Đỗ Đức Thu
Đâu biết rằng anh cũng chỉ là,
Khách chơi giây lát ghé chơi qua;
Rồi thôi níu áo không tình nữa,
Để mặc mình ai khổ ước mơ.

(Thế Lữ)

Ông Lâm lên đấy đã bảy, tám năm. Ông không muốn về miền xuôi nữa, vì ở đấy ít công việc, và vì một lẽ nữa quan trọng hơn: ông Lâm nghiện. Trên đường ngược, thuốc phiện rẻ.

Một nhà ga nhỏ về mạn Lào Kay. Hai gian làm chỗ ở của ông Lâm, xếp ga, một buồng của hành khách và một căn làm việc. Phụ việc với ông, có người phát vé và vài người phu kíp. Tất cả xã hội người hạ du có thế. Còn ít người nữa, nhưng họ ở rải rác tận trong núi, buôn bán với bọn Thổ Mán. Họ lên đấy cũng đã lâu lắm, trước ông Lâm. Không khí núi, cách sinh hoạt, chung đụng, đã làm họ gần người Thổ hơn người Kinh.

Mỗi ngày vài chuyến xe chở hành khách xuôi ngược. Những chuyến này thường qua về buổi sáng sớm hoặc chiều hôm. Thêm mấy chuyến chở hàng hóa. Một cái đầu máy đen ngòm, kéo một đoàn xe cũng đen hoặc xanh sẫm, trên thường trùm bạt, như một con rắn dài có từng đốt. Những chuyến này nặng nề, chậm chạp, không vui bằng những chuyến trên. Tuy họ không xuống đấy - vì hành khách lấy về chỉ là một vài người Thổ, Mán, quần áo chàm, đi từng ga ngắn - nhưng nhìn họ thò đầu ra ngoài cửa sổ, như quả lựu nứt nẻ để hở hạt bên trong, thì cũng vui mắt. ở một chỗ buồn quá, tịch mịch quá, bất cứ một vật cỏn con gì cũng thành cớ tiêu khiển được.

Những giờ khác, nhà ga nhỏ chìm đắm trong sự yên lặng, lẫn với phong cảnh đồng rừng. Phía trước, một cách đồng cỏ rộng trên có mấy con đường sắt. Rồi đến rừng. Một cánh rừng mênh mang với ngọn cây chi chít, gồ ghề, rồi sau hết, án ngữ phía chân trời, một dãy núi xanh om.

Đằng sau ga, lại rừng, núi nhưng rải rác đã có các bạn, các làng Thổ, và dân cư lác đác. Khói lam lách qua khe lá đã biểu hiện sự sinh hoạt loài người, nhưng ít ỏi, thưa thớt quá, lại làm tăng vẻ hoang mang vĩ đại của rừng rú.

ở những chỗ này, Tạo vật sống một cách mạnh mẽ, âm u. Một thân cây to lớn, cành lá rườm rà che kín một khu, có một sự sống mãnh liệt vì im lặng. Dây leo, rễ cây vươn những cánh tay dài, mỗi một tiếng lá, tiếng gió, là một giọng nói của rừng rú, vui vẻ hay ghê rợn tùy theo từng lúc.

Những ngày sương mù, hoặc những đêm mưa phùn, gió lạnh, mà không ai dám bước ra ngoài, quang cảnh lại càng ghê rợn. Các thú vật hoành hành trong giang sơn chúng. Thỉnh thỏang lại có tiếng gầm thét, bước chân đi trên lá sột sạt tới cạnh nhà, hoặc những cặp mắt sáng rình ngay bên dậu.

*
* *

Khi theo cha mẹ lên đấy, cô Lê mới lên tám, tóc mới để chấm vai. Cô bé tròn trĩnh, xinh xắn, ngày ngày học quyển vần quốc ngữ, quanh quẩn bên bà mẹ, theo xuống bếp, lên nhà.

Đêm nào không ngủ sớm, cô Lê ngồi bên bàn đèn xem ông Lâm hút thuốc phiện, hoặc nghe cha mẹ bàn tán những chuyện làm ăn mà cô bé không hiểu gì. Những ngày nắng ráo, Lê ra chơi ngoài bãi cỏ, bên đường sắt, đón những chuyến xe. Cô nhìn dấu hiệu bánh xe trên mũ bố, hay những người phu kíp quần xà cạp, cầm cờ xanh đỏ chạy lăng xăng. Xe đi khỏi, cô theo ông Lâm trở vào, đỡ chiếc còi cất vào ngăn kéo.

Có lúc Lê ra chơi nhà người bán vé, đã đứng tuổi và đã có vợ. Hoặc theo người phu kíp đi chơi quá vào phía trong, nhưng mẹ cô thường cho đi tìm về ngay.

