ca’’, ‘’Xuân Thì’’, ‘’Xuân Hiền’’. Hát nhạc Xuân Phạm
Duy khi đất trời Paris đang vào xuân phơi phới, còn gì hứng thú hơn? Thế
hệ nhạc sĩ trẻ: Ngô Càn Chiếu, Lê Hoài Anh, Mộng Trang, Trần Lê Khang,
Nguyễn Linh Quang cũng đã góp tiếng hát, tiếng đàn mừng xuân với các
sáng tác mới, như sẵn sàng tiếp nối ước mơ cuả người nghệ sĩ lão thành,
ước mơ đưa loài người đến một muà xuân vĩnh viễn.
Chương trình kết thúc, nhưng những hẹn hò cho một tương lai gần đã
chớm: mọi người chờ đợi Kiều và Thúc Sinh, Kiều với Từ Hải, sau khi đã
theo Kiều gặp Đạm Tiên, nghe Kiều thề thốt cùng Kim Trọng. Mọi người
chờ đợi con én Phạm Duy sẽ đem nàng Xuân Kiều đến với Paris nhiều
lần nưã, sau khi vươn cánh chao liệng khắp vòm trời thế giới để gửi gấm
muà Xuân Mới đến cho cuộc đời.

Cổ Ngư
Paris 04.2002

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên