Đỗ Đức Thu
Tặng Đoàn Phú Tứ

Nếu cố tìm nguyên nhân nỗi buồn và khó chịu của Đức chiều hôm ấy, thì có lẽ tại trời đổi gió Bắc một cách đột ngột, tàn bạo quá. Nhiều khi tính tình người ta thay đổi vì những lẽ cỏn con rất lạ mà không ai ngờ đến. Một ngày nóng hay lạnh, một cảnh vui hay buồn, một chén cà phê khéo pha hay vụng, đôi giầy chật hay rộng, cả đến dáng điệu một người không quen ngẫu nhiên dẫn qua trước mặt; những cảnh ấy có thể kích thích đến thần kinh, làm cho người ta thành vui vẻ hay gay gắt, chán nản hoặc hăng hái, tươi hay sầu. Có lẽ vì thần kinh họ dễ bị xúc cảm quá.

Đã hạ tuần tháng chín, nhưng trời còn nóng lắm. Nhất là hôm trước, trời nóng và ẩm như lúc giữa hè khi sắp có cơn giông. Gió nồm hắt hiu không đủ làm tan cơn nóng bức. Phố xá đầy những người sơ mi ngắn tay, quần cụt ống, mấy nhà đồ len, dạ ngượng nghịu, lơ láo như sinh chẳng gặp thời.

Hôm sau, người ta đã chắc lại nắng bằng hôm trước. Sương sáng vừa tan, da trời đã xanh biếc, chỉ còn hơi đục ở tít đằng xa. Tia nóng óng ánh càng chếch lên cao, đổi ra màu bạc lỏng. Không một chút gió.

Đến gần trưa thì cảnh trời đổi hẳn. Một cơn gió Đông Bắc nổi, lớn mãi lên rồi giật thành từng cơn, vi vút lùa vào các ngọn cây, nóc nhà. Bụi ngoài phố bay với tà áo khách qua đường. Lá khô dưới đất cất lên cao, cuốn tròn như trong cơn lốc. Cùng trong lúc ấy, một làn mây đen xám từ phía Bắc tràn xuống, mạnh mẽ như nước vỡ bờ. Trong khoảnh khắc, trời đã đen kịt, gió dữ thêm, mây hạ xuống thấp, càng đen thêm làm tối rầm cả bầu trời. Mây trên đầu chỉ rình vỡ ra, người ta đợi một cơn mưa lớn. Nhưng chỉ mấy hạt lác đác đã đủ đổi nóng ra lạnh, hàn thử biểu sụt xuống bốn, năm độ, quang cảnh như một ngày mưa rét.

*
* *

Sự thay đổi thời tiết đó mà các nhà thiên văn học gọi là "lúc lập lại gió mùa Đông Bắc", riêng cho khí hậu bán đảo Đông Dương, đã ảnh hưởng đến Đức. Bộ thần kinh anh chàng như một đài thiên văn, não cân là các hàn thử biểu, phong vũ biểu, sẵn sàng ghi những sự thay đổi của trời đất. Từ đấy về chiều, trời âm thầm thì Đức càng thấy buồn rầu, bứt rứt. Một sự gì mới thay đổi trong lòng chàng. Đức thành gay gắt. Vì một chuyện cỏn con, anh chàng cau có với vợ, quát mắng đầy tớ ầm nhà. Chị vợ giương mắt nhìn chồng, rồi ôm đứa con nhỏ vào ngồi trong buồng. Người đàn bà hiền lành và nhẫn nại ấy đã quen với tính cáu kỉnh của chồng, và hiểu rằng trong những lúc đó điều hơn hết là yên lặng và lánh xa.

Sau cơn thịnh nộ, Đức tự biết mình vô lý, đứng tì thành cửa sổ nhìn ra đường. Những hạt mưa bụi phơ phất bay, lúc mau, lúc tạnh. Đã có một vài bộ đồ rét đi qua. Chàng thấy chướng mắt vì những người chưa chi đã đóng bộ vào, cố để diện hơn là vì lạnh. Rét nữa thì họ sẽ mang đến những thức gì? Đức sực nhớ đến bộ dạ của chàng còn nằm trên Vạn Bảo, và nghĩ rất nhanh đến sự phải đi chuộc về đưa hấp lại.

Đức thấy cần phải làm một việc gì. Trời chiều như vậy, đứng nhìn khách qua đường không đủ. Chân tay như ngứa ngáy, trong lòng thiếu thốn một sự gì. Chàng quay vào thay quần áo, vẫn cái bộ nực tha hàng ngày, và thắt thêm cái ca vát cho đỡ lạnh, chàng ra mở ngăn kéo: trong đáy ngăn nằm ngổn ngang mấy tờ giấy bạc với ít hào xu lẻ. Đức nhẩm đếm số tiền, tính xem với ngần ấy có thể làm được những trò gì rồi vơ cả nhét vào túi. Chàng úp mũ lên đầu đi ra.

Trời càng âm u thêm, thành phố đã sắp lên đèn. Gió đã ngớt, một hơi lạnh sẽ cắn trên da, Đức đi ngược lên đầu phố và sực nhớ rằng chưa định đi đâu. Có những lúc người ta tự không chịu được mình, không dám tự nhìn rõ tư tưởng mình: nó trống trải, ghê gớm, hay buồn tẻ quá. Đức, một người hay băn khoăn về sự sống, thường muốn tìm ý nghĩa cho việc nhớn và nhỏ xảy ra trong thế gian này, đang ở trong một lúc khủng khoảng ấy. Chàng muốn dấn thân đến nhà một người nào để làm phiền họ, cho đỡ trơ trọi, hay có bất cứ một người nào bên cạnh để chia những nỗi bực mình. Đức nhớ đến Nguyễn.

Phải rồi. Đi tìm thằng Nguyễn, kéo nó lại Th.M. phá Whisky hay Cognac cho cô bé ngồi quầy hàng phải hoảng như bữa nọ.

Lúc buồn mà nghĩ đến Nguyễn thì cái buồn đủ giảm đi một nửa. Nguyễn là người bạn vui tính, hay rượu và lúc tàng tàng thì có lắm câu chuyện ngộ nghĩnh. Đức ưa lối nói chuyện của Nguyễn, đầy những tiếng cầu kỳ, các bạn thường cho là anh chàng muốn lập dị. Đức nhớ lại bữa rượu ở Th.M. hôm tiễn chân Phú đi Trung Kỳ. Mấy người đánh ngã bốn chai Văn Điển, cười nói bằng cả một toán lính. Cô bé ngồi quầy hàng, mắt cúi nhìn cuốn truyện và vẫn nghe lóng, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười. Đến khi bọn say không còn kiêng nể gì, và nhất là sau khi hai người lính Tây vào, thấy ồn ào quá, phải rón mũi giầy quay ra thì cô đâm hoảng. Cô thất sắc, nhìn mọi người ngơ ngác, sợ một tai họa xảy ra trong hiệu.

Phải cho cô bé hoảng một chuyến nữa để nhìn vẻ ngơ ngác trong mắt cô và môi cô cắn bút chì. Sức rượu mình kém quá. Phải có Nguyễn mới làm nổi việc to tát ấy. Xong rồi, sẽ dùng hai chiếc xích lô, chở hai cái say qua thành phố xem hôm nay họ ăn mặc lố lăng đến bực nào!

Đã tìm được cái giết thì giờ, Đức thấy nỗi buồn tan đi, và chàng rảo bước cho chóng tới cuộc vui. Trời đất không nặng nề, mưa gió hết âm thầm. Đức như đã thấy hơi rượu ngấm trong các thớ thịt làm máu chảy mạnh thêm, và mấy cô hàng thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn trộm. Đến nhà Nguyễn: Nguyễn đi vắng. Đức còn đứng tần ngần, không muốn tin người đàn bà trả lời một câu rất gọn:

- Ông ấy đi vắng.

Đức lại lủi thủi dẫn bước đi. Chàng không muốn vào Th.M. không muốn uống rượu một mình. Chàng như đã có ước hẹn với anh em: mỗi khi một người trong bọn có tiền thì phải gọi nhau, dùng Th.M. làm nơi hội họp, cùng vui, bất kỳ tiểu ẩm hay đại ẩm. Đức và Nguyễn là hai người trung thành với điều ước ấy. Trong đời họ túng thiếu nhiều hơn là dư dật, nhưng thỉnh thoảng kiếm được món tiền, tuy không phải bằng mồ hôi nước mắt, nhưng bằng "óc và tim" nặn ra thì họ lại rủ nhau đến đấy ăn uống nói những chuyện khinh thế ngạo vật, vui vẻ và sung sướng hơn hết thảy các người giầu sang trên đời này. Gia nhân hiệu Th.M. đã quen thấy hai người cùng đến: Đức vào trước, lù lù như cái tầu thủy, Nguyễn theo sau, lắc lư cái đầu bù xù, nách bao giờ cũng cắp một mớ nhật trình. Hôm nay Đức đến một mình, trật tự đẹp đẽ ấy sẽ bị mất đi. Cô con gái và bọn bồi sẽ nhìn phía sau chàng để tìm Nguyễn, và khi không thấy sẽ cho chàng là thằng ăn mảnh.

Đức nghĩ: "Hay đi tìm Lương vậy! Lương không được vui lắm, ít nói; mình lại tìm cách chơi êm đềm vậy. Không ngồi, không đi thì nằm. Càng hay, mỗi tháng hắn đi chơi một vài lần, và hôm nay trời xấu thế này thì chắc có nhà. Tiếc thay Phú không có ở Hà Nội, Phú lại vui bằng mấy Nguyễn, có hắn, mình đỡ băn khoăn như thế này... Không bao giờ Phú từ chối một cuộc đi chơi: không việc gì, dù quan trọng đến bực nào, ngăn nổi. Đang dạy học mà cho bọn trẻ nghỉ để đi diễu phố với bạn, chỉ diễu thôi, quý đi chơi đến thế tưởng đã vào bậc nhất. Không tìm được hai người tâm tính như Phú. Con người đáng quý thực. Phải tìm ngay Lương để nói chuyện về Phú mới được."

Không may cho Đức, Lương cũng đi vắng. Lương mỗi tháng chỉ đi chơi một vài lần, nhưng lại nhằm chính ngày hôm ấy.

Cái linh hồn cô đơn ấy lại thui thủi qua các phố. Sự trống trải trong lòng làm hơi lạnh lọt vào. Đức thấy thiếu thốn mọi thứ: một cốc rượu, một người bạn hay một cái gì... Một cái gì mà chàng không tìm được đúng tên. Cùng yên lặng, chậm chạp như những bước đi, ý nghĩ của Đức từ chán nản dần dần đổi ra oán hờn. Anh chàng đâm ghét cả sự vật: ghét ngọn đèn sáng quá, ghét những người chung quanh có những nét mặt vô tư, si ngốc. Một cặp đi trái lại va phải chàng, anh đàn ông mặc đồ nực, chị đàn bà đã mang đủ cả áo tơi và khăn quàng. Đức ngoắt quay lại. Anh kia tưởng chàng sinh sự vội vàng xin lỗi.

Thực ra, Đức đang ngắm hai cái thế giới chàng vừa gặp, hai cái thế giới đi cạnh nhau, nhưng khác hẳn nhau, biểu lộ ra hai bộ quần áo. Chàng nghĩ rằng đôi trai gái ấy, không bao giờ hiểu nhau, như chàng với xã hội chung quanh, nhưng họ vẫn cùng đi với nhau mãi mãi. Chàng cũng phải sống mãi cái đời này, và chịu những nỗi bực mình.

Đức dừng bước, nhìn một bức tường đầu quảng cáo chiếu bóng, và có một ý nghĩ! Hay đi xem chiếu bóng để thổi khói thuốc lá vào mũi người ngồi bên cạnh?

Bình nhật Đức không ưa lối tiêu khiển ấy, nhưng lúc này chàng không chọn được món gì hơn. Đức đọc mấy cái quảng cáo, chọn lấy một rồi ra nhà chiếu bóng.

Có những ngày người ta động làm việc gì là hỏng việc ấy, gặp toàn những chuyện không hay. Đi đánh bạc thì bị thua, ngắm phong cảnh thì trời mưa, đi xe đạp: nổ lốp hay đụng phải xe hơi; đi sắm vật, kẻ cắp rút mất ví tiền, và có ai mời đi ăn thì y như đau bụng. Ngồi không ở nhà cũng bị vợ con hay hàng xóm quấy rầy. Người mê tín đã cho hôm ấy là ngày tuổi.

Lúc đến nhà chiếu bóng thì thấy đông như cả Hà Nội đã rủ nhau lại đấy. Chàng ngao ngán nhìn họ xô nhau trước chỗ bán vé, thấy cái thú cuối cùng tan mất. Người đọc đến dòng này chắc đã hiểu rằng Đức không phải là thứ người ưa thích khuỷu tay để lấy một tấm vé. Chàng đành đứng nhìn, lấy thuốc lá hút thì thấy trong bao đã hết. Đức lại lủi thủi quay về.

Trời mưa mau, nặng hạt. Đức không nghĩ đến chuyện thuê xe, yên lặng, chậm chạp dần từng bước trên vỉa hè đã vắng người.

Nước trên mũ anh chàng nhỏ xuống từng giọt, rồi nước ngấm vào trong giầy. Đức thấy lạnh bàn chân và ống quần dính vào đầu gối. Chàng thè lưỡi liếm hai môi đã ướt và vẫn đủng đỉnh bước.

Lúc Đức về nhà thì đã khuya lắm và đương mưa to. Quần áo anh chàng không còn chỗ nào khô, hắn tái mét và run như tầu lá. Chị vợ, người đàn bà hiền lành và nhẫn nại, vội vàng thay áo cho chồng. Trong công việc ấy, chị chàng thỉnh thoảng e dè nhìn lên, vẫn sợ chồng gắt, và bực mình với anh chồng tâm tính như con nít.

Rút từ tập truyện ngắn Nhà bên kia,
Nxb. Cộng lực, Hà Nội, 1942
Nỗi buồn của cô Lê | nhà bên kia

 


Ý Kiến Bạn Ðọc
 
Tên