Khi cô Lê biết đọc chữ quốc ngữ, ông Lâm gửi mua các báo chí ở Hà Nội. Đêm đến, bên cạnh bàn đèn lại có tiếng cô bé đọc báo, đánh vần từng chữ, dưới cặp mắt tươi cười của bà mẹ, và vẻ mặt lãnh đạm của ông Lâm. Ông để ý đến giọt thuốc phiện sôi trên ngọn lửa hơn là tin tức trong tờ báo. Ông chỉ nghe giọng cô Lê. Vả lại những tin tức đó, văn chương hoặc chính trị, cả đến tin vặt, đã mất hết ý nghĩa trên một cảnh đường rừng mà sự sống đã thu hẹp lại, người người chỉ nghĩ đến mình.

Ngày qua, tháng qua.

*
* *

Cô Lê đã mười lăm tuổi, đã thành một thiếu nữ xinh đẹp; một nhan sắc mộc mạc không cần đến trang sức. Má không thoa phấn mà trắng một vẻ hồng hào khỏe mạnh; môi đỏ thắm, không một vết son. Thêm thân thể nở nang, vì quen sống tự do giữa nơi quang đãng, đầy ánh sáng và không khí trong lành.

Những báo chí Lê xem không vô nghĩa như trước; mỗi tuần, Lê mong chuyến xe mang tờ báo cho nàng, rồi đọc rất chăm chú. Lê thấy một âm hưởng cuộc đời nơi thành thị, như mỗi chuyến xe qua lại đem cho nàng ít thi vị phương xa. Tin tức xã hội biểu hiện một cách sống quay cuồng, và tiểu thuyết ngôn tình gieo vào óc người con gái những ý vơ vẩn. Mỗi năm, Lê theo mẹ về chơi Hà Nội vài ngày. Nàng mang theo lên ít tiểu thuyết. Rồi ngồi cửa sổ, nhìn ra rặng núi xa, Lê tưởng lại cảnh nàng đã thấy: những trai gái ôm nhau khiêu vũ, hoặc khoác tay nhau qua lại trong các phố đầy ánh điện; một kiểu áo, một chiếc nón mới, và tưởng tượng ngay chiếc nón đó trên đầu.

Cảnh êm lặng bên ngoài càng làm rõ sự rạo rực của một trái tim bắt đầu trở dậy. Nhưng còn là những hoài bão, những ý nghĩ vẩn vơ chưa chủ định, nó tản mát, bao phủ cả sự vật chung quanh. Những đêm trăng, Lê lặng ngắm dẫy núi in hình lên bầu trời, hay phảng phất chút bụi vàng trên ngọn cho đến lúc sương đêm dệt chiếc màn trắng đục che lấp. Một nỗi buồn dần thấm vào tâm hồn. Lê thờ ơ nhìn ông Lâm nằm hút thuốc; bà mẹ thường đi ngủ sớm với đứa con mới đẻ sau.

Một hôm, chuyến xe chở khách ở Hà Nội lên phải đỗ lại đó rất lâu. Bọn tài xế loay hoay với chiếc máy hỏng trong khi người soát vé vào ga đánh dây thép. Như một thú vật bị thương, chiếc đầu máy phun khói, nước ra ngoài, tiếng vang đến trong ga. Trời đã về chiều, một buổi chiều mùa đông lạnh giá, thêm chút mưa phùn. Hành khách nhiều người xuống đất đi lại. Họ đã bị co ro trong hơn hai trăm cây số. Họ thờ ơ nhìn phong cảnh, nhưng khi nhìn đến đoàn tàu chậm thì thêm vẻ bực tức.

Lê ngồi trong nhà nhìn ra. Một người đàn ông trong xe hạng ba bước xuống, đến cạnh cha nàng nói chuyện. Rồi hai người cùng đi vào ga. Cánh cửa xịch mở, ông Lâm bảo Lê:

- Con rót nước mời ông xơi.

Và quay lại khách:

- Có lẽ còn lâu mới đi được, ông ngồi chơi cho đỡ rét.

Ông Lâm ra ngoài.

Lê vội đi rót nước, và ngẩng nhìn khách. Một thiếu niên vạm vỡ; trong chiếc áo tơi rộng cổ kéo tận tai, như ẩn một thân thể cường tráng. Chiếc mũ dạ đội lệch che một cặp mắt tươi cười tuy hơi nghiêm nghị. Thiếu niên tháo vội bao tay da, đỡ chén nước, và nói rất nhỏ:

- Cảm ơn cô.

Lê thấy giọng nói rất ấm áp. Nàng không dám nhìn thẳng nhưng vẫn để ý đến cử chỉ của thiếu niên. Chàng uống từng hớp nhỏ, như muốn hút hết hơi nóng trong chén nước. Chàng đi bách bộ, tò mò nhìn gian nhà. Khi chàng nhìn đến mấy quyển sách trên bàn, Lê hơi hồi hộp. Chàng quay lại:

- Cô cũng đọc những truyện này?

Lê lúng túng trả lời.

- Vâng. Tôi mới mua ở Hà Nội lên.

Lê có ý khoe rằng mới về Hà Nội, và sự sinh hoạt chốn Kinh thành cũng không lạ gì cho cô gái đồng rừng.

Thiếu niên như hiểu ý đồ:

- Quyển này mới xuất bản được vài tháng nay.

Chàng đưa mắt ra ngoài, rồi nhìn thẳng vào người con gái:

- Cô ở đây chắc buồn lắm?

Lê ngửng lên; thiếu niên có một dáng điệu mềm mại, đôi mắt hiền từ, nước da nhỏ, trắng biểu hiện một tâm hồn thanh tú. Lê cảm thấy người đứng trước hiểu được nàng, có thể là một người bạn. Nàng muốn kể hết những nỗi hiu quạnh, trống trải một chốn đường rừng mà chỉ trông thấy làn cây, rặng núi, nghe những tiếng chim muông. ý muốn đó dồn dập trong trái tim người con gái vẫn ngập ngừng. Tính rụt rè, bẽn lẽn trước đàn ông vẫn chiếm phần hơn. Lê vớ cuộn len lui vào chiếc ghế góc buồng.

Thiếu niên như ngạc nhiên thấy một bông hoa giữa lúc không ngờ. Mắt đen bóng, mỗi lúc nhìn lên lại như có điều muốn nói, tóc mai rủ ra ngoài khăn vuông sinh một bóng tối làm dịu đôi má hây hây đỏ, vì thẹn hay vì lạnh. Chàng chăm chú nhìn Lê:

- ở đây buồn quá. Trẻ và đẹp như cô, phải ở Hà Nội mới phải.

Lê vui sướng vô cùng. Lần thứ nhất nàng được nghe một người đàn ông khen nhan sắc mình. Trong lòng thấy ấm áp, máu chạy mạnh thêm. Nàng muốn cảm ơn thiếu niên và lại càng tin rằng chàng hiểu được mình, nhưng ngần ấy cảm giác chỉ thành một câu trả lời rất xẵng:

- Mời ông xơi nước.

Thiếu niên yên trí rằng cô gái không bằng lòng. Chàng nghĩ thêm: "... và mời ông đi ra cho. Con gái mạn ngược có khác, không lịch sự tý nào. Dễ thường tưởng mình trêu hẳn?" Chàng bĩu môi cầm chén nước uống cạn.

- Ông lên Lao Kay?

Giọng nói đã bớt gay gắt. Sắp quay ra, thiếu niên dừng lại:

- Vâng, thưa cô tôi đi Lao Kay. Tầu chậm thế này thì không biết bao giờ mới đến.

Lê đứng dậy rót chén nước nữa:

- Thưa ông lên làm hay lên chơi trên ấy?

Chàng cười rất thẳng thắn, mắt vẫn không rời Lê:

- Tôi lên thăm người bạn dăm hôm thôi. Tôi không đi làm đâu được, vì không bao giờ tôi muốn rời Hà Nội. Còn ít tuổi phải sống ở đấy, ở cái không khí tỉnh thành, kinh đô, chứ ở chỗ khác...

Mấy tiếng còi cắt câu nói; xe đã chữa xong, sắp chạy. Con mắt thiếu niên sáng lên; chắc chàng nghĩ đến cuộc hành trình nhiều hơn là câu chuyện phiếm. Lê không ngờ, chàng nắm lấy tay nàng, bắt tay mạnh:

- Cảm ơn cô.

Lê còn hỏang hốt thì người con trai đã chạy ra ngoài, chào người xếp ga và nhảy lên xe. Rồi thấy chàng ra đứng đằng sau nhìn xuống. Bánh xe quay: thiếu niên lẫn vào mưa phùn.

*
* *

Như ngày tháng, các chuyến xe lần lượt đi về. Mấy hôm sau, Lê lại chăm ra ngồi cửa sổ. Trời rét giá, ngày thêm ngắn lại. Như những con vật mà đầu máy là trái tim, và linh hồn là những hành khách, các chuyến xe mang theo biết bao tư tưởng của người thiếu nữ. Lê không nghe hết câu nói của thiếu niên nhưng đoán biết quãng dưới. "Chứ ở chỗ khác..."

Biết tâm sự nàng, họa chăng có cây cỏ, dãy núi tận chân trời, hay vừng trăng làm cho cảnh càng thêm lạnh. Lê hay đón những chuyến xe xuôi!

Bà Lâm như nhận thấy sự thay đổi của con gái, mà bà không hiểu vì cớ gì. Một tối, bà nói nhỏ với chồng:

- Con Lê nhà ta đã nhớn rồi, liệu cho nó về ở Hà Nội thôi.

Rút từ tập truyện ngắn Vỡ lòng,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1940
nước, ba ông... | những nỗi bực mình

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